Giây phút âm nhạc

26/04/2019

Nhân dịp 30/4, website Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin giới thiệu truyện ngắn của tác giả Ngọc Quỳnh - cô giáo dạy văn của nhiều lứa học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam trong những năm 1964-1979.

Kính chúc cô Ngọc Quỳnh sức khỏe. Các học trò cũ của cô luôn mong đợi tới ngày lại được đón cô về thăm quê hương.

Tác giả Ngọc Quỳnh tại Canada

Montréal 1995.

Buổi sáng chủ nhật. Bầu trời nặng trĩu mây đen. Phan Linh dậy sớm hơn thường lệ vội vã mặc quần áo rồi chạy ra khỏi nhà. Ngoài cửa đã có chiếc xe taxi  đậu sẵn đợi anh. Cơn giông ập đến, trời mưa như trút nước, chíếc xe chở anh phóng như bay té nước sang hai bên đường tung tóe. Tới cửa khách sạn, anh lao thẳng tới quầy tiếp khách:

- Cho tôi được gặp bà Phong Lan.

Người tiếp viên giọng trịnh trọng:

- Thưa ông có phải là Mr. Phan Linh?

- Dạ đúng. Tôi là Phan Linh.

- Bà Phong Lan đã trả phòng sáng nay. Bà gửi lại cho ông lá thư này.

Cầm lá thư trong tay, Phan Linh thẫn thờ bước như một kẻ không hồn. Anh đi một vòng quanh phòng đợi với hy vọng biết đâu vì mưa bão nàng còn nán lại đây chưa ra phi trường. Ngồi xuống chiếc ghế anh sực nhớ tờ giấy vẫn nằm trong tay mình nắm chặt.

Phan Linh,

Em vẫn phải ra đi. Tâm hồn đau khổ này xin được anh tha thứ…

Phong Lan.

Ngồi yên lặng rất lâu trong phòng chờ khách sạn, Phan Linh thấy cổ họng khô cháy và nơi trái tim như đang bị ai bóp chặt. Ngoài kia mưa vẫn rơi xối xả, mờ mịt không gian. Anh thấy mưa như đang khóc thay cho lòng mình và tiếng sấm ầm ì trên cao chẳng khác những lời cầu nguyện đưa hồn anh vào cõi hư không. Ra khỏi cửa Phan Linh bước đi thật chậm để mặc những giọt mưa lớn quất lên đầu lên cổ. Thiên nhiên dữ dằn và tàn khốc sao sánh được với lòng ta đang cay đắng tột cùng. Phải chăng đây là hình phạt của Thượng Đế đã giành cho ta hôm nay?

Saigon 1974.

Phan Linh mười chín tuổi, đẹp trai, con một, nhà giàu, có tài âm nhạc. Ba là bác sĩ, mẹ là giáo sư dạy đàn dương cầm. Được mẹ dạy học đàn từ khi mới sáu tuổi, Linh say mê tập luyện và tỏ ra có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ và nay anh đã tốt nghiệp cao học về chuyên ngành piano.

Linh ở với ba mẹ trong một biệt thự xinh xắn ở gần ngoại ô. Xung quanh nhà cây xanh tỏa bóng mát rượi. Trước nhà có mấy cây hoa giấy màu tím đỏ dây leo bám trên tường uốn éo, nhìn từ xa giống như một bức tranh. Những buổi chiều khi gió mát từ sông thổi về, hay những đêm sáng trăng, tiếng đàn dương cầm vọng ra làm cho khung cảnh thêm trữ tình, không gian quanh nhà như lắng đọng theo giòng âm thanh quyến rũ. Say sưa tập đàn, Phan Linh có biết đâu rằng những âm thanh quyến rũ của tiếng đàn mình đã làm cho cô hàng xóm của anh si mê.

