Hòa nhạc Luala Xuân Hè 2013:Kết quả nhiều hơn mong đợi

08/05/2013

Sau ba tuần tổ chức,chương trình hòa nhạc Luala Xuân Hè 2013 đã khép lại vào hôm 5/5 với những ấn tượng không thể quên trong lòng công chúng. Năm nay, Hòa nhạc Luala Xuân Hè không chỉ đem nhạc giao hưởng xuống phố mà còn làm được nhiều điều hơn thế.

Được bắt đầu từ năm 2011, chương trình hòa nhạc Luala tổ chức 2 lần mỗi năm. Trong đó hòa nhạc Xuân – Hè dành cho những trải nghiệm mới còn Thu – Đông dành cho nhạc cổ điển.

Luala Concert Xuân Hè 2013 chính thức diễn ra chiều ngày 20 tháng 4 tại địa điểm quen thuộc – vỉa hè phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Trong chương trình lần này, hòa nhạc Luala có sự tham gia của những nghệ sĩ mà tên tuổi đã gắn liền với những dòng nhạc đặc trưng như Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Hoạch, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Văn Trung, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Doanh, Nghệ sĩ Việt kiều Nguyễn Nhất Lý, Nghệ sĩ Kim Xuân Hiếu, ca sĩ-nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý, ban nhạc Phù Sa….Suốt 3 tuần diễn ra chương trình, mỗi buổi diễn đều mang lại những trải nhiệm mới lạ bởi những nội dung được xây dựng hoàn khác nhau về thể loại.

Những trải nghiệm mới

Đúng với tiêu chí của chương trình là chương trình hòa nhạc dành cho những trải nghiệm mới, Luala Concert Xuân Hè 2013 đã khiến công chúng vô cùng nhạc nhiên với việc kết hợp âm nhạc dân tộc và nhạc giao hưởng. Những loại hình âm nhạc hiện đại như jazz, nhạc điện tử, comtemporary pianoi hay du ca được kết hợp với những chất liệu dân ca truyền thống đã tạo ra những màu sắc âm nhạc hoàn toàn mới. Nếu chỉ nghe nói nhiều người chắc sẽ không tin bởi đây là điều chưa ai từng làm và có vẻ như là điều không tưởng khi kết hợp hai dòng âm nhạc hoàn toàn khác nhau như vậy. Một thứ vốn là âm nhạc cao cấp đến từ các quốc gia Châu Âu, chỉ dành cho những người có khả năng âm nhạc và giới quý tộc Châu Âu, và những nhạc cụ hiện đại. Một thứ lại là âm nhạc dân ca truyền thống, đa phần đếu có xuất phát từ cuộc sống thường ngày của những người nông dân Việt Nam xa xưa với những nhạc cụ đơn giản, mộc mạc. Ấy vậy nhưng, hai dòng nhạc tưởng chừng như không liên quan đó lại kết hợp với nhau một cách hài hòa bởi những nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam. Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý – người sáng lập ra dàn nhạc Làng Tôi - người đóng vai trò chủ đạo nghệ thuật, âm thanh cho các buổi diễn của Luala Concert Xuân Hè 2013 cho biết: Việc mang nhạc dân tộc vào chương trình sẽ tạo thành một sân chơi để phát hiện, tạo điều kiện thúc đẩy sự hội nhập, tiếp thu và học hỏi giữa các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới với âm nhạc truyền thống của Việt Nam. 


Nghệ sĩ Ưu tú Đào Văn Trung phiêu cùng âm nhạc...

Buổi diễn mở đầu cho Luala Xuân Hè 2013 diễn ra vào 15h00 ngày 20 tháng 4 trong sự chờ đợi, háo hức của hàng trăm khán giả. Đặc biệt với việc tuyên bố trải nghiệm mới của chương trình, buổi diễn đầu tiên quy tụ rất đông báo chí cũng như những người hoạt động nghệ thuật, họ đến để thử một trải nghiệm mới và cũng là tò mò muốn biết về sự kết hợp mới mẻ đó sẽ thành công hay thất bại? Giữa tiết trời một buổi chiều hè khó nóng bức, không khí trên vỉa hè đường Lý Thái Tổ dường như ngột ngạt hơn bởi số lượng người cùng lúc đổ về, bởi sự chờ đợi, mong ngóng và hồi hộp. Rồi khi tiếng đàn vilolon réo rắt của nghệ sĩ ưu tú Đào Văn Trung vang lên cùng những giai điệu của chầu văn và cải lương, tất cả như vỡ òa…những người làm nghề hạnh phúc khi mang được âm nhạc truyền thống đến với khán giả với hình thức mới còn công chúng thì ngạc nhiên thực sự khi được trải nghiệm những giai điệu truyền thống của đất nước qua hình thức giao hưởng phương Tây.

