Gu thưởng thức từ chèo đến xẩm của thị dân Hà thành xưa nay
Chèo đã trở thành nghệ thuật biểu diễn trong cung đình, từ triều Lý đến Trần và Lê. Tuy nhiên vì tính trào lộng, châm biếm thói tham lam, tàn ác của quan lại thông qua diễn xướng của ưu nhân nên chèo đã “gặp hạn”.
Nhóm Xẩm Hà Thành của nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa
Trong một buổi bái yến Thái miếu năm 1437, vua Lê Thái Tông đã ra lệnh bãi bỏ hát chèo và cấm tấu dàn nhạc. Tiếp đó năm 1466 vua Lê Thánh Tông xuống lệnh cấm các buổi hát chèo trong dịp hội hè ở thôn xóm, đồng thời đuổi chèo ra khỏi cung đình.
Từ hoàng cung ra góc phố
Vì chèo sinh ra từ dân nên bất chấp lệnh cấm ngặt nghèo của vua, nó vẫn được nhân dân yêu mến tìm cách vun trồng. Từ khi rời cung đình trở về với dân, nhiều gánh chèo mới ra đời, họ đi diễn ở các miền quê, đặc biệt là trong các lễ hội. Trong “Vũ trung tùy bút” Phạm Đình Hổ viết: “Nghệ thuật dân tộc vẫn được dân yêu và “tục nhạc” ngày càng thịnh hành, trong khi nhạc ở chốn triều miếu chỉ còn là thứ om sòm loạn bậy…”.
Ở miền quê, ngoài các gánh chèo địa phương diễn trong thời kỳ nông nhàn, dịp lễ hội thì thi thoảng vẫn có các gánh chèo chuyên nghiệp về hát xướng, dân chúng thích vì có các ưu nhân gây cười. Thế nhưng hát xướng ở quê chỉ được các làng nuôi ăn, không có tiền nên nhiều gánh hát tìm cách về kinh đô vì Kẻ Chợ giàu có và sẵn lòng bỏ tiền. Khi đã phải kiếm ăn ở đường phố thì các gánh hát không thể diễn những tích quá dài vì dân phố không dư thừa thời gian như ở thôn quê tháng nông nhàn.
Họ phải diễn những trích đoạn ngắn để thị dân dễ nhớ, dễ cười, rồi móc hầu bao thả vào nón vài xu. Cũng từ đó sinh ra gu thưởng thức nghệ thuật thị dân. Chính gu thưởng thức thị dân ấy đã khiến các ông trùm gánh hát sáng tác ra các trích đoạn ngắn và diễn rất linh hoạt, chỗ này hát thế này, nhưng diễn ở phố khác lại thay lời cho phù hợp, cũng là để chọc cười và nếu có cơ hội là lôi kéo cả khán giả cùng tham gia diễn xướng. Các trích đoạn này còn lưu được đến ngày nay như: hề mồi, hề gậy, thầy bói... từng diễn trên phố. Trước kia con hát được đào tạo trong cung do các quản ca chỉ bảo, nhưng khi ra đường phố thì nảy sinh kiểu truyền khẩu, ông trùm thấy ai có năng khiếu thì cầm tay chỉ từng ngón đàn.
Trong cuốn “Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ đàng Ngoài”, tác giả Richard, người đã sống ở kinh thành Thăng Long mấy chục năm viết: “Vào mùa xuân từ triều đình đến các làng quê đều mở lễ hội lớn. Chính trong thời gian này, tất cả những trò vui tập trung lại ở những nơi công cộng. Người ta thấy mọi nơi âm thanh nhạc cụ. Người ta dùng khán đài ở góc phố để trình diễn những vở chèo hề mua vui cho giới bình dân”. Năm 1802, nhà Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn, chuyển kinh đô vào Huế, Thăng Long bị hạ cấp xuống trấn, rồi xuống tỉnh, nhưng hát xướng trên phố lại ngày càng phát triển. Không chỉ có các màn hề chèo mà còn có những người bán thuốc từ Trung Quốc sang, họ múa võ, làm ảo thuật, thu hút người xem rồi bán hàng.
Hát Xẩm trên phố đi bộ hồ Gươm
Sinh ra từ dân, dân sẽ giữ
Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, họ áp đặt cung cách quản lý khác, từ xã hội truyền thống Hà Nội chuyển sang xã hội hiện đại kiểu phương Tây đã tạo ra tầng lớp thị dân mới. Và để đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của tầng lớp thị dân mới thì xẩm ra đời. Gốc gác vẫn từ các làn điệu chèo, nhưng nghệ nhân không diễn xuất mà chỉ hát. Hát cũng đơn giản hơn, không cầu kỳ, không khắt khe theo niêm luật như chèo.
Mới đầu, xẩm lấy các bài thơ của các nhà Nho làm lời và hát theo điệu ai oán, buồn thảm. Một nguyên nhân khiến các gánh xẩm thường chọn các bài về thân phận phụ nữ, thân phận con người vì phần lớn họ là người khiếm thị. Rồi họ nhận thấy gu thưởng thức của thị dân, những người nuôi sống họ thay đổi, nên họ nhanh chóng chuyển từ hát điệu buồn sang điệu vui tươi. Họ tự đặt ra lời hoặc chế lời mới dựa theo các bài thơ cũ. Xẩm phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XX, đánh bạt các gánh hề chèo.
Trong nửa đầu thế kỷ XX, nhiều loại hình nghệ thuật phương Tây xuất hiện ở Hà Nội như: kịch nói, phim, tân nhạc, rồi cải lương từ miền Nam tràn ra đã tạo ra lớp khán giả đi xem rạp. Nhưng nghệ thuật đường phố không mất mà ngược lại vẫn tồn tại và phát triển. Sau năm 1954, do quan niệm của chế độ mới coi xẩm là tàn dư của chế độ cũ nên Hà Nội còn rất ít gánh xẩm. Rồi xẩm bị chìm đi trong đời sống ồn ào, vội vã và chỉ còn lại trong trí nhớ của lớp người trung và cao tuổi.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một số nhạc sỹ, nhạc công đàn dân tộc, các nhà nghiên cứu và diễn viên ca kịch dân tộc đã làm hồi sinh nghệ thuật đường phố này. Họ sưu tầm các làn điệu và tổ chức các đêm hát ở trước cửa chợ Đồng Xuân từ năm 2010 đến nay. Không chỉ vậy, từ khi hình thành phố đi bộ quanh hồ Gươm, một số nhóm xẩm đã hát ở tượng đài Lý Thái Tổ vào tối thứ bảy thu hút rất đông khán giả. Nghệ thuật đường phố sinh ra từ dân, vì thế, dù có thăng trầm, nhưng cái gì sinh ra từ dân thì dân sẽ giữ.
(Nguồn: https://anninhthudo.vn/)