Hậu thuẫn của Văn hóa
Di sản âm nhạc bao gồm tất cả tài sản âm nhạc còn sót lại sau khi thời gian đã qua đi, còn âm nhạc di sản hiện hữu với những loại hình nghệ thuật trải qua quá trình nhận thức về mặt giá trị. Nước ta hiện có tám di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức Unesco công nhận, trong đó liên quan tới âm nhạc có: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Ca trù, Hát Xoan, Đờn ca Tài Tử… Kết quả đó đánh dấu chặng đường dài đã đi qua trên từng loại hình nghệ thuật, đồng thời xác nhận “quyền thừa kế” của cộng đồng nhằm xây dựng hệ thống quy phạm, bao gồm thể chể, thiết chế đảm bảo tính lưu truyền cho di sản âm nhạc.
1. Xác định mục tiêu, quy chế hóa nhiệm vụ
Đứng trước nguy cơ một đi không trở lại của bất kỳ di sản âm nhạc nào đều đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho công tác bảo vệ, gìn giữ và lưu truyền văn hóa. Công việc này đòi hỏi triển khai, thực hiện liên tục, lâu dài, từ việc tổng kiểm kê di sản âm nhạc từng tộc người cho đến xác định thực trạng văn hóa âm nhạc phần nhiều đang trên đà sa sút, mai một… chờ thế hệ truyền nhân. Sự thức tỉnh về di sản âm nhạc của chúng ta tuy có khác nhau, song đều biết rõ nguy cơ mất khả năng “tự vệ” và chấp nhận sự đào thải khắc nghiệt của bối cảnh văn hóa. Hệ thống quy chế tập trung thể hiện những nguyên tắc ứng xử đối với di sản âm nhạc, kể cả âm nhạc di sản, ràng buộc tổ chức, cá nhân có liên quan vào mục tiêu chung. Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể nói chung, di sản âm nhạc nói riêng từng thực hiện từ cuối thế kỷ XX với nội dung xoay quanh những dạng thức có nguy cơ cao mà một trong bốn mục tiêu của Bộ văn hóa đề ra nhiệm vụ “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.” Điều đó chứng tỏ, sự xuống cấp của di sản âm nhạc diễn ra một cách đồng loạt trên phạm vi rộng. Trong khi công tác bảo tồn mới chỉ dừng lại ở việc huy động nguồn lực tập trung vào việc thu gom, sưu tầm, nghiên cứu, lưu trữ bằng hình ảnh tĩnh, động, băng âm thanh, báo cáo khoa học… tiến tới tập kết nguồn dữ liệu, làm cơ sở cho việc triển khai những khía cạnh có liên quan, chứ chưa gia nhập trực tiếp vào quá trình lưu truyền vốn di sản.
Tâm điểm của việc bảo vệ di sản âm nhạc nằm trọn vẹn ở mục tiêu kế thừa. Kế thừa cần hiểu như một giá trị tạo bởi tính liên tục thông qua quá trình lưu truyền văn hóa. Nó khác hẳn với việc thừa kế theo khuynh hướng khai thác hay bảo tồn, kể cả dưới dạng Ngân hàng dữ liệu. Cách làm này mặc dù có những giá trị tự thân sau khi gia nhập thiết chế văn hóa để chuyển hóa công năng, tác động vào xã hội, song lại không có khả năng cứu vãn được di sản mà chỉ níu kéo chúng theo đà giảm thiểu tiến trình hủy hoại, đồng thời giúp cho người tham gia tiếp cận, chuyển hóa được một phần công năng sang “hóa thạch” lưu trữ. Chúng ta có thể hình dung Ngân hàng dữ liệu giống như thứ “nhà xác” chất chứa “thi thể” di sản. Ngoài ra, mục đích, ý nghĩa của quá trình thừa kế còn nhằm đem lại giá trị cho cả công tác bảo tồn lẫn người thừa kế, có nghĩa là, bảo tồn, gìn giữ để sống chung chứ không chết cùng di sản. Vấn đề này nếu không sớm giải quyết sẽ tiếp tục rơi vào vòng tròn ác tính của căn bệnh phong trào lên xuống bấp bênh, thất thường. Vì thế, bảo vệ di sản âm nhạc cần hướng tới sự tham gia, hỗ trợ của nhiều hệ thống, từ tổ chức văn hóa, chính trị, xã hội, giáo dục… cho đến thiết chế cộng đồng, phương tiện và mạng lưới truyền thông... Nói cách khác, chúng ta phải huy động nhiều nguồn lực, mang tính đồng bộ nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Di sản âm nhạc cổ điển châu Âu sở dĩ được toàn thể nhân loại tham gia “bảo vệ” là vì giá trị tự thân cùng sự hậu thuẫn của văn hóa. Hai thực thể “cứng” và “mềm” này hỗ trợ hài hòa với nhau tạo nên sức mạnh đa chiều chuyển biến thành chuỗi giá trị. Kết quả đó định hình suốt thời gian dài và nhận được sự hậu thuẫn của văn hóa sau khi dịch chuyển tọa độ địa lý trên nhiều trục không gian, thời gian, lịch sử, văn hóa khác nhau. Đối với bất kỳ quốc gia, nhỏ hơn như vùng lãnh thổ, tiểu vùng văn hóa… muốn cố kết cộng đồng cùng tham gia bảo vệ di sản âm nhạc không thể không nương nhờ hệ thống văn hóa với sức mạnh “mềm” ẩn náu bên trong thói quen, cũng như quan niệm thẩm mỹ. Điều này đòi hỏi sự đi lên đồng bộ của cả hệ thống, đặc biệt là hệ thống văn hóa, xã hội… Hai chiều kích trên giúp cho nhận thức về di sản âm nhạc có khả năng thẩm thấu, lan tỏa trên diện rộng, từ đó làm sâu sắc thêm nội dung liên quan, lay chuyển, biến lực lượng tinh thần thành vật chất. Nói cách khác, xã hội phải tạo ra mảnh đất màu mỡ cho “cây” văn hóa hồi sinh, đơm hoa, kết trái… Giáo dục tham gia bồi dưỡng, hun đúc, vun trồng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác bảo vệ, gìn giữ di sản âm nhạc. Chẳng cần đợi thế giới tụng ca di sản của ta thì mới nhảy vào cuộc hay thức tỉnh trước hồi chuông cảnh báo. Xã hội giống như mảnh đất, nếu cằn cỗi, bạc màu, thiếu hạ tầng cơ sở cho sinh hoạt văn hóa, giáo dục phải gồng mình lên gánh vác nhiều nội dung dư thừa… thì hậu quả tất yếu của hiện tượng tụt dốc nhanh chóng di sản âm nhạc truyền thống chỉ là vấn đề phái sinh.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, cơ quan quản lý văn hóa nên tạo điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại, lưu truyền di sản âm nhạc, sử dụng những thiết chế thích hợp vào mục đích bảo lưu, đồng thời phục vụ nhu cầu truyền thừa thiết yếu. Cần bám sát những diễn biến bất trắc, thất thường, nắm bắt tình hình thực tế nhằm hỗ trợ cho công tác bảo vệ di sản, đặc biệt là vùng văn hóa cộng đồng thiểu số. Không nên hiểu công tác quản lý như sự “chỉ đạo sáng suốt” hay can thiệp bằng những ý kiến thô thiển. Cần có những con người có khả năng, phẩm chất và lòng can đảm dấn thân vào lĩnh vực này, chứ không thể coi đây là mảnh đất màu mỡ để chuộc lợi như cách thức triển khai ở nhiều dự án. Xét về giá trị, di sản âm nhạc thuộc toàn thể cộng đồng, nhưng đứng ở góc độ trách nhiệm, chúng phải được giao phó cho cơ quan, tổ chức hay cá nhân có liên quan. Quy chế là cơ sở, hành lang pháp lý tạo điều kiện vật chất, không gian, thời gian phù hợp cho sinh hoạt văn hóa. Bộ khung pháp lý có khả năng tác động vào sinh hoạt văn hóa cho phép người tham gia với tư cách thành viên cộng đồng nhằm bảo vệ, gìn giữ di sản âm nhạc. Việc triển khai công tác bảo tồn theo dự án chỉ nên coi như một biện pháp tham gia hỗ trợ, bổ sung bên cạnh điều kiện tập trung nguồn lực ở một giai đoạn ngắn hạn. Còn đứng ở góc độ chiến lược, công việc này nên triển khai, thực hiện bằng quy chế. Có như thế, chúng ta mới kiểm chứng được tính hiệu quả của thể chế, thiết chế, năng lực thực thi của đội ngũ tham gia và độ an toàn cho di sản âm nhạc.
2. Phát huy vai trò của thiết chế văn hóa
Trong quá khứ, nhạc lễ từng vượt qua sự thử thách của thời gian một cách thắng lợi nhờ khả năng thích ứng, tham gia, tích hợp vào môi trường tín ngưỡng sau khi chuyển hóa bối cảnh. Giống như những mảnh vụn rời rạc, nhạc lễ của triều đại cũ tiếp tục tồn tại, bảo lưu trong thời đại mới. Thiết chế văn hóa truyền thống làm nhiệm vụ bao bọc, bảo lưu, kế thừa một bộ phận âm nhạc có khả năng hòa nhập không gian nội tại. Hiện nay, hệ thống thiết chế này đã bão hòa, không còn khả năng dung nạp thêm nhiều loại hình âm nhạc đa dạng khác. Các khu phố văn hóa mặc dù xuất hiện nhan nhản trên phạm vi cả nước, song lại không có khả năng thu hút di sản âm nhạc. Những Đại bản doanh mang tên “Văn hóa” này thực chất đã không có trách nhiệm tham gia vào công việc tái thiết, phục hưng nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nội dung hoạt động hết sức đơn điệu. Việc đặt Hội trường vào trung tâm thiết chế văn hóa (đương đại) vô hình trung biến mọi sinh hoạt xoay quanh nhu cầu “hội họp”. Thiết chế nhà rông, nhà dài… của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều khu vực từng bị cưỡng chế, chuyển hóa thành Hội trường, từ đó gạt ra ngoài các loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng (truyền thống). Thực trạng rỗng ruột về nội dung bên trong thiết chế của Khu phố văn hóa một mặt đi chệch khỏi quỹ đạo vươn tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mặt khác làm mất đi thuộc tính đa dạng vốn có trong sinh thái văn hóa. Tình trạng nhất loạt triển khai phương thức xây dựng cơ sở văn hóa trên quy mô đại trà, tư duy nhân rộng, nhân bản vô tính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng, đa sắc của nhiều loại hình di sản. Công tác này nếu không sớm chấn chỉnh thì khả năng phát tác vẫn sẽ tiếp tục. Cần phải hiểu việc huy động, sử dụng thiết chế văn hóa hiện hữu nhằm đảm bảo tính đa dạng cho các loại hình nghệ thuật tồn tại, phát triển. Thiết chế đóng vai trò cung ứng điều kiện vật chất cho giá trị văn hóa, tinh thần ở di sản âm nhạc được bảo lưu, tránh tình trạng chuyển hóa, biến đổi, bóp méo tùy tiện theo điều kiện vật chất và sự hạn chế về nguồn lực. Dường như cách triển khai phong trào văn hóa lâu nay theo phương châm quản lý cho dễ, chứ không nhằm mục đích phục hưng văn hóa. Thiết chế phải đóng vai trò thay thế sinh thái nhân văn sau khi chuyển hóa bối cảnh nhằm tạo điều kiện vật chất cho di sản âm nhạc tái sinh. Trước bối cảnh sinh thái nhân văn bị thu hẹp, văn hóa truyền thống rơi vào tình trạng biến đổi zen, cộng hưởng với sự khiếm khuyết về cơ sở vật chất, di sản âm nhạc hoàn toàn mất đi môi trường tồn tại. Như trường hợp Nhà rông sau khi biến thành Hội trường đã kéo theo sinh hoạt bên trong biến đổi, thói quen truyền thống bị lay chuyển và nổi lên trên bề mặt cộng đồng là thay thế nhu cầu văn hóa bằng hội họp. Chúng ta đã đánh mất nhiều giá trị, lãng quên nhiều di sản và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuối thế kỷ trước, khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai trên diện rộng, phát động khắp toàn quốc tạo cơ sở, tiền đề cho việc phục hưng, làm sống dậy nhiều di sản, giá trị âm nhạc truyền thống. Nếu biết lồng ghép vốn di sản trên khắp mọi miền đất nước vào nội dung sinh hoạt ở thời điểm hưởng ứng lời kêu gọi, hành động vì mục tiêu giữ gìn tính đa dạng văn hóa chắc hẳn ngày nay chúng ta đã bước đầu kiểm chứng được kết quả. Thế nhưng, một chủ trương, chính sách lớn đã thực hiện bằng tư duy, phương pháp cũ khiến cho cuộc vận động không có khả năng tạo biến chuyển sâu sắc, tích cực, tác động mạnh mẽ vào xã hội nhằm lay chuyển đời sống văn hóa. Hoạt động này cần sớm chấn chỉnh để đưa các thiết chế hiện tồn vào phục vụ mục đích tái thiết giá trị văn hóa, di sản âm nhạc. Cần củng cổ, bổ sung thêm những thiết chế mới có khả năng tạo thành quần thể sinh thái nhân văn cho di sản âm nhạc tiếp tục tồn tại, bảo lưu. Dựa trên tính cố hữu của từng loại hình di sản từng bước lồng ghép, gia nhập vào nội dung trong các hệ thống khác, đặc biệt là văn hóa, giáo dục.
3. Tạo khả năng liên kết giữa các nguồn lực
Xuất phát từ cơ tầng văn hóa khiếm khuyết hệ tư tưởng thượng tầng chung nhất, nên nhiều hiện tượng văn hóa nước ta thiếu khả năng liên kết thành chuỗi giá trá trị nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp. Di sản âm nhạc vốn sản sinh trong điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội… khác nhau đòi hỏi có sự hỗ trợ, gia tăng thiết chế, hệ thống công cụ tương thích để giúp củng cố, duy trì công năng trong quá trình chuyến hóa bối cảnh. Nhìn vào diện mạo những loại hình âm nhạc đã được Unesco công nhận Di sản văn hóa thế giới, như Nhã nhạc, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Hát xoan, Đờn ca Tài tử… thấy thiếu vắng rất nhiều hệ thống, công cụ đi kèm. Tất cả các loại hình nghệ thuật sau khi tiến tới đích được công nhận Di sản văn hóa thế giới đều đã trải qua quy trình cung cấp những dẫn chứng đủ sức thuyết phục, từ báo cáo khoa học, hình ảnh, dữ liệu cho đến số liệu… nhưng, sau khi được công nhận di sản, còn một lộ trình dài tùy thuộc vào những nỗ lực tự thân của chúng ta nhằm chuyển đổi nhận thức. Và điều này đòi hỏi có sự tham gia, liên kết giữa các nguồn lực hay còn gọi là hậu thuẫn của văn hóa. Thông qua thiết chế văn hóa có thể thấy rõ tình trạng rời rạc của các thực thể khi tham gia vào đời sống. Ngân hàng dữ liệu dừng lại ở kết quả lưu trữ, Thư viện ngủ vùi trong kho sách, các Khu phố văn hóa chủ yếu phục vụ công tác tuyên truyền, định hướng chính trị (chứ không phải văn hóa). Nói chung, mọi thiết chế đều xoay quanh trục của mình, thiếu khả năng gắn kết, liên kết thành mạng lưới, hệ thống nhằm tác động vào xã hội, lay chuyển đời sống văn hóa. Tư duy thực dụng hai mặt, lấy lợi ích trước mắt thay cho chiến lược lâu dài khó thể tác động tích cực đến công tác bảo vệ di sản mà đối với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa giác ngộ được quyền lợi. Vì thế, cần có một sự đi lên đồng bộ, tương thích của cả hệ thống xã hội, văn hóa, từ đó đưa di sản vào quỹ đạo chung. Thiết chế văn hóa phải có khả năng liên kết thành chuỗi giá trị nhằm tác động vào xã hội. Trên cơ sở đó triển khai những công cụ có khả năng đi sâu vào đời sống, quan tâm phát triển sản phẩm văn hóa. Chúng ta thiếu đến tội nghiệp những sản phẩm có tính chất khai sáng, chỉ dẫn, giáo dục về thẩm mỹ, giáo dục công chúng, thậm chí kể cả sách công cụ… Mạng Internet đã trở thành môi trường hiện hữu trong “thế giới phẳng”, di sản âm nhạc cần gia nhập hệ thống này như một giải pháp tích cực trong việc kết nối cộng đồng nhằm việc truyền bá di sản âm nhạc theo phương thức dịch chuyển không gian, tọa độ lịch sử bằng hình ảnh. Suy xét khả năng tác động lâu dài làm định dạng văn hóa trên từng loại sản phẩm, thay vì thờ ơ, quan tâm tới hiệu ứng tức thời và lợi ích trước mắt. Chúng ta hầu như bỏ trống bộ sản phẩm, công cụ, phương tiện nghe nhìn tổng hợp, sách giáo khoa, băng đĩa, hình ảnh… có cơ năng chỉ dẫn, khai sáng… định hướng thẩm mỹ đại chúng giúp cho sứ mệnh của các thiết chế liên kết được với nhau. Các sản phẩm này phải từng bước gia nhập thị trường, góp tiếng nói của mình vào đời sống văn hóa nhằm lay chuyển khối lầm lỳ trong thói quen, nhận thức về di sản âm nhạc. Lựa chọn những sản phẩm tốt đưa vào cơ sở đào tạo, tham gia hệ thống giáo dục nhằm tác động trực tiếp vào văn hóa, xã hội.
Trong hoạt động thực tiễn, tính bức thiết và khả năng giải quyết vấn đề không phụ thuộc vào tọa độ địa lý, mà quyết định bởi sự hậu thuẫn của văn hóa. Bài toán về bảo vệ di sản âm nhạc càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ mang tính đồng bộ của cả hệ thống, từ đó cho phép di sản được sinh tồn, bảo lưu. Trước tình trạng đa tạp của xã hội hiện nay, công tác bảo tồn di sản âm nhạc giống như “lội nước ngược dòng”, nếu không huy động được sức mạnh tổng hợp, đa chiều, tạo khả năng liên kết nhiều nguồn lực nhằm lay chuyển nhận thức về di sản âm nhạc thì khó thể vượt qua rào cản của tập quán cố hữu cộng hưởng với một bối cảnh chông chênh về tư duy chiến lược.