Học trò xứ người học nhạc ra sao?

14/07/2014

Tài liệu của Khoa Xã hội học trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật..., vấn đề âm nhạc nói chung và ca hát nói riêng được giáo dục một cách hệ thống ngay từ nhà trẻ, mẫu giáo và tiếp tục nối tiếp lên những năm phổ thông cơ sở. Vì vậy, đến khi vào phổ thông trung học, học sinh các nước này không những có một vốn kiến thức nhất định về âm nhạc mà còn có thể nắm bắt được kỹ thuật ca hát phổ thông, do đó khả năng tiếp thu và thị hiếu âm nhạc đã có sự chuẩn bị chu đáo.


Ảnh: Internet

Chuyện ở Nhật

Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video,... Đặc biệt các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau như âm nhạc, hội họa, thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo, karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung,.. Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ!).

Khá nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được đến cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước Nhật. Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư phạm rất giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng cho học sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi chạy ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh học piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều người khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm, tuy không trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư của người Nhật khá cao.

Các kinh điển của các nhà soạn nhạc lừng danh như Bach, Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều chơi như “cháo” cả. Ở Tokyo có nhiều phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền, hoặc phải trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như Steinway hoặc Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ một cơ quan văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sỹ, nhạc công và chủ phòng hòa nhạc quyết định.


Ảnh: internet

Âm nhạc là trung tâm văn hóa đại chúng

Theo tài liệu của Hội đồng Anh tại TP.HCM, khảo sát của các nhà khoa học Anh cho biết việc ca hát ở trường học sẽ giúp trẻ em cảm thấy tự tin hơn về bản thân và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với cộng đồng. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu cá nhân thu được từ 9979 học sinh thuộc 177 trường tiểu học tại Anh. Kết quả, những trẻ học hát tại trường phát triển già dặn hơn 2 năm tuổi đời so với những trẻ không học hát.

Nhạc sĩ Howard Goodall thuộc Ủy ban học hát quốc gia Anh cho biết: “Chúng tôi luôn duy trì việc dạy học hát cho các học sinh bởi học hát sẽ giúp các em tăng cường khả năng vận động trí óc, tự tin vào bản thân và kết nối với cộng đồng xung quanh tốt hơn”.

Sau khi khảo sát trên được công bố, chính phủ Anh đưa ra cam kết giữ vững mọi nguồn tài trợ cho việc giảng dạy học hát ở các trường học. Bộ trưởng Giáo dục Anh khẳng định: “Âm nhạc chính là trung tâm của nền văn hoá đại chúng Anh - đó là điều mà giới trẻ bàn luận, đó là cái mà họ khao khát. Nhưng giới trẻ cần phải biết rằng họ chỉ có thể trở thành các ngôi sao bằng cách thông thạo căn bản âm nhạc khi họ còn trẻ. Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần một nền giáo dục âm nhạc tầm cỡ thế giới trong các trường học. Âm nhạc phải đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhà trường và xa hơn nữa”.

Chuyên gia âm nhạc người Mỹ Meredith Levande cũng khẳng định ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra được mối quan hệ mật thiết giữa kết quả học tập của trẻ em với việc yêu thích âm nhạc. Ngoài những tác dụng tích cực kể trên, âm nhạc còn có khả năng giúp trẻ em có phương pháp học tập không ngừng nghỉ, thể hiện được cá tính của bản thân, đồng thời thúc đẩy trí sáng tạo.

(Nguồn: http://songnhac.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...