Gợi nhớ “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định”

07/05/2015

Thấm thoát đã tròn 40 năm ca khúc “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” của nhạc sĩ Dân Huyền ra đời.

Năm 1995, các bạn ở Ban Thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vào Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp “20 năm tỉnh Bình Định giải phóng”. Biết tôi (Nhạc sĩ Dân Huyền – PV) năm 1975 có sáng tác ca khúc “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định”, các bạn đã rủ tôi cùng đi như kịch bản đã vạch sẵn.


Nhạc sĩ Dân Huyền (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Được sự giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bình Định, buổi phát thanh truyền hình trực tiếp ấy rất thành công, để lại nhiều ấn tượng đẹp. Trong chương trình này, tôi có phát biểu về sự ra đời của “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định”. Ca khúc được nghệ sỹ Hồng Quyên hát lại rất tình cảm, bởi đây là ca khúc quen thuộc của các bạn trẻ cũng như bà con Quy Nhơn, Bình Định. Tôi rất hạnh phúc khi ngày hôm sau đi dạo phố Quy Nhơn được nhiều người nhận ra mình giữa đám đông và nhắc đến ca khúc mà tôi sáng tác.

Theo thói quen “bám sát thời sự” của dân “Nhà Đài”, sau tết Ất Mão (1975) nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn nhắc anh em cần sáng tác kịp thời phục vụ các chiến trường. Được Tổng biên tập Trần Lâm khi thì gọi điện, lúc xuống hỏi han và cả thúc giục từng Biên tập viên, nên đầu tháng 3 đã có một số ca khúc thu thanh sớm như: “Chào Đà Nẵng giải phóng” (Phạm Tuyên), “Dũng sĩ bên bờ biển Đông” (Nguyễn An), “Nha Trang biển hát” (Thịnh Trường)…

Trong một cuộc họp với các biên tập, ông Trần Lâm khen các anh Phạm Tuyên, Nguyễn An, Vũ Thanh, Mộng Lân… đã tích cực “đón đầu” trong sáng tác. Bỗng ông chỉ vào tôi mà rằng: “Cậu dân ca này thế nào, viết đi, tìm tài liệu viết bài Quy Nhơn, Bình Định được không?”. Tôi bẽn lẽn mỉm cười - một nụ cười vinh dự được giao nhiệm vụ, một nụ cười vừa vui vừa lo khi “Thủ trưởng” đã đặt niềm tin tưởng.

Sau cuộc họp, tôi lên Phòng Tư liệu gặp ông Phạm Gia (phụ trách phòng) người đồng hương xứ Nghệ này rất nhiệt tình giúp đỡ, vội vàng bỏ công việc đang làm, tìm giúp các tài liệu về Quy Nhơn, Bình Định. Tối hôm đó, tôi ngồi vào đàn với nhạc sĩ Triều Dâng để tìm và chọn giai điệu. Khuya rồi Triều Dâng đi ngủ còn tôi thức với “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” đến sáng.

 Tôi chép lại “thành quả” của đêm không ngủ ấy rồi đưa cho nhạc sĩ Phạm Tuyên. Anh bảo được và khộng quên ký vào bản nhạc để đưa cho Triều Dâng mời người phối khí, mời dàn nhạc đệm, mời người hát và báo phòng thu thanh. Anh Triều Dâng nói rằng bài này giọng Quang Phác hát sẽ hay.

 Hôm thu thanh, đúng ngày 26/3, nghệ sĩ Quang Phác đến sớm, tôi đánh đàn Piano để anh hát thử. Cả hai đều ưng ý. Sau đó dàn nhạc đến và thu thanh với bản phối khí của nhạc sĩ Quang Khải. Cảm ơn nhạc sĩ Triều Dâng có con mắt “tinh đời”, cảm ơn nghệ sĩ Quang Phác người đầu tiên đã hát “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” rất tình cảm (mặc dù sau này còn có nhiều ca sĩ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư hát bài này với phong cách riêng).


Bài hát "Mùa xuân Qui Nhơn, mùa xuân Bình Định"

Trong chương trình ca nhạc 19h30 và chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” 22h ngày 29/3/1975, “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” đã vang lên cùng với các ca khúc khác về Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… góp tiếng hát chào mừng các địa phương đã được giải phóng, vui cùng quân và dân ta đón những chiến công.

Tháng 7/1975, tôi và các anh Nguyễn Đình Lương, Đoàn Uyên, Phương Nam cùng các chị Kim Ngôn, Anh Trang được Bộ biên tập Đài TNVN cử vào hỗ trợ các Đài địa phương mới giải phóng. Biết tôi có mặt ở Quy Nhơn, các anh ở Đài Quy Nhơn cử anh Hoan kỹ thuật viên đưa tôi đến một cái phòng rất nhỏ chỉ độ chục mét vuông ở một góc sân bóng để thu thanh phỏng vấn. Ngồi trước máy trong phòng thu “dã chiến” ấy, tôi đã không cầm được nước mắt, vì nghẹn ngào, phải thu đi thu lại nhiều lần, có lẽ vì lần đầu tiên tôi được đến thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp thơ mộng.

Năm 1995 nhà báo, nhà thơ Mai Thìn ở Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định phỏng vấn, tôi đã nhắc lại tình cảm của tôi “cái thuở ban đầu” với Quy Nhơn, Bình Định.

Tối 21/3/2015 mới đây, trong chương trình phát trực tiếp từ Quy Nhơn, Bình Định của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) cũng có ca khúc “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” do nghệ sĩ người Bình Định hát.

Thấm thoát mới đó mà đã tròn 40 năm ca khúc này và bài dân ca “Nước non vui ngày đại thắng” ra đời. Tôi xin được biết ơn các vị tiền nhiệm và đương nhiệm của Đài TNVN, các bậc đàn anh và bầu bạn gần xa đã giúp đỡ động viên và tạo điều kiện cho tôi để bài hát “Mùa xuân Quy Nhơn, mùa xuân Bình Định” được đến sớm với người nghe của Quy Nhơn, Bình Định và bà con yêu thích âm nhạc cả nước./.

(Nguồn: http://vov.vn)

H

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.