Giọt đàn nghiêng

08/09/2015

Nhà xuất bản Âm nhạc vừa ra mắt tập ca khúc “Giọt đàn nghiêng” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chi hội Nhạc sĩ tỉnh Khánh Hòa. Tập ca khúc được thực hiện với sự tài trợ của Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học – Nghệ thuật Việt Nam năm 2015 tại Khánh Hòa.

“Giọt đàn nghiêng” là tập hợp 47 ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu sáng tác trong các thời kỳ từ năm 1981 tới nay.

Phần I có chủ đề “Vĩnh hằng”, là những ca khúc với những giai điệu, ca từ sâu lắng yêu thương, tự hào, phấn trấn, như: “Khúc ca đất nước”, “Giọt đàn nghiêng”, “Rồng Việt Nam”…

Phần II, với những ca khúc tự hào, thành kính, tha thiết, sâu lắng: “Từ lá cờ ấy”, “Khi trong tôi có mặt trời”, “Khi cành phượng đỏ muôn hoa”, “Trồng cây – Trồng người”, “Nơi Bác ở năm xưa”, “100 năm nhớ một chuyến đò”…

Phần III, có chủ đề “Dặm dài Đất nước”, với những ca khúc mang những giai điệu đằm thắm, sâu lắng, hồi tưởng: “Suối Giàng ơi”, “Mang về một chút Sa Pa”, “Đêm Quan Họ”, “Phong Nha… ngàn năm huyền ảo”, “Khi ta về với Ô Lâu”, “Gửi Hiền Lương…”, “Trở lại Khe Sanh”, “Đường lên Plei Ku”, “Đà Lạt sương và hoa”, “Lại về Phú Quốc”…

Phần IV, có chủ đề “Quê hương” với giai điệu thong thả, sâu lắng, da diết: “Một thoáng quê hương”, “Hương Đồng Lộc”, “Qua Đèo Ngang hôm nay”…

Phần V, có chủ đề “Bến đậu”, tha thiết, đằm thắm, sâu lắng như: “Nha Trang ơi”, “Khúc hát Trầm Hương”, “Kìa em! Đảo Yến”…

Phần VI, có chủ đề “Bệ phóng”, nhịp điệu hành khúc, lạc quan “Khúc ca người lính”, “Nghiêng chiều biên ải”, “Chiều xuân trên đảo”, “Lời ru trên đảo Trường Sa”; đằm thắm, tha thiết, lắng đọng: “Mong anh mang gió đảo xa về”, “Dấu chân năm tháng”, “Có một mái trường”…

Nhạc sĩ Nguyến Tiến Liêu tâm sự: “năm nay, với tôi có nhiều sự kiện ý nghĩa: tuổi đời chớm tám mươi xuân, 60 năm chính thức tôi bước vào con đường hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật chuyên ngành Âm nhạc, nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, để chào mừng một sự kiện trọng đại trong đời sống của người Đảng viên: Đại hội lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là lý do để tập ca khúc “Giọt đàn nghiêng” ra đời”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu sinh năm 1938, quê ở xã Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Hiện nay ông nghỉ hưu tại Nha Trang, Khánh Hòa. Cuộc đời binh nghiệp và sự nghiệp âm nhạc của ông được song hành. Nguyễn Tiến Liêu vào bộ đội tình nguyện năm 1953, có năng khiếu âm nhạc, ông được cử đi học lớp đào tạo nhạc công violoncelle do Tổng cục Chính trị tổ chức (1956 – 1958). Từ 1963 – 1965, ông tiếp tục học tại trường Âm nhạc Việt Nam, và khoa Âm nhạc, trường Đại học Văn hóa Hà Nội (1977 – 1981).

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu đã công tác ở các đơn vị như: Nhạc công Đoàn Văn công Quân khu Bốn, nhạc công Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, nhạc công và sáng tác tại Đoàn Văn công Hải Quân, phụ trách văn nghệ Học viện Hải quân (Nha Trang).

Các tác phẩm tiêu biểu: “Hoa thắm dâng Bác”, “Khi tôi hát về Người”, “Lá thư gửi từ đảo nhỏ”, “Lời ru của cha”, “Khúc ngẫu hứng biển”…

Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu đã đạt được những thành tích trong âm nhạc: Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1983; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Nhât; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba…

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.