Gặp lại Cô Sao

05/03/2013

Rừng núi muôn trùng cao cao lớp lớp
Con chim trên rừng khao khát tự do
Aria cô Sao

Cô Sao nay đã tròn 50 tuổi nếu tính từ lúc ra đời trên tổng phổ năm 1962 - tuổi đã cứng so với một đời người, nhưng vẫn là quá trẻ trong con mắt lịch sử.
Ba lần Cô Sao xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào các thập kỉ khác nhau đều được coi là sự kiện đáng ghi nhớ trong đời sống âm nhạc Thủ đô.
Lần đầu tiên ra mắt năm 1965 với vai trò mở màn cho nhạc kịch Việt Nam, Cô Sao đã để lại một mốc son cho nền âm nhạc nước nhà. Khi ấy tất cả đều trẻ trung tuổi đời cũng như tuổi nghề, từ tác giả Đỗ Nhuận đến các diễn viên hát, múa và dàn nhạc giao hưởng.
Năm 1976 trong niềm vui Bắc Nam sum họp một nhà, Cô Sao với tên gọi A Sao lại có mặt dưới hình thức nhẹ nhàng và tươi mới, phù hợp với thời điểm đó.
Cuối năm 2012, một cuộc phục dựng công phu từ những trang tổng phổ chép tay không toàn vẹn đã đưa Cô Sao trở lại nhân kỉ niệm 55 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, như lời tri ân của thế hệ con cháu dành cho tác giả Đỗ Nhuận và thế hệ nhạc sĩ - nghệ sĩ đầu đàn. Một lần nữa chúng ta nghe lại không chỉ một câu chuyện đời lồng trong vận nước, mà còn nhìn lại những bước đi đầu tiên của một thời hồ hởi niềm tin gây dựng nền nhạc mới Việt Nam.

***

Ý tưởng sáng tác opéra đã nung nấu trong nhạc sĩ Đỗ Nhuận ngay từ những năm 50, thời ấy ông đã viết vài ca kịch ngắn: Cả nhà thi đua, Sóng cả không ngã tay chèo, Anh Păn về bản, Hòn đá. Đó là những thể nghiệm chuẩn bị cho vở nhạc kịch đầu tiên ra đời.
Cô Sao chẳng những tổng hợp đặc điểm sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong cả hai lĩnh vực: thanh nhạc và khí nhạc, mà còn cộng hưởng cả ba tính cách âm nhạc khác nhau ở ông - các tuyến nhạc: trữ tình lãng mạn, trầm hùng khỏe khoắn và hài hước dí dỏm. Ba tính cách âm nhạc được giữ lại gần như trọn vẹn cho dù mỗi lần dàn dựng đều có nhiều sửa đổi về kịch bản và phối khí.
May mắn được chứng kiến cả ba lần ra mắt của Cô Sao, tôi lại càng phân vân không biết ở đây nên dẫn giải phần âm nhạc theo phiên bản nào, đi sâu vào tình tiết cuộc đời chìm nổi của cô gái Thái ở kịch bản gốc, hay chọn câu chuyện rút gọn tuyến kịch cũng như biên chế dàn nhạc ở phiên bản năm 1976, hoặc bức tranh đồ sộ và mang tính khát quát hơn về vai trò âm nhạc cũng như sự kiện lịch sử của bản phục dựng năm 2012. Chi bằng cứ đứng từ góc độ âm nhạc để chọn cách dẫn giải theo ba tuyến nhạc chính nói trên.
Trước hết ta cùng làm quen với nhân vật chính: cô Sao.
Tuyến trữ tình với hình tượng trung tâm là Sao được phát triển trên đường nét giai điệu chính, tạm gọi là chủ đề “tự do” [thí dụ 1].

Thí dụ 1 (Màn I, số 2 - Aria thứ nhất của Sao):

Câu hát của cô gái bị bủa vây bởi lời nguyền “là ma” chan chứa nỗi niềm khao khát tự do, khao khát được yêu được sống làm người - một chủ đề tư tưởng được gợi ý từ câu thơ của Cụ Hồ:

Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do.

Từ lâu đã trở thành tác phẩm độc lập, aria đầu tiên của cô Sao thường được trình diễn trên sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Còn nhớ trong cuộc thi quốc tế mang tên Tchaikovsky tại Moskva năm 1982, giai điệu “Rừng núi muôn trùng” qua giọng hát của nghệ sĩ Lê Dung đã khiến sinh viên Việt Nam chúng tôi rưng rưng tự hào như đứng trước màu cờ sắc áo.
Dịu dàng, đầy khát vọng, mộc mạc trong âm điệu ngũ cung, chủ đề “tự do” đi theo nhân vật Sao xuyên suốt vở kịch, khi xuất hiện ở dàn nhạc, khi cất lên ở giọng hát của cô Sao trong các khúc song ca (duo), tam ca (trio) và hợp xướng. Âm hình chủ đạo (leitmotive) này gần như luôn được giữ nguyên dạng, chỉ “dịch giọng” sang điệu khác và thay đổi lời ca.
Chủ đề “tự do” còn được nhắc lại ở những khúc hát về tình yêu, dẫn dắt vào aria mới “Em nghĩ sao không ra” ở cuối màn I [thí dụ 2] và đan chen vào arioso “Mãi sao chẳng gặp nhau” ở đầu màn III.

