“Giữ gìn và phát huy bản sắc Âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập” là nhiệm vụ trực tiếp của các nhạc sĩ Việt Nam.
Thế nào là bản sắc âm nhạc Tây Nguyên mà chúng ta phải giữ gìn và phát huy? Câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn, nhưng xem ra không phải là điều đơn giản như nhiều người thường nghĩ! Để trả lời một cách thấu đáo câu hỏi trên, khó có ai có thể nói hết được, mà đòi hỏi phải có thời gian và trí tuệ tập thể của những người thực có sự lương tâm và trách nhiệm. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì, trong thực tế, đã có một số người đã lợi dụng sự “hiểu biết” của mình rồi thu gom nhiều bộ cồng chiêng, nhiều nhạc cụ, trang phục, ghè cổ, tượng mổ... quý hiếm thành tài sản riêng và biến những tài sản ấy thành hàng hóa trao đổi trên thị trường, vì lợi ích cá nhân, trong đó không loại trừ một số nghệ nhân đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên!?
Như chúng ta biết, Tây Nguyên là địa bàn hành chính của 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Ở đây có trên giới 20 thành phần dân tộc bản địa thuộc 2 nhóm ngôn ngữ khác nhau: Môn Khơme và Malayô - Pôlônêxia. Giữa các thành phần dân tộc ấy, do sự tác động của quy luật giao lưu văn hoá, địa bàn cư trú đan xen, trình độ phát triển kinh tế xã hội ..., nên đã tạo ra một số nét văn hoá tương đồng, song, mỗi dân tộc lại có một truyền thống văn hoá riêng, trong đó âm nhạc là một thành tố biểu hiện rõ nét nhất, độc đáo nhất và dễ nhận biết nhất không thể tách rời bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan
Nói đến bản sắc âm nhạc Tây Nguyên là nói đến cả một vùng văn minh nương rẫy, với phương thức sản xuất chủ yếu và cơ bản là chọc trỉa; là nói đến một nền văn hóa được ra đời trong xã hội tiền nhà nước. Đó là nền văn hóa mang tính nguyên hợp, trong đó âm nhạc nổi lên như một thành tố chủ đạo, xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của con người từ thủa mới lọt lòng mẹ cho đến lúc về với thế giới Atâu. Đó là một quá trình phát triển năng động và sáng tạo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong suốt chiều dài của lịch sử.
Phải nói rằng, từ lâu, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã được giới thiệu rải rác trên một số tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ khai thác và sử dụng chất liệu của nó để sáng tạo nên một số tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao, được đông đảo người yêu thích âm nhạc trong cả nước đón nhận một cách trân trọng.
chúng tôi chỉ xin giới thiệu một cách khái quát về tình hình nghiên cứu và một số nội dung cơ bản của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên, đồng thời giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của các thể hệ nhạc sĩ đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, nhằm ít nhiều sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn và đào tạo âm nhạc có một cái nhìn khái quát về âm nhạc dân gian Tây Nguyên, qua đó, hiểu thêm về bản sắc âm nhạc cũng như tâm hồn cốt cách của họ.
Chuyên đề này gồm các mục sau đây:
- Tình hình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc Tây Nguyên từ trước tới nay.
- Thế nào là âm hưởng và phong cách Tây Nguyên
- Những bài ca mang âm hưởng và phong cách Tây Nguyên.
- Thay lời kết.
1. TÌNH HÌNH SƯU TẦM, NGHIÊN CỨU ÂM NHẠC DÂN GIAN TÂY NGUYÊN TỪ TRƯỚC TỚI NAY
Trước cách mạng tháng Tám 1945, hầu như chưa có ai nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên.
Sau hòa bình lập lại 1954, âm nhạc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên đã được một số nhà nghiên cứu ở miền Bắc, dựa vào một số con em của đồng bào dân tộc Tây Nguyên tập kết ra miền Bắc để thu thập, ghi chép và giới thiệu trong các chương trình biểu diễn ca nhạc trên sóng phát thanh, trên các sân khấu chuyên và không chuyên nghiệp.
