Hùng ca Hà Nội

18/03/2015

Trong không khí sục sôi của những năm tháng Tiền khởi nghĩa (thập niên 40 thuộc thế kỷ trước), vùng đất Hà Nội bỗng nhiên trở thành một đề tài có sức cuốn hút các nhạc sĩ sáng tác thuộc trào lưu tân nhạc (nhạc mới): Thăng long hành khúc ca và Gò Đống Đa của Văn Cao, Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước, Chùa hương của hoàng Quí… Ngoài hướng ca ngợi thiên nhiên (với con người thấp thoáng hiện lên), chùm ca khúc của Văn Cao và ca cảnh của Lưu Hữu Phước cùng đều xoáy sâu vào những chiến tích, chiến công, sự kiện lịch sử… của Hà thành từng là thủ đô (hoặc kinh đô) của nhiều vương triều, nhiều triều đại…

Cảm hứng chủ đạo ở đây là niềm tự hào về quá khứ lịch sử oai hùng. Cũng dễ hiểu, khi trong thực tại, cuộc sống đang chìm đắm trong cảnh nô lệ lầm than… thì cái đẹp của “muôm năm cũ” sẽ trở thành nguồn an ủi và nương tựa cho hiện tại. Có thể nói, đấy là cái đẹp xuất hiện trong hồi tưởng và tưởng tượng – “một cái đẹp ảo” – nên trong hình tượng âm nhạc thường mang tính ước lệ, tượng trưng. Và cũng vì thế, trong tác phẩm, cái đẹp của Hà Nội thường đan xen với cái thiêng và dường như xuất hiện qua một màn sương khói, lung linh, mờ ảo… Tuy vậy, cái đẹp ảo đó lại chuyển hóa thành cái đẹp thực trong tâm thế của người thưởng thức bấy giờ, nhất là các con dân Hà Nội.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Cuộc kháng chiến bùng nổ - và nối tiếp nhau hai lần, tính tròn ba mươi năm! Trong khoảng thời gian đó, trên miền Bắc lại diễn ra một cuộc cách mạng ruộng đất long trời, lở đất! Nếp cảm, nếp nghĩ của từng người cũng như toàn xã hội… tất cả đều hướng về chiến đấu và chiến thắng. Và tất nhiên, cảm xúc thẩm mỹ, nhận thức thẩm mỹ cũng thay đổi, nói rõ hơn là biến đổi.

Trong các ca khúc về Hà Nội, cái đẹp luôn đan trộn với cái hùng, hay có thể nói: hai phạm trù cái đẹp và cái hùng gần như trở thành đồng nghĩa. Bài ca trên đường xa (tên gọi ban đầu là Trường chinh ca) của Lương Ngọc Trác và Lê Minh là một thí dụ tiêu biểu cho cái đẹp khí phách của con người Hà Nội – một cái đẹp được thể hiện ra bên ngoài và mang sắc thái kiêu hùng.

Bước sang cuộc kháng chiến lần thứ hai, cái đẹp được thể hiện qua khí phách đã dần dần được sàng lọc và lắng đọng lại theo hướng cái đẹp suy tư – một cái đẹp mang chiều sâu về nỗi nhớ và chiều cao về trí tuệ. Ca khúc Lá đỏ của Hoàng Hiệp (Thơ: Nguyễn Đình Thi) biểu hiện khá tinh tế thái độ tự tin và chững chạc của con người Hà Nội trên con đường xông trận! Với nhận thức thẩm mỹ, cảm xúc thẩm mỹ đã đến độ chín đầy, cái đẹp của con người Hà Nội (đối tượng thẩm mỹ) được các chủ thể thể thẩm mỹ (nhạc sĩ sáng tác) không chỉ phản ánh qua cái dáng vẻ bên ngoài mà nhằm vào biểu hiện cái bên trong về thế giới nội tâm.

Hướng vào thế giới bên trong với các ngõ ngách tâm hồn, phạm trù cái hùng, từ oai hùng, kiêu hùng đã chuyển dần sang sắc thái trầm hùng. Đó cũng là một từ ngữ chỉ dẫn về sắc thái biểu cảm trong nhiều nhạc phẩm thời bấy giờ.

Thực ra, sắc thái trầm hùng đã từng xuất hiện trong tác phẩm Hành quân xa của Đỗ Nhuận (năm 1953). Nhưng rồi với không khí phấn chấn trong công cuộc xây dựng lại miền Bắc, sắc thái trầm hùng trong âm nhạc đã quay lại với những âm hưởng hào hùng cùng tâm thế của mọi người dân trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để rồi, sau ngày giang sơn thu về một cõi, độ chín – chín dậy, chín mọng - về nhận thức thẩm mỹ của các nhạc sĩ lại được khơi thức và thăng hoa trong các ca khúc viết về chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Hát mãi khúc quân hành của Diệp Minh Tuyền, Lời tạm biệt lúc lên đường của Vũ Trọng Hối, Hoa hồng trên điểm tựa của Hồ Bắc… là những tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng cảm xúc thẩm mỹ trầm hùng này.

Sau năm 1975, súng vẫn nổ! Nhưng, may sao, chiến tranh chỉ diễn ra trong một không gian hẹp ở biên giới và trong một khoảng thời gian ngắn – nhất là khi mọi người mới trải qua hai cuộc “trường chinh” những ba mươi năm! Tính ra, ba mươi năm là ba trăm sáu mươi tháng, là ngót mười một nghìn ngày đêm khói lửa! Tâm thế của mọi người dân đất Việt, có thể nói, đều thở phào nhẹ nhõm, dù trước mắt còn nhiều khó khăn, bộn bề… Thêm vào đó, những luồng văn hóa âm nhạc ngoại lai dồn dập ùa vào!... Thế là, từ đó, cảm xúc thẩm mỹ cũng dần thay đổi. cái đẹp trong chiến đấu – cái hùng dần nhường ngôi cho cái đẹp đời thường. Nói rõ hơn, cái đẹp mang sắc thái trầm hùng đã là một cái nền cho cái đẹp đời thường xuất hiện. Ngay từ trong các thập niên 60, 70, cái đẹp đời thường đã xuất hiện trong các nhạc phẩm của Đỗ Nhuận (Cô thợ quét vôi), của Phan Huỳnh Điểu (Những ánh sao đêm), của Nguyễn Cường (Hát lúc tan ca) v.v… Cũng từ đó, với cái đẹp đời thường, đề tài tình yêu bừng thức; với cái tôi sau những năm tháng dồn nén, nén nhịn… nay, vươn vai trở mình qua các nhạc phẩm của Vũ Thanh, Văn Ký, Lê Vinh…

Cuộc sống chuyển động nhanh hơn, nhịp sống chuyển động gấp hơn là cơ sở của nhận thức thẩm mỹ mới xuất hiện; trào lưu nhạc trẻ với tiết tấu sôi động, sống động… dần chiếm lĩnh vị thế chính thống cho những tác phẩm âm nhạc về Hà Nội đích thực của nhiều thế hệ nhạc sĩ: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Phạm Tuyên… Và tiếp theo là Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Hồng Đăng, Duy Quang, Lê Mây… Tương lai? Nói theo giọng sách kiếm hiệp ngày xa xưa là “xin xem hồi sau sẽ rõ”!

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.