Thí dụ 2 (Màn I, số 12 - Aria thứ hai của Sao):

Một trong những trang tổng phổ mang tính học thuật nhất là cảnh diễn tả tâm trạng cô Sao (số 9) với thủ pháp phức điệu hai chủ đề tương phản: chủ đề 1 - nội tâm bất an, chủ đề 2 - tiếng chim hót ở dàn nhạc tượng trưng cho tự do. Có thể lí giải chủ đề 1 đã kết hợp các điệu thức năm âm khác nhau, không đơn giản nối tiếp nhau, mà lồng quện vào nhau. Giai điệu của Sao tuy đầy biến âm vẫn phảng phất màu sắc ngũ cung nhờ trộn lẫn hai điệu thức năm cung không bán âm d-e-fis-a-h và as(gis)-b-des(cis)-es-f [thí dụ 3].

Thí dụ 3 (Màn I, số 9, chủ đề 1)

Hình tượng một nàng Sao u buồn, đơn côi được tô đậm thêm ở các tiết mục của tốp nữ - những cô gái Thái cùng chung số phận “cánh bèo trôi”. Đó là khúc hát của Sao và đội xòe, não nề như đưa đám trên âm sắc đàn tính ở cuối màn I (số 15) [thí dụ 4] và day dứt xót xa hơn khi lại vang lên ở màn II (số 19A).

Thí dụ 4 (Màn I, số 15, ô nhịp 9):

Gắn với tuyến trữ tình của Sao còn có các tiết mục múa và hợp xướng nữ hình thành trên giai điệu dân ca dân vũ Thái. Điệu Xòe hoa được giữ nguyên dạng trong bài ca ngắm sao: “Kìa ngôi sáng sao, sao ơi xuống cùng ta chơi” [thí dụ 5a]. Bài hát đêm sao mở rộng cường độ và nối tiếp sang điệu Xòe Thái rộn ràng trên âm sắc khèn [thí dụ 5b].

Thí dụ 5a (Màn I, số 11, ô nhịp 74):

Thí dụ 5b (Màn I, số 11, ô nhịp 130):

Tổ hợp các điệu dân ca miền núi còn có thêm điệu Inh lả ơi (số 28) trong cảnh đất trời Tây Bắc hồi sinh cuối màn III. Lúc này tuyến nhạc trữ tình của cô Sao được nhân lên thành sức mạnh cộng đồng. Cảnh hội hè tưng bừng là cái “kết có hậu” cho tuyến nhạc thứ nhất, hứa hẹn đoạn đời mới tràn đầy niềm tin trong câu chuyện đời của cô Sao.
Tuyến thứ hai với âm điệu trầm hùng, diễn tả hình tượng người tù chính trị mà đại diện là Hà - người yêu của Sao. Có thể coi nguyên mẫu nhân vật Hà chính là tác giả và cảnh tù đày là kí ức của ông về những tháng năm “Sơn La âm u núi khuất trong sương mù”.
Motif “người tù” xuất hiện ngay đầu Ouverture trong giai điệu người dẫn chuyện và được phát triển phức điệu ở dàn nhạc trước khi mở màn. Nét nhạc này không chỉ trở thành giai điệu của Hà (số 7) [thí dụ 6], mà còn vang lên ở dàn nhạc trong những cảnh quần chúng đầu và cuối màn II (số 16 và 24), và cũng thấp thoáng ở những chỗ liên quan tới các nhân vật cán bộ cách mạng (chị Vân và cụ Sình).

Thí dụ 6 (Màn I, số 7, ô nhịp 71)

Sức mạnh ý chí ở Hà tiềm ẩn ngay ở chốn lao tù, trong lời kêu gọi bạn tù vững tin vào ngày mai tự do. Giai điệu ngũ cung đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ trở nên kiên định với tiết tấu hành khúc [thí dụ 7a]. Sức mạnh ấy còn ẩn chứa trong tình yêu thương thiết tha mà Hà dành cho Sao [thí dụ 7b].

Thí dụ 7a (Màn I, số 6, ô nhịp 56):

Thí dụ 7b (Màn I, số 13, ô nhịp 56):

Tựa như sự chuyển biến ngôn ngữ âm nhạc trong ca khúc của Đỗ Nhuận (người đã khởi đầu bằng những bài ca thời tiền khởi nghĩa với màu sắc chủ đạo là điệu thứ buồn, rồi