Giải pháp nào để các nhạc sĩ địa phương có điều kiện giới thiệu tác phẩm mới?

01/07/2015

Đa số các nhạc sĩ địa phương trăn trở rất nhiều đến viêc làm thế nào giới thiệu tác phẩm mới của mình đến khác giả. Họ làm đủ các ngành nghề “ để dành” một khoản tự thuê hòa âm, thuê ca sĩ, thuê phòng thu.. Còn một số nhạc sĩ khác không thể tiết kiệm được, cuộc sống khó khăn về kinh tế thì hiếm khi hòa âm, thu âm. Mỗi khi gặp bạn bè văn nghệ thì hát cho nhau nghe, nếu không biết hát thì đành đưa vào ngăn kéo để làm kỉ niệm. Vô tình, nhiều tác phẩm hay vẫn còn mãi trong ngăn kéo của các nhạc sĩ.

 
Nhạc sĩ Trần Thu Hường

Hiện nay, viêc phổ biến các tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ đến với công chúng có nhiều thuận lợi rất nhiều so với các thập kỉ trước. Nhất là các văn nghệ sĩ ở chuyên ngành thơ, văn, nhiếp ảnh. Sau khi sáng tác xong, các nhà thơ, nhà văn, nhiệp ảnh gia…đưa lên Facebook , blog cá nhân , tạo một trang Web cho riêng mình hoặc các trang mạng khác là có thể giới thiệu ngay với khán giả trong nước, thậm chí với cả thế giới. Thế nhưng, riêng chuyên ngành sáng tác của các nhạc sĩ thì không được thuận lợi lắm. Họ không thể “trình làng” một tác phẩm âm nhạc bằng văn bản được. Vì nếu tác phẩm âm nhạc đưa một văn bản lên thì rất hiếm khán giả đọc được. May ra, khán giả chỉ đọc được phần lời, còn phần nhạc thì rất ít người đọc được, hiểu được. Hiện nay, đại đa số người nghe nhạc ở nước ta chưa biết nhạc lí cơ bản. Vì vậy nếu “trình làng ” một tác phẩm âm nhạc bằng văn bản thì hiệu quả không cao. Vì sao vậy? Do đặc trưng của nghệ thuật của âm nhạc là âm thanh, người nghe tiếp cận với tác phẩm âm nhạc thì chí ít cũng có File mp3 chẳng hạn. Mà để có một File mp3 đối với các nhạc sĩ địa phương, xa các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, xa các bầu sô, nhà sản xuất, xa các ca sĩ nổi tiếng, không có nhạc sĩ hòa âm, không có phòng thu thì sẽ rất khó giới thiệu tác phẩm của mình. Một demo file mp3 đơn giản nhất thì cũng tốn cỡ 2 hoặc 3 triệu. Vì vậy mà các nhạc sĩ địa phương sáng tác xong thì..cất vào tủ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sáng tác, nhiều tác phẩm hay không có cơ hội “trình làng”, không kích thích sự hưng phấn của các nhạc sĩ.

Hiện tại, các NS tại địa bàn các tỉnh dựa vào tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh. Họ gửi bài cho các tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh đăng vào hàng quý. Mỗi tạp chí chỉ đăng khoảng 3 tác phẩm. Như vậy, một năm cũng chỉ đăng khoảng 12 tác phẩm của 12 tác giả. Lực lượng nhạc sĩ các địa phương rất đông, có thể năm này bài họ được chọn đăng chưa chắc hai ba năm sau lại “có đất” dành cho họ. Mà như đã nói ở trên, viêc đăng tác phẩm âm nhạc ở dạng văn bản thì không hiệu quả mấy.

Nhiều nhạc sĩ ở các tỉnh “loay hoay” với các bản viết tay, chưa tiếp cận được với các phần mềm chép nhạc vì vậy cho dù bài của họ có muốn gửi tới các tạp chí thì cũng chỉ gửi qua đường bưu điện. Sau khi nhận tác phẩm, các biên tập viên của các báo rất hiếm khi ngồi chép lại toàn bộ văn bản đó giúp họ vì rất mất nhiều thời gian. Vì thế, các tác phẩm này cho dù ở mức độ chọn đăng văn bản thôi cũng là một khó khăn rồi.

Hằng năm, các Hội Văn học Nghệ thuật có hỗ trợ cho các nhạc sĩ, nhưng số tiền hỗ trợ còn quá khiêm tốn, may ra chỉ làm demo được cho vài tác phẩm ở dạng mp3. Nhưng không phải tất cả các nhạc sĩ được hỗ trợ, mỗi năm chỉ được vài người. Trên thực tế, có nhiều nhạc sĩ cả đời không nhận được sự “hỗ trợ” đó vì muốn được nhận hỗ trợ phải phấn đấu rất nhiều để có tác phẩm hay, phải có cống hiến cho hội Văn học nghệ thuật và phải qua sự xét duyệt của Ban chấp hành hội.

