Giấc mơ “Chicago”
Cùng với sự chuyển hướng trong cách nghe nhạc hiện nay, khán giả đang tìm hiểu và thích nhiều hơn các tác phẩm hàn lâm hay nhạc kịch. Đó là lý do giúp cho những phòng hòa nhạc, các chương trình nhạc kịch mạnh dạn tăng suất và biểu diễn gần gũi với đại đa số công chúng hơn. Vừa qua, vở nhạc kịch nổi tiếng Chicago đã được các bạn trẻ Việt Nam biểu diễn và cho thấy chúng ta có thể mơ một giấc mơ “Chicago” cho những thể loại nhạc này.
Đã có một thời gian dài, nhạc thính phòng và nhạc kịch chỉ khép mình trong những ô cửa trắng ngà của nhà hát thành phố hay Nhạc Viện. Khán giả đại chúng vẫn xem đó là loại nhạc chỉ dành cho những người có tri thức âm nhạc cao và khó hiểu. Chính những nhà soạn nhạc, tổ chức biểu diễn của dòng nhạc này suy nghĩ nhiều hơn cách làm thế nào đưa dòng nhạc này đến với khán giả một cách trực quan và thiết thực nhất. Nghệ thuật xuống đường, giao thoa và làm mới trong chính tác phẩm kinh điển để rồi người yêu nhạc dần bắt nhịp với nó. Sự thành công của Luala Concert, Giai điệu trẻ... đã minh chứng cho hướng đi đó hoàn toàn phù hợp và khán giả không quay lưng.
Không chỉ có các buổi hòa nhạc giao hưởng hàng tháng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, hay Nhạc viện mà bắt đầu hình thành những nhóm tìm tòi, đem nhiều hơn các tác phẩm nhạc kịch nổi tiếng về với công chúng. Ở vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động biểu diễn của dòng nhạc hàn lâm, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM thời gian qua đã có nhiều chương trình thực sự ý nghĩa với đời sống âm nhạc, giúp khán giả có cái nhìn tiệm cận đến dòng nhạc tưởng chừng chỉ dành cho “bác học”. Các đêm như Kẹp hạt dẻ, Những mảnh ghép của giấc mơ... gần đây nhất là chương trình biểu diễn vở thanh xướng kịch Messiah đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng. Đặc biệt, chính sự kết hợp giữa những nghệ sỹ nước ngoài và Việt Nam phần nào giúp cho các buổi biểu diễn này có sự gần gũi, không quá khó để thưởng thức.
Như NSƯT, nhạc trưởng Trần Vương Thạch cho biết trong thời gian tới, sẽ hoàn thiện hơn nữa những nghệ sỹ trong nước để có thể tái dựng những vở lớn như thế này mà hoàn toàn chỉ có người Việt Nam. Đó là ước mơ không viễn vông và nó có giá trị rất lớn trong việc tạo nên cái nhìn đẳng cấp hơn về người nghệ sỹ âm nhạc trong nước dù là Hàn Lâm hay nhạc nhẹ sôi động ngoài kia. Và vở nhạc kịch Chicago đã chính thức được đưa về biểu diễn có cả phiên bản tiếng Việt là nỗ lực rất lớn của nghệ sỹ trẻ hôm nay khi muốn mang đến cho khán giả một điều gì đó thật sự khác biệt về nhạc kịch mà mọi người vẫn thường tưởng tượng.
