Giải thưởng chuyên ngành Âm nhạc cuộc thi "Hải Phòng - Khát vọng vươn lên”

12/11/2019

Cuộc thi Sáng tác Văn học, Nghệ thuật về thành phố Hải Phòng chủ đề “Hải Phòng - Khát vọng vươn lên” do Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức.

Ngày 08/11/2018, Ban Tổ chức Cuộc thi đã tổ chức Hội nghị Phát động và công bố Thế lệ tới rộng rãi văn nghệ sĩ, nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài thành phố. Cuộc thi đã lan tỏa trong cộng đồng, được nhiều tác giả trong cả nước, người Việt Nam tại nước ngoài quan tâm và đồng tình hưởng ứng.

Ban tổ chức đã nhận được 561 tác phẩm của 7/7 loại hình văn học nghệ thuật dự thi, bao gồm: thơ, văn xuôi, ca khúc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh. Trong đó, thơ: 276 tác phẩm; Ca khúc: 130 tác phẩm; Văn xuôi: 63 tác phẩm; Mỹ thuật: 39 tác phẩm; Nhiếp ảnh: 36 tác phẩm; Điện ảnh: 9 tác phẩm; Sân khấu: 8 tác phẩm, của 556 tác giả từ 44 tỉnh, thành như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ben Tre, Vĩnh Long...  

Được sự giúp đỡ của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Ban Tổ chức đã mời các nhà khoa học, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ đầu ngành trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Việt Nam tham gia Hội đồng Giám khảo và 07 Ban Giám khảo chuyên ngành. Công tác tiếp nhận, phân loại, mã hoá và tổ chức chấm, chọn các tác phẩm dự thi được thực hiện công tâm, khách quan và khoa học theo đúng quy định của Thể lệ và Quy chế chấm, chọn tác phẩm đã ban hành. Kết quả giải thưởng Cuộc thi cụ thể: Giải Nhất: 01 tác phẩm (Nhiếp ảnh); Giải Nhì: 04 tác phẩm (02 Văn xuôi; 01 Ca khúc; 01 Sân khấu); Giải Ba: 17 tác phẩm (03 Thơ; 03 Văn xuôi; 03 Ca khúc; 03 Mỹ thuật; 02 Nhiếp ảnh; 02 Sân khấu; 01 Điện ảnh).

Một tác phẩm trong bộ ảnh “Hải Phòng - khát vọng vươn lên” của nghệ sĩ nhiếp Vũ Dũng (Hải Phòng) đạt Giải Nhất

Về lĩnh vực ca khúc, từ ngày 17 đến 19 tháng 7 năm 2019, tại Hà Nội, Ban Giám khảo Ca khúc đã tiến hành xét giải thưởng, gồm:

1. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương – Trưởng Ban.

2. Tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - Thành viên.

3. Nhà thơ, Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Thành viên.

Có 130 tác phẩm được đánh mã số, thuộc các thể loại: ca khúc, ca khúc - hợp xướng, có bản nhạc, âm thanh kèm theo. Sau khi xem xét văn bản nhạc và lời, nghe CD Demo, Hội đồng đã thảo luận và có một số nhận xét sau:

Các tác phẩm dự thi phần lớn đi đúng chủ đề, ca ngợi thành phố Hải Phòng, lịch sử vẻ vang, con người đất cảng anh hùng, hào hiệp, phong cảnh đẹp với những địa danh nổi tiếng, biểu tượng thành phố “Hoa phượng đỏ” đã đi vào ký ức người dân, ca ngợi công cuộc đổi mới đi lên, khát vọng vươn xa của một đô thị sôi động tràn đầu sức sống.

Về âm nhạc, các tác phẩm chủ yếu là thể loại ca khúc, hình thức 2 đoạn, 3 đoạn, có cấu trúc gọn gàng, trừ một vài bài không đúng thể loại (soạn lời cho các làn điệu chèo), một số bài phát triển từ một ca khúc thành hợp xướng, một số bài soạn thành màn ca hát – sân khấu (có dạo đầu, phần giai tấu dài) phục vụ cho diễn xuất hát múa trên sân khấu. Nhìn chung âm nhạc rõ ràng, phù hợp với nội dung ca từ, dễ hát, dễ phổ biến. Tuy nhiên, Ban thẩm định nhất trí với ý kiến là: chưa tìm được một tác phẩm nào có ý nghĩa độc đáo về ý tứ - ngôn từ, nhấn mạnh chủ đề chính là khát vọng vươn lên, ca từ phần lớn chung chung (đôi bài mang tính công thức, hô khẩu hiệu…), thiếu sự phát hiện về hình tượng.