Đó là Phong Lan. Tuổi mười sáu trăng tròn Lan đẹp lạ lùng. Nước da trắng càng làm nổi bật đôi mắt tròn to, màu nâu, trong suốt với hai hàng mi dài cong vút. Lan có mái tóc dày, quăn tự nhiên để buông lơi vài cọng nhỏ trước trán và hai bên tai làm cho cô giống như một con búp bê. Bà ngoại bảo cô giống Ba. Còn Lan thì chưa gặp Ba bao giờ. Ba của Lan, ông Doucette là người Pháp, kỹ sư  trẻ đến làm việc ở Sài gòn. Mẹ Lan lúc ấy là sinh viên Đại học, hai người gặp nhau tình cờ trong kỳ nghỉ hè trên bờ biển Nha trang. Phong Lan là kết quả của mối tình thoảng qua dưới ánh trăng trên bãi cát. Doucette trở về Pháp. Phong Lan ra đời không có cha. Khi Lan mười hai tuổi, mẹ qua đời vì bệnh tim và cô ở với bà ngoại từ đấy.

Tuổi dậy thì hay buồn bâng khuâng, Phong Lan thích ra vườn sau ngồi một mình trong những buổi hoàng hôn để nghe gió thì thầm mát rượi…
Và khi đó, bên kia giàn hoa giấy, tiếng đàn cất lên. Những âm thanh vừa xôn xao vừa êm dịu tỏa ra tràn ngập không gian. Dòng âm thanh vang lên dẫn dắt tâm hồn cô bé đi phiêu diêu quên hiện tại, bay lên không gian trên cao xa xăm…

Rồi một buổi chiều tà, Khúc tùy hứng của Schubert vang lên đã dắt cô bước qua rào, qua giàn hoa um tùm, tới bên cửa sổ…

Lần đầu tiên, Phong Lan biết yêu. Cô bé đã trao hết cả tâm hồn trong trắng và trái tim non nớt của mình cho chàng nghệ sĩ trẻ. Còn Phan Linh thì ngay từ phút đầu đã bị hút hồn vì vẻ đẹp ngây thơ của cô bé nhà bên. Từ đó, chiều chiều đôi chim nhỏ đưa nhau ra vườn sau rủ  rỉ tự tình. Có những khi hai người ngồi bên nhau rất lâu, lặng yên tận hưởng giây phút yêu đương tràn ngập trong ánh mắt cùng những nụ hôn nóng hổi và hơi thở hòa quyện. Cũng có những khi Linh ngồi dạo đàn, Lan ngồi bên khung cửa chìm đắm trong thế giới của âm thanh, trong không gian âm thanh. Hai tâm hồn gặp nhau trong giây phút âm thanh ấy. Phong Lan gọi đó là “giây phút âm nhạc”. Chính giây phút âm nhạc diệu kỳ đã đưa dẫn hai tâm hồn non trẻ lại gần nhau, say mê nhau, thề nguyện sẽ yêu nhau suốt đời.

Mặt trời đã lặn. Phong Lan ngồi sau vườn chờ đợi. Những đám mây  trên trời màu tím xẫm, cao tít tắp vô tận. Khu vườn nhỏ kín đáo và yên tĩnh lạ lùng. Ba ngày rồi không gặp nhau, cô bé vẫn chờ đợi. Cửa ngõ nhà Linh đóng kín, bên trong tối đen. Gần tới khuya, Phan Linh hớt hải chạy về nhà  với vẻ mệt mỏi và đầu tóc bù xù. Tới gặp người yêu, anh ôm xiết nàng run rẩy:

- Lan em, tha lỗi cho anh.

Lần đầu tiên Lan thấy anh khóc. Vội đưa tay lau nước mắt cho anh, Lan thấy anh nghẹn giọng không nói được gì mà chỉ ôm xiết cô lần nữa.

- Em ơi, đừng giận anh. Hãy tha lỗi cho anh.

- Có chuyện gì? Em không bao giờ giận anh cả.

- Mai sớm anh phải theo ba mẹ xuống thuyền. Mọi việc sắp sẵn rồi.

Lan òa lên khóc. Thế là giấc mơ yêu đương của hai đứa đang tan thành mây khói. Anh sẽ bỏ em ở lại để đi vượt biên cùng ba mẹ anh. Thế là em sẽ mất anh, sẽ vĩnh viễn mất anh.

Lan ngồi khóc lặng. Còn Linh chỉ còn biết ghì chặt tấm thân mềm nhũn của nàng, hôn tới tấp lên đôi má đầy nước mắt của người yêu.
Dưới ánh trăng mờ, hai tâm hồn trẻ thơ quyện chặt lấy nhau. Trong đau khổ tột cùng, hai cơ thể mềm yếu như hòa chung làm một. Đôi trẻ đã yêu nhau nhiệt cuồng đêm nay như để rồi ngày mai không còn được yêu nhau nữa…

Paris 1995.

