Hà Nội có phố Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn

27/08/2015

Sáng 26 tháng 8 năm 2015, tại Hà Nội, Thành ủy thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức Lễ gắn biển hai đường phố mang tên cố nhà văn Nguyễn Đình Thi và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đến dự có ông Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; nhà văn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; lãnh đạo quận Tây Hồ và các sở, ban, ngành; gia đình cố nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất nhiều văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô…

Rất nhiều người hâm mộ, khán giả, những người yêu mến hai nhạc sĩ, đã dừng chân tại nơi tổ chức lễ gắn biển, giữa không gian mùa thu lãng mạn bên Hồ Tây để lắng nghe những ca khúc bất hủ: “Người Hà Nội”, “Diệt Phát xít” của Nguyễn Đình Thi; “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, do các nghệ sĩ nổi tiểng diểu diễn: NSND Quang Thọ; NSƯT Dương Minh Đức; các ca sĩ Tùng Dương, Phương Uyên và nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn.


Ca sĩ Phương Uyên


Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

Phát biểu tại buổi lễ, nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những danh nhân có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho đất nước, việc đặt tên đường phố tại Thủ đô cho hai ông là một việc làm hình tượng hóa, vĩnh cửu hóa những gì hai ông đã cống hiến…”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Thành viên hội đồng tư vấn về đặt tên đường phố Hà Nội cho biết: “Đặt tên đường phố là một phương thức ta dùng để tôn vinh những người có công với đất nước. Chúng ta đã có nhiều con đường mang tên những nhà hoạt động văn hóa. Trong lĩnh vực âm nhạc thì gần đây có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, còn bây giờ có nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - hai con người có những đóng góp lớn cho nền âm nhạc nước nhà”.


Phố Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi có nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực về văn học: có tiểu thuyết, thơ, kịch, lý luận phê bình; về âm nhạc ông nổi tiếng với những tác phẩm mà ông để lại đã trở thành di sản mang tính lịch sử như “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội” thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội.


Phố Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn là một con người rất tài hoa, sinh ra tại cao nguyên Lạc Giao, lớn lên tại xứ Huế và thành danh nghệ thuật ở Sài Gòn, nhưng những tác phẩm của ông được công chúng Hà Nội, công chúng miền Bắc rất yêu thích. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác trên 500 ca khúc, những tác phẩm không những mang đậm một phong cách riêng mà còn gửi gắm một triết lý, thể hiện khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, tình đoàn kết toàn dân. Ông đã đạt được nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá, trong đó có Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới vì “lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho nhân loại”, ông có tên trong Từ điển Bách khoa Pháp Les Million.

Việc lấy tên hai danh nhân đặt tên cho hai đường phố Hà Nội là rất xứng đáng. Việc lựa chọn không gian là vành đai Hồ Tây huyền thoại để gắn tên hai nhân vật này không chỉ xứng đáng mà còn rất xác đáng, bởi nhắc đến Nguyễn Đình Thi công chúng nhớ tới ca khúc “Người Hà Nội”...”, nhắc đến Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ tới ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm về Hà Nội “Nhớ mùa thu Hà Nội”.


Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh

Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã bay từ Mỹ về dự buổi lễ, bà xúc động chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của người Hà Nội dành cho anh trai tôi, một tình cảm rất đặc biệt. Tôi nghĩ rằng, với bài hát “Mùa thu Hà Nội”, con đường này vô cùng phù hợp với anh trai tôi. Anh Sơn ra Hà Nội nhiều lần và rất yêu Hà Nội. Không có gì tả được cảm giác hạnh phúc của tôi lúc này khi giữa mùa thu đi giữa con đường mang tên anh mình. Điều đặc biệt nhất ở đây là con đường có những màu sắc trong bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của anh tôi, đó là hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”.

Xem thêm ảnh tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/3052

* Phố Nguyễn Đình Thi bắt đầu từ đoạn ngã ba giao cắt đường Thanh Niên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng đến ngã ba giao cắt phố Trích Sài (đối diện nhà số 2), dài 2.230m, rộng 7,5 – 9,5m. Phố Trịnh Công Sơn bắt đầu từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến giao với dốc đê đường Âu Cơ, cạnh trường THPT Phan Chu Trinh, có chiều dài 900m, rộng 9,5 - 12,5m.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...