Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Hội nghị về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội nghị về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vào sáng ngày 17 tháng 4 năm 2018 tại Hà Nội.
Đến dự có lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện A87 Bộ Công an.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; các Ủy viên Ban thường vụ: nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Ủy viên ban Chấp hành, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; các nhạc sĩ trong Ban cố vấn Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: nhạc sĩ Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ; nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; nhà báo Nguyễn Thụy Kha; đại diện các phòng ban chức năng của Trung tâm; Văn phòng Hội…
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra quyết định thành lập từ 2002. Sau 16 năm, Trung tâm từ “tay không” đã trở thành một đơn vị lá cờ đầu về quyền tác giả âm nhạc, văn học nghệ thuật nói riêng, về quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Từ 1/4/2018, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã tiếp nhận cương vị Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thay nhạc sĩ Phó Đức Phương”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm đã báo cáo trước Hội nghị những công việc đã làm và phương hướng hoạt động trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cho công tác của Trung tâm:
-Công tác bàn giao và tiếp nhận công việc giữa Giám đốc cũ và Giám đốc mới đã hoàn thành; cơ cấu của Trung tâm; điều lệ hoạt động phải hoàn thiện, bảo đảm tính ưu việt nhất. Đến nay Trung tâm đã ký hợp tác song phương với 72 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) có phạm vi điều chỉnh trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 4 triệu tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là thành viên; Đảm đảm tham gia công ước quốc tế (công ước Berne) và đặc thù của Việt Nam; Chuẩn bị nội dung Điều lệ sửa đổi, bổ sung 2018 và quyết định này do Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam ký đúng theo luật pháp đã quy định; Đơn xin phép thành lập chi nhánh, xin phép Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Bộ Nội vụ để thành lập Chi nhánh miền Bắc theo đúng qui định thủ tục; Dựa trên điều kiện âm nhạc Việt Nam tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới, dựa trên điều kiện cụ thể kinh tế của Việt Nam, dựa trên điều kiện của các nước Asean, để làm sao có một biểu giá chính thức để đàm phán với các đối tác; Dựa trên mức nhuận bút do Chính phủ qui định, dựa trên luật phát Việt Nam, Nghị định về nhuận bút do Thủ tướng đã ký; xây dựng qui chế phát ngôn báo chí do Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm, hoặc ủy quyền cho các luật sư hoặc phòng truyền thông của Trung tâm. Chuẩn hóa qui trình khi tổ chức họp báo; Trang web của Trung tâm sẽ được link qua trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từng tác giả sẽ có một trang thông tin và có mã số riêng để tự cập nhật, kiểm tra, đảm bảo sự minh bạch…
-Về đối ngoại, Trung tâm là thành viên chính thức của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời Quốc tế (CISAC), 9 tiêu chí chuyên nghiệp mà CISAC yêu cầu phải bảo đảm. Hàng năm có báo có, kiểm toán quốc tế; Về phần mềm quản lý, Trung tâm đã có kết nối tương thích với các tổ chức quốc tế, hiện nay thông tin về tác giả, tác phẩm được Trung tâm cập nhật thường xuyên trên hệ thống lưu trữ quốc tế, trên phần mềm lưu trữ tác giả, tác phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi năm phải bảo trì và cử các chuyên gia về công nghệ thông tin đi tào tạo ở nước ngoài; Chuẩn hóa toàn bộ những đầu việc, có qui trình đối với các nghệ sĩ, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn và Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn; Báo cáo A87 Bộ Công an về con số các tác giả thành viên Việt Nam và hải ngoại để bảo đảm sự an toàn, góp phần hòa hợp dân tộc, mối quan hệ và hợp tác quốc tế…
Tại Hội nghị, còn có các ý kiến phát biểu đóng góp về các nội dung như: Nguyên tắc hoạt động giữa Hội và Trung tâm, về tổ chức quản lý các hoạt động của Trung tâm; tính luật pháp; quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, lợi ích cơ bản của tác giả; về công tác truyền thông, những bài học thực tế trong thời gian vừa qua; tiếp tục có các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn chuyên đề để tuyên truyền phổ biến những kiến thức pháp luật về bản quyền tác giả.
Tác giả: Thanh Nhã