Trên thực tế, không có mấy quốc gia trên thế giới lại có nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc như Việt Nam chúng ta. Bởi vậy mà trong số 17 di sản thế giới đã được Unesco công nhận, Việt Nam có đến 05 di sản được xếp vào danh mục văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nhã nhạc Huế, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Hát Xoan. Mặc dù vậy những loại hình âm nhạc truyền thống nói chung hiện nay đều đang gặp phải sự vắng khách bởi chưa thể tìm được hướng đi thực sự đúng đắn. Và việc kết hợp giữa nhạc giao hưởng, nhạc jazz cùng những nhạc cụ hiện đại với âm nhạc dân gian truyền thống của Luala Concert mùa này thực sự đã tạo nên những sự đột phá mới mẻ và là bước tiến quan trọng trong việc tiếp cận công chúng.

Chẳng thế mà trong niềm hạnh phúc dâng trào trước thành công của buổi diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Văn Trung chia sẻ: Việt Nam có đến 54 dân tộc, trong đó dân tộc nào cũng có những ngôn ngữ âm nhạc riêng, cực kỳ giàu âm sắc…Nếu chưa thể làm gì để giữ nguyên xi những chất liệu âm nhạc truyền thống đó thì việc cần phải làm là làm sao để nhiều người biết đến các loại âm nhạc truyền thống. Vì thế tôi chọn nhạc giao hưởng, bởi giao hưởng là nơi truyền tải những gì cảm xúc nhất. 



Màn trình diễn của dàn nhạc Làng Tôi

Không chỉ có sự kết hợp giữa chất jazz của ban nhạc Phù Sa, nghệ sĩ Đào Văn Trung với chầu văn và cải lương. Hòa nhạc Luala Xuân Hè còn mang đến những tải nghiệm mới với hò Huế, Tuồng, Chèo và những làn điệu dân ca khác. Đặc biệt vào buổi diễn thứ 4 diễn ra ngày 28 tháng 4, dàn nhạc Làng Tôi đã “đưa” cả không gian làng quê Việt Nam về phố cổ Hà Nội.

Dàn nhạc Làng Tôi là dàn nhạc dân tộc gồm 5 nghệ sĩ chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Được nghệ sĩ Việt kiều Nguyễn Nhất Lý thai nghén từ năm 2005 nhưng phải 4 năm sau, năm 2009 “Làng Tôi” mới được hình thành. Với những giai điệu đậm chất làng quê Việt của chèo, cải lương, chầu văn, hát then, hát xẩm nhưng tất cả đều được làm mới một cách thuyết phục và tài tình khiến cho công chúng không khỏi nhạc nhiên, cảm phục. Cả không gian trên con phố Lý Thái Tổ như ngập chìm trong tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng tù và nhưng lại vẫn chứa đựng sự mềm mại, ngọt ngào, sâu sắc của dân ca truyền thống. Bởi đa phần các nhạc phẩm được trình bày trong chương trình đều được trích từ âm nhạc của chương trình xiếc “Làng Tôi” do dàn nhạc trình diễn nên phầm âm nhạc tuy mộc mạc, sâu lắng đúng chất làng quê Việt nhưng lại không kém phần sôi nổi, hào hứng mang lại nhiều phấn khích cho khán giả.

Với số đông khán giả những người ít có cơ hội được trực tiếp thưởng thức nhạc live (nhạc sống) thì việc cả một dàn nhạc với những nhạc cụ dân tộc như cồng, chiêng, trống, đàn nhị, đàn tính, khèn, tiêu sáo, phách, trống cơm…Lại thêm những nhạc cụ lạ mắt như chiêng dây, đàn môi, khèn Thái…cùng với những đôi tay điêu luyện và những bản nhạc phối tài tình thì Luala Concert thực sự là một không gian thụ hưởng âm nhạc tuyệt.





Sự kết hợp tài tình giữa âm nhạc truyền thống và piano tại nên một sắc thái mới cho các tác phẩm kinh điển trong kho tàng âm nhạc dân ca truyền thống...

