Hy vọng mới về nhạc thiếu nhi

22/06/2016

Vào hè, 2 album nhạc dành cho thiếu nhi “Trong khu vườn” và “Những ngày ấu thơ” vừa ra mắt các bạn nhỏ như “làn gió mới” trong bối cảnh nhạc thiếu nhi còn khan hiếm.

Thiếu ca khúc dành cho thiếu nhi

“Trong khu vườn” viết cho lứa tuổi 4 - 10 của tác giả trẻ Thu Trang gồm 5 bài hát: Gió, Ngày Tết thiếu nhi, Trong khu vườn, Vui trung thu, Khoảng trời mơ ước cùng với phần nhạc đệm của 2 bài hát Ngày Tết thiếu nhi và Gió, để những người yêu thích ca khúc có thể hát theo. Đây là các bài hát mới dành cho thiếu nhi, chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường. Các tác phẩm trong album đều được dàn dựng theo phong cách mới, hiện đại, thực hiện bởi các nhạc sĩ phối khí có tên tuổi trong làng nhạc Việt Nam như Xuân Hiểu, Thành Vương, Minh Ngọc.


Các ca sĩ nhí thể hiện bài hát trong album “Trong khu vườn”

Cùng với “Trong khu vườn”, “Những ngày ấu thơ” lại tập hợp những ca khúc cho các em nhỏ mới vừa cắp sách tới trường do nhạc sĩ Quỳnh Hợp sáng tác và bé Bào Ngư thể hiện. Các ca khúc nói lên suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn của trẻ thơ về thiên nhiên, hoà bình hoặc về những kỷ niệm bên gia đình, ông bà cha mẹ, như: Vì sao biển mặn, Đảo mặc áo phao, Chú Hải quân… Bé Bào Ngư đã từng được nhiều người biết đến khi hát ca khúc về Trường Sa từ năm 2011, khi bé mới hơn 3 tuổi.

Lâu nay, người ta nhìn vào thị trường ca khúc cho thiếu nhi như thể nhìn về thời “vàng son”, với một số tác giả thuộc hàng “cây đa, cây đề” như: Phạm Tuyên, Hoàng Lân, Hoàng Long, Phong Nhã, Hàn Ngọc Bích... Tính đến thời điểm hiện tại, đa số những ca khúc hay, phổ biến dành cho lứa tuổi thiếu nhi là những bài hát đều đã có mấy chục tuổi đời, rất ít bài hát thiếu nhi thời mới.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên chia sẻ: “Đáng buồn vì ở thời điểm mà nhu cầu giải trí được nâng lên một tầm cao mới, đội ngũ nhạc sỹ trẻ đã xuất hiện ngày một đông, nhưng số người dành tâm huyết cho nhạc thiếu nhi lại quá ít ỏi, trong khi các em mới là đối tượng rất cần, rất đáng được thụ hưởng và định hướng về thẩm mỹ âm nhạc.”

Nhạc sỹ Dương Hồng Kông cho rằng: Hiện nay, rất ít nhạc sĩ chuyên tâm sáng tác nhạc thiếu nhi. Vẫn có ca khúc mới xuất hiện, nhưng phần lớn không tạo được điểm nhấn, ca từ khó hiểu, giai điệu khó hát, khó nhớ nên ít tìm được sự đồng điệu với các bạn nhỏ. Những sáng tác được đánh giá là mới, hay và phù hợp với các em như: Chuồn chuồn cắn rốn (Nguyễn Ngọc Thiện) hay Em muốn làm ca sỹ (Thanh Tùng) chỉ đếm trên đầu ngón tay.”

Cần lắm - tình yêu con trẻ

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội: Trong nhiều chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi hiện nay, các em nhỏ đã phải biểu diễn, sử dụng những tác phẩm của người lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức non nớt của các em. Nói cách khác, chúng ta đang đứng trước một thách thức lớn phải đáp ứng cho thế hệ thanh thiếu niên hôm nay những tác phẩm đủ độ khó, hay để các em có đất để phô diễn tài năng của mình nhưng không có nghĩa là buộc các em phải hấp thụ những sản phẩm không phù hợp lứa tuổi. Sự phát triển về trình độ thể hiện của các em cũng không phải bài toán quá khó với các nhạc sĩ, ngay cả nhạc sĩ trẻ nhưng vấn đề là sự quan tâm của các nhạc sỹ đến việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hay không.

Một trong những lý do dễ thấy nhạc thiếu nhi không có người sáng tác là vì dòng nhạc này doanh thu ít, thậm chí dễ thua lỗ. Thậm chí có người còn cho rằng sáng tác cho thiếu nhi thường chủ yếu để… vui là chính. Một bài hát thiếu nhi được đăng trên sách nhạc chỉ được nhuận bút vài ba trăm nghìn đồng. Một tác phẩm được viết cho cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi cũng được trả khá hơn, nhưng so một ca khúc nhạc thị trường được đặt hàng thì con số đó chẳng thấm vào đâu. “Về cơ bản chúng ta chưa thực sự quan tâm đến việc sáng tác nhạc thiếu nhi. Như ở giai đoạn trước, trong Đài tiếng nói Việt Nam, một số đơn vị đều có phòng ban văn hóa văn nghệ thiếu nhi và đó cũng chính là cái nôi cho những nhạc sĩ”, nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự. Hiện nay, sự đầu tư cũng như quan tâm đó dường như đang ít dần.

Đành rằng, có nhiều lý do khiến nhạc thiếu nhi bị mai một, bị thờ ơ, nhưng với những tác phẩm mới của các nhạc sĩ, chúng ta có thể hy vọng về tình yêu của người lớn dành cho thế hệ trẻ, có thể vượt qua những câu chuyện về lợi nhuận.

(Nguồn: http://baophunuthudo.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...