Giới nhạc sĩ khu vực phía nam và tính dân tộc hiện đại

23/02/2021

Nhạc sĩ Trương Quang Lục (Photo: Quỳnh Anh)

Tham luận tại Đại hội X Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Trên dải đất Việt Nam, với 54 dân tộc cùng chung sống bên nhau qua hàng nghìn năm, đã sản sinh một kho tàng âm nhạc truyền thống vô cùng quý báu, trong đó dân ca chiếm vị trí rất quan trọng. Kho tàng đó quả là nguồn sữa mẹ quý giá cho sự nghiệp sáng tạo âm nhạc. Việc xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại không thể không tiếp nối truyền thống của dân tộc. Đưa cái hay, cái đẹp của dân ca Việt Nam vào trong âm nhạc, trong sáng tác âm nhạc hôm nay cần có sự phát triển, sáng tạo, không thể “bê nguyên si”. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, thuộc lớp đàn anh đi tiên phong trong việc sưu tầm, nghiên cứu dân ca và vận dụng vào sáng tác, có nói một câu đáng để cho chúng ta suy gẫm: “Người nhạc sĩ ngày nay phải như con ong cần cù hút nhụy của những hoa thơm dân tộc cổ truyền, để sáng tạo ra một thứ mật ong mới, đậm đặc, vàng óng, thơm lừng…”. Qua ý kiến này, chúng ta cảm nhận rằng tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân tộc không thể chỉ là “nhụy hoa” mà phải là “mật ong” qua bàn tay sáng tạo của nhạc sĩ.

Cho đến giữa thế kỷ 18, cha ông chúng ta đã hoàn thành cuộc di dân Nam tiến từ Bắc vào Nam, định cư trên vùng Nam Trung bộ và tiến sâu đến bình nguyên mênh mông tọa lạc trên lưu vực bốn con sông lớn: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền và sông Hậu. Trong quá trình khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất mới, trong cộng đồng những thế hệ con người ở đây đã hình thành nên thanh điệu “giọng nói miền Nam” và một kho tàng vô giá về dân ca đa dạng, phong phú, đầy màu sắc. Cái hay, cái đẹp của dân ca miền Nam đã thể hiện qua các thể loại hò, lý, hát đối đáp, hát đưa em, hát bài chòi, hát sắc bùa, nói vè, nói thơ, đồng dao…

Cái hay, cái đẹp của dân ca miền Nam trước hết là ở giá trị nội dung mang những đặc tính chung của dân ca Việt Nam như tính hiện thực, tính trữ tình, tính nhân văn… Nhưng do hoàn cảnh lịch sử hình thành đất Nam Trung bộ và Nam bộ nên dân ca ở đây cũng có thêm những đặc thù riêng khá đậm nét như tính chiến đấu, tính trào lộng, tính mộc mạc…

Đi đôi với giá trị nội dung của dân ca miền Nam là giá trị nghệ thuật. Bên cạnh các điệu thức Bắc, Nam, Xuân thường gặp trong dân ca Việt Nam nói chung, từ thanh điệu giọng nói Nam Trung bộ và Nam bộ, ta còn thấy thêm điệu thức Oán (còn gọi là điệu thức Ai) trong dân ca địa phương. Phải chăng điều này đã hình thành từ trong quá trình giao lưu giữa âm nhạc Việt và âm nhạc Chăm khi dân tộc ta Nam tiến. Rồi từ điệu thức Oán gốc cũng đã sản sinh ra hàng loạt điệu thức Oán biến thể khác với nhiều màu sắc phong phú. Trong một bài dân ca có thể kết hợp nhiều điệu thức một cách nhuần nhuyễn. Trong dân ca miền Nam, đường nét giai điệu được tiến hành khá đa dạng, chủ đề âm nhạc được phát triển bằng các thủ pháp tái hiện, mô phỏng, bằng nhiều kỹ xảo biến hóa đủ kiểu.

Sự phong phú và đa dạng cũng như các hay và cái đẹp của dân ca miền Nam là chất liệu nuôi dưỡng sự sáng tạo âm nhạc, như những đứa con lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, cây cối lớn lên nhờ dòng nhựa sống. Đó cũng là con đường kế thừa vốn cũ dân tộc và sáng tạo cái mới trong âm nhạc. Trong thời gian qua, nhiều nhạc sĩ đã thành công trong việc sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Nam và những tác phẩm này đã được quần chúng yêu thích đón nhận và lưu truyền rộng rãi.

Có nhạc sĩ lấy cảm hứng từ một điệu dân ca cụ thể, rồi “chế biến” phát triển một cách sáng tạo để thành một ca khúc mới hoàn chỉnh. Ta có thể điều này trong một số tác phẩm như sau đây. Bài ca may áo của Xuân Hồng có âm hình giai điệu được viết theo điệu thức Xuân vui tươi, trong sáng, âm hình tiết tấu dựa theo bài vè Bậu lỡ thời mà ông đã được mẹ dạy lúc ấu thơ: “Áo vá vai người ta còn mặc/ Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên...”. Từ đó hình thành mấy câu: “Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng/ Mưa rét run người nắng sẫm màu da…”

Khi tìm motif nhạc cho bài Xuân chiến khu, Xuân Hồng chợt nhớ đến bài Bình bán vắn có mấy câu không biết ai đặt lời: “Trăng kìa trăng lú lên/ Đôi bạn mình xum xít ngồi chơi…” hay “Liu tồn liu xáng u/ Xáng trên đầu ba bữa còn u…”. Nhạc sĩ Xuân Hồng thấy motif này vừa vui vừa trong sáng thích hợp không khí xuân, thế là ông dựa vào đó viết nên bài Xuân chiến khu sau này trở thành nổi tiếng khắp cả nước: “Mùa xuân về trong chiến khu, tiếng chim rừng vang hót khắp nơi…”.

