Hãy yên lòng, Mẹ ơi!

20/09/2013

Năm 1978, trên lầu 6 của một chung cư, chúng tôi tiễn đứa con trai Lê Anh Trung lên đường nhập ngũ, đi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Con trai ôm hôn ba mẹ và có lời chào chia tay, giọng nói đầy xúc động và ngắn gọn: “Ba, Mẹ hãy yên lòng về con”… Câu nói ấy gợi cho chúng tôi phác thảo ngay bài hát “Hãy yên lòng, Mẹ ơi!”.

Dự định ca khúc có hai đoạn. Đoạn A nói về đoàn quân đang tiến về biên giới Tây Nam. Nét nhạc phỏng theo nhịp trống thôi thúc, kêu cứu của người dân Campuchia trước thảm họa diệt chủng của bọn Khmer Đỏ. Đoạn B điệp khúc là tiếng nói trái tim của những chàng trai hướng về người mẹ sinh thành – người mẹ Tổ quốc Việt Nam.

Tới đoạn điệp khúc thì “bí” quá, rị mọ mấy ngày mà chẳng tìm thấy nét nhạc ra hồn.

“…Cho tới một hôm, trong nhà lồng chợ (Tân Định) bước ra, đụng mấy bà bán trái cây đang bụm miệng cười khọt khẹt, mấy bà hỏi tôi ổng làm gì vậy bà? Tôi dòm qua đường thấy ổng ngửa mặt lên trời, miệng chu chu hút gió. Ôi, đó là ngày ổng tìm được giai điệu điệp khúc “A, ai gọi đời ta”. Thấy thương ổng quá, tôi vừa đưa giỏ cho ổng treo lên xe, vừa chỉ mấy bả cười anh kìa!” .

Bài hát Hãy yên lòng, Mẹ ơi! được Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh sử dụng qua tốp ca của Đoàn Ca múa Bông Sen. Ban biên tập đề nghị tôi sửa lại hai từ người lính bằng từ chiến sĩ hoặc bộ đội trong câu “Từ nơi biên cương núi cao người lính qua trăm suối ngàn đèo”. Vì sao khoái dùng từ Hán Việt mà không xài tiếng Nôm… !? Tôi nhớ có một nhà thơ lớn gọi Bác Hồ là “Người lính già dân tộc”…

Ngóng hoài mà không thấy bài hát của mình được sử dụng. Sau này mới biết thời điểm đó ta và Khmer Đỏ chỉ là “xung đột biên giới” cục bộ. Thế rồi, Khmer Đỏ tràn qua biên giới Tây Nam, giết hại hàng ngàn đồng bào ta, trong đó có vụ thảm sát dã man tại Ba Chúc – An Giang. Và đầu tháng giêng năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Quân dân ta đồng loạt tiến công khắp nơi đánh đuổi bọn Khmer Đỏ, bảo vệ đồng bào và biên giới nước ta, đồng thời giải cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Bấy giờ, phong trào văn nghệ quần chúng nở rộ khắp nơi nhằm động viên tiễn đưa thế hệ thứ tư nhập ngũ lên đường hướng về biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường K. Một trong những bài hát được nhiều nơi biểu diễn là ca khúc Hãy yên lòng, Mẹ ơi! qua giọng ca của Mai Trực, Lê Hành, Việt Thắng, Minh Quang…

Tưởng rằng đứa con tinh thần của chúng tôi đã “mất tích” rồi, nào ngờ nó được “hồi sinh” và sống khỏe lâu dài! Đó là số phận của những bài ca.

V

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.