Giới thiệu sơ lược về cây Đàn Bầu Việt Nam
Trong hệ thống các nhạc cụ Việt Nam, Đàn Bầu hay còn gọi là “Độc Huyền Cầm” là một nhạc cụ thuần việt nhất, độc đáo nhất của người Việt Nam và cũng được coi là một trong số hiếm hoi những cây đàn độc đáo của thế giới bởi cấu tạo của cây đàn rất đơn giản, với lối diễn tấu không giống bất cứ một nhạc cụ nào, đó là âm thanh được tạo nên từ các âm bồi của dây đàn, kết hợp với việc dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống trên một sợi dây duy nhất, từ đó tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, quyến rũ.
Trước kia, thân đàn Bầu được làm bằng một đoạn ống Bương hoặc Vầu dài khoảng trên dưới 1 mét, có thể để nguyên hoặc được chẻ ra làm đôi giống hình cái máng hứng nước ở vùng đồng bằng Bắc bộ và được gọi là đàn Bầu máng (sau này được làm bằng gỗ dài khoảng 1,15m). Cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70 cm (sau này thay bằng sừng trâu). Dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt). Bầu đàn bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống quả bầu.
Theo NSND Vũ Tuấn Đức, nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Nhạc cụ Dân tộc trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), thì đàn Bầu xưa được ghi nhận “là một nhạc cụ đơn giản dùng để kiếm sống của những người hát Xẩm trong xã hội phong kiến cũ và “Chỉ có một số rất ít người chơi ở dạng tài tử hoặc đàn xa- lông trên sập gụ phục vụ một ít người giàu có hoặc đi theo các gánh hát diễn xen trong các tích trò”. Là cây đàn sinh ra trong quá trình lao động của người Việt Nam, với cấu tạo và cách diễn tấu đặc biệt khiến cho âm thanh đàn bầu gần với âm điệu, tiếng nói của con người nên dễ dàng chuyển tải được những tâm tư, tình cảm mà con người muốn nói.
Cây đàn bầu xưa tuy không có mặt trong dàn nhạc cung đình nhưng trong chốn dân gian, đàn Bầu vẫn tự tạo được cho mình sức sống mãnh liệt, phi thường, trải qua bao thăng trầm, bao biến đổi của lịch sử, cây đàn Bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho biểu hiện sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.
Vào đầu những năm 50 của thập kỷ trước, với việc các đoàn văn công được thành lập, nhiều nghệ nhân chơi đàn Bầu đã bắt đầu phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực độc tấu, hòa tấu, đệm cho hát và ngâm thơ.Khi công nghệ điện tử ra đời, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp một cuộn cảm ứng điện từ có lõi sắt non gọi là mô bin vào dưới mặt đàn giáp với dây ở phía cuối đàn để cảm ứng âm thanh truyền qua bộ dây đồng trục, đưa tín hiệu đến khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm cho tiếng đàn to lên
Và đặc biệt, bước ngoặt lớn đối với số phận cây đàn Bầu cũng như các nhạc cụ dân tộc khác là từ khi Trường Âm nhạc Việt Nam - cái nôi của nền âm nhạc chuyên nghiệp ra đời năm 1956, đàn Bầu và các nhạc cụ dân tộc được đưa vào giảng dạy chính thức trong hệ thống trường Ấm nhạc đã làm cho đàn Bầu thực sự được “đổi đời”. Các cây đàn dân tộc với các làn điệu dân ca cổ truyền phong phú đã có vị trí xứng đáng cùng với các dòng âm nhạc khác. Từ Trường Âm nhạc Việt Nam đã dần hình thành một hệ thống các trường âm nhạc chuyên nghiệp địa phương, trong đó có bộ môn đàn Bầu khiến nhu cầu học để biểu diễn đàn Bầu ngày càng tăng dần theo thời gian.Việc vận dụng phương pháp ký âm theo năm dòng kẻ trong học và biểu diễn đàn Bầu đã mở ra hướng phát triển mới cho các cây đàn dân tộc trong đó có cây đàn Bầu.
Việc mở đường ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhạc sĩ sáng tác, nghiên cứu và viết các tác phẩm cho đàn Bầu một cách dễ dàng hơn.
Cũng trong thời gian này, được sự hỗ trợ của công nghệ khoa học, cây đàn Bầu điện ra đời với âm lượng lớn hơn cây đàn Bầu mộc, đã tạo điều kiện để các nghệ sĩ đàn Bầu cũng như những nhà nghiên cứu cải tiến và đưa thêm nhiều thủ pháp diễn tấu mới vào cây đàn.Từ đây ngoài các chiếu xẩm, đàn Bầu không thể thiếu vắng trong các buổi biểu diễn phục vụ người lao động sản xuất, bộ đội, dân công trên tuyến đầu tổ quốc, trên làn sóng đài phát thanh và trên các sân khấu lớn, nhỏ ở trong, ngoài nước.
Sau đây là một vài nét cơ bản của cây đàn bầu:
1/ Các thế tay cơ bản của đàn Bầu:
Đàn bầu hiện nay sử dụng 6 thế tay hay còn gọi là 6 điểm nút bồi âm đó là:
Nếu lên dây bằng Đô ta sẽ có
Thế tay 1: Chia đôi dây từ cần đàn đến ngựa đàn rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Đô
Thế tay 2: Chia dây đàn từ cần đàn đến ngựa đàn làm 3 phần bằng nhau rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Son
Thế tay 3: Chia dây đàn từ cần đàn đến ngựa đàn làm 4 phần bằng nhau rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Đô
Thế tay 4: Chia dây đàn từ cần đàn đến ngựa đàn làm 5 phần bằng nhau rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Mi
Thế tay 5: Chia dây đàn từ cần đàn đến ngựa đàn làm 6 phần bằng nhau rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Son
Thế tay 6: Chia dây đàn từ cần đàn đến ngựa đàn làm 8 phần bằng nhau rồi để cạch bàn tay vào điểm chia đôi đó và bật que ta sẽ có âm thanh vang lên là Đô
Ngoài 6 điểm định âm thông dụng gọi là 6 thế ta, còn có thể tạo ra nhiều những âm bồi và âm thực khác nữa ví dụ như nốt Si, Rê, Mi trên cao và bật thực âm ở gốc dây đàn khiến âm thanh đàn bầu thêm màu sắc.
2/ Que đàn và cách sử dụng
Que đàn ngày trước làm bằng tre được vót tròn như cái đũa, dài khoảng 20cm, sau này thay bằng giang hoặc cây song, là những chất liệu vừa mềm dẻo vừa dai chắc, được vót bẹt dài khoảng 6 cm-9cm, rộng khoảng 4mm và có đánh bông ở đầu que để tiếng gẩy cho êm. Có nghệ sĩ còn dùng móng gẩy bằng nhựa giống như đàn Nguyệt.
Người diễn tấu cầm que bằng tay phải, que đặt trong lòng bàn tay sao cho que hơi chếch so với chiều ngang dây đàn. Que đàn được đặt trên 2 đốt ngón tay trỏ và giữa của bàn tay phải, còn đốt thứ nhất của ngón cái thì giữ que đàn, đầu nhỏ của que thường nhô ra khoảng 1,5 cm. Hai ngón còn lại hơi khum theo ngón trỏ và giữa. Khi gảy, ta đặt cạnh bàn tay vào điểm nút bồi âm, bật nhẹ que đàn cùng lúc nhấc bàn tay lên, ta sẽ có được một thế tay. Những điểm cạnh bàn tay chạm vào gọi là điểm nút, những điểm trên dây đàn được que gảy vào gọi là điểm gảy. Do đàn bầu không có phím nên những điểm nút được coi là cung phím của đàn bầu và gọi là các thế tay như đã nói ở trên
3/ Một số kỹ thuật cơ bản của đàn bầu
Ngoài các kỹ thuật của đàn Bầu cổ truyền như: kỹ thuật gẩy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ , vuốt, láy, rung, dật, các nghệ sĩ đàn Bầu đã sáng tạo ra nhiều kỹ thuật diễn tấu mới để đáp ứng được nội dung của các tác phẩm như: kỹ thuật gẩy 2 chiều, pizzicato, kỹ thuật vê, bật thực âm, kỹ thuật tiếng chuông
4/ Một số tư thế diễn tấu của đàn bầu:
Ngày xưa, đàn được đặt xuống đất hoặc chiếu. Người chơi đàn ngồi xuống, đầu gối chân phải tỳ hẳn vào mặt đàn theo tư thế thượng mã. Tay trái để vào vòi đàn, tay phải nắm chặt que đàn và gẩy từ trên xuống theo chiều thẳng đứng. Ngày nay đàn Bầu có thể đặt trên chiếu ngồi hoặc đứng tùy theo tính chất của từng buổi biểu diễn mà người chơi đàn chọn tư thế đàn cho thích hợp và chỉ dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của tay phải cầm que đàn và gẩy cả chiều lên và xuống bằng bật ngón là chính.
5/ Tính năng của cây đàn:
Đàn bầu có âm vực rộng. Vì âm thanh phát ra đều là âm bồi nên âm sắc đẹp, sâu lắng, quyến rũ. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha, có khi ngọt ngào tình tự, diễn tấu tốt tình cảm của con người. Âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám nghe rất đẹp. Nếu sử dụng âm thực với sự tác động kéo căng hay giảm dây của vòi đàn, âm vực của đàn bầu có thể vượt trên 3 quãng tám.
Đàn bầu phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu, tuy nhiên từ khi có nhiều tác phẩm viết cho đàn Bầu độc tấu mang hơi thở của thời đại mới, ngoài các kỹ thuật của đàn Bầu cổ truyền, các nghệ sĩ đàn Bầu đã sáng tạo ra nhiều kỹ thuậtdiễn tấu mới để đáp ứng được nội dung của các tác phẩm
KẾT:
Đàn bầu là một nhạc khí có âm sắc độc đáo, được người Việt Nam sử dụng phổ biến từ bao đời nay. Tiếng đàn Bầu đã gắn liền với dòng chảy lịch sử của nước Việt Nam, góp phần làm nên ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa quốc tộc của người Việt. Cây đàn Bầu hiện nay không chỉ được yêu thích ở Việt Nam quê hương của nó mà còn được truyền bá ở nhiều nơi và được bạn bè khắp năm châu ca ngợi. Phải chăng, tiếng đàn bầu thánh thót, giàu sức biểu hiện đã khiến nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam đã gọi Việt Nam là “Đất nước đàn bầu” và “Quê hương đàn Bầu”, như mấy câu thơ của nữ thi sĩ Meray người Pháp đã viết:
Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam
Nghèo của mà giàu lòng nhân ái
Giản dị mà thanh cao
Đơn sơ mà phong phú.