Năm 1960, 1961 Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc, Nhà xuất bản Âm nhạc, Bộ Văn hoá đã xuất bản cuốn: Dân ca Tây Nguyên, do tác giả Lê Toàn Hùng và Lê Huy ghi âm và tuyển chọn.
Sau năm 1975, được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền..., âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học quan tâm. Đáng kể nhất là những bài viết của các tác giả trong tỉnh Gia Lai – Kon Tum, trong nước đã được Ty Văn hoá Thông tin Gia Lai - Kon Tum công bố trong cuốn sách: “Giữ gìn, phát huy vốn văn hoá truyền thống các dân tộc.” -Pleiku, 1981.
Năm 1985, sau Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, Sở Văn hoá - Thông tin Gia Lai - Kon tum phối hợp với Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về Cồng chiêng. Năm 1986, Sở Văn hoá - Thông tin Gia lai - Kon Tum, Viên Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam xuất bản tập kỷ yếu “Nghệ thuật cồng chiêng” – sách được tập hợp 19 bản tham luận tại cuộc Hội thảo khoa học nói trên của các nhà nghiên cứu âm nhạc, các nhà quản lý văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đáng chú ý là những bài viết của các tác giả chuyên nghiên cứu về âm nhạc, như: Tô Vũ, Lều Kim Thanh, Phạm Cao Đạt. Đặc biệt là những tư liệu nghiên cứu về cồng chiêng (nói đúng hơn là nhạc chiêng) của người Bahnar ở xã Yơ Ma huyện An Khê (cũ) của tác giả Lều Kim Thanh.
Năm 1988, Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản cuốn “Fônclore Bahnar”, do ông Tô Ngọc Thanh - chủ biên. Cuốn sách tập hợp những khảo cứu ban đầu về Múa, Lễ hội, Âm nhạc, Văn học dân gian..., của dân tộc Bahnar tại xã YơMa, huyện An Khê, nay là huyện Kông Ch’ro, tỉnh Gia Lai. Đáng chú ý, khi nghiên cứu âm nhạc dân gian tại xã Yơ Ma, tác giả Tô Ngọc Thanh đã trình bày khá tập trung vào các vấn đề: giới thiệu một số nhạc cụ (musique instrumentale), một số “làn điệu” dân ca (musique vocale) và một số phương tiện biểu hiện âm nhạc, như: giai điệu, nhịp điệu, các loại hàng âm v.v...Với một chuyên khảo như thế, chưa thể nào nói hết được những giá trị âm nhạc độc đáo của người Bahnar ở Gia Lai đặc biệt là vấn đề thang âm điệu thức. Vì vậy, trước lúc đi sâu tìm hiểu âm nhạc fôn-clo bahnar ở An Khê, ông Tô Ngọc Thanh cũng đã bày tỏ: “Chúng tôi chưa thể nói đầy đủ và sâu sắc về các thể loại dân ca Bahnar An Khê và các đặc điểm của chúng. Lý do đơn giản là chưa có được những tư liệu đáng tin cậy. Trong những chuyến đi sưu tầm tại các địa phương, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là không tìm được nghệ nhân, tư liệu về dân ca thu thập được quá ít, không đủ để nghiên cứu cho sâu và toàn diện” - Tô Ngọc Thanh (chủ biên) - Fônclo Bâhnar - Sở Văn hoá Thông tin Gia Lai – Kon Tum. Pleiku, 1988. Tr 203.
Năm 1991, được sự đầu tư và quản lý của Ban Khoa học - Kỹ thuật Gia Lai (nay là Sở Khoa học - Công nghệ Gia Lai), tác giả Đào Huy Quyền đã thực hiện đề tài: “Nhạc khí dân tộc ở Gia lai”. Cũng đề tài này, năm 1993, Nhà Xuất bản Giáo dục Hà Nội đã xuất bản cuốn sách mang tên: “Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai”. Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ, lại xuất bản với tên sách: “Các loại nhạc khí dân tộc Jrai - Bahnar”. Trong 2 cuốn sách này (thực chất là một), bằng phương pháp mô tả, đo đạc, tác giả Đào Huy Quyền đã giới thiệu được một số nhạc cụ truyền thống của 2 dân tộc Jrai và Bahnar ở Gia Lai và một số nhạc cụ của người Jẻ T’riêng, Xê đăng ở tỉnh Kon Tum.
