“Giai điệu tự hào” - Một năm nhìn lại
Tôi còn nhớ y nguyên một chiều cuối thu Hà Nội. Mấy nhạc sĩ chúng tôi: Hồng Đăng, Dương Viết Á, Phó Đức Phương, tôi và nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên được Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam mời đến dự một cuộc họp xây dựng một chương trình ca nhạc mới. Chương trình này được Đài mua bản quyền của Truyền hình Nga mang tên 'Prince of Nation” (báu vật của dân tộc). Khi ấy, đoàn khảo sát do Đài tổ chức vừa sang Nga tham khảo chương trình về.
Chương trình ca nhạc này khác tất cả các chương trình ca nhạc trước đây mọi người đã từng xem trên màn ảnh nhỏ. Đó là ngoài việc tổ chức mới mẻ từ việc phối khí đến dàn dựng nhằm “làm mới” những giai điệu đi cùng năm tháng của Việt nam, còn có thêm hai hội đồng bình luận của hai thế hệ già và trẻ. Phần bình luận mới là phần chính của chương trình. Trong phần này, các bình luận viên được tự do nói lại về những kỷ niệm với bài hát được chọn, phân tích tại sao nó lại tồn tại qua thời gian. Ở đây, còn có cả sự tranh luận của những ý kiến trái chiều giữa khẳng định và phản biện với độ gay gắt khác nhau. Bên cạnh các bài hát được chọn còn có thêm những kỷ vật của một thời đã qua. Chương trình được thực hiện trên tiêu chí “xã hội hóa” Đài duyệt và cho phát sóng. Kinh phí tài trợ được công ty dược Eco đảm nhiệm. Tổ chức thực hiện là công ty truyền thông Motion Media. Cuộc họp diễn ra rất sôi nổi, nhất là việc đặt tên riêng cho chương trình. Rất nhiều phương án được đặt ra, nhưng sau đó tên: 'Giai điệu tự hào” lại chính là do Tổng giám đốc VTV- Trần Bình Minh đặt. Và từ đó, “Giai điệu tự hào” bắt đầu được ấn nút chuyển động.
Ngày 23/12/2013 số đầu tiên của chương trình được tổ chức tại Nhà văn hóa - thể thao quận Tây Hồ. Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Trong một ngày rét mướt của Hà Nội, chương trình đã phải ghi hình trên dưới 10 tiếng đồng hồ, cả người tham gia chương trình và người đến xem mệt bơ phờ. Số thứ hai được ghi hình ngày hôm sau. Tuy có rút kinh nghiệm nhưng cũng phải ghi hình tới 9 tiếng đồng hồ. Khi ghi hình xong, mọi người về đến nhà thì cũng là lúc chuông nhà thờ reo vang đón ngày Noel của một mùa giáng sinh. Vẫn địa điểm ấy, ba số tiếp theo được tổ chức sản xuất trong ba ngày đầu hè 2014. Nóng đầu hè còn nóng hơn vì những ý kiến tranh luận.
Từ số thứ sáu. Ekip sản xuất chuyển địa điểm ghi hình vào hãng phim Việt nằm ở quận Thủ Đức - Tp.Hồ Chí Minh.
Thời gian ghi hình được rút lại chỉ còn chừng 5 đến 6 giờ đồng hồ. Hãng phim Việt dành hẳn một phim trường thiết kế riêng để ghi hình chương trình “Giai điệu tự hào” 22 bài hát của 11 số (mỗi số bình chọn 2 bài có tỷ lện bình chọn cao nhất) sẽ được biểu diễn trong chương trình “Gala Giai điệu tự hào” ghi hình tại Hà Nội và phát sóng vào đúng dịp tết cổ truyền của dân tộc. Số tháng 1 và số tháng 3.2015 cũng vừa được ghi hình xong ở hãng phim Việt.
Là một bình luận viên tham gia liên tục cả 11 số “Giai điệu tự hào” của năm 2014, bây giờ nhìn lại mới thấy trân trọng sức lao động của cả ekip thực hiện. Đấy là một lao động tổng lực để thực hiện cho thật ấn tượng ý tưởng của từng số. Từ việc chọn bài hát đến việc phối khí, lựa chọn ca sĩ, dàn múa minh họa, thiết kế sân khấu cho từng bài hát. Bên cạnh đấy là việc luôn phải thay đổi các bình luận viên cho phù hợp với từng số. Tất cả là sự ăn ý từ đạo diễn ý tưởng và kịch bản với giám đốc âm nhạc và đạo diễn sân khấu cùng hai hội đồng bình luận. “Giai điệu tự hào” trở thành chương trình ca nhạc đặc sắc của năm 2014 là vì thế. Cũng không thể không nhắc đến những đợt sóng vỗ tay của các khán giả trường quay.
Với tư cách là cố vấn chương trình, tôi luôn được đạo diễn ý tưởng kịch bản Phan Huyền Thư trao đổi nội dung từng số. Thống nhất chung là ý tưởng phải độc đáo, tránh đi theo lối mòn của các chương trình ca nhạc vẫn thường làm. Ví dụ chương trình “Mùa xuân đầu tiên” đã phát sóng Tết năm Giáp Ngọ 2014, Bài hát “Tiến lên chiến sĩ đồng bào” của nhạc sĩ Huy Thục phổ bài thơ Xuân 1969 – Bài thơ Xuân cuối cùng Bác Hồ gửi lại đồng bào ta đã được hát theo cách dân gian - đương đại. Đoạn gian tấu có hát Rap đoạn thơ của Tố Hữu: “Chào xuân đẹp có gì vui thế nhỉ- Hỡi em yêu mà má em đỏ dậy- Như buổi đầu hò hẹn say mê – Anh nắm tay em sôi nổi vụng về…” Cách hát Rap khiến bài thơ đã cũ chợt sinh động hơn. Chương trình kỷ niện 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng tránh những cái tên như “bản giao hưởng hòa bình” hay “chiến thắng lịch sử”. Ý tưởng là muốn đánh thắng thì phải “có thực mới vực được Đạo” lại sẵn có bài hát “Ăn no đánh thắng” của nhạc sĩ Văn Chung, thế là lấy luôn bài này làm tên chương trình. Trong chương trình, “Hò kép pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được hát theo phong cách Rock, tức là đúng tinh thần bên trong của điệu hò, chứ không hát mô tả sự nhọc nhằn kéo pháo như cũ. Với cách làm như thế, số nào cũng có sự mới mẻ. Phần tranh luận giữa các thành viên trong hội đồng bình luận là phần mới mẻ nhất của chương trình. Mấy số đầu, tính phản biện rất rõ nét. Nhưng càng về sau không biết do nguyên nhân gì, nhiều bình luận viên đã tự vo tròn mình và cũng không loại trừ là thông qua các tác phẩm, lại nói về mình nhiều quá. Thật ra để bình luận thế nào là giai điệu đáng tự hào thì nên tập trung vào những nhận xét, những kỷ niệm, những xúc cảm tâm đắc. Và để làm rõ theo hướng tập trung ấy, rất cần thiết để quên “cái tôi” của mình. Hai số đầu năm 2015, tinh thần phản biện đã được đẩy mạnh.
Trước khi viết bài này, tôi có ngồi cùng anh Hà Đăng và anh Hữu Thọ- các nhà báo kỳ cựu của Đảng- trong dịp kỷ niệm báo “Thời nay” 5 tuổi. Các anh cũng đồng tình là phải đẩy tinh thần phản biện lên cao cho hợp với hôm nay. Một năm khép lại để mở ra những mới mẻ hơn, phải chăng đó chính là điều đúng nói về chương trình ca nhạc “Giai điệu tự hào”.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)