Hướng tới Liên hoan Âm nhạc Á - Âu: Hòa nhạc trong hang đá 2 triệu năm tuổi
Một buổi hòa nhạc với sự tham gia của gần 20 nghệ sĩ sẽ diễn ra tại hang Đầu Gỗ - hang đá được hình thành cách đây hơn 2 triệu năm, nằm trong quần thể di sản vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, vào ngày 11.10.
Hang Đầu Gỗ trở thành nhà hát thiên nhiên độc đáo - Ảnh: Ngọc Thắng
Một sân khấu bằng gỗ được dựng trong hang Đầu Gỗ đủ để 40 nghệ sĩ biểu diễn cùng lúc, trong khi không gian của hang có sức chứa tới 200 người xem. Buổi hòa nhạc sẽ không có sự hỗ trợ của bất kỳ thiết bị, kỹ thuật âm thanh điện tử nào, chỉ có những âm thanh mộc và thuần khiết của các nhạc cụ dân tộc VN như đàn thập lục, tam thập lục, tỳ bà, đàn bầu, sáo, nhị, kèn… vang vọng trong lòng hang đá. Trong buổi hòa nhạc kéo dài khoảng 30 phút, các nghệ sĩ thuộc dàn nhạc dân tộc của Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội - NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Hùng Việt, Hằng Nga, Thúy Hằng, Hải Nam, Thùy Linh… sẽ trình diễn nhã nhạc cung đình Huế, hát văn… bên cạnh các tác phẩm sáng tác mang âm hưởng dân tộc như song tấu kèn pí lè Sức sống, song tấu nhạc cụ hơi Những nẻo đường đất nước, tam tấu gõ Ngẫu hứng nhịp chèo...
“Vòm của hang giống như mái vòm tự nhiên của một nhà hát rất thích hợp với những âm thanh acoustic. Chúng tôi không cần tới hệ thống trang âm hay phóng thanh nào cả. Âm nhạc giữa thiên nhiên sẽ tự nhiên nhất, ngay cả ánh sáng cũng là từ ánh nến” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, chia sẻ về buổi hòa nhạc nằm trong chuỗi chương trình của Festival Âm nhạc mới Á - Âu, diễn ra từ ngày 8 - 12.10 tại Hà Nội và Quảng Ninh. “Nhiều đồng nghiệp đến từ các nước cho biết rất tò mò về buổi hòa nhạc này. Tổ chức hòa nhạc trong hang đá là ý tưởng độc đáo và có lẽ là duy nhất ở VN”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Tháng của những festival âm nhạc quốc tế lớn
Festival Âm nhạc mới Á - Âu khởi nguồn từ một sự kiện âm nhạc quốc tế do Bộ Văn hóa, Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tactarstan khởi xướng từ năm 1993 và phát triển dần lên thành festival tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Đến nay đã có 45 quốc gia ở hai châu lục tham gia liên hoan. Đây là lần đầu tiên VN đứng ra đăng cai tổ chức. Khoảng 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 30 quốc gia gửi tác phẩm tham dự. Festival gồm 7 chương trình lớn với một chuỗi những buổi hòa nhạc (các thể loại, hình thức biểu diễn khác nhau, từ giao hưởng, thính phòng, dân gian, nhạc kịch, vũ kịch...) sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn, Học viện Âm nhạc quốc gia (Hà Nội), hang Đầu Gỗ, Nhà hát Việt - Nhật (Quảng Ninh).
Một cách trùng hợp ngẫu nhiên, hai festival mang tầm vóc quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại VN trong cùng tháng 10. Bên cạnh Festival Âm nhạc mới Á - Âu là Festival Âm nhạc quốc tế Gió Mùa. Hàng trăm nghệ sĩ quốc tế và trong nước sẽ tham gia hai festival này. Trong khi Gió Mùa đưa khán giả cập nhật xu hướng âm nhạc mới của thế giới với các dòng nhạc đa dạng, thì Festival Âm nhạc mới Á - Âu giới thiệu những tác phẩm sáng tác nổi bật của các nghệ sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại. Nhạc sĩ Quốc Trung đã không quá lời khi hy vọng với việc tham gia tổ chức và biểu diễn tại các festival âm nhạc này, “VN được định vị trên bản đồ festival âm nhạc thế giới”.
Đây không phải lần đầu tiên có một dàn nhạc đến biểu diễn tại hang Đầu Gỗ. Chương trình hòa nhạc đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 và đến năm 2010 là chương trình lần thứ hai. Các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN và nhiều tên tuổi như NSND Quang Thọ, nghệ sĩ opera Hà Phạm Thăng Long... đã biểu diễn trong không gian của nhà hát thiên nhiên đặc biệt này. Cách đây vài năm, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có ý định đưa hang Đầu Gỗ trở thành nhà hát biểu diễn thường xuyên. Nếu làm được như vậy, vịnh Hạ Long sẽ có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo, hiếm thấy trên thế giới. Tuy nhiên, những nhà quản lý cần phải hiểu những chương trình phù hợp để biểu diễn trong lòng di sản, bên cạnh việc bảo vệ, giữ gìn di sản. |
(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)