- Năm 1992, trong cuộc Liên hoan Hát ru toàn quốc lần thứ Nhất, do Bộ Văn hóa tổ chức, tại thành phố Huế, chúng tôi đã giới thiệu 4 bài hát ru của người Bahnar và Jrai ở Gia Lai: Ru con (Anăm hia), Omon a năm hia (ru cháu), Ru em (Plung oh tep), Ru cháu (Pơlung sâu). Đó là những bài hát ru do chúng tôi sưu tầm, biên soạn. Và, hiện nay những bài dân ca này đã trở nên phổ biến trong đời sống âm nhạc của tỉnh Gia Lai.
- Năm 1993, được sự bảo trợ của Sở Khoa học Công nghệ & Môi trường Gia Lai, tác giả Đào Huy Quyền đã thực hiện đề tài Phân loại dân ca Jrai – Bahnar. Công trình này được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản với tên sách “Tìm hiểu đặc trưng trong dân ca JRAI - BAHNAR”. H, 2005.
- Năm 1999, Sở Văn hóa – Thông tin Kon Tum công bố Tập tài liệu sưu tầm: “Dàn chiêng của người Xê đăng ở Kon Tum”, do Phan Đức Luận - Linh Nga Niêk Đăm - Phạm Cao Đạt sưu tầm.
- Năm 2000, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Xã hội - Nhân văn, chuyên ngành Văn hóa học, Lê Xuân Hoan đã bảo vệ thành công đề tài “Âm nhạc dân gian Jrai ở tỉnh Gia Lai ” tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong luận văn này, dưới góc nhìn văn hóa học, tác giả Lê Xuân Hoan đã giới thiệu một cách khái quát về các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ và một số phương tiện diễn tả của âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai.
- Năm 2001, Trường Văn hóa Nghệ thật Đăk Lắc xuất bản cuốn “Giáo trình Tìm hiểu thang âm - điệu thức tiêu biểu trong âm nhạc một số dân tộc Tây Nguyên, do nhạc sĩ Võ Đức Trí biên soạn.
- Năm 2003, tại Pleiku, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Gia Lai xuất bản cuốn “Tập ca khúc dân ca Bahnar - Jrai” do tác giả Đào Xuân Thành, Nguyễn Thị An Lành, Thảo Giang và Y Tư - là những người đã và đang sinh sống tại Gia Lai sưu tầm, tuyển chọn.
- Năm 2004, được sự bảo trợ của Sở Khoa học - Công nghệ Gia Lai, thạc sĩ Lê Xuân Hoan đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Tìm hiểu một số nét đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai ở Gia Lai”. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài này, năm 2006, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản cuốn sách: Dân ca Jrai. Năm 2007, Dân ca Jrai đã nhận giải Ba - Giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; năm 2007, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản cuốn sách: Tìm hiểu nét đặc trưng cơ bản của âm nhạc dân gian Jrai. Và năm 2008, cuốn sách này cũng đã nhận giải Ba – Giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Và năm 2012, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã xuất bản cuốn sách: Âm nhạc dân gian Ê Đê và Jrai, do Linh Nga Nik Đam và Lê Xuân Hoan biên soạn.
- Năm 2009, được sự đầu tư kinh phí của Sở Khoa học – Công nghệ Gia Lai, chúng tôi cũng đã bảo vệ thành công đề tài: Tìm hiểu Thang âm – Điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar ở Gia Lai. Để thực hiện thành công đề tài nghiên cứu này, ngoài việc sưu tập 45 bài dân ca đã được các tác giả công bố trước đó, chúng tôi đã sưu tầm, kí âm được 150 bài dân ca Bahnar, trong đó, có nhiều bài đã được chúng tôi đặt lời Việt và đã phổ biến rộng rãi trong đời sống âm nhạc của cả nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kí âm được 23 bản nhạc dành cho cồng chiêng diễn tấu.
Từ kết quả nghiên cứu trên, năm 2013, Nhà Xuất bản Âm nhạc và Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách: Dân ca Bahnar. Và, nếu không có gì thay đổi thì năm 2014 Nhà Xuất bản Âm nhạc sẽ xuất bản cuốn sách: Tìm hiểu thang âm – điệu thức trong âm nhạc dân gian Bahnar.
