Hướng tiếp cận sáng tác mới?

12/12/2012

 Đời sống âm nhạc dường như bình lặng, không còn nhan nhản nhạc nhái, nhạc dỏm mà cũng không thấy xuất hiện nhiều ca khúc hay ấn tượng. Những nhạc sĩ đã khẳng định tên tuổi thì trầm lặng tìm cho mình một hướng đi sâu vào công chúng qua từng sản phẩm âm nhạc khai phá nhiều hơn để nổi tiếng.Còn những nhạc sĩ trẻ luôn tìm kiếm cho mình một cơ hội để quảng bá rộng rãi, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Mỗi người, mỗi thời, đang tự tìm cách thích nghi với đời sống âm nhạc quá nhiều lựa chọn như hiện nay.

Không còn gì mới để đối diện với khán giả hay showbiz Việt đang chỉ như một mớ bòng bong để bất kì ai không khéo miệng cũng có thể trở thành scandal? Đã là người sáng tác chuyên nghiệp thì dường như chỉ có tác phẩm mới là thước đo giá trị cho cái tên, cái tuổi của họ. Nhạc Việt thời gian qua đã có khoảng lặng đủ dài để những người sáng tác tự điều chỉnh và tìm cho mình những hướng tiếp cận khán giả mới mẻ hơn. Đặc biệt ở mảng nhạc nhẹ, sức hút từ phía khán giả luôn lớn nhưng để nắm bắt được khán giả không phải chuyện đơn giản.
Có thể họ không cần sự nổi tiếng nữa để nhanh bạo cho ra đời ca khúc liên tục, mà phong cách và tài năng cũng được công nhận nên cũng chẳng phải bon chen trong showbiz làm gì. Nhưng thực tế nhức nhối hơn là tình trạng băng đĩa lậu, tác phẩm được cho không quá nhiều và đôi khi truyền thông hiếm có cái nhìn đúng mực về tác phẩm của họ nên những nhạc sĩ này ngại viết là chuyện rất dễ hiểu. Dù ca khúc ấy có hay hay dở nếu không nhận được đánh giá xác đác về nó không chỉ ở lượng khán giả yêu thích ngay cả đánh giá phê bình chuyên môn thì động lực đâu để các nhạc sĩ tiếp tục tìm tòi và sáng tạo.
Đôi khi, tự thấy mình đã không còn hợp thời hay không thể bắt nhịp với những xu hướng quá "trẻ trung" đến mức xa lạ. Thế hệ những nhạc sĩ ấy "lánh mình" để tìm ra một phương thức sáng tác mới hơn? Hay bản sắc vẫn còn nằm trong "góc khuất" để chờ ngày được hồi sinh? Có thể ở giai đoạn này, phần đông khán giả không chọn họ nhiều nhưng giá trị ở những tác phẩm trước đó sẽ không hề mờ nhạt để tiếp bước cho những sáng tạo mới mẻ hơn sau này. Có thể nói, họ đang chờ thời cơ cũng đúng!
Giới sáng tác trong mấy năm vừa qua nhộn nhạo và xôn xao không thua kém gì ca sĩ. Họ không những viết có vẻ rất hợp thời mà còn tự hát, ra album và tham gia vào rất nhiều công việc quảng bá khác. Ai cũng nhu cầu và khả năng sẽ tự PR cho tên tuổi của mình nhưng cũng không ít cổng thông tin điện tử đã "châm ngòi" và tạo nên hiệu ứng "giả" về sự nổi tiếng, định vị các nhạc sĩ ấy vào vị trí mà có thể hàng chục năm nữa họ mới đủ sức vươn tới. Nhạc vẫn chưa tìm được phong cách riêng và ổn định, khán giả cũng nghe loáng thoáng và chấp nhận dễ dàng, để rồi những người viết có tâm có tài dần chẳng còn chất men say để họ sáng tạo tiếp tục.
Vẫn hành trình "sáng tạo" - Đã lâu lắm rồi nhạc sĩ Quốc Bảo
mới ra album gồm những tình khúc mới của mình, bắt gặp một giọng hát được cho là "tri kỉ". Album Địa đàng (Tình khúc Quốc Bảo) đã mang đến một giọng rất riêng trong hàng loạt ca khúc được cho là hit hiện nay. Giọng hát Nguyên Hà cũng khá tinh tế và đầy khát khao như chính cách mà Quốc Bảo làm nên đứa con tinh thần của mình. Tuy album gần như lọt tõm vào thế giới ồn ào hiện nay, nhưng đó cũng là tiếng nói âm thầm chắc chắn cho những tuyên ngôn, sáng tạo nghệ thuật đầy cá tính. Hiếm lắm những album có chất lượng như vậy trong thời buổi hiện nay. Rất đáng buồn cho nhạc Việt trong khoảng lặng này!
