'Hành xác' vì thi thố piano
“Thi thố, giành giật ngôi thứ là việc dành cho những con ngựa chứ không phải cho nghệ sĩ” - đó là câu nói nổi tiếng của Bela Bartok, nhạc công piano kiêm nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ 20.
Nhưng ở thời của Bartok (1881-1945, người Hungary) các cuộc thi và giải thưởng nghệ thuật không nở rộ như bây giờ. Có thể các cuộc thi không làm nên nghệ sĩ đích thực, nhưng đó là một phần của hành trình từ một tài năng tiềm tàng đến một nghệ sĩ đích thực. Kể cả với nhạc cổ điển, điều đó cũng được thể hiện rõ rệt.
Cay đắng và ngọt ngào khi thi thố
Boris Giltburg, một nhạc công piano vừa chiến thắng tại Queen Elisabeth - một trong những cuộc thi âm nhạc danh giá và khắc nghiệt nhất thế giới - ở Bỉ hồi đầu tháng 6, phần nào đồng ý với Bartok khi nhớ lại những khó khăn trong cuộc thi.
Ở bán kết, nhạc công 29 tuổi người Israel quên nốt nhạc khiến phần biểu diễn bị gián đoạn. “Khi đó điều tôi muốn làm nhất là trốn khỏi sân khấu, nhưng tôi biết mình không thể. Đó là cảm giác tuyệt vọng khủng khiếp” - Giltburg nói với Reuters. Mặc dù vậy, anh vẫn được chọn vào chung kết.
Vòng thi chung kết rất khắc nghiệt: các thí sinh bị “giam lỏng” trong vòng một tuần ở một tòa nhà dành riêng cho cuộc thi, nơi không ai ở ngoài có thể vào được, để luyện tập một tác phẩm mới rất khó và hai tác phẩm kinh điển tự chọn. Ngoài ra, còn có một tác phẩm bất ngờ mà thí sinh không được biết trước. Rất áp lực.
Nhạc công Boris Giltburg, người chiến thắng cuộc thi nhạc cổ điển danh giá Queen Elisabeth năm nay.
Với nghệ sĩ hiện đại, các cuộc thi đã trở thành một phần của sự nghiệp âm nhạc
Mặc dù vậy, Giltburg cũng không thể phủ nhận rằng có những giám khảo tinh tường đã chọn anh, vì họ hiểu rằng kể cả nhạc công piano tài năng đến mấy cũng có lúc quên vài nốt nhạc.
Cuộc thi hằng năm Queen Elisabeth ở thủ đô Brussels của Bỉ thực sự đã mang vinh quang đến cho nhiều nghệ sĩ tài năng. Giltburg cũng không phải ngoại lệ. Sau khi chiến thắng tại cuộc thi, anh đã được mời biểu diễn tại 80 buổi hòa nhạc từ đây cho đến cuối năm.
Vinh quang ở Bỉ cũng đưa Giltburg trở về biểu diễn ở quê nhà, nước Nga, nơi anh ra đời vào năm 1984, và Israel, nơi anh và gia đình sống từ năm 1990. Với Giltburg, đến đây là chấm dứt các cuộc thi và chuyên tâm vào các buổi hòa nhạc - đây mới là mục đích thực sự của việc theo đuổi nhạc cổ điển.
“Đó là động lực chính của tôi. Sẽ có lúc bạn đạt đến thời điểm mà bạn không thể tiến bộ nếu không biểu diễn trước khán giả, dù chỉ là một khán giả. Đó là loại biểu diễn thực sự, không gì có thể mô phỏng nó” - Giltburg nói.
Khán giả thích xếp hạng, nghệ sĩ muốn cơ hội
Một số người đi thi với mục đích là... không phải đi thi nữa. Vì vậy, một giải thưởng sẽ chấm dứt quá trình này và giúp họ có cơ hội biểu diễn chuyên nghiệp. |
Điều khiến các cuộc thi âm nhạc đang vào thời thịnh hành vì chúng đáp ứng nhu cầu của nhiều bên: nghệ sĩ, truyền thông và khán giả. Cũng có những cảm nhận tương tự Giltburg - vừa thích vừa ghét thi thố - từ các thí sinh của một cuộc thi có tiếng khác, cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn lần thứ 14 ở Texas, Mỹ. Người giành giải nhất trị giá 50.000 USD là Vadym Kholodenko, 26 tuổi, người Ukrania. Mặc dù vậy, Kholodenko cho rằng thứ hạng không quan trọng đến thế. “Thứ hạng chỉ hấp dẫn với khán giả và truyền thông thôi” - anh nói - “Họ thấy hay khi xếp người này thứ nhất, người kia thứ nhì, người khác thứ 10. Thực ra điều đó không quan trọng lắm”.
Với Beatrice Rana, người giành giải Nhì, thì giải thưởng đích thực cho những người chiến thắng là cơ hội được chơi nhạc: 3 năm được biểu diễn với chế độ quản lý chuyên nghiệp, hợp đồng thu âm, được trao cơ hội tại các buổi hòa nhạc trong và ngoài nước mà không phải trả tiền hoa hồng. “Tham gia các cuộc thi là cách chúng tôi khởi đầu sự nghiệp âm nhạc. Tôi không hay thi đấu, nhưng điều đó mang lại cho tôi cơ hội chơi nhạc” - Rana nói.
Một số người đi thi với mục đích là... không phải đi thi nữa. Vì vậy, một giải thưởng sẽ chấm dứt quá trình này và giúp họ có cơ hội biểu diễn chuyên nghiệp. Thí sinh người Mỹ Sean Chen, giải Ba cuộc thi nói trên, cho biết: “Cuộc thi này là một trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không muốn có lại những trải nghiệm kiểu này”.
Không chỉ cần kỹ thuật hoàn hảo
Ngày nay, nhạc cổ điển phương Tây đang hướng đến khán giả đại chúng chứ không tạo cho mình phong cách sang trọng, khó gần. Trong một buổi biểu diễn sống, sự hoàn hảo kỹ thuật bị xếp thứ hai sau việc tạo ra một bầu không khí thân thiện và có giao lưu qua lại. Nghệ sĩ nhạc cổ điển phương Tây cũng phải trau dồi khả năng đó, thứ mà không trường lớp nào dạy tốt bằng kinh nghiệm thực tế, ngoài việc chăm chút khả năng chuyên môn qua các cuộc thi.
Nếu xét về khía cạnh này, nhạc cổ điển khá giống với âm nhạc đại chúng: các cuộc thi tài năng nở rộ và cần đến truyền thông để phổ biến tên tuổi.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)