Hậu 20-11: Những người ngồi ghế thấp
Trong một đất nước mà tính hiếu học trở thành giá trị văn hóa thì nhóm đối tượng quan trọng làm nên giá trị ấy chính là nhà giáo. Nhà giáo vốn có thiên chức cao quý trong thang giá trị nghề nghiệp, cho dù thiên chức ấy đang bị lung lay hay chao đảo trước bối cảnh xã hội hiện đại. Đứng trên bục giảng, người giáo viên giống như diễn viên trên sân khấu. Mọi ánh mắt đều đổ dồn, tập trung vào nhân vật trung tâm này. Bởi vậy, trong khi kỹ năng lắng nghe của con người có chiều hướng sa sút, trên sân khấu giảng đường, khán thính giả là những học trò vẫn biết phải tập trung, chú ý lắng nghe. Dù lời thoại của thầy cô giáo có đi vào hay ra khỏi ký ức học trò, khoảnh khắc ấy đong đầy ý nghĩa nhân văn, làm nên giá trị trong lĩnh vực giáo dục.
Đứng ở một góc độ khác quan sát, trong sự nghiệp bồi dưỡng những học trò theo đuổi ngành nghệ thuật để bước lên sân khấu, nhiều thầy cô giáo của tôi ngày xưa chẳng hề có lấy cho mình một sân khấu nhỏ. Thầy cô giáo chuyên ngành âm nhạc đa số ngồi trên chiếc ghế thấp. Mỗi lần lên lớp hay trả bài tại nhà thầy cô, học trò thường được hưởng đặc ân ngồi trên chiếc ghế đàng hoàng nhất. Học trò Guitare còn có thêm chiếc phụ kiện là giá kê chân để ngồi trong tư thế gác chân. Trong khi thầy cô có thể ngồi bất cứ vị trí nào, có người đi đi lại lại, tập trung, chú ý lắng nghe tiếng đàn của học trò. Có người ngồi lên cả giường, nếu buổi học diễn ra tại nhà hay ngồi trên chiếc ghế đẩu thấp lè tè... Mọi cử chỉ, ánh mắt, quan tâm, quan sát, lắng nghe của thầy cô đều đổ dồn vào học trò. Đây là điểm khác biệt mà tôi nhận thấy ở ngành nghề này. Khác với ngành nghề khác, học sinh chú ý lắng nghe lời thầy cô giảng. Thầy cô ngành nhạc lại tập trung, chú ý, giành sự quan tâm tuyệt đối cho học trò. Lắng nghe tiếng đàn học trò là thiên chức của họ, cho dù học trò đàn hay, đàn dở, đàn trôi chảy hay vấp thảm hại… sự chuyên cần lắng nghe, nhẫn nại và chỉ bảo ân cần vẫn là những đức tính phổ biến ở thầy cô giáo âm nhạc.
Bạn bè tôi sau này theo đuổi sự nghiệp âm nhạc trở thành thầy cô giáo, họ lại tiếp tục chọn cho mình chiếc ghế thấp, ngồi thấp hơn học trò để truyền đạt, nâng đỡ, thúc đẩy học trò đi theo con đường nghệ thuật. Dẫu biết, ghế cao hay ghế thấp chẳng làm nên tính chất cao quý hay thấp kém ở một con người hay ngành nghề. Đối với ngành giáo dục, tất cả quyết định bởi học trò. Học trò sẽ ra phán quyết cho sự thành bại ở thầy cô giáo. Nếu tự đặt mình trên cao, xa cách với học trò khiến cho khoảng cách giữa hai nhóm đối tượng này xa nhau, học trò ngày càng e dè, sợ sệt, không dám bày tỏ suy nghĩ với thầy cô, đó chính là một chướng ngại trong ngành giáo dục. Theo quan sát, khoảng cách về trình độ giữa thầy và trò càng xa nhau, mối quan hệ giữa họ càng gần gũi. Đối với những thầy cô có trình độ xa vời so với học trò thường dễ cảm thông, thương yêu học trò. Ngược lại, những thầy cô giáo trình độ hạn chế rất dễ đặt mình cao hơn học trò nhằm tạo khoảng cách. Khoảng cách ấy dùng để tạo quyền uy, cũng như che giấu sự yếu kém.
Thông điệp lấy học trò làm trung tâm đã được Bộ giáo dục phát đi. Nó có thực sự đi vào cơ sở giáo dục hay mới dừng lại ở câu khẩu hiệu còn phải chờ kiểm chứng qua thực tế và thông qua mối quan hệ giữa thầy và trò. Nếu tình trạng học trò sợ thầy cô giáo phổ biến, học trò không dám phản biện lại thầy cô hay không coi họ như chỗ dựa đáng tin cậy, trung tâm của ngành giáo dục chưa thể dịch chuyển hay thay đổi. Trên thực tế, thầy cô và học trò đều quan trọng trong môi trường giáo dục. Nếu cần phải xác lập vị trí trung tâm, cả hai nhóm đối tượng trên đều thuộc về nơi đó. Chúng ta không thể xác lập một trung tâm khi tình trạng thiên vị hay nghiêng lệch xảy ra. Trước tình trạng yếu kém về công tác đào tạo, sự dịch chuyển trung tâm từ thầy sang trò giống như liệu pháp tâm lý. Vì, sản phẩm của giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội qua hai chiều tác động: không gian văn hóa và thời gian lịch sử.
Trong thời gian học tập ở ngôi trường nghệ thuật, tôi chưa từng nghe ai nói lấy học trò hay thầy cô làm trung tâm. Nhớ lại những năm tháng ấy, tôi biết mình đã được đặt ở vị trí trung tâm. Cho đến giờ, sau hơn 20 năm đã trôi qua, trong tâm tôi lại tiếp tục giành vị trí linh thiêng để tri ân, tưởng nhớ những người đã đi vào cuộc đời mình với tư cách thầy cô giáo.