Giải thưởng âm nhạc online không đại diện cho số đông

15/01/2014

Gần như mất hút so với những gì khán giả và cuộc vực dậy hoạt động âm nhạc trong nước mong đợi, những bản xếp hạng và giải thưởng âm nhạc trên các trang mạng đã không còn phát huy được tác dụng của nó. Thay vào đó, giá trị đánh giá, phản ánh của những giải thưởng này đang có xu hướng thu hẹp dần tính đại diện ở khía cạnh người nghe của nó.

Nhạc online vẫn chưa có chỗ đứng

Câu chuyện về những bài hát được tải miễn phí, tác quyền và bản quyền của những trang web nhạc online hiện nay đã trở nên quá cũ. Dù vấn đề này đã được giải quyết triệt để hay chưa, chúng ta vẫn ngầm tạm thời chấp nhận với nhau ở mức độ vừa phải là nhạc online vẫn có sự tồn tại của nó, không thể xóa bỏ và cũng không thể từ chối nhiều ảnh hưởng tích cực của nó trong đời sống. Tuy nhiên, dưới góc độ của các ca sĩ làm chuyên nghiệp, những nhạc sĩ mong có sáng tác để khán giả thưởng thức đúng nghĩa và các hãng ghi âm luôn trông đợi tạo dựng tiếng tăm của họ, thì các sản phẩm online vẫn bị xem là “ung nhọt” khó chữa nhất và đôi khi phải tập sống cùng với nó.

Trải qua thời gian dài xuất hiện, khán giả trẻ thích lên mạng tìm kiếm những bài hát họ ưa thích để có thể tải về miễn phí, nhanh và lưu trữ trong các thiết bị di động.

Và hôm nay, khi đủ thời gian để nhìn lại, nhạc online đã không cho thấy được sức mạnh mà chúng ta từng dự đoán là có thể phá hủy toàn bộ hệ thống băng đĩa hiện nay, sự hồi sinh của đĩa than cũng là một ví dụ rất cụ thể. Dù những loại đĩa này chỉ có thể sản xuất ở số lượng ít, lượng tiêu thụ băng đĩa giảm đi rất nhiều nhưng trong tư duy của người làm nhạc vẫn không xem nhạc online là một kênh chính thống để họ đưa ra đứa con tinh thần của mình. Có thể trên thế giới, việc kinh doanh nhạc online mang lại nguồn lợi nhuận lớn, thuận tiện nhưng với đặc thù tâm lý của người tiêu dòng trong nước, đó vẫn chưa hẳn là lựa chọn tối ưu ngay thời điểm này.

Thêm vào đó, ngày càng nhiều khán giả trẻ biết nghe nhạc hơn, họ không chỉ chú ý đến ca khúc, bài hát mà bắt đầu quan tâm đến khía cạnh âm thanh, chất lượng các âm sắc mà họ nghe có được hoàn hảo hay không. Với chất lượng phổ biến của các trang mạng nhạc online hiện nay cho file mp3 là 128ks với khách ghé thăm hoặc cao hơn là 320ks cho thành viên thì vẫn không thể thoả mãn được những người nghe đòi hỏi chất lượng cao được. Vì vậy, nhạc online không thể nói là tuyệt đối mang lại hướng phát triển theo về rộng tích cực cho đời sống âm nhạc. Nếu không có đánh giá và nhìn nhận đúng đắn, nó dễ dàng tạo thành tác nhân kích thích việc nghe dễ dãi và làm cũng dễ dãi, vì đâu cần phải chất lượng quá tốt thì vẫn kinh doanh được?

 

Chưa dừng lại ở đó, việc một vài trang mạng đưa ra bảng xếp hạng bài hát được trên người nghe qua mạng một cách tuyệt đối, và đẩy cao hơn là một giải thưởng chính thức rõ ràng nhất hiện nay là Zing Music Awards cũng là một điều đáng quan tâm. Trong khi Bài hát yêu thích cũng là chương trình có dựa vào bình chọn của người nghe đến hơn 90% nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng xem xét lại mỗi khi có sự tranh cãi về bất kì bài hát nào. Nay chỉ cần click chuột nghe và tính số lần nghe và trao giải, liệu nó có đích thực là một giải thưởng đại diện cho số đông người nghe nhạc hay không?

