Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 8

13/12/2018

Ngày 29 tháng 11 năm 2018, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành khóa IX kỳ họp thứ 8, nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và phương hướng công tác năm 2019.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trì Hội nghị, cùng các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội.

Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019; Báo cáo của Trung tâm Bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam; công tác hội viên, chi hội, Website, tạp chí Âm nhạc Việt Nam…

Đặc biệt lần này, một số chi hội nhạc sĩ địa phương như: Chi hội Hòa Bình, Hà Giang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long… đã có báo cáo gửi về Trung ương Hội, nội dung báo cáo về các hoạt động âm nhạc của chi hội như: thực hiện tốt Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua các tác phẩm âm nhạc có giá trị; các chi hội đã hưởng ứng tốt các cuộc vận động sáng tác ca khúc về môi trường, biển đảo, biên giới; phần lớn các chi hội đã kết hợp với địa phương tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3/9), tích cực tham gia các hoạt động sáng tác âm nhạc, tham gia ban tổ chức, ban giám khảo, tổ chức trại sáng tác và các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị tại địa phương…

Các chi hội cũng có một số đề xuất, kiến nghị với Ban Chấp hành Hội: Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam cần kịp thời triển khai những nhiệm vụ chính trị trọng tâm giúp cho các chi hội hoạt động, sáng tác đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chi hội hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất về cả nghệ thuật và tính tư tưởng theo hướng hiện đại bên cạnh những giá trị nghệ thuật dân tộc; tiếp tục duy trì và phát huy Liên hoan Âm nhạc như mô hình tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc (đợt 1 năm 2018), vì đây là phương thức tổ chức rất phù hợp, hiệu quả và thuận lợi cho các chi hội; thông báo định kỳ và thường xuyên về hoạt động của Ban Chấp hành Hội, thông báo các hoạt động đăng ký hỗ trợ sáng tạo, thời gian và thể thức nộp các tác phẩm dự thi giải thưởng âm nhạc hàng năm cho chi hội; sớm ban hành Quy chế Tổ chức hoạt động Chi hội nhạc sĩ các địa phương, nhằm thống nhất việc xác định chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ giữa chi hội Nhạc sĩ Việt Nam với các cơ quan quản lý, hội văn học nghệ thuật và các ngành có liên quan trong tỉnh nhằm tạo điệu kiện thuận lợi hơn cho tổ chức hoạt động của chi hội; quan tâm tăng thêm chỉ tiêu tham gia các trại sáng tác, để anh em hội viên có điều kiện được học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sáng tác; duy trì tổ chức Hội nghị các Chi hội trưởng từng khu vực nhằm nắm rõ thực trạng, những thuận lợi và khó khăn để chỉ đạo hoạt động các chi hội cơ sở thiết thực hơn…

Hội nghị đánh giá cao những kết quả đạt được trong các hoạt động âm nhạc, đặc biệt là việc tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 (tháng 9/2018) tại Hà Nội, gồm 32 đoàn và các chi hội nhạc sĩ từ Huế trở ra. Liên hoan âm nhạc đã có 42 tác phẩm được lựa chọn để dàn dựng và biểu diễn; tổ chức thành công Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu lần thứ III tại Việt Nam, từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 2018, tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của  hơn 70 nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn quốc tế cùng 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam, phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh... biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại Festival đạt hiệu quả rất tốt.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những ý kiến nhận xét:

“Điểm mới của bản báo cáo đã tập hợp được các ý kiến của các chi hội, thể hiện trách nhiệm của các chi hội đối với hoạt động âm nhạc, sự quan tâm của Hội với các chi hội cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Ngay từ đầu năm chúng ta đã khởi hành được những công việc tốt đẹp như thay đổi cơ cấu lãnh đạo của Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Một năm đầy ắp các hoạt động có hiệu quả và đã bước sang năm thứ 4 của nhiệm kỳ IX, chuẩn bị tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X vào tháng 7 năm 2020. Nét nổi bật trong năm qua với công suất làm việc rất lớn, sự kiện rất lớn và sự phối hợp nhịp nhàng có hiệu quả cao, không có sai sót gì trong quá trình điều hành và thực hiện các công việc, điều đó cho thấy tác dụng của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành phối hợp với Văn phòng Hội rất tốt.