Ông Henry vừa tròn năm mươi tuổi. Ông có thân hình cân đối, đôi mắt màu xanh và vẻ mặt lúc nào cũng nghiêm trang. Ông là chủ của một tiệm may thời trang ở phía nam thành phố Paris.

Mười lăm năm trước, ông cùng một người bạn lớn tuổi hùn vốn làm ăn. Hai người đến Hồng Kông ký hợp đồng để mua lông vịt. Thấy có lời nhiều, họ rủ nhau tới Sài Gòn tìm mối mới. Mấy tuần lễ nghỉ ở Vũng Tàu, ông Henry gặp và say mê một cô gái trẻ đứng bán hàng sau quầy rượu. Ông ngỏ lời cầu hôn và tám tháng sau ông trở lại làm đám cưới rồi đón người đẹp cùng con trai cô về Paris sinh sống. Năm đó ông ba mươi sáu và vợ ông mới có hăm hai.

Sau khi lấy vợ, công việc làm ăn của ông như diều gặp gió. Người vợ trẻ của ông không những đảm đang công việc gia đình lại còn giúp ông trông nom hãng may nữa. Vì thế nên mỗi khi gặp bạn ông Henry đều rất tự hào nói về người vợ thông minh của mình.

Và người  vợ xinh đẹp thông minh của ông Henry đó chính là Phong Lan. Đứa con trai của nàng đặt tên là Hoài Nam nay đã mười chín tuổi.
Hoài Nam là kỷ niệm duy nhất của mối tình đầu Phan Linh để lại cho nàng trong đêm cuối cùng ở Sài gòn năm 75.  Sau khi người yêu đi, Lan buồn bã khóc lóc cả tháng trời.

Ba tháng sau biết mình có thai, Phong Lan bỏ nhà theo bạn đi Vũng Tàu tìm đường vượt biển. Chuyến đi không thành, cả thuyền bị bắt. Đứa con hoang ra đời trong cảnh cùng cực nghèo khổ. Người mẹ trẻ phải gửi con đêm đêm đi làm sau quầy rượu kiếm sống.

Khi gặp ông Henry, Phong lan thấy ông tốt bụng và đứng đắn. Nàng nhận lời cầu hôn của ông mong thoát khỏi cảnh đời cực khổ chỉ vì nàng nghĩ đến tương lai của con. Ngày đó Hoài Nam vừa bốn tuổi.

Khi qua tới đất Pháp, cuộc đời mẹ con nàng chuyển sang một trang sách mới. Hoài Nam được ông Henry yêu quý như con đẻ. Ước mong của Phong Lan là cho con học ngành Âm nhạc. Thế là Hoài Nam được ghi tên học đàn Piano ngay tại trường Hoàng gia Âm nhạc Paris.

Thời gian trôi nhanh. Nay Hoài Nam đã là một nhạc sĩ  dương cầm trẻ tuổi đầy tài năng và triển vọng. Trong kỳ thi tốt nghiệp với điểm cao nhất về lý thuyết âm nhạc và biểu diễn nhạc cụ, Nam được tuyển chọn đi dự cuộc thi piano Quốc tế tổ chức tại thành phố Montréal - Canada vào tháng 6 năm 1995.

Ước mơ của Phong Lan về con trai nay đã thành sự thực. Nàng và con trai sẽ đáp máy bay sang Canada dự cuộc thi Âm nhạc.

***

Nhạc sĩ Phan Linh nay là giáo sư piano của Trường Hoàng gia thành phố. Hai mươi năm trước anh cùng cha mẹ đi thuyền vượt biển tới trai tỵ nạn ở Phi luật tân rồi sau đó được một nhà  thờ Tin lành bảo lãnh đến định cư tại Montréal. Thời gian đầu anh chơi đàn trong những buổi lễ ở nhà thờ vào các ngày chủ nhật. Dần dần nhiều người biết tài năng của anh, họ gửi con đến học đàn rất đông. Tuổi trẻ nhiều hoài bão lớn, Phan Linh vừa dạy đàn vừa học thêm âm nhạc. Anh đã tốt nghiệp Đại học và được giữ lại làm giáo sư piano của trường.