Như vậy, âm nhạc dân gian Tây Nguyên, đặc biệt là âm nhạc dân gian Jrai, Bahnar, Ê Đê đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới một cách khá toàn diện. Còn âm nhạc dân gian các dân tộc M’nông, K’ho, Mạ...thì hầu như chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm!?
Nghiên cứu âm nhạc dân gian Tây Nguyên không chỉ dừng lại ở việc mô tả hình thức bên ngoài của một nhạc cụ, nhóm nhạc cụ hay một số bài bản dân ca nào đó, mà nó đã được các tác giả nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống, từ dân ca (nhạc hát), nhạc cụ (nhạc đàn) cho đến các phương tiện biểu hiện của nó.
2. THẾ NÀO LÀ ÂM HƯỞNG VÀ PHONG CÁCH TÂY NGUYÊN?
Cần nói ngay rằng, âm hưởng Tây Nguyên, phong cách Tây Nguyên, thậm chí có nhiều người còn gọi là “Rock Tây Nguyên” là những thuật ngữ âm nhạc thường được giới nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn và giảng dạy âm nhạc sử dụng trong hoạt động chuyên môn của mình. Hiện nay, những thuật ngữ ấy được mọi người sử dụng một cách rộng rãi trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong kho tàng âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam, âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên được giới nghiên cứu đánh giá cao về tính nguyên sơ, độc đáo của nó. Điều đó do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan đem lại. Song, thị hiếu thâm mĩ, phong tục tập quán và môi trường diễn xướng là những yếu tố vô cùng quan trọng đã tạo cho âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên vừa có nét tương đồng vừa mang tính dị biệt. Trong khuôn khổ tham luận này chúng tôi không đi sâu vào việc trình bày những nét đặc trưng của âm nhạc dân gian Tây Nguyên mà chỉ xin điểm qua vài nét về âm hưởng Tây Nguyên, hay nói chính xác hơn là âm điệu Tây Nguyên trong sáng tác mới của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại.
Nói đến âm hưởng và phong cách Tây Nguyên tức là nói đến âm điệu và nhịp điệu trong vốn âm nhạc dân gian truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Xét về phương diện lý thuyết, nhịp điệu hay còn gọi là tiết tấu là sự thể hiện mối tương quan về mặt thời gian của các âm thanh nối tiếp nhau. Khi liên kết lại với nhau theo một thứ tự nhất định, trường độ của âm thanh tạo ra những nhóm tiết tấu - nhịp điệu. Còn âm điệu là sự thể hiện mối tương quan về mặt cao độ của các âm nối tiếp nhau. Tức nói đến bản chất của quãng trưởng, quãng thứ, quãng tăng, quãng giảm, là những âm "non già" trong âm nhạc. Nói đến âm điệu là nói đến sự kết hợp chặt chẽ giữa giai điệu và nhịp điệu - tiết tấu. Như vậy, âm điệu đặc trưng là những nét nhạc thường được lặp, đi lặp lại trong nhiều tác phẩm âm nhạc. Nếu âm điệu của người Kinh và nhiều dân tộc thiểu số phía Bắc thường được xây dựng trên quãng 3 thứ với thang âm điệu thức ngũ cung phổ biến (pentatonique) không có bán âm (nửa âm- dimi-ton) thì âm điệu đặc trưng của người Tây Nguyên, nhất là tộc người Jrai, Ê Đê lại được xây dựng trên quãng 3 trưởng với điệu thức ngũ cung có bán âm. Tuy không nói đến tiêng cồng, tiêng chiêng hay một cây đàn, điệu hát nào cụ thể, nhưng trong mỗi bài ca, ta thấy vang lên đầy đủ các yếu tố đặc trưng của âm nhạc Tây nguyên. Đó là nét giai điệu vừa lảnh lót vừa trầm hùng, đặc biệt là sự chuyển động giai điệu theo mô hình "lợp ngói", nhịp điệu khoan thai nhưng không kém phầm sôi động, tạo cho ta một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa xăm huyền thoại.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định, âm nhạc cũng như văn hoá của người Tây Nguyên ít bị ảnh hưởng ngoại lai mà gần gũi với vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Âm điệu của những bài hát đơn sơ, chất phác, phần lớn mô phỏng âm thanh của núi rừng. Đó là tiếng gió thổi qua từng chòm lá đến tận những cánh rừng đại ngàn. Đó là tiếng chim hót rộn ràng khi mùa lúa chín, là tiếng suối reo, tiếng thác đổ, bọt nước tung trắng xoá, âm thanh đập vào những vách đá lan toả cả không gian kỳ vĩ. Âm điệu của những bài dân ca thường có tính chất trầm ấm, nhẹ nhàng, du dương, không có hoặc ít có những âm thanh cao vút, hay dồn dập, rộn ràng, “bốc lửa” như nhiều người thường nghĩ. Nhạc cụ thường dùng để “độc tấu” hay dùng để phụ hoạ cho múa (Soang), cho lời ca cũng diễn tả những âm điệu mô phỏng những âm thanh của núi rừng, với những tiếng ngân nhè nhẹ trầm buồn như tiếng thì thào của những người Sơn cước.
Trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống, quá khứ cũng như hiện tại luôn luôn đan xen trong nhau tạo thành một chỉnh thể thống nhất, một phong cách độc đáo và nhất quán mà con mgười từ thủa mới lọt lòng mẹ đến lúc về với cát bụi đều được giáo dục, tiếp thu và được góp phần sáng tạo.
Tính chất âm nhạc được thể hiện qua các thể thức vừa có tính tự sự, tuỳ hứng của một cá nhân đối với cộng đồng trong một bối cảnh nhất định vừa mang tính cộng đồng, dân chủ sâu sắc, điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong âm nhạc cồng chiêng.
Âm nhạc và thơ gắn bó mật thiết với nhau, từ hình thức sinh hoạt đơn giản như hát ru, hát đồng dao đến các hình thức phức tạp hơn như âm nhạc phụ hoạ cho diễn xướng trường ca – sử thi. Đây là sự manh nha của thể loại âm nhạc mang tính sân khấu.
Điều đặc biệt là, các hình thức sinh hoạt âm nhạc thường gắn với các nghi lễ mang tính chất tín ngưỡng - lễ nghi nông nghiệp. Âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên chưa trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính độc lập. Điều đó có nghĩa là, chủ thể hoạt động sáng tạo âm nhạc đồng thời cũng là người thưởng thức âm nhạc. Ở các buôn làng, tuy có một số người có năng khiếu âm nhạc đặc biệt, họ biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống, biết chỉnh chiêng (chik ching/tul ching), nhưng hoạt động này chưa trở thành một nghề kiếm sống đích thực. Do đó, nhìn chung các hoạt động âm nhạc của các dân tộc Tây Nguyên cho đến nay vẫn chưa trở thành một hoạt động mang tính chuyên nghiệp.
III. NHỮNG BÀI CA MANG ÂM HƯỞNG TÂY NGUYÊN
Như chúng ta đã biết, nước ta là một nước có nền văn hoá âm nhạc đa sắc tộc (54 thành phần dân tộc). Mỗi dân tộc lại có một kho tàng âm nhạc dân gian truyền thống riêng, mang sắc tố riêng. Do hoàn cảnh địa lý, hoàn cảnh lịch sử và chịu sự tác động của quy luật giao lưu văn hoá..., nên trong kho tàng âm nhạc dân gian truyền thống của các dân tộc vừa có nét tương đồng vừa mang tính dị biệt như rên vừa nêu. Trong quá trình nghiên cứa các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hoá nói chung, âm nhạc nói riêng đã chia nước ta thành 7 vùng văn hoá lớn, trong đó, Tây Nguyên là một vùng văn hoá còn giữ được nhiều giá trị truyền thống độc đáo mà âm nhạc là một thành tố đặc biệt. Đánh giá về vai trò của âm nhạc dân gian của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc mới, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Âm nhạc dân gian là trang mở đầu của âm nhạc chuyên nghiệp - bác học. Lịch sử phát triển nền âm nhạc mới Việt Nam hơn 60 năm qua đã chứng minh điều đó.
Lịch sử của dân tộc ta đã ghi nhận cuộc trường chinh chống thực dân Pháp xâm lược 9 năm là một cuộc kháng chiến vĩ đại! Cuộc kháng chiến ấy cũng là một hành trình khai thác những giá trị âm nhạc truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc nước ta mà tên tuổi và các tác phẩm của các nhạc sĩ tiên phong như: Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Nguyễn Thành, Bùi Đức Hạnh..., mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Đối với vùng văn hoá âm nhạc Tây Nguyên, do hoàn cảnh lịch sử nên phải đợi đến sau Hiệp định Giơneve (1954), các nhạc sĩ Việt Nam mới có điều kế thừa và phát huy những giá trị âm nhạc truyêng thống độc đáo ở đây vào trong các tác phẩm của mình một cách tài tình khéo léo để mỗi lần được nghe lại những tác phẩm ấy, chúng ta, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cứ ngỡ đó là những món quà của tổ tiên để lại.
Có thể nói, hầu hết các ca khúc do các nhạc sĩ khai thác từ chất liệu âm nhạc Tây Nguyên ra đời trong bất cứ hoàn cảnh, thời điểm nào, thời chiến hay thời bình đều mang một điểm chung là vừa mang bản sắc truyền thống, vừa mang tính thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của quần chúng nhân dân.
Hẳn người yêu thích âm nhạc còn nhớ một trong những người đầu tiên kế thừa và phát triển âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên vào trong sáng tác của mình một cách nhuần nhuyễn đó là nhạc sĩ Nhật Lai. Trong hàng loạt tác phẩm để đời của ông, ngoài những tác phẩm viết cho múa như: Cha con, người đi săn..., chúng ta không thể không nhắc tới những ca khúc: Con chim lạc đàn, Chim Poong Kle, Tiếng hát Mơnông- Tipry, Đợi chờ và những hoà tấu: Vũ Khúc Tây Nguyên, Suối đàn Krông Pa..., đặc biệt là vở nhạc kịch (opéra) Bên bờ Krông Pa. Người viết bài này giám khẳng định rằng, Bên bờ Krông Pa là một trong những vở nhạc kịch (opera) tiêu biểu nhất của nền âm nhạc bác học Việt Nam kể từ trước đến nay. Sau nhạc sĩ Nhật Lai là nhạc sĩ Trần Quý với các tác phẩm Hát mừng anh hùng Núp, hoà tấu nhạc cụ 4 chương (suite) - Tây Nguyên. Điều lý thú là, Hát mừng anh hùng Núp là một tác phẩm được ra đời trong lúc tác giả chưa một lần đặt chân lên Tây Nguyên mà chỉ hiểu Tây Nguyên, đến với Tây Nguyên thông qua con em của đồng bào các dân tộc Tây nguyên ra tập kết ở miền Bắc, đặc biệt là hình tượng anh hùng Núp trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc.
Sau Nhật Lai và Trần Quý là hàng loạt các tác phẩm được ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của các nhạc sĩ mà tên tuổi và tác phẩm của họ sẽ sống mãi với thời gian. Tiêu biểu nhất các tác phẩm của các nhạc sĩ sau đây: Em là hoa Pơ Lang của Đức Minh, Người lái đò trên sông Pô Kô - nhạc Cầm Phong, thơ Mai Trang, Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng, Bóng cây Kơnia - nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Ngọc Anh. Sông Đắk Krong mùa xuân về của Tố Hải, Tháng 3 Tây Nguyên - nhạc Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ, Cô gái vót chông - nhạc Hoàng Hiệp, thơ Môlôyclavi, Lời ru trên nương - nhạc Trần Hoàn, phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm...
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất nước nhà, Tây Nguyên được coi như một vùng đất hứa đối với văn nghệ sĩ nói chung, nhạc sĩ nói riêng. Nghe theo lời Đảng gọi lại được thừa hưởng những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây nguyên và những sáng tác của các nhạc sĩ đi trước, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp chính quyền địa phương, sự cưu mang của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên... Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuât (VHNT) Việt Nam và Hội VHNT các tỉnh Tây Nguyên đã liên tiếp mở nhiều trại sáng tác âm nhạc, động viên và thu hút hàng chục nhạc sĩ trong cả nước đến với Tây Nguyên. Kết quả hàng trăm ca khúc và khí nhạc được được ra đời góp phần đáng kể vào đời sống âm nhạc của nước ta. Trong đó đáng kể nhất là những tác phẩm của các nhạc sĩ sau đây: Tình ca Tây Nguyên của Hoàng Vân, Hát giữa đêm trăng Chư Prông của Vũ Thanh, Gặp gỡ Cao nguyên của Trần Chung, Mưa Cao nguyên của Xuân Giao, Voi đỏ về buôn của Đàm Thanh, Gặt lúa đông xuân của Y Dơn, Lời ru Cao nguyên của Đặng Hữu Phúc, Hỡi em, cô gái Ayun Pa của Minh Khang, Đêm xoang Tây Nguyên của Văn Chừng, Bài ca trên đồi của Mạnh Trí, Hãy giữ lấy màu xanh Tây Nguyên của Lê Xuân Hoan, Tiếng hát đêm nhà rông của Ngọc Tường, Đi tìm lời ru mặt trời của Y Phôn Ksor, Đêm trăng Tây nguyên của Phạm Cao Đạt, Mặt trời trắng Cao nguyên xanh của Ngọc Minh, Mưa Cao Nguyên của Linh Nga Nik Đam, Nam Tây Nguyên nhớ Bác của Hà Huy Hiền..., đặc biệt là hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Cường. Có thể nói, Nguyễn Cường là một “hiện tượng” âm nhạc đáng chú ý nhất của Tây Nguyên từ trước tới nay. Trong cuốn sách Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại do Hội Nhạc sĩ Việt Nam xuất bản - Hà nội, 1997 có ghi: “Mảng ca khúc của Nguyễn Cường khá dày dặn, anh đã biết khai thác dân ca một cách triệt để nhưng không dễ dãi và mang dấu ấn của tác giả rất rõ nét”. Trong hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Cường viết về Tây Nguyên thì xuất sắc nhất là những tác phẩm được ông khai thác từ chất liệu âm nhạc của người Ê đê. Đó là những tác phẩm: Hơ Zen lên rãy, Ơi MĐrắk, Ly ca phê Ban Mê, Có yêu nhau về Buôn Ma Thuật...
Trong trào lưu sáng tác âm nhạc Việt Nam thời gian gần đây, âm hưởng và phong cách Tây Nguyên ngày càng được giới nhạc sĩ sáng tác quan tâm khai thác, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, thu hút được sự ngưỡng mộ của đông đảo người yêu nhạc trong cả nước.
IV. THAY LỜI KẾT
Âm nhạc dân gian các dân tộc Tây Nguyên là những sản phẩm vật chất và tinh thần của đồng bào Tây Nguyên sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn, lịch sử. Nó là một bộ phận cấu thành kho tàng văn hoá dân gian Tây Viêt Nam. Từ những vấn đề đã trình bày trên, chúng tôi có thể khẳng định, kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên vô cùng phong phú và độc đáo. Kho tàng âm nhạc ấy, ra đời và phát triển trong một xã hội tiền nhà nước, với phương thức chọc trỉa - nền nông nghiệp nương rẫy. Tuy chưa trở thành một hoạt động mang tính nghề nghiệp, song, âm nhạc dân gian Tây Nguyên đã phản ánh đầy đủ tâm hồn, cốt cách của những con người sống giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Đó là mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên (con người với lực lượng siêu nhiên). Nội dung xuyên suốt trong toàn bộ các bài ca, tiếng nhạc là phản ánh các mối quan hệ ấy, với tư tưởng vươn tới những mục tiêu cao đẹp. Trong các mối quan hệ ấy, luôn luôn thể hiện: “ Tinh thần dân chủ - Bình đẳng “. Đặc biệt ở đây, là mối quan hệ giữa con người với lực lượng siêu nhiên (các Yàng) rất bình đẳng, tác động qua lại, gắn bó với nhau một cách bền vững để tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên của cuộc sống.
