Hà Nội linh thiêng, hào hoa

27/01/2015

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội
Hà Nội mến yêu...

Là người Việt Nam mỗi khi nhắc đến Hà Nội ta lại thấy rung lên cảm xúc tình yêu trân trọng xen lẫn tự hào. Trong trái tim ta Hà Nội không chỉ là Thủ đô của nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh mà còn là nơi đặt các Vương triều nước Việt cách đây cả nghìn năm. Hơn nửa thế kỷ qua, mảnh đất hùng thiêng này đã thổi bùng lên nguồn cảm hứng sáng tạo trong nhiều thế hệ nhạc sỹ Việt Nam. Thật không phải ngẫu nhiên, Thủ đô Hà Nội lại trở thành một hiện tượng hiếm có bởi khối lượng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc viết về chính mình. Những Ba Đình nắng, Tiến về Hà Nội, Cảm xúc tháng Mười, Hà Nội trái tim hồng, Bài ca Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió... Mấy năm gần đây, bên cạnh những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội đã chiếm nguyên vẹn trái tim công chúng yêu nhạc, lại có thêm Hà Nội linh thiêng, hào hoa của nhạc sỹ Lê Mây.

Hà Nội linh thiêng và hào hoa của nhạc sỹ Lê Mây nhỏ, xinh như một bức tranh. Phần âm nhạc được cấu trúc bởi 2 đoạn nhạc, giai điệu phảng phất nét ca trù của vùng châu thổ sông Hồng. Đoạn đầu nhẹ nhàng, sâu lắng; đoạn sau được tác giả dồn nén, đẩy lên thành cao trào. Sự thành công của tác phẩm chính là sự hòa quyện giữa âm nhạc và lời ca. Được tác giả viết bằng cảm xúc từ chính trái tim mình nên ca từ trong tác phẩm là một bài thơ: Trăm năm về đây, về đây hội tụ/ Ngàn năm về đây, về đây hội ngộ/ Khí phách cha ông hồn thiêng sông núi/ Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long. Ôi kinh thành ngàn năm, ngàn năm/ Qua nắng mưa thời gian, thời gian/ Qua bão dông, đạn bom, đạn bom/ Vẫn uy nghiêm rêu phong, rêu phong Hà Nội/ Vẫn thơm hương từng trang, từng trang Hà Nội/ Để mãi Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội tỏa sáng/ Một Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội linh thiêng, hào hoa.

Trong Hà Nội linh thiêng và hào hoa tác giả không hề nhắc đến các đường phố, sông hồ, các danh nhân, nhưng ta vẫn thấy chất Hà Nội thật sâu đậm. Hai yếu tố Linh thiêng và Hào hoa được tác giả tập trung khai thác, đẩy lên thành chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Linh thiêng là bởi bề dày của lịch sử. Ngay từ buổi đầu, Lý Công Uẩn đã xác định Thăng Long có vị trí: Ở giữa khu vực của trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện nghi của núi sông sau trước... Thăng Long từ buổi đầu nhà Lý đặt kinh đô đến hôm nay còn được bao thế hệ người Việt bồi đắp, để nơi đây mãi lắng hồn sông núi. Còn hào hoa là vì Hà Nội là nơi hội tụ người của bốn phương, là nơi hội ngộ của những gì tinh túy nhất. Theo tôi, chính chủ đề tư tưởng ấy đã làm nên sự thành công của tác phẩm.


Cửa Bắc Thành Thăng Long (Ảnh: Hoàng Hà)

Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều có quá trình sáng tạo riêng. Hà Nội linh thiêng, hào hoa của nhạc sỹ Lê Mây công bố năm 2000, nhưng tác phẩm lại có một quá trình chuẩn bị khá dài. Nhạc sỹ kể lại: Ông có ý định viết một ca khúc hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội từ năm 1997 nhưng mỗi lần ngồi vào đàn lại thấy những giai điệu quen thuộc mà các tác giả trước đó đã viết. Để tạo được dấu ấn riêng, nhạc sỹ phải lao động suốt 3 năm trời. Ba năm trôi qua mà tác giả chỉ mới hoàn thành được đoạn nhạc đầu. Mãi đến mùa hè năm 2000, nhân Hội nhạc sỹ mở trại viết tại Đại Lải, trong một đêm mưa bay, ông thấy Hà Nội hiện ra sau kinh thành cổ kính thật đẹp, lung linh. Đêm ấy ông viết một mạch để hoàn thành tác phẩm. Người đầu tiên được tác giả chia sẻ là nhạc sỹ Vũ Thiết cũng không giấu được sự thích thú bất ngờ.

Ngay sau khi ra đời tác phẩm đã được ca sỹ Minh Ánh thể hiện rất thành công. Ít lâu sau ca sỹ Trọng Tấn với chất giọng ấm, sang trọng đã hát ca khúc này với những nét sáng tạo mới. Hà Nội linh thiêng, hào hoa được thể hiện dưới nhiều hình thức như hát đơn ca, có hát phụ họa; đồng ca có lĩnh xướng. Đặc biệt tác phẩm cũng được nhiều biên đạo xây dựng thành tác phẩm múa khá sinh động.

Nhạc sỹ Lê Mây sinh năm 1942, tại Hưng Yên. Năm 1964, ông tốt nghiệp khoa sáng tác trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Lê Mây viết không nhiều nhưng hầu hết các tác phẩm đều để lại dấu ấn đẹp, có đời sống riêng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Hầu hết các tác phẩm của nhạc sỹ Lê Mây đều mang hơi thở dân ca các vùng miền nên khá nhẹ nhàng, sâu lắng, bay bổng và dễ đi vào lòng người. Năm 1990, ông có ca khúc Người là Hồ Chí Minh, tác phẩm đã được nhận giải thưởng của Trung ương Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tiếp đó là các ca khúc Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai (thơ Phùng Ngọc Hùng). Gần đây ông có các ca khúc được đón nhận như Bắc Ninh - Kinh Bắc, Bức tranh xứ Lạng, Về phủ Khoái Châu. Đầu năm 2012, người nhạc sỹ đã bước qua cái tuổi thất thập vẫn cưỡi sóng gió ra Trường Sa. Chỉ có 8 đêm ở Trường Sa mà ông đã viết được chùm ca khúc 7 bài, mà tác phẩm nào cũng tạo được dấu ấn với quân và dân Trường Sa.

Khi hỏi về cảm xúc về tác phẩm này, nhạc sỹ Lê Mây bộc bạch: Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng trong sâu thẳm trái tim, mình luôn nợ Hà Nội rất nhiều. Ca khúc Hà Nội linh thiêng, hào hoa là cách tôi trả ơn Hà Nội.

(Nguồn: http://www.vnq.edu.vn)

 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.