Gần bốn chục tuổi mà Phan Linh vẫn không lấy vợ. Đẹp trai, dáng cao thanh mảnh, mái tóc đen dài lượn sóng rủ trước trán. Các bạn đồng nghiệp cho anh là một người lập dị. Anh ít nói, ít bạn bè, sống yên lặng trong một chung cư nhỏ gần trường học.

Trường Hoàng gia Âm nhạc của anh mấy hôm nay nhộn nhịp hơn thường lệ vì đang chuẩn bị cho cuộc thi âm nhạc quốc tế sắp khai mạc. Các thí sinh trẻ tuổi ở nhiều quốc gia đến ghi tên dự thi và đăng ký những bản nhạc sẽ trình diễn.

Phan Linh ngồi trong văn phòng nhà trường đọc danh sách thí sinh và những bài dự thi. Mắt anh bỗng dừng lại trên trang giấy:

Họ và tên thí sinh: Vũ Hoài Nam

Đại diện Quốc gia: Paris Pháp

Tên bài thi: Vòng 1: Sonata - Mozart. Vòng 2:  Impromptus (Khúc tùy hứng) - Schubert, Bacarolle (Chèo thuyền) - Chopin. Vòng 3: Concerto No.1 Tchaikovsky.

Phan Linh đọc lại lần nữa. Thí sinh nào mà lại chọn đúng những bản nhạc xưa nay mình yêu thích? Anh nghĩ đây thật là một sự trùng hợp lý thú.

Hai hôm sau cuộc thi bắt đầu. Vòng thứ nhất có hơn năm chục thí sinh dự thi. Nhưng sang đến vòng hai, chỉ còn lại mười hai thí sinh xuất sắc nhất được biểu diễn.

Nhà hát đông người. Hàng ghế trước giành riêng cho ban giám khảo ngồi chấm điểm. Không khí nghiêm trang bao trùm. Khi tấm màn nhung đỏ mở rộng, tiếng loa vang lên giới thiệu:

Thí sinh số 05

Tác phẩm: Khúc tùy hứng Schubert.

Im lặng. Tiếng đàn vang lên trong không gian, hư hư thực thực, hòa quyện như gió thoảng. Phan Linh ngồi ở hàng ghế cuối. Anh nhắm mắt để tận hưởng tiếng đàn đang làm anh sống lại với không gian của quá khứ xa vời. Bản nhạc này đối với anh quá quen thuộc mà sao hôm nay day dứt lòng anh đến đau khổ. Phải chăng sức mạnh của nó là ở trái tim người nghệ sĩ đã cho anh cảm xúc mãnh liệt này?

Khi bản nhạc kết thúc, Phan Linh nhìn thấy ở hàng ghế trước anh có một người đàn bà đang cúi đầu, đưa tay lên lau nước mắt. Từ phía sau anh chỉ thấy mái tóc búi cao có mấy cọng tóc quăn để buông lơi sau gáy. Nàng đứng lên, quay mình bước ra ngoài.

Phan Linh chạy ra theo như một kẻ không hồn. Có lẽ nào… lẽ nào...
Có phải là nàng? Phong Lan. Cả đời ta đang tìm kiếm nàng…

Anh đuổi theo nàng ra dãy hành lang rộng bên cạnh là những bao lơn nhỏ. Khi nàng quay lại, mặt giáp mặt, Phong Lan như muốn ngất xỉu. Phan Linh đỡ nàng mà vẫn tưởng mình đang mơ.

- Phan Linh.

- Có phải là em? Trời ơi… em ở đâu tới? Có biết là anh tìm em? Anh gửi rất nhiều thư về tìm em. Chắc là em giận anh?

- Lỗi tại em. Em đi xuống Vũng Tàu. Sinh con trai. Hoài Nam đang chơi đàn trong kia.

- Anh thật có tội với em và con. Cho phép anh được gặp...

Chưa nói hết câu, nàng ngắt lời anh:

- Em nay đã có chồng ở Paris. Tốt nhất không nên cho con biết.