Giải thưởng âm nhạc online: cần xét lại

Khi những giải thưởng âm nhạc online như thế này mới xuất hiện, đương nhiên chúng ta tạo ra cho nó một niềm tin để có thể chứng tỏ sự tích nghi, hợp thời và phản ánh tích cực trong đời sống âm nhạc. Trải qua hơn 3 năm, khán giả đang có xu hướng thay đổi cách nhìn nhận của họ về giá trị đích thực của âm nhạc, ca sĩ cũng không còn hời hợt hay dễ dãi đưa ra các sản phẩm mang tính phổ cập mà bắt đầu tinh chọn nhiều hơn. Thì cũng là lúc những giải thưởng âm nhạc online cần nhìn nhận lại và đặt vào đúng vị trí của nó, để tránh tạo ra một môi trường ảo cho các giải thưởng mà từ rất lâu chúng ta mong muốn gầy dựng nên các giải thưởng âm nhạc mang tầm vóc quốc tế.

 

Nếu chỉ dựa vào số lượt nghe đánh giá và trao giải thưởng thì liệu đây có được gọi là một đánh giá công bằng, đại diện cho một tiêu chí nào không? Vì cơ bản, từ ban đầu khi dựa vào cộng đồng mạng để trao giải thưởng thì nó đã rất mơ hồ. Trước hết, về kĩ thuật, việc click chuột để tăng số lần nghe không quá khó, thứ hai làm sao chúng ta xác định được bài hát, ca sĩ đó được nghe vì chất lượng hay vì những cuộc “vận động” hành lang? Có bao nhiêu khán giả ngoài fans nghe và có bao nhiêu khán giả thật sự quan tâm? Tưởng chừng như những câu hỏi này rất ấu trĩ trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nhưng đó lại là mối lo ngại lớn khi chúng ta đang từng bước tạo nên một nền âm nhạc nhẹ mới, hiện đại và có tính quốc tế.

Trong khi chúng ta vẫn đang tìm cách nâng cao cách nghe nhạc của giới trẻ bằng cách mang nhiều chương trình nhạc hàn lâm đến với giới trẻ theo nhiều hướng khác nhau. Giảm giá vé các show diễn có nghệ thuật cao để mọi người có thể đến và thưởng thức. Hành trình này gian nan và khó khăn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Vậy thì làm sao có thể hoàn toàn tự tin vào giải thưởng âm nhạc online đang diễn ra? Hoàn toàn thiếu cơ sở để xác lập một giá trị nào đó cho những ai đoạt giải thưởng. Nó không phải là hoài nghi về tài năng của ca sĩ mà chính là hoài nghi về những khán giả, những cái click chuột để làm nên tiêu chí tạo ra giải thưởng ấy. Những giải thưởng âm nhạc hiện nay như Giải cống hiến, Làn sóng xanh... vẫn nằm trong số ít ỏi có thể đảm bảo được mức độ giá trị giải thưởng có thể tin và đồng tình để thấy một bước ngoặt nào đó của hoạt động âm nhạc trong nước. Vì cơ bản, từ tiêu chí để cách thức bình chọn, cơ sở đánh giá vẫn nằm trong những khuôn mực và kiểm soát được. Thay vào đó, những giải thưởng âm nhạc online dù đã có thể trao giải đến năm thứ 3 thì vẫn không thể nào tạo được độ tin cậy cao khi đối tượng bình chọn vẫn rất mơ hồ... Nếu như vậy, những giải thưởng âm nhạc online như thế sẽ sớm đứng ngoài cuộc đua để thay đổi diện mạo nền âm nhạc Việt Nam trong thời gian ngắn.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...