Nếu chỉ với không gian làng quê cùng chầu văn, cải lương và sự thể hiện của các nghệ sĩ Lê Cát Trọng Lý, Đức Minh, Xuân Trường, Quang Minh…với các tác phẩm du ca và những trải nghiệm âm nhạc điện tử trong 04 buổi diễn đầu tiên đã làm cho công chúng bất ngờ thì vào buổi diễn thứ 5 của Luala Concert, công chúng lại được đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác với sự kết hợp của nhạc hiện đại và tuồng, chèo cổ, hò Huế..

Trong khoảng 2 giờ đồng hồ diễn ra chương trình, khán giả thủ đô đã được trải nghiệm những cung bậc tình cảm từ vui đến buồn, từ cười sang khóc, cùng những gào thét, nức nở của các trích đoạn của “Hồ Nguyện Cô hóa Cáo”, “Thiết thốt”, “Xúy Vân giả dại”, “Luyện năm cung”..Những tác phẩm này đều là những tác phẩm kinh điển trong kho tàng âm nhạc dân tộc của Việt Nam. Điều hấp dẫn là ở chỗ những tiết mục này đều không được dựng sẵn mà để người nghệ sĩ biễu diễn ngẫu hứng với chính những cung bậc tình cảm thật của mình.

Sự kết hợp đỉnh cao giữa nghệ sĩ piano Phó An My với giọng ca điêu luyện của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài, cách diễn xuất đầy lôi cuốn của nghệ sĩ tuồng danh tiếng Xuân Quý, nghệ sĩ trẻ tài năng Hà Thanh đã mang đến cho những tác phẩm kinh điển của như “Hồ Nguyện Cô hóa Cáo”, “Thiết thốt”, “Xúy Vân giả dại”…một sắc thái hoàn toàn mới và đầy mê hoặc.

Với chủ đề “Giao hưởng và Cải lương”, buổi biểu diễn kết thúc Luala Concert 2013 đã khép ngày 5 tháng 5 trong sự nuối tiếc của đông đảo khán giả thủ đô.



Khán giả cả người Việt và khách quốc tế đến thưởng thức chương trình rất đông mặc dù phải ngồi cả xuống đất trong thời tiết nóng bức, oi ả...

Kết quả đạt được hơn cả kỳ vọng

Theo như mục tiêu ban đầu của Ban tổ chức thì Hòa nhạc Xuân Hè 2013 sẽ là một sân chơi mở cho dòng nhạc mang tính chất thể nghiệm, ngẫu hứng. Chương trình sẽ tìm tòi sự mới lạ, quảng bá vẻ đẹp ngôn ngữ của âm nhạc dân tộc Việt nam qua các phương thức biểu diễn của những thể loại âm nhạc chính thống, dù là cổ điển hay hiện đại để khán giả dễ đón nhận hơn. Âm nhạc truyền thống trong cuộc sống hiện đại cũng đòi hỏi một cách tiếp cận khác vì thế Luala Concert xây dựng chương trình làm mới nhạc dân gian với tinh thần hiện đại để khán giả cảm thấy dễ nghe và gần gũi hơn, từ đó mới có thể dần dần quảng bá được âm nhạc dân tộc. Mục tiêu là như vậy nhưng những gì mà Luala Concert đạt được trong mùa diễn Xuân Hè vừa qua còn hơn cả kỳ vọng.

Luala Concert giờ không chỉ là một chương trình âm nhạc mà đã trở thành một thương hiệu tại Việt Nam và được công chúng ghi nhận. Giải thưởng Cống hiến lần thứ 8 vừa qua, Luala Concert được đề cử vào danh sách giải thưởng “Chương trình của năm”. Tuy chưa được bình chọn năm nay nhưng điều đó cũng đã đủ để cho thấy sự ghi nhận của công chúng đối với một chương trình âm nhạc chất lượng.

Nhưng điều quan trọng nhất không phải là việc được đề cử vào một giải thưởng danh giá, uy tín mà điều lớn lao nhất mà Luala Concert đã làm được đó là mang âm nhạc đến gần hơn với công chúng. Đồng thời xây dựng thành công một sân chơi âm nhạc cho những nghệ sĩ đam mê với nghề và mang lại một sân khấu chất lượng cho những công chúng yêu nhạc. Bên cạnh đó, với sự thử nghiệm thành công của việc kết hợp nhạc giao hưởng, nhạc hiện đại với âm nhạc dân gian truyền thống..Luala Concert lại một lần nữa khẳng định đường đi đúng đắn của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là việc giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống.

(Nguồnhttp://thethaovietnam.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...