Rồi nàng quay đi. Vừa lúc đó những tràng vỗ tay dồn dập từ phía trong làm cho cả hai như chợt tỉnh. Phan Linh níu tay nàng khẩn khoản:

- Chả lẽ giữa chúng ta chỉ có vậy thôi ư?

- Hãy quên đi quá khứ cho dễ sống. Đời em kể như đã hết. Em nay tất cả chỉ vì con. Mong anh hiểu cho.

Rồi nàng vội vã bước đi mặc cho Phan Linh đứng đó như người mất hồn. Cô gái thơ ngây và đầy mộng mơ của anh năm xưa nay đã trở thành người mẹ cứng rắn và đầy nghị lực. Công nàng đã nuôi con và cho con học âm nhạc thành tài. Chắc chắn trong nàng còn giữ những phút giây âm nhạc, những kỷ niệm của mối tình đầu nên nàng mới cho con theo ngành nhạc. Rồi những bản nhạc quen thuộc của mình nữa… Không, nhất định phải tìm lại nàng. Mình vẫn còn yêu nàng...

Phan Linh chạy vào trong nhà hát thì vừa lúc đèn bật sáng. Cuộc thi vòng hai kết thúc. Ban giám khảo đọc tên sáu thí sinh được tuyển dự thi vòng cuối trong đó có Hoài Nam - thí sinh số 005. Mọi người ra về, đi bên cạnh Phong Lan là một chàng trai trẻ, dáng cao với nước da trắng trong bộ lễ phục mầu đen đang mỉm cười sung sướng. Phan Linh muốn tới gần nhưng có cái gì như giữ chân anh lại. Tim anh thấy đau thắt. Hai mươi năm thờ ơ, vô tình nên hôm nay ta phải chịu hình phạt như thế này đây. Bởi vì ngày đó  chính ta là kẻ phản bội.

***

Trong số sáu thí sinh được tuyển chọn dự thi vòng cuối cùng của cuộc thi âm nhạc quốc tế đêm nay, Hoài Nam biểu diễn tiết mục cuối cùng: độc tấu bản Concerto số 1 của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Phần nhạc đệm do Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Montreal dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng nổi tiếng Charles Dutoit.

Chàng trai trẻ ngồi bên cây đàn  giữa sân khấu. Nhắm mắt lại, mười ngón tay chạm phím đàn. Tiếng nhạc cất lên, người nghe bị cuốn hút ngay vì giai điệu êm dịu và tiết tấu rộn ràng. Trên bao lơn tầng hai, Phong Lan ngồi nín thở lắng nghe tiếng đàn quen với những giai điệu bồng bềnh nổi trên phần đệm phóng khoáng của dàn nhạc. Nàng mặc chiếc áo dài màu xanh nhạt, cánh tay cắt rộng lượn vòng trông như hai cánh bướm mềm mại. Theo thói quen, hai tay chắp trước ngực, đôi mi khép kín, nàng để cho trí tưởng tượng cất cánh, nâng tâm hồn bay bổng trong không gian của quá khứ xa xăm…

Từ sau, Phan Linh bước tới ngồi xuống ghế bên cạnh nàng. Dòng âm thanh êm dịu làm tim anh như ngưng đập vì cảm động.Trong giây phút tiếng đàn ngự trị và chiếm lĩnh tâm trí hai người, anh đưa tay sang nắm nhẹ tay nàng. Phong Lan vẫn ngồi yên lặng. Nàng đã hiểu rằng chính tình yêu âm nhạc của anh cùng với mối tình đầu là chiếc chìa khóa vàng giúp nàng có nghị lực cho con học thành tài hôm nay. Hoài Nam có được giây phút vinh quang bên cây đàn cũng vì kế thừa được năng khiếu âm nhạc của cha.

Trên sân khấu Hoài Nam vẫn đang say sưa trình diễn. Những phím đàn đen trắng như lả lướt dưới những ngón tay của anh. Đôi bàn tay kỳ diệu tạo nên những âm thanh du dương hòa quyện với dàn nhạc dây đối đáp nhau như nhiều giọng hát. Rồi đến đoạn kết, những ngón tay  quay cuồng trên phím đàn cùng với những hồi sấm động của dàn nhạc cuộn lên như sóng trào.
Bản nhạc kết thúc. Mọi người đứng dậy. Những tràng pháo tay mỗi lúc một mạnh thêm rồi vang lên như sấm.