Đặc biệt về âm nhạc: phần lớn các ca khúc viết ở giọng trưởng, một số bài giọng thứ, hoặc trưởng thứ kết hợp, tuy nhiên giai điệu còn quen thuộc, những bước tiến hành theo lối mòn, chịu ảnh hưởng một số ca khúc nổi tiếng trước đây, tiết tấu dàn trải, thiên về ngâm ngợi, tự sự. Ít có nhịp điệu sôi nổi, bứt phá. Hòa thanh và nhạc đệm cùng đầu tư ở mức trung bình, chưa có sự sáng tạo đột phá nên ấn tượng chung là thiếu sự độc đáo, mới lạ, hấp dẫn.

Để có một tác phẩm âm nhạc độc đáo, hay, mới lạ, hấp dẫn cần có sự kết hợp giữa cảm xúc, các yếu tố nghệ thuật mới, mang hơi thở của dòng chảy âm nhạc và chứa đựng ý nghĩa tư tưởng chính: Sự vươn lên của những khát vọng lớn. Bên cạnh đó âm nhạc vẫn có nét gần gũi, quen thuộc, dễ tiếp thu, dễ dàn dựng.

Ban Giám khảo đã cho điểm từng tác phẩm, dựa trên những tiêu chuẩn chung và tiêu chí riêng của chuyên ngành âm nhạc, để chọn được 06 tác phẩm có số điểm cao nhất bàn giao lại cho Ban tổ chức cuộc thi.

Kết quả, Ban tổ chức đã quyết định 04 tác phẩm có số điểm cao nhất được trao giải như sau:

01 giải Nhì:

Tác phẩm “Chiều đất Cảng”, sáng tác: Vũ Thị Thùy Oanh (Bình Định).

Nhận xét: Nội dung ca từ sâu sắc, có chất thơ. Âm nhạc có hình tượng. Dàn dựng công phu – có sáng tạo (sử dụng hình thức hợp xướng Acapella – tạo không khí biển dạt dào).

03 giải Ba:

1. Tác phẩm “Thành phố mặt trời lên”, sáng tác: Ngô Tự Lập (Hà Nội).

Nhận xét: Âm nhạc có nét riêng, lạ. Có tư chất, cá tính, mang tính tự sự, sâu lắng. Đoạn 2 có hiệu quả, gây được cảm xúc.

2. Tác phẩm “Hải Phòng mùa xuân”, nhạc: Huỳnh Thị Lệ (Quỳnh Lệ), thơ: Nguyễn Thanh Sơn và Hoa Cúc Vàng (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhận xét: Một bài song ca nam – nữ nhẹ nhàng, trữ tình, thấm đượm tình yêu Hải Phòng. Tuy âm nhạc chưa thật mới, thật độc đáo, nhưng dễ tiếp nhận.

3. Tác phẩm “Hải Phòng tôi yêu”, sáng tác: Đậu Hoài Thanh (Hà Nội).

Nhận xét: Là một ca khúc trữ tình, âm hưởng tự hào về quá khứ và hôm nay. Nét nhạc khỏe khoắn, tin tưởng, có cảm xúc vươn lên.

Trong thời gian sắp tới, Ban Tổ chức sẽ tổng kết và trao giải Cuộc thi và triển khai các hoạt động quảng bá để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật trong giai đoạn phát triển đột phá của thành phố. Qua đó, đưa nghị quyết của Đảng về văn hoá và văn học, nghệ thuật vào thực tiễn đời sống xã hội và khuyến khích phong trào sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật; tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhân dân. Kỳ vọng thành phố có được nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao, xứng tầm, góp phần tôn vinh, quảng bá những thành tựu đổi mới, nối bật trong phát triển kinh tế, xã hội; khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá, vẻ đẹp thiên nhiên, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...