Một năm qua có rất nhiều sự kiện nối tiếp nhau, có những sự kiện đã hoàn thành và những kế hoạch dự kiến cho năm 2019 và giai đoạn tiếp theo. Có 2 hoạt động mang tính nổi trội nhất, đó là việc lần đầu tiên chúng ta đã tổ chức được Liên hoan Âm nhạc toàn quốc khu vực I, với 32 đoàn từ Thừa Thiên – Huế đổ ra, với phương thức là tất cả các tiết mục được lựa chọn đều được phối với dàn nhạc sống và ca sĩ hát trực tiếp. Đây là điểm đột phá nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng của các cuộc biểu diễn, tuy phần lớn là thể loại ca khúc, về khí nhạc và hòa tấu thính phòng thì còn ít. Đây là một phương thức đổi mới để chúng ta tiếp tục phát triển từ cuộc Liên hoan khu vực I tại Hà Nội vào tháng 9 vừa qua. Đây là hoạt động âm nhạc đối nội nổi trội nhất trong năm 2018.

Cùng với đó là hoạt động đối ngoại, Festival quốc tế Âm nhạc mới Á – Âu lần thứ III được tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế đều có cảm nhận chung là một Festival âm nhạc thành công mà chưa một nơi nào có được về sự đa dạng, chất lượng các tác phẩm và trình độ biểu diễn, các tác phẩm được trình bày ở các thể loại từ tác phẩm của các sinh viên sáng tác cho đến các buổi hòa nhạc thính phòng, giao hưởng, hợp xướng, dân gian dân tộc… họ cho rằng đây là sự cố gắng nỗ lực và sự hoàn thiện mỹ mãn trong một Liên hoan âm nhạc, cho thấy sự quyết tâm chuẩn bị kỹ càng, sự phối hợp một cách nhịp nhàng với các ban ngành, các dàn nhạc, các nghệ sĩ độc tấu, diễn viên; sự liên kết của Hội với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là đối với những đơn vị mới như dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphony Orchestra)… để lại ấn tượng mạnh, sự khâm phục của bạn bè quốc tế. Chúng ta cũng được sự ủng hộ của Chỉnh phủ để đưa Festival Âm nhạc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần”.

Hội nghị đã thống nhất các nội dung và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác của Hội trong năm 2019:

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các Chi hội cũng như thành tích của các chi hội; tiếp tục tổ chức Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II (Khu vực phía Nam) dự kiến (tháng 9/2019) tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm các Chi hội và các Đoàn nhạc sĩ từ Đà Nẵng trở vào, xây dựng các chương trình nghệ thuật kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 10 (mồng 3/ 9) rộng khắp trên cả nước, nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật ở các địa phương đạt hiệu quả tốt hơn; tổ chức các trại sáng tác, lớp tập huấn âm nhạc cho các nhạc sĩ ở khu vực phía Nam và phía Bắc, và các địa phương cho các nhạc sĩ; tổ chức Hội thảo chuyên ngành...; tổ chúc các chương trình nghệ thuật tôn vinh các nhạc sĩ nổi tiếng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; thành lập Trung tâm Truyền thông và Biểu diễn Âm nhạc của Hội để đáp ứng nhiều hoạt động tuyên truyền và biểu diễn, quảng bá tác phẩm của hội viên cũng như các hoạt động âm nhạc của Hội có tính chuyên nghiệp; tiếp tục mở rộng quan hệ trao đổi âm nhạc với các nước trong khu vực, và quốc tế; đẩy mạnh công tác lý luận phê bình âm nhạc, nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí Âm nhạc; nâng cấp trang Website Hoinhacsi.vn, xây dựng phần mềm mới quản lý hội viên (trước nay mục Hội viên vẫn thuộc quyền quản lý của Phòng Công tác hội viên nên website không có quyền chỉnh sửa và update thông tin theo yêu cầu các hội viên); chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X (nhiệm kỳ 2020 -2025) bằng việc tiến hành tổ chức các đại hội khu vực gọn nhẹ và hiệu quả…

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...