Trong giây phút ấy, trên bao lơn tầng hai của nhà hát có hai người vẫn ngồi yên lặng. Như có một sợi dây đàn nhỏ bé vẫn còn rung trong tim, Phan Linh nín thở để ngăn những giọt nước mắt đang muốn trào ra. Anh đưa hai tay lên ôm mặt. Phong Lan bỗng cảm thấy thương anh vô hạn. Những năm đau khổ của nàng qua rồi. Bây giờ nếu không cho anh nhận con có phải là độc ác không? Nàng nhìn anh nói nhỏ:

- Em sẽ đưa con về đây gặp anh trong một dịp khác. Cho em thời gian nói chuyện với con trước đã.

Phan Linh khẩn khoản:

- Cho phép anh được đưa em và con về khách sạn và sáng mai cho anh đựợc tiễn em ra phi trường…

Khi anh đang nói thì Hoài Nam bước tới. Phong Lan  vội đứng lên với giọng trịnh trọng:

- Thưa ông, đây là Hoài Nam, con trai của tôi. Còn đây là ông Phan Linh, giáo sư piano.

Hoài Nam khẽ gật đầu:

- Xin chào giáo sư. Rất hân hạnh được gặp mặt.

- Chúc mừng nghệ sĩ trẻ tuổi. Bản nhạc thật tuyệt vời và cách diễn tả rất lôi cuốn.

- Xin cảm ơn.

Hoài Nam quay sang mẹ nói khẽ:

- Hai người đại diện của hãng Phillips và RCA đang hẹn gặp con ở khách sạn để bàn việc thu đĩa.

Hai mẹ con chào tạm biệt Phan Linh. Khi bắt tay, Hoài Nam nhìn thấy trong mắt của giáo sư có hai ngấn nước long lanh. Anh nghĩ đó chỉ là ánh sáng của sự ngưỡng vọng, lòng trân trọng của giáo sư với nghệ thuật mà thôi. Phan Linh đang tần ngần muốn hỏi để mai được tiễn nàng. Nhưng khi bước đi anh thấy nàng quay đầu lại và ra hiệu cho anh đừng nói nữa.
Dưới ánh đèn vàng của nhà hát, Phan Linh đứng đó nhìn theo. Một niềm chua xót trào lên.. Con ơi… Ước gì ba được gọi tên con, được ôm con, được hôn lên vầng trán cao và đôi mắt lấp lánh hào quang của con. Ba thật vô tình nên hai mươi năm qua không biết có con hiện hữu trong cuộc đời này. Ngày ấy ba đã phản bội mẹ con. Ba có tội cả với con nữa.

Phan Linh cúi đầu bước đi trong dòng suy tưởng mãnh liệt. Nhóm giáo viên trường âm nhạc thấy anh đi qua, mọi người nhìn anh trìu mến. Ai cũng biết giáo sư Phan Linh xưa nay vẫn sống lập dị và tư duy sâu sắc.

Ở cửa nhà hát, đứng nhìn theo chiếc xe taxi chở hai mẹ con nàng đi khuất sau hàng cây, Phan Linh thấy lòng đau thắt. Ngày mai ta sẽ đến sớm tìm nàng để xin được tha thứ. Nếu nàng không chịu, ta sẽ giữ niềm hy vọng cho đến cuối cuộc đời. Có ai đã nói rằng: “Trong âm nhạc và cuộc sống, trái tim không phải là tất cả mà tất cả phải bắt đầu bằng trái tim”.

Trong đầu anh vẫn nghe âm vang điệu nhạc quen thuộc đang tràn ngập trong khoảng không gian giữa trời và đất. Sóng nhạc ở trên cao kia đang thổi dạt những đám mây bay đi nhường chỗ cho những vì sao lấp lánh tỏa ánh sáng xanh rờn. Rồi sóng nhạc sẽ lôi cuốn anh đến những nơi thật xa, để anh và nàng về với “Giây phút âm nhạc” năm xưa. Sóng nhạc sẽ đưa dắt hai người tới những nơi chẳng bao giờ có khổ đau - những xứ sở mà ở đó tình yêu không bao giờ nguội lạnh.

Ngày mai ta sẽ tìm nàng…

Toronto - Canada, 1999.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...