Chính vì thế, âm nhạc dân gian Tây Nguyên cũng hồn nhiên như cuộc sống và được truyền miệng, truyền tay từ đời này cho đến đời khác, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt. Phải nói rằng, trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của con người, chúng ta cũng bắt gặp các hình thức sinh hoạt âm nhạc độc đáo ở nhiều không gian và thời gian khác nhau.
Đón em bé vào đời bằng âm nhạc cồng chiêng, rồi em bé lớn lên trong từng lời ru ngọt ngào của Mẹ và người lớn. Em bé lớn lên, đã có những bài hát Đồng dao. Rồi cũng từ đó, âm nhạc lại vang lên khắp mọi nẻo của cuộc sống con người. Có sức khoẻ cũng nhờ âm nhạc, thành vợ nên chồng cũng nhờ âm nhạc. Cây lúa, cây ngô, và đàn gia súc hầu như cũng lớn lên, nuôi sống con người trong môi trường âm nhạc v,v...
Đón em bé vào đời bằng âm nhạc, rồi cũng chính âm nhạc lại đưa tiễn con người về với thế giới vĩnh hằng.
Từ những vấn đề vừa nêu trên, chúng tôi có thể khẳng định: Âm nhạc dân gian Bahnar, Jrai không chỉ là món ăn tinh thần đã thấm sâu vào từng đường gân, thớ thịt của người Bahnar, Jrai, mà còn bay qua chín tầng trời, thấm sâu vào lòng đất, cùng trò chuyện, “đối thoại với các vị siêu nhiên ” (chữ dùng của Tô Ngọc Thanh) một cách rất bình đẳng.
Những hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Bahnar, Jrai không chỉ có giá trị đối với riêng họ, mà còn có giá trị đối với nhiều dân tộc Tây nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung.
Từ thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, sau khi tiếp xúc với âm nhạc người Thượng, Cửu Long Giang và Toan Ánh trong cuốn sách “Cao Nguyên miền Thượng” đã có nhận xét: “ Người Thượng có những vũ khúc bình dị như âm nhạc và tâm hồn của họ. Vũ điệu thường đơn giản ít động tác và nhẹ nhàng hoà hợp với lời ca tiếng nhạc. Họ rất thích ca hát, nhất là các cô thiếu nữ, lời ca ngân nga đều đều như không bao giờ thay đổi. Ngày nay, xen lẫn với những điệu ca cổ truyền, người Thượng cũng đã biết hát những bản nhạc cải cách của Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông... Vào một vài buôn Thượng, thỉnh thoảng chúng ta được nghe điệu nhạc trầm buồn, vi vu qua tiếng đàn ống lẫn lộn với những âm thanh dồn dập như thánh thót của Tây ban cầm”. Cửu Long Giang – Toan Ánh: Cao nguyên miền Thượng. Sài Gòn, 1974, tr 72
Xuất phát từ giá trị nhiều mặt của những ca khúc của các nhạc sĩ vừa nêu trên, thời gian gần đây, những người quan tâm đến đời sống âm nhạc nước ta từ già đến trẻ ngày càng trân trọng quý mến âm nhạc Tây Nguyên, những bài ca mang âm hưởng và phong cách Tây nguyên. Theo đó, nhiều ca sĩ đã chọn và mang những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên, đặc biệt là những tác phẩm của Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor vào các “đấu trường ca nhạc” danh tiếng trong và ngoài nước. Và nhiều ca sĩ đã thành danh cũng bắt đầu khởi nghiệp từ việc thể hiện các tác phẩm âm nhạc Tây Nguyên mà Măng Thị Hội, Y Mon, Siu Blắk, Y Phôn Ksor, Thuý Hà, Ali Việt, Y Joen ... là những người tiêu biểu. Điều đó một lần nữa khẳng định sức sống trường cửu của kho tàng âm nhạc dân gian Tây Nguyên và những bài ca mang âm hưởng và phong cách Tây Nguyên.
Như vậy, rõ ràng “Giữ gìn và phát huy bản sắc âm nhạc Tây Nguyên trong quá trình hội nhập” là nhiệm vụ trực tiếp của giới nhạc sĩ Việt Nam./.
Pleiku, tháng 3 năm 201 L.X.H |