Đa số các nhạc sĩ địa phương trăn trở rất nhiều đến viêc làm thế nào giới thiệu tác phẩm mới của mình đến khác giả. Họ làm đủ các ngành nghề “ để dành” một khoản tự thuê hòa âm, thuê ca sĩ, thuê phòng thu.. Còn một số nhạc sĩ khác không thể tiết kiệm được, cuộc sống khó khăn về kinh tế thì hiếm khi hòa âm, thu âm. Mỗi khi gặp bạn bè văn nghệ thì hát cho nhau nghe, nếu không biết hát thì đành đưa vào ngăn kéo để làm kỉ niệm. Vô tình, nhiều tác phẩm hay vẫn còn mãi trong ngăn kéo của các nhạc sĩ.

Vậy giải pháp nào để các nhạc sĩ địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc phổ biến tác phẩm mới?

Sau đây là một số ý kiến mang tính cá nhân của tôi:

1. Tự thân vận động

- Bản thân của các nhạc sĩ phải năng động. Hiện tại, các nhạc sĩ ở các địa phương phải tự thân vận động là chính. Họ phải năng động tự tìm cho mình một cách nào đó để tác phẩm mới của mình có thể đưa lên các trang nhạc như Zing mp3, nhaccuatui.com, yeucahat.com, youtube…Họ tự đệm đàn, tự hát, tự thu âm bằng điện thoại, thậm chí có người tự quay MV rồi đưa lên các trang mạng. Tất nhiên, làm cách này thì chất lượng tác phẩm đưa lên không cao. Nhưng có còn hơn không. May ra …các tác phẩm ấy “lọt mắt xanh ” của ca sĩ nào đó, nhà sản xuất nào đó hoặc chương trình ca nhạc nào đó mà đạo diễn thấy phù hợp thì họ lựa chọn.

- Các nhạc sĩ tiết kiệm tiền túi để thuê hòa âm phối khí, thuê phòng thu, thuê ca sĩ…may ra thu được vài bài để làm kỉ niệm, để đưa lên Facebook cho bạn bè, khán giả cùng thưởng thức.

- Tự tìm kiếm tài trợ cho các tác phẩm của mình. Các nhạc sĩ viết bài cho cơ quan nào đó, doanh nghiệp nào đó, cá nhân nào đó, để tìm kiếm tài trợ từ họ. Tất nhiên để làm được công viêc này cũng không dễ. Các nhạc sĩ phải có tài, có tác phẩm hay thì các cá nhân, tập thể mới chịu tài trợ.

2. Phối hợp với chi hội nhạc sĩ ở địa phương

- Chi hội nhạc sĩ và các nhạc sĩ của các địa phương trước hết phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Chi hội nhạc sĩ các tỉnh phải thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm mới. Bắt đầu từ nội bộ, sau đó có thể mở rộng địa bàn đến các huyện xã, cơ quan, trường học… Lúc đầu có thể là ở quy mô nhỏ, các nhạc sĩ tự chơi đàn, tự hát, sinh hoạt nội bộ. Sau đó có thể mời sự cộng tác của bạn bè, hoặc kết hợp với các câu lạc bộ văn nghệ ở địa phương.

- Thường xuyên giao lưu với các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh để có điều kiện giai lưu học hỏi, tìm nguồn tài trợ từ nhiều phía.

3. Chi hội nhạc sĩ phối hợp với các ban ngành liên quan

a. Phối hợp với Hội VHNT tỉnh:

- Ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các tác phẩm âm nhạc. ( Nhất là những tác phẩm đòi hỏi sự tốn kém trong dàn dựng như tác phẩm viết cho khí nhạc như giao hưởng, hợp xướng)

- Có thể tăng số trang trong tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm Âm nhạc.

- Tổ chức nhiều các hoạt động giới thiệu tác giả tác phẩm ở các địa phương ( Các huyện )

b. Phối hợp với đài Truyền hình tỉnh, đài truyền hình các huyện.

c. Phối hợp với Ngành Văn hóa tỉnh, huyện, trung tâm văn hóa tỉnh, huyện … để tạo điều kiện sử dụng các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ địa phương trong các sự kiện văn hóa.

d. Tôn vinh các tác phẩm âm nhạc đạt giải thưởng, giới thiệu nhiều hơn về các tác giả, tác phẩm đó trên các kênh Truyền hình của địa phương.

4. Phối hợp với Ban chấp hành hội Nhạc sĩ Việt Nam

- Ban chấp hành Chi hội nhạc sĩ các tỉnh phối hợp chặc chẽ với Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam để tạo điều kiện chọn lựa, giới thiệu các tác phẩm có chất lượng đến với tạp chí ÂM NHẠC của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

- Phối hợp với Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các hoạt động biểu diễn, giới thiệu, tôn vinh các tác phẩm đạt giải thưởng hằng năm của Hội, ưu tiên giới thiệu tác phẩm mới của chi hội các tỉnh trên truyền hình và các kênh thông tin đại chúng khác.

Tất nhiên, các giải pháp trên còn phụ thuộc vào thực tế của các chi hội ở các vùng miền. Nhưng trước hết, mỗi nhạc sĩ phải có ý thức trách nhiệm và năng động hơn trong sáng tác cũng như viêc phổ biến, quảng bá tác phẩm của mình. Hy vọng, trong thời gian tới các nhạc sĩ ở địa phương được tạo điều kiện nhiều hơn nữa để các sáng tác mới đến với công chúng yêu nhạc một cách nhanh nhất.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...