Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX

18/12/2015

Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX diễn ra tại Hà Nội các ngày 14-15 tháng 12 năm 2015. Đến dự phiên khai mạc có PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Hội nghị có mặt PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các Ủy viên Ban thường vụ: nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; và các Ủy viên Ban Chấp hành…

PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chủ trì Hội nghị, trình bày Báo cáo hoạt động 6 tháng cuối năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2016 của Ban Chấp hành.

Hội nghị nhất trí và đánh giá cao những hoạt động gần đây của Hội như: tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 6 với các chương trình nghệ thuật diễn ra sôi nổi tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước; tham gia lễ đặt tên hai tuyến phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn tại quận Tây Hồ, Hà Nội; tổ chức Hội đồng cấp cơ sở xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật năm 2016, chọn được 8 tác giả “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 42 tác giả “Giải thưởng Nhà nước” đủ điều kiện trình lên Hội đồng cấp Nhà nước; tổ chức Hội nghị toàn quốc các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam lần thứ nhất; tổ chức Hội nghị Ban Kiểm tra khóa IX lần thứ nhất...

Ngoài ra Hội thống nhất việc đổi mới mô hình tổ chức Liên hoan Âm nhạc khu vực, có sự giao lưu, trao đổi tác phẩm giữa các nhạc sĩ, nghệ sĩ các vùng miền để Liên hoan Âm nhạc phong phú hơn; chú trọng việc xây dựng và mở rộng công tác đối ngoại, hội nhập và nâng cao chất lượng âm nhạc, giao lưu, trao đổi tác phẩm, tác giả và các đoàn nhạc sĩ với các nước; ấn hành Tạp chí Âm nhạc Việt Nam bộ mới tại Hà Nội, nâng cao chất lượng để tờ báo gắn liền với hoạt động của Hội, chuyên sâu về tính học thuật có giá trị tư liệu lâu dài, chủ động về nội dung và hình thức, là tiếng nói chính thống của Hội.

Hội nghị đã thảo luận và bổ sung bản Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa IX cho phù hợp với thực tế là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.

Hội nghị đề ra những công việc trọng tâm năm 2016: tập trung vào công tác chuẩn bị để tổ chức Festival Âm nhạc mới “Á – Âu” lần thứ II và Hội nghị - Festival các nhà soạn nhạc châu Á Thái Bình Dương lần thứ 34 tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2016; chú trọng vào công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ với các tổ chức âm nhạc trong khu vực và thế giới, giao lưu, trao đổi hợp tác, giới thiệu tác phẩm, tác giả, tổ chức hội thảo, tọa đàm; xây dựng Quy chế hoạt động đối ngoại của Hội; tiếp tục tổ chức Liên hoan Âm nhạc khu vực năm 2016, trước tiên là Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung vào tháng 4/2016 tại Huế; tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo âm nhạc để nâng cao chất lượng chuyên môn cho hội viên các vùng miền; tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 7 tại Hà Nội và một số địa phương trong cả nước; xây dựng kế hoạch tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2017 tiến tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017)...

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh đã có những ý kiến tâm huyết tại Hội nghị:

"Mới đây, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học, Nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” tại thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 10/2015, nhằm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết nêu ra những cơ sở lý luận và thực tiễn mới, định hướng mới cho phát triển văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn tại các cuộc hội thảo khoa học về công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật và là cộng tác viên thường xuyên của Tạp chí Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật, tiêu biểu là: nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Mỹ Liêm… với các bản tham luận có giá trị nghiên cứu lý luận phê bình, và các bài viết có tính học thuật cao. Nhờ âm nhạc mà Lý luận phê bình bớt khô khan, những đóng góp cụ thể của các đồng chí góp phần định hướng văn học nghệ thuật nước nhà, chúng tôi thực sự ghi nhận.

Tháng 5 năm 2014, trước sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành và Ban Bí thư Trung ương Đảng, chúng ta đã tiến hành các hình thức đấu tranh, âm nhạc của chúng ta đã đóng góp vô cùng quan trọng, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí quật cường, sức mạnh đại đoàn kết trước nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền đất nước.

Giá trị định hướng của âm nhạc rất quan trọng trong thời kỳ mới. Hiện nay có các chương trình âm nhạc thiếu tính định hướng. Vậy ai là người định hướng, khơi dậy tiềm năng của các thế hệ. Tôi xin gửi gắm vào các đồng chí, vừa xây dựng vừa định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ.

Mấu chốt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có 3 điểm: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước anh hùng Cách mạng Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam. Âm nhạc làm thế nào hài hòa, đáp ứng được người xem, người nghe là cả một quá trình tác động vào công chúng của các ngành hữu quan. Đó là đóng góp hữu hiệu nhất. Và tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương góp phần vào việc định hướng âm nhạc dân tộc, dùng âm nhạc của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam hòa mình với thế giới nhưng không đánh mất mình, mà tổ chức chính trị xã hội là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, làm sao để âm nhạc của chúng ta phát triển lành mạnh, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và cả dân tộc chúng ta”.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...