Chicago là vở nhạc kịch nổi tiếng ra đời trên sân khấu Broadway (New York, Mỹ) năm 1975 và được diễn, được dựng lại liên tục cho tới nay, giữ kỷ lục là vở Nhạc kịch Mỹ được trình diễn dài nhất tại Broadway (Mỹ) và West End (Anh), hai trung tâm kịch nghệ lớn nhất thế giới. Trong hơn 30 năm qua, đã có hàng chục phiên bản quốc tế của vở diễn này với nhiều ngôn ngữ khác nhau được dàn dựng. Và mới nhất, chính là bản tiếng Việt, do Câu lạc bộ kịch Buffalo dàn dựng
Khởi đầu như một vở diễn tốt nghiệp đạo diễn trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Tp.HCM của Nguyễn Khắc Duy, mang nhiều tính thử nghiệm trình độ diễn xuất của các diễn viên và khả năng Việt hóa một vở nhạc kịch nước ngoài, Chicago sau đó đã gây được ấn tượng mạnh tại Cuộc thi Tài năng Đạo diễn trẻ Sân khấu 2013 và đem lại giải Khuyến khích cho Khắc Duy. Sau thời gian thương lượng về bản quyền, Chicago chính thức đến với khán giả Tp.HCM với 4 suất diễn. Ngay từ buổi diễn dành riêng cho giới truyền thông, Chicago đã cho thấy niềm hứng khởi rất kỳ lạ với thể loại này. Vừa có hát, âm nhạc tuyệt vời, nghệ sỹ biểu diễn nhiều kỹ năng ca – vũ – kịch, ánh sáng hòa quyện vào tác phẩm... tất cả là trải nghiệm dù rất quen thuộc với khán giả nước ngoài nhưng trong nước, đó thật sự là chưa tìm thấy trong các show diễn ca nhạc bình thường.
Đây là lần đầu tiên một đơn vị biểu diễn ở Việt Nam liên hệ mua bản quyền biểu diễn một vở nhạc kịch Broadway. Việc chưa có tiền lệ cũng là khó khăn, vì các yêu cầu của bên nắm giữ bản quyền rất cao, đòi hỏi những yêu cầu dàn dựng như bản gốc. Tuy nhiên, họ cũng rất thú vị khi biết tại Việt Nam, vốn chưa từng là nơi nằm trong tầm quan tâm của họ, lại có đơn vị muốn dựng một vở kinh điển như Chicago. Sau một vài thẩm định và trao đổi qua mạng, giấy phép bản quyền cho Chicago đã được cấp. Điều này mở đường cho Buffalo có thể tiến xa hơn cho những dự án nhạc kịch tương lai. Sau Chicago, Buffalo sẽ cho ra mắt vở diễn chính kịch mang tên Tuyết đỏ hợp tác với Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B. Một phiên bản tiếng Việt nhạc kịch Broadway cũng đang được lên kế hoạch trong năm nay.
Chính sự táo bạo của những người trẻ, và thay đổi tư duy của những tên tuổi lớn trong dòng nhạc Hàn Lâm này đang tạo ra sức hút rất kì lạ với những bản giao hưởng, vở nhạc kịch và có thể trong tương lai những tác phẩm còn “nặng đô” hơn thế nữa. Nếu không tạo ra sự quen thuộc thì làm sao kéo khán giả đến khán phòng thưởng thức những giá trị văn hóa to lớn đến như vậy. Một trong những chương trình làm nên bước chuyển rất lớn cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Tp HCM thời gian qua đó là Chương trình hòa nhạc “Giai điệu trẻ”.
Đây là chương trình nghệ thuật miễn phí cho đối tượng là thế hệ trẻ cho đến thời điểm hiện tại thu hút 800 đến 900 khán giả mỗi đêm, nhiều khán giả phải tự tìm chỗ đứng hoặc ngồi dưới sàn để được theo dõi chương trình. Những hiểu biết ban đầu về dàn nhạc giao hưởng: nhạc cụ, màu sắc các nhạc cụ, các bộ phận cơ bản, nhạc trưởng... được cung cấp trong các chương trình. Hơn nữa, qua mỗi tháng, ban tổ chức mong muốn mang đến cho khán gia trẻ cái nhìn trực quan và rõ nét về tác phẩm giao hưởng là như thế nào. Như chương trình tháng 5 vừa qua, khán giả trẻ đã được nghe trực tiếp tác phẩm giao hưởng để có cảm nhận rõ thêm về loại hình này: kết cấu, ngôn ngữ ... qua sự dẫn giải của NSƯT, nhạc trưởng Trần Vương Thạch.
Với những việc làm cụ thể như vậy, chắc chắn giấc mơ “Chicago” sẽ không xa lạ với nghệ sỹ trong nước lẫn công chúng yêu nhạc. Rồi đây, những vở nhạc kịch nổi tiếng, các chương trình giao hưởng thính phòng sẽ có vị trí không nhỏ trong đời sống văn hóa tinh thần của giới trẻ trong khắp cả nước.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)