Khi viết bài Anh Ba Hưng Trần Kiết Tường đã chịu ảnh hưởng bài dân ca Con chim manh manh: “Con chim manh manh, nó đậu cây chanh…” Từ đó ông viết: “Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân/ Đi lính hơn năm trường, vừa mới được huân chương…”. Mặt khác, Trần Kiết Tường đã đưa chất trào lộng của dân ca miền Nam vào trong bài Anh Ba Hưng. 

Có nhạc sĩ lấy cảm hứng từ một vài tiết nhạc hay vài câu nhạc của một bài dân ca miền Nam nào đó để làm “men tạo thành rượu ngon”. Dựa vào câu đầu của bài Lý bình vôi: “Lỡ bằng tay, rớt bằng bể, ông bằng bình, vôi bằng vôi…”, Huỳnh Thơ có câu nhạc: “Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao…” trong bài Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Xuân Hồng có câu nhạc: “Lửa bập bùng, tiếng chày khua cắc cum cum cụp cum…” trong bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Khi nghe mấy câu cuối:”Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi/ Gởi lời tin cho gió qua mấy câu thiết tha hò ơ…” trong bài Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp, ta lại liên tưởng đến câu “Tình bằng sang sông ưng ứng ưng ưng ưng ừng ưng…” trong bài Lý con sáo…

Đã có rất nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ những điệu hò mượt mà, nhẹ nhàng, khoan thai trong dân ca miền Nam. Các bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của Trần Kiết Tường, Lên ngàn của Hoàng Việt, Qua sông của Phạm Minh Tuấn, Hoa sen Tháp Mười của Trương Quang Lục… đều có mang âm hưởng của những điệu hò của địa phương.

Cũng có khá nhiều tác phẩm tuy không mang một nét nhạc cụ thể của một bài dân ca miền Nam nào, nhưng tác giả đã vận dụng điệu thức, tiết tấu, thủ pháp tiến hành giai điệu, phương pháp chuyển hệ (metabole) để tạo ra những tác phẩm đậm đà màu sắc dân ca miền Nam được quần chúng hưởng ứng và nhanh chóng lan truyền khắp nơi. Có thể kể các tác phẩm: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp - Phạm Tiến Duật), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục - Hoài Vũ), Em ở đầu sông, anh cuối sông (Phan Huỳnh Điểu - Hoài Vũ), Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn (Phạm Minh Tuấn), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), Hãy yên lòng mẹ ơi (Lư Nhất Vũ - Lê Giang), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn) v.v...

Nói đến cái hay, cái đẹp của dân ca Việt Nam nói chung và dân ca miền Nam nói riêng, ta cũng phải nhìn nhận một số nhược điểm vốn có của dân ca. Trong dân ca, tiết tấu và nhịp điệu chưa phong phú (nhịp 2/4 khá nhiều, nhịp 4/4 rất ít, nhịp 3/4 chưa gặp), ít có giai điệu, tiết tấu sôi động cho múa nhảy (trường hợp Lý ngựa ô rất hiếm). Nhấn nhá, luyến láy trong nét nhạc dân ca là tính độc đáo cần khai thác, phát huy, nhưng mặt khác lại là chướng ngại không nhỏ một khi ta muốn đem ra hợp ca, đồng xướng. Phải chăng nhược điểm này thể hiện tính cá lẻ, thiếu tính tập thể, tính cộng đồng, tính tổ chức của con người trong xã hội cũ ngày xưa. Phần lớn nội dung trong dân ca là trữ tình trong một khuôn khổ, một hoàn cảnh nhỏ hẹp, mà ít cái chất cao rộng, khỏe khoắn, trang nghiêm, hoành tráng. Do đó, khi học tập và vận dụng vốn dân ca cổ truyền để sáng tạo tác phẩm mới, ta cần nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm để chắt lọc được chất tinh hoa, loại bỏ những gì là nhược điểm, thổi vào đó hơi thở và nhịp sống mới, từ đó tạo ra những  tác phẩm âm nhạc hiện đại mang đậm tính bản sắc dân tộc, để phục vụ con người mới, xã hội mới hôm nay. Đó cũng là phương châm xây dựng một nền âm nhạc dân tộc và hiện đại.

Tác giả: Trương Quang Lục

Tin liên quan

15/03/2021
Năm 2021, được Hội VHNT tỉnh chọn là năm sân khấu và âm nhạc Quảng Ninh. Để có mùa âm nhạc bội thu, bên cạnh đẩy mạnh phong trào sáng tác thì cần phát triển lực lượng sáng tác đang còn khá mỏng hiện nay.
14/03/2021
Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ ...