Hát cửa đình

26/12/2017

Hát cửa đình là loại hình diễn xướng nghi lễ tổng hợp, bao gồm: ca, múa, nhạc, nghi thức và trò diễn. Nó chính là tiền thân của hát Ca trù, hát Xoan, hát Ả đào, hát Cô đầu, hát Nhà tơ, hát Ca trò... Mặc dù đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng hình bóng của Hát cửa đình vẫn lưu lại trên nhiều bộ môn, loại hình nghệ thuật, nhất là âm nhạc nghi lễ, hát thờ trong nhạc lễ đình Nam Bộ.

Xưa kia, ngôi đình là một sân khấu trình diễn nghệ thuật. Nhiều loại hình nghệ thuật đã nương nhờ không gian đình làng để lấy làm nơi trình diễn, như hát Quan họ, hát Chèo (sân đình), hát Xoan, hát Bội... Đình có chức năng đa dạng hơn cả nhà văn hóa, nhà hát hiện đại, cộng tồn được chức năng thờ tự, sinh hoạt cộng đồng và công năng biểu diễn nghệ thuật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều ngôi đình xây dựng quy mô, ken đặc họa tiết hoa văn trang trí, tinh tế về nghệ thuật tạo hình, cũng như đạt đến tính quy phạm về cấu trúc nội ngoại thất. Dân ta ví cái gì to cũng như cái đình. Với số lượng rải rác từ Bắc chí Nam, từ vùng nông thôn đến hải đảo xa xôi, hễ đâu có người Việt sinh sống nơi đó cũng thường có đình. Sự hậu thuẫn về cơ sở vật chất của thiết chế văn hóa này đã tạo điều kiện cho nhiều loại hình nghệ thuật tồn tại và lưu truyền. Ở các nước phương Tây, nếu không có sự nở rộ nhà hát vào thế kỷ XVII thì loại hình Thanh xướng kịch (Oratorio) và Ca kịch (Opera) không thể phát triển rực rỡ và đạt đến đỉnh cao thời kỳ Cổ điển thế kỷ XVIII. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng cần đến điểm tựa vật chất để nương nhờ, đó là không gian biểu diễn. Số lượng đình phong phú chính là bằng chứng sống động thuyết minh cho tính đa dạng của các loại hình nghệ thuật truyền thống gắn liền với nó trong quá khứ. Ngày nay, khi vai trò của thiết chế văn hóa này đã phai nhạt trong đời sống đô thị hiện đại thì ở những địa phương còn duy trì tập quán văn hóa như một vạch nối gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, nghệ thuật truyền thống vẫn có cơ hội đi vào cuộc sống. 

Hát cửa đình xưa gọi là Đình môn ca hay Đình môn khúc, một tên gọi sinh ra gắn liền với ngôi đình. Mặc dù mang tên “hát Cửa đình”, nhưng loại hình nghệ thuật này diễn ra cả bên trong (nội tẩm) và bên ngoài (tiền viện) của ngôi đình. Hát cửa đình bao trọn không gian, quần thể kiến trúc đình làng, bên trong nhằm mục đích tế tự, phục vụ thần linh; bên ngoài phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của quần chúng, cư dân địa phương. Hai hoạt động trên trước kia gọi là “tế tự” và “viên du”. Do gắn với hoạt động nghi lễ, nên Hát cửa đình bảo lưu tính trình thức một cách nghiêm ngặt. Một buổi hát gồm các tiết mục (hay Lề lối diễn xướng) sau:

Giáo trống: Quản giáp đánh trống, dạo đàn, rồi đứng trước Hương án đọc câu hát, tiếp đó lùi xuống hai bước đọc câu Giáo hương.

Giáo hương: Ca nương ngâm đọc nhiều trổ, mỗi trổ gồm bốn câu thơ thất ngôn.

Thét nhạc (hay Thiết nhạc): Ca nương đội mũ tiên cầm, chia làm hai hàng, mỗi người cầm một nén hương tiến vào cung, ra trước chiếu ngâm điệu Nhạc hương (tứ Dâng hương), sau đó lui ra, chỉ còn lại một Ca nương diễn xướng bài Thét nhạc.

Hát giai: Quản giáp trình bày, gồm các bài có nội dung ca ngợi, tính chất kể truyện, sự tích, tả cảnh… theo thể Hát nói, trong đó khúc dạo đầu gọi là Mưỡu.

Đọc phú: ngâm, đọc những bài phú nổi tiếng (thường viết bằng chữ Nôm).

Đọc thơ (thường là chữ Hán). Ca nương đọc năm bài thơ Đường.

Hát điệu tỳ bà: kết hợp hai bài: Thu hứng của Đỗ Phủ và Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. 

Đại thực: giống như một “Đại khúc” kết hợp ca, múa, nhạc dùng để kết thúc chương trình nghi lễ. Sau đó bước sang phần hội, gồm:

Múa bỏ bộ: các điệu múa mô phỏng động tác lao động, sản xuất.

Múa bài bông: múa sắp xếp đội hình theo hoa, đèn. Theo mô tả, múa bài Bông gồm mười sáu ca đào mặc trang phục nhiều màu sắc, tay cầm quạt… Quản giáp đánh trống, giữ nhịp, kép đàn diễn tấu.

Tấu nhạc, múa tứ linh: Múa Long, Lân, Quy, Phụng theo điệu Lưu thủy, Hành vân của dàn Bát âm.

Ngày nay, ở hát Ca trù vẫn bảo lưu các lối: Thét nhạc, Tỳ bà, đọc phú, ngâm thơ, hát Giai, hát Mưỡu…

Theo đoạn văn mô tả trên, chúng ta có thể thấy thấp thoáng hình bóng của hát Cửa đình trong tiết mục đào Thài ở nghi lễ cúng đình Nam Bộ. Ở lễ Kỳ yên, Đào thài do diễn viên hát Tuồng đảm nhận, cung cách thực hiện khá gần với Hát cửa đình. Có thể, sau khi hát Cửa đình lùi vào dĩ vãng, thực thể của nó đã phân mảnh thành nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ hát Ca trù, hát Xoan cho đến hát thờ trong nghi lễ đình.

Trong “Hát lý hò An Nam”, Huỳnh Tịnh Của từng đề cập tới bốn lối hát: Thài, ru, chặp rỗi. Thài là hát thờ ngoài đình, ru là hát dỗ trẻ ngủ trong nhà, chặp là diễn xướng tổng hợp, như chặp bóng Tuồng Địa – Nàng chẳng hạn, còn rỗi là hát thờ ở miễu, như hát Bóng rỗi... Ở Nam Bộ, trong đình nhiều khi có thêm cả miếu. Như vậy, đình chính là thiết chế đóng vai trò trung tâm trong đời sống văn hóa truyền thống. Trong quá khứ, đình không chỉ to về mặt vật chất, hữu hình, mà còn lớn, thiêng về mặt biểu trưng, vô hình. Trải qua thời gian dài bị thờ ơ, lãng quên, nơi này vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật thiêng liêng, quý giá mà một trong những di sản đó chính là di thanh của hát Cửa đình thuở xưa.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...