"Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng" hay Bài hát trẻ em làm mất lòng người lớn
Năm 1928 ở trại trẻ dành cho các em chậm phát triển tại Liên Xô thầy cô giáo cố gắng giải thích cho em Kostya Barannikov khái niệm thế nào là “luôn luôn” nhưng quả là khó khăn. Thế rồi các giáo viên đề nghị em viết mấy ví dụ lên bảng, xem em có hiểu được chưa, và em đã viết thành 4 câu thơ:
Пусть всегда будет солнце,
Пусть всегда будет небо,
Пусть всегда будет мама,
Пусть всегда буду я
Tạm dịch:
“Hãy để luôn luôn có mặt trời
Hãy để luôn luôn có bầu trời
Hãy để luôn luôn có mẹ
Hãy để mãi mãi có tôi”.
Mọi sự thiên tài đều đơn giản! Một nhà sư phạm đã lấy mấy vần thơ đó để đăng lên tạp chí giáo dục, sau đó lọt vào mắt xanh của họa sĩ Chahurin, và ông đã vẽ nên tranh cổ động rất nổi tiếng “Hãy để luôn luôn có mặt trời”.
Chưa hết, tranh cổ động đó mấy chục năm sau lại trở thành cảm hứng cho nhà thơ Oshanhin để ông cùng nhạc sĩ Ostrovskiy viết nên tuyệt tác - bài hát trẻ em “Hãy để luôn luôn có mặt trời”! Nhạc “dùng tới” tác phẩm của nhà soạn nhạc - nghệ sĩ dương cầm vĩ đại Franz Liszt cũng chả mấy ai quan tâm...
Bài hát được trình diễn lần đầu qua radio Moscow năm 1962 với giọng ca nữ hàng đầu của Nga lúc đó là Maria Kristalinskaya, và sau này cô cùng giọng hát nam hàng đầu Iosif Kobzon cũng thường biểu diễn:
Sau đó bài hát nổi tiếng rất nhanh, đặc biệt là sau khi Tamara Miansarova hát trên TV và tại Liên hoan thanh niên thế giới ở Helsinki năm 1962:
Rõ ràng là bài hát cho trẻ em, nhưng toàn người lớn lấy ra hát, chính vì ý nghĩa của lời hát trong đó nói về mong ước của cậu bé về một thế giới không có chiến tranh, rất “thời sự” vào thời điểm chiến tranh lạnh giữa hai phe XHCN và TBCN lúc đó: “Phản đối chiến tranh - phản đối đói nghèo - chúng ta đứng lên bảo vệ trẻ em - mặt trời vĩnh cửu - hạnh phúc vĩnh cửu - đó là mệnh lệnh của con người!”.
Nhiều năm sau nữa bài hát này vẫn được người lớn hát bằng nhiều thứ tiếng, có thể thấy qua phần trình diễn bằng tiếng Do Thái, A Rập, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức sau:
Phải nói rằng bài hát đó rất nhiều người Việt đang học và làm việc tại Liên Xô quá biết, tuy vậy trong thời điểm ấy miền Bắc cho rằng “Hãy để mặt trời luôn luôn có mặt trời” quá “xét lại”, kêu gọi hòa bình trong lúc hai miền đang giao tranh, rồi miền Bắc sẵn sàng chiến đấu với quân Mỹ xâm lược... nên không được phổ biến, trẻ em sẽ hát những bài như “...bé đi sơ tán bế em theo cùng... bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông...”.
Bài hát ở liên hoan ca nhạc Hensinki được một nhạc công Thụy Điển đặc biệt thích, và thế là tác giả Liên Xô đã chép tổng phổ tặng cho anh ta. 1964 Björn Kristian Ulvaeus và ban nhạc “Hootenanny Singers” bắt đầu trình diễn bài “Gabrielle”có chỉ dẫn tác giả nhạc Thomas — Rossner!? Và bài hát nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng của các nước Bắc Âu:
(Nếu ai chưa nhìn rõ, thì hãy biết rằng Björn Kristian Ulvaeus sau này lập ra ban nhạc ABBA và chơi guitar...).
Giữa Liên Xô và Thụy Điển (nói chung là châu Âu) chưa có một thỏa thuận hay hiệp ước gì về việc tác quyền âm nhạc, thế nên đành tự an ủi rằng bằng cách đó thì bài hát “Hãy để mặt trời” này càng trở nên phổ biến...
Những năm 60-70 thì trẻ em Liên Xô bắt đầu hát bài này rất nhiều rồi, và hình thức trình diễn thành công nhất đó là dàn đồng ca thiếu nhi, có lĩnh xướng cũng của một giọng ca thiếu nhi:
Giọng lĩnh xướng của Panamarov trong bài hát này được coi là hay nhất trong lịch sử các giọng ca nhí CCCP!
Tại Việt Nam, nếu tôi nhớ không nhầm thì phải đến gần năm 1980, sau cả bài “Trái đất này là của chúng mình” thì mới có dàn đồng ca thiếu nhi hát bài này, được gọi là “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng”. Chắc là tình hình thời sự quốc tế lúc này đã “cho phép”... Lời Việt dịch khá hay:
Tuy vậy vẫn thiếu đoạn lĩnh xướng “đỉnh cao” là điểm nhấn đặc sắc nhất của bài hát này (hay là tôi chưa được nghe bằng tiếng Việt?).
Tại Liên Xô và sau này thì bài hát này được hát rất nhiều, cả người lớn lẫn trẻ em. Xin nghe cô bé Nga hát bài này theo phong cách jazz hay vô cùng:
Người lớn rất hay hát cùng trẻ em (đồng ca) vào những dịp lễ hội - có thể nói đây là ca khúc thiếu nhi nổi tiếng nhất tại Nga:
Nhớ lại cả quá trình lịch sử “chìm nổi” của bài hát này, cũng là bài hát tiếng Nga đầu tiên tôi được học, nay đã là năm 2015, chỉ mong đến ngày nào đó mọi lý do chính trị - thời sự sẽ được gạt hết sang bên, để bài hát trẻ em “Hãy để mặt trời luôn luôn chiếu sáng” - người lớn chúng ta hãy dành để cho trẻ em giai điệu này:
Và mọi tranh cãi về quyền tác giả đến một lúc nào đó cũng nên bỏ qua - sáng tác của ai cũng là sáng tác chung của loài người, và nếu cần nhớ đến nhất thì đó phải là cậu bé tự kỷ Kostya Barannikov...
P.S.: Lời tiếng Nga
Пусть всегда будет солнце
Солнечный круг,
Небо вокруг -
Это рисунок мальчишки.
Нарисовал он на листке
И подписал в уголке:
Điệp khúc (2 lần):
Пусть всегда будет солнце,
Пусть всегда будет небо,
Пусть всегда будет мама,
Пусть всегда буду я.
Милый мой друг,
Добрый мой друг,
Людям так хочется мира.
И в тридцать пять
Сердце опять
Не устает повторять:
Điệp khúc (2 lần):
Тише, солдат,
Слышишь, солдат,-
Люди пугаются взрывов.
Тысячи глаз
В небо глядят,
Губы упрямо твердят:
Điệp khúc (2 lần)
Против беды,
Против войны
Встанем за наших мальчишек.
Солнце - навек! Счастье - навек!-
Так повелел человек.
Điệp khúc (2 lần)