Kênh truyền hình âm nhạc: Dễ mà khó!

14/05/2014

Hiện tại, những kênh truyền hình có thời lượng dành cho lĩnh vực âm nhạc hơn một nửa vẫn còn khá ít. Đặc biệt, các kênh truyền hình này vẫn xem khán giả trẻ là đối tượng chính. Thời gian qua, chính những kênh truyền hình như MTV Việt Nam, Yan TV, Yeah1 TV... đã phần nào góp phần đáp ứng nhu cầu nghe nhạc của giới trẻ, đồng thời cũng cho thấy xu hướng làm kênh truyền hình đành cho âm nhạc vẫn chưa thật sự xuất hiện.

Đi tìm cách thể hiện mới

Giải trí âm nhạc gần như chiếm lĩnh thị phần nhiều nhất trong giới trẻ hiện nay. Cùng với các thiết bị nghe nhìn ngày càng được nâng cao, kênh truyền hình dành riêng cho âm nhạc cũng đã manh nha xuất hiện từ 3 đến 5 năm trước. Nếu như trước kia, một trong những bảng xếp hạng hàng tuần dành cho âm nhạc trên VTV3 rất được khán giả yêu thích, thì đến hôm nay, đã có rất nhiều bảng xếp hạng khác nhau, đặc biệt trên sóng truyền hình của các kênh dành cho giới trẻ. Sinh sau đẻ muộn, Yan TV là một trong những kênh truyền hình trẻ, dành cho đối tượng chính là khán giả trẻ. Ngay từ đầu, Yan TV đã kết hợp cùng với diễn đàn Yêu âm nhạc viết tắt là Yan để nhanh chóng gầy dựng cho mình lượng khán giả cực lớn. Từ sự kết hợp này, chắc chắn khán giả sẽ hình dung ngay đây là kênh truyền hình mà đa phần các chương trình sản xuất dành cho âm nhạc.

Ngay thời điểm ra mắt, Yan TV cũng có đối thủ cạnh tranh nhưng chính lợi thế về mặt ý tưởng, nguồn MV dồi dào không chỉ trong nước mà quốc tế, kênh truyền hình dành cho giới trẻ này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm. Mẫu số chung cho các chương trình âm nhạc của Yan TV hay bất kỳ kênh truyền hình mới nào làm theo mô hình giải trí quốc tế, thì ý tưởng,format cho chương trình luôn hướng tới sự trẻ trung, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Kênh Yan TV đã mạnh dạn đưa vào chương trình những người dẫn mới, và tạm gọi là VJ (video jocker), người quản trò trong các video, khác hẳn khái niệm MC (người dẫn chương trình) thường thấy. Vậy là một thế hệ những người trẻ bước vào vai trò này, Yan TV không ngần ngại mời hot boy hot girl, ca sĩ, ngườimẫu, rapper, nhạc sĩ để làm VJ...

Đến hôm nay, các kênh truyền hình âm nhạc kiểu này vẫn ghi nhận sự thành công không nhỏ của việc tạo nên những VJ mới. Như ca sĩ Issac và Gill, hay diễn viên Ngọc Trai... đều là các VJ được ưa thích trên Yan TV. Chính lợi thế về ý tưởng của những người trẻ, Yan TV hay những kênh truyền hình tương tự đã khai thác tối đa yếu tố mới. Nhanh chóng, khán giả có được hàng loạt các chương trình, các bảng xếp hạng âm nhạc trong và ngoài nước khác nhau như: Yan Vpop 20 là bảng xếp hạng 20 ca khúc Việt, We10 là bảng xếp hạng 10 ca khúc quốc tế được khán giả yêu thích, hay 100 độ Yan là chương trình dành giới thiệu những MV mới nhất trong và ngoài nước...

Trong hàng loạt các chương trình mới đó, những kênh kiểu giải trí này cũng cố gắng đưa mảng thực tế đời sống showbiz vào và từ đó tăng tính thực tế cho kênh. Những show diễn được thu trực tiếp, hay mảng tin nghiêng về hậu trường showbiz cũng được quan tâm sản xuất hàng tuần. Khán giả trẻ sẽ thấy nhiều mặt ở showbiz, có thần tượng, ngôi sao với nhiều hit mới, có chuyện hậu trường đồng thời có thể bình chọn cho bài hát mình yêu thích. Và vừa qua, Yan TV cũng mạnh dạn thực hiện một chương trình Gala trao giải trực tiếp cuối năm dành cho chương trình Yan Vpop 20.

Qua lễ trao giải này cho thấy, sự hội tụ không hề ít của những gương mặt trẻ trong làng nhạc... Chính yếu tố quảng bá đầy thuận lợi như vậy, kênh truyền hình giải trí dành cho giới trẻ với đa phần là âm nhạc sớm trở thành môi trường để các ca sĩ tung ra sản phẩm của mình.

Vẫn phải tìm cách “dung hòa”

Nhiều thuận lợi, đầy hấp dẫn ở sự mới mẻ nhưng những kênh truyền hình kiểu như Yan TV, Yeah1 TV, MTV Việt Nam cũng luôn tìm cách tồn tại đích thực trong đời sống tinh thần, nhu cầu giải trí của công chúng Việt Nam. Đương nhiên đối tượng chính của các kênh này vẫn là giới trẻ, nhưng sự ảnh hưởng tác động trong môi trường văn hóa, xã hội như Việt Nam thì sự lựa chọn có tính định hướng, giáo dục vẫn luôn được quan tâm một cách chặt chẽ. Buổi đầu, Yan TV hay một vài kênh truyền hình khác vẫn chưa thoát được tình trạng nhạc quốc tế quá nhiều, trong khi lượng bài hát, MV nhạc Việt sản xuất mới hàng tuần, hàng tháng không đủ để lên chương trình và đây cũng là bài toán cực kỳ nan giải. Khán giả bắt đầu tự hỏi, đâu là vị trí thực sự của nhạc Việt trên các kênh truyền hình giải trí như thế này?

Nhưng trong 2 năm qua, khi các gương mặt trẻ vươn lên nhiều, cùng với những ê kíp sản xuất MV mới đã góp phần cân bằng lượng nhạc Việt trên Yan TV cũng như nhiều kênh truyền hình khác. Đặc biệt, với ê kíp năng động, nhiều ý tưởng, chính Yan TV cũng bắt tay vào việc sản xuất độc quyền MV cho ca sĩ và phát trên kênh của mình. Từ đây bắt đầu nảy sinh yếu tố độc quyền MV trên các kênh truyền hình giải trí, một hình thức cạnh tranh thu hút khán giả thú vị. đây là một trong những nỗ lực góp phần tạo ra tính cạnh tranh cho các kênh truyền hình. Tuy nhiên, không phải không có những hệ lụy, trong khi các gương mặt mới vẫn quá nhiều, làm sao kiểm soát chất lượng ca sĩ, hình ảnh để đưa lên sóng truyền hình cũng là yếu tố cần sự tỉnh táo của người trong cuộc.

Không phải bất cứ ca sĩ trẻ nào cũng được yêu thích và đều có những ca khúc hay, có giá trị và ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ đang theo dõi những kênh truyền hình như thế này. Tính sàng lọc và chọn lựa tất yếu sẽ phải có, các kênh truyền hình giải trí phải có được các tiêu chí bình chọn để mỗi ca sĩ trẻ xuất hiện trên kênh truyền hình của họ phải được ghi nhận dù ít hay nhiều ở mặt tài năng. Điểm chung của đa số các chương trình hiện nay chủ yếu dừng ở tính giải trí nhiều, như giới thiệu bài hát mới, cho khán giả bình chọn, giới thiệu ca sĩ mới chứ khán giả trẻ chưa có được những format giới thiệu, hay nói một cách cụ thể hơn về các kiến thức âm nhạc... Đây có lẽ là phần mất cân bằng và gần như nhạc cổ điển, nhạc dân tộc, nhạc truyền thống…v.v. không có vị trí nào trong các kênh truyền hình giải trí hiện nay.

Với cách thức thể hiện đầy lôi cuốn, nên chăng các kênh truyền hình giải trí đa phần là âm nhạc cũng cần có các chương trình phản ánh đầy đủ hơn những phân nhánh khác của lĩnh vực âm nhạc như nói về nhạc sĩ, thường thức âm nhạc, các loại nhạc cụ, hay kĩ năng viết lời ca khúc…như một cách giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng trẻ. Tưởng chừng như những điều này quá cũ kĩ, giáo điều nhưng thực sự nó là những thành tố không thể thiếu để tạo nên một nền âm nhạc bền vững. Trong khi nhiều ca sĩ trẻ hôm nay không biết một nốt nhạc là gì thì tại sao chúng ta lại bỏ quên những chương trình về kiến thức âm nhạc. Có chăng là rất cần những sự thể hiện mới để nó thực sự lôi cuốn. Và chỉ có như vậy, các kênh truyền hình giải trí, dù đi đến đâu chăng nữa vẫn tạo được nhiều giá trị hay cho khán giả và chính trong lĩnh vực âm nhạc giải trí.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 34)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...