Kachiusa – Đào vừa ra hoa...

24/09/2015

Đó là bài hát Liên Xô bị dịch sai ngay từ chữ đầu (trong nguyên tác là “cây táo và cây lê”). Không dám chắc lời Việt có phải của nhạc sĩ Phạm Tuyên dịch năm 1958-1959 không (nếu phải thì có lẽ cụ bị dịch qua tiếng Hoa nên sai lệch chút ít). Thực ra có thể đặt lời bài hát tùy hứng còn nhạc để nguyên, tuy vậy đây là trường hợp khá đặc biệt vì lời còn lại của bài hát tiếng Việt rất hay và ý nghĩa khá giống nguyên bản! Thật ra không quan trọng vì nó đã từ lâu được dân Việt rất yêu thích:

Hợp xướng: 

Phải nói là ở miền Bắc bài hát Kachiusa phổ biến nhất ở giai đoạn 1960-1975, có thể là vì lúc đó còn nhiều người chơi accordeon?!

Tốp ca nữ hát cả tiếng Nga và Việt: 

(ai không biết nhạc và lời có thể lấy từ đây)

Với nhạc điệu sôi động này có thể vừa đàn hát được, vừa làm nhạc múa rất hay nên Kachiusa hay được diễn ở Việt Nam, từ ở các trường học cho đến sân khấu chính quy, đại loại nếu múa thì chỉ có từng này động tác chính, hay hay không tùy “trình độ”: 

Lịch sử bài hát bắt đầu từ 1938, khi nhà thơ Liên Xô Isakovsky đi công tác đến vùng Viễn Đông xa xôi cách thủ đô bảy nghìn km, trong lúc cả đất nước CCCP rộng lớn cảm nhận được một cuộc chiến đang đến gần, mà chưa phải trên chiến trường châu Âu, ngay ở vùng Á đông này đã xảy ra trận chiến “hồ Khasan” với quân đội hoàng gia Nhật. Lần đầu tiên các nghệ sĩ muốn sáng tác về đề tài chiến tranh, nhưng lại là nỗi lòng của cô gái ở lại hậu phương đối với người yêu đang ở ngoài chiến trường, mà vì đang chiến tranh biên giới cho nên đó sẽ là người lính biên phòng. Tuy vậy nhà thơ chỉ nghĩ được hai câu đầu:

Расцветали яблони и груши,

Поплыли туманы над рекой.

Tạm dịch:

Táo, lê nay đã trổ bông

Sương mờ lãng đãng trên dòng sông mơ.

Sau đó ông không sáng tác được nữa, mặc dù hình tượng tiếp theo đã hình thành trong trí tưởng tượng của ông: cô gái ra bờ sông dốc đứng, nhớ về người yêu là lính biên phòng nơi xa, chàng vẫn thường viết thư cho cô và cô gìn giữ tất cả những bức thư đó...

Khi quay lại thủ đô, ông gặp nhạc sĩ Blanter, và người bạn hỏi ông có thơ nào để có thể sáng tác về đề tài chiến tranh không (xin nhớ rằng lời ca bài hát Nga do nhà thơ viết, còn nhạc sĩ chỉ sáng tác giai điệu!). Isakovsky nhớ ngay đến hai câu thơ ám ảnh kia, và chia sẻ với nhạc sĩ, nhưng hai câu ít quá, nhạc sĩ đề nghị ít nhất phải có tám câu. Kỳ lạ thay, nhà thơ ngồi xuống bàn và sáu câu thơ còn lại như tự nó hiện ra dưới ngòi bút của ông...

Đến lượt nhạc sĩ Blanter bị ám ảnh ngay với tám câu thơ này, và quan trọng nhất đối với ông là hình ảnh cô gái một mình đi ra bờ sông dốc đứng! Mấy tháng sau tác phẩm ra đời, nhưng vì ông đang làm việc tại dàn nhạc jazz thế nên cuối năm 1938 nó được trình diễn lần đầu ở Nhà hát Công đoàn, với phong cách jazz! Tuy vậy ngay lập tức Kachiusa lan tỏa rất nhanh, thành bài hát yêu thích của hàng chục triệu người. Rất nhiều ca sĩ trình diễn bài này, trong lịch sử thì có lẽ Anna German là người hát hay nhất:

Rồi sau đó chiến tranh thế giới nổ ra, bài hát càng nhanh nổi tiếng, được dịch và hát bằng rất nhiều thứ tiếng: Do Thái, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Nhật, Tàu... Ở Ý nó được gọi là “Fischia il vento” và trở thành bài hát của du kích quân Ý từ 1943 khi đánh nhau với quân đội của chế độ Musolini, và sau đó không mấy ai còn nhớ gốc gác Liên Xô của nó nữa.:

Trong chiến tranh vệ quốc thì Kachiusa là bài hát được Hồng quân yêu thích nhất - cũng nên nói với những người không học tiếng Nga là Kachiusa là tên gọi thân thương của phụ nữ có tên thánh Ekaterina (ví dụ tên cô chị trong “Con đường đau khổ” ). Các nhà thơ, chiến sĩ đã nghĩ thêm ra hàng chục lời cho giai điệu dễ thuộc này! Và cũng vì bài hát này mà tổ hợp БМ-13 (bắn được đến 16 quả đạn cỡ 123mm trong vòng vài giây - vũ khí khủng khiếp nhất của quân đội CCCP lúc này) có tên gọi thân thương là Kachiusa. Kachiusa tự hành bánh xích, bánh hơi đã cùng hồng quân đẩy lùi quân Đức đến tận Berlin, và ngày nay rất nhiều bảo tàng dành riêng đang trưng bày tổ hợp vũ khí này tại Nga, các đài tưởng niệm có ở khắp nơi...

Bài hát quốc tế này được dân Đức - vốn là dân tộc với truyền thống âm nhạc tuyệt vời nhất - khá yêu thích và trình diễn rất sôi động:

Trung Quốc ngay lập tức lấy giai điệu này làm bài hát chiến tranh của mình - nữ quân Trung Quốc duyệt binh cũng lôi Kachiusa ra:

Vào những ngày kỷ niệm chiến thắng quân phát xít tại Nga, đã thành truyền thống, Kachiusa là một trong những bài hay được hát nhất - nó được coi là bài hát thời chiến mặc dù nội dung thì xảy ra ở hậu phương. Hát hay nhất bây giờ có lẽ là nữ ca sĩ Vaenga, đúng kiểu “vợ bộ đội” nhất, và nhạc đệm cũng rất hay, đặc biệt là tiếng phong cầm Nga da diết không thể thiếu được:

Hai chị em nhi đồng nhà Tolmachevy hát cũng rất hay:

Varvara hát và múa đúng kiểu “Việt Nam” những năm 60-70 hay dàn dựng:

Theo nội dung bài hát thì nó hợp với giọng nữ hơn, tuy vậy có những màn trình diễn của nam cũng rất hay: ban nhạc "Chelsea" hát tại ngày lễ chiến thắng: 

Ngoài quốc ca ra thì đây là bài hát thứ hai mà các cổ động viên Nga hay hát trên sân vận động. Nó cũng thành biểu tượng của nước Nga, đến mức cổ động viên Serbi chào đón đội Nga và Putin bằng chính bài hát này: 

Hầu như nữ ca sĩ Nga nào cũng thử tài mình với bài hát bất hủ này - Tatiana Bulanova:

Về giọng hát ngày nay thì khó ai hát hay hơn Marina Devyatova:

Nữ ca sĩ xinh đẹp Zhasmin hát rất hay, nhưng hiện đại quá, đã thiếu vắng tiếng đàn accordeon ngày nào: 

Tình yêu với Kachiusa vẫn không hề nguội lạnh sau 80 năm, dân vùng Viễn Đông của Nga muốn xin dùng bài hát này làm bài hát chính thức của vùng mình! Năm 2013 bằng tiền đóng góp của nhân dân bức tượng cô gái Kachiusa đã được khánh thành trang trọng tại thủ phủ Vladivostok - là tượng đài duy nhất ở Nga cho người con gái hậu phương này. Và các nhà sử học cũng tìm ra nhân vật thật trong đời đã thổi hồn cho nhà thơ Isakovsky, đó là Ekaterina Alexeeva Philipova!

Giai điệu này có lẽ cũng sẽ trở thành kinh điển cho các nhà biên đạo múa. Xin nghe và xem tam ca “Phabrica” với màn múa phụ họa tuyệt vời:

Xin tặng các bạn yêu văn hóa CCCP clip rừng bạch dương sau, qua lời hát của Varvara và cảnh quay trong phim “Thời thơ ấu của Ivan” - có cảnh nụ hôn có lẽ đẹp nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới - tác phẩm sẽ thay lời muốn nói...

P.S. Lời Nga của bài hát Kachiusa

КАТЮША

Расцветали яблони и груши,

Поплыли туманы над рекой.

Выходила на берег Катюша,

На высокий берег, на крутой.

Выходила, песню заводила

Про степного сизого орла.

Про того, которого любила,

Про того, чьи письма берегла.

Ой, ты, песня, песенка девичья,

Ты лети за ясным солнцем вслед

И бойцу на дальнем пограничье

От Катюши передай привет.

Пусть он вспомнит девушку простую,

Пусть услышит, как она поёт,

Пусть он землю бережёт родную,

А любовь Катюша сбережёт.

Расцветали яблони и груши,

Поплыли туманы над рекой.

Выходила на берег Катюша,

На высокий берег, на крутой.

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.