Họ từng là những cái tên tiên phong cho xu hướng đi tìm cái mới trên chính sự sáng tạo và nền tảng cá nhân. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã tạo nên cả một dòng thành công cho ca sĩ Thu Minh sau này, đó là Dance. Chất điện tử trong nhạc của anh hiện đại, bắt kịp với những gì đang diễn ra trên thế giới nhưng không bị cho là sao chép, vẫn có con đường riêng nên người nghe nhanh chóng chấp nhận và chính ca sĩ Thu Minh có được hướng rẽ như ngày hôm nay phải chắc tới album "Thiên đàng". Có thể những cái tên quen thuộc này không phải là đại diện tất cả cho những nhạc sĩ đang ấp ủ sáng tạo nhiều sản phẩm âm nhạc mới nhưng ít ra họ đang tạo được sự ảnh hưởng nhất định lên đại đa số khán giả yêu nhạc ngoài kia.
Do đó, cuộc tìm kiếm nguồn ca khúc mới luôn là khó khăn và dung hòa với giá trị hiện tại mà xã hội đang theo đuổi càng không dễ dàng gì. Nếu quá dễ dàng, dễ nghe thì bị cho là nhạc chợ, nhạc rẻ tiền. Ngược lại quá hàn lâm, bác học thì hiếm hoi khán giả tìm đến mình. Do đó, những cái tên trẻ trung đang làm xôn xao làng nhạc giải trí Việt như Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Hải Phong, Khắc Việt, Dương Trường Giang... thì trong các tác phẩm của họ vẫn mang những dấu ấn sáng tạo "đương thời". Nhưng khi nhìn vào những cuộc thi âm nhạc, thì ca khúc Việt "ngày trước" vẫn luôn được ưa chuộng, nhưng cũng không thiếu trường hợp nhạc ngoại được "sính" hơn. Điều phải khiến những nhạc sĩ trẻ hôm nay suy nghĩ!
Như chính nhạc sĩ Đức Trí đã từng chia sẻ về hiện tượng thiếu ca khúc Việt hay hiện nay để các thí sinh trong những cuộc thi âm nhạc chọn và hát, anh đã nhấn mạnh yếu tố hành động ở các nhạc sĩ và đừng ở đó than vãn. Nhưng cũng chính anh, trong năm qua hiếm hoi thấy tác phẩm mới, có lẽ anh cũng hiểu đời sống âm nhạc đã không còn nồng nhiệt với những cá tính âm nhạc như lớp nhạc sĩ của anh trước đây. Khi mà sự chi phối của cái gọi là nhạc quốc tế hóa quá mạnh, khán giả chạy theo trào lưu xu hướng thì họ lui vào bóng tối cũng là chuyện rất thông cảm và chia sẻ. Hay họ đang ngầm nuôi dưỡng ý chí và những tác phẩm hay chờ đúng thời điểm mới ra mắt? Tất cả đều nằm trong vòng quay của nhu cầu người nghe và sự vận động cần thiết để đưa nhạc Việt về đúng những thang giá trị của nó.
Rõ ràng, chúng ta thiếu ca khúc hay và mới để lắp đầy các cuộc thi âm nhạc và chính các thí sinh cũng cần tỏ rõ bản lĩnh khi chọn nhạc. Yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn và mong muốn thành công đã lôi kéo không ít bạn trẻ chọn con đường nhanh, đốt cháy giai đoạn nhưng rồi chưa bao lâu họ tỏ ra đuối sức và chẳng còn gì để thu hút người nghe. Vậy thì tìm ra tiếng nói chung với một dòng nhạc, một nhạc sĩ có tài luôn là cách tích cực nhất để giúp ca sĩ tạo nên thương hiệu cho chính mình. Nhưng không dễ dàng gì để lôi kéo những nhạc sĩ tài hoa ấy bước ra khỏi "bóng tối". Khi mà showbiz không tạo điều kiện cho họ, khán giả thờ ơ và truyền thông chỉ mặn mà với scandal như vậy thì một lỗ "hỏng" trong tâm hồn của họ chính là mất dần niềm tin vào nhạc Việt!
Cùng đi trên con đường tìm kiếm cái mới và bảo vệ những giá trị đẹp đẽ trong âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung, NSUT Thanh Lam, nhạc sĩ Việt Anh... đã không ngần ngại ngồi vào "ghế nóng" các cuộc thi âm nhạc ít ra để tìm kiếm và định hướng giúp các bạn trẻ một con đường rõ ràng nhất trong âm nhạc. Có thể họ không sôi động như những nhạc sĩ mới lên nhưng họ đủ Tầm và Tâm để gợi mở nhiều con đường nghệ thuật đầy sáng tạo hơn nữa.
Vậy thì còn gì là những sáng tạo mà chúng ta đang tìm kiếm và yêu cầu nhạc Việt phải hay và có bản sắc riêng. Có chăng chỉ còn là sự nhại lại một cách buồn tẻ giai điệu, hòa âm phối khí của những ca khúc mà thế giới đã làm rất thành công! Những nhạc sĩ trẻ không ngừng vươn lên ở bề nổi để thấy đời sống âm nhạc vẫn luôn mong tiếp cận cái mới, còn các nhạc sĩ đàn anh đàn chị lại tìm cho mình những khoảng "trống" nhất định để tìm được khán giả đang cần gì ở mình.
 

D

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...