Hát trống quân Bùi Xá - loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo
Bắc Ninh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng, chiếc nôi của văn hóa xứ Bắc, không chỉ được biết đến là địa phương có hai di sản là dân ca quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và ca trù - di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, mà còn có loại hình nghệ thuật độc đáo là hát trống quân.
Nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, được người dân nơi đây bảo tồn và phát triển đã hàng trăm năm. Không cầu kỳ như quan họ mà thường nôm na theo kiểu ngẫu hứng phổ theo thơ lục bát, nhưng mỗi đám hát trống quân ngày xưa trong làng Bùi Xá đều khiến các đôi trai gái khắp vùng mê mải. Họ hát thâu đêm tới sáng, tiếng hát trống quân râm ran từ trong làng ra đến ngoài đồng.
Cụ Phạm Công Ngát, năm nay 88 tuổi, nghệ nhân hát trống quân cao tuổi nhất trong làng cho biết gia đình cụ đã có truyền thống 4 đời hát trống quân và đều trở thành những ông trùm của gánh hát. Năm 14 tuổi, cụ đã theo cha đi hát khắp mọi nơi.
Phong trào hát trống quân ở làng Bùi Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có từ thế kỷ thứ XIII dưới triều đại nhà Trần. Hát trống quân nơi đây cùng với một số gánh hát như Bá Đạt (Vĩnh Phú), Dạ Trạch (Hưng Yên) đã từng nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long và được vua Trùng Quang đời Trần mời về kinh thành hát cho vua nghe.
Thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945 là giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của nghệ thuật hát trống quân Bùi Xá. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Trong làng, từ già tới trẻ ai cũng biết hát. Hàng năm, mỗi độ Thu về vào khoảng trung tuần tháng Tám âm lịch, nhân dân trong làng lại tưng bừng mở hội hát trống quân cầu "sóng lặng, nước yên, lúa tốt mượt đồng, thiên thời, địa lợi, nhân hòa." Ngày ấy, con trai từ khắp bốn phương tấp nập kéo nhau về đêm hội cùng so tài đối đáp hết đêm này qua đêm khác. Cũng từ đó, đã có rất nhiều đôi nam thanh nữ tú nên duyên vợ chồng.
Sau năm 1945, cùng với nhiệm vụ đánh giặc cứu nước của toàn dân tộc, nghề hát nơi đây lắng dần, chỉ còn một số nghệ nhân mang theo những tiếng hát, lời ca đi khắp các chiến trường.
Năm 1993, những người tâm huyết với trống quân trong làng thành lập câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá gồm 5 thành viên. Trong quá trình hoạt động, câu lạc bộ thường xuyên luyện tập và sưu tầm được hơn 100 bài hát trống quân cổ, góp phần bảo tồn môn nghệ thuật trình diễn độc đáo trên quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Cụ Vũ Thị Kiểm (vợ cụ Phạm Công Ngát) hiện đã sang tuổi 86 nhưng vẫn hăng say truyền nghề và là người có công lớn nhất trong việc lưu truyền trống quân Bùi Xá cho biết trống quân là hình thức hát đối đáp, giao duyên của các đôi nam thanh nữ tú. Hai bên bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình trong những lời ca tiếng hát. Khi hát, phải tuân thủ đúng nguyên tắc chung là chào, mừng, chúc, hỏi. Trong quá trình đối ứng, các bên sẽ mở rộng ra các chủ đề như "đi chơi đi tìm," "cầm kỳ thi họa"...
Cụ Kiểm tâm sự Bùi Xá là một trong những nơi còn lưu giữ được nghệ thuật hát trống quân theo lối cổ. Khác với dòng Trống quân Bắc Bộ, hát đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngắt quãng nhiều, ít luyến láy và theo thể lục bát (6/8), để hát được trống quân Bùi Xá, người hát phải vừa tạo nên cái bản sắc riêng có, vừa tuân thủ âm điệu chung của loại hình trống quân.
Người hát Trống quân Bùi Xá hát theo lối văn thập cửu (10/9) nhưng vẫn giữ được tiết tấu lục bát của trống quân. Điều đặc biệt, trống quân nơi đây mang âm hưởng của quan họ cổ nên còn gọi là thể loại quan họ thứ 2. Theo cụ, để hát trống quân hay đòi hỏi người hát phải có nhiều yếu tố như giọng hát, lòng đam mê, khả năng ứng đối nhanh nhẹn trong những cuộc thi hát. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều loại hình nghệ thuật dần bị mai một. Để Trống quân Bùi Xá tồn tại và phát triển, các nghệ nhân xưa đã có những bước cải tiến đáng kể.
Ông Lê Bá Bạo, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá cho biết thành công nhất của Trống quân Bùi Xá là những nghệ nhân nơi đây đã có sự sáng tạo khi đưa trống quân dân gian lên sân khấu. Khi biểu diễn, nhạc cụ duy nhất của trống quân là trống đất để giữ nhịp. Xưa kia, trống đất được làm bằng hai cọc tre cao khoảng 1 mét và một sợi dây thừng gác ngang, giữa sợi dây buộc một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên miếng ván mỏng đặt hờ trên một hố đất có bán kính bằng miệng chum, bên trong sâu đầy vỏ ốc.
Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào phần dây... đặt đầu cọc vừa để làm nhịp "lưu không," vừa để thúc giục phe bên kia họa lại.
Ngày nay, cách làm trống không còn cầu kỳ nữa chỉ gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng sợi dây thép, chính giữa sợi dây đặt một cái trống, mặt rỗng úp xuống thanh ngang, mặt đáy sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống mà kêu thành tiếng.
Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá hiện thu hút được 28 thành viên ở nhiều lứa tuổi từ 39 đến 88 tuổi, hoạt động đều đặn vào 3 buổi tối từ thứ Sáu đến Chủ Nhật hàng tuần, trong đó có nhiều gia đình duy trì nhiều thế hệ cùng đi biểu diễn. Điều đáng mừng là mỗi buổi sinh hoạt ngoài sự có mặt của đông đủ các thành viên trong câu lạc bộ, còn có sự quan tâm rất lớn từ các cháu thanh, thiếu nhi trong làng.
Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo từ loại hình nghệ thuật này còn gặp nhiều khó khăn. Do không có môi trường để thế hệ trẻ cảm thụ đầy đủ cái hay, cái đẹp của đêm hội trống quân, các em chỉ có thể mường tượng về nó qua những tiết mục văn nghệ. Mặc dù lớp nghệ nhân cao tuổi trong làng Bùi Xá nay còn 6 người nhưng đa số các cụ đã già yếu, không đủ sức khỏe để hát, thế hệ kế cận cũng đã ngoài 50 tuổi.
Về lâu dài, nếu muốn loại hình nghệ thuật này tồn tại và phát triển được, cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của cả hệ thống chính quyền và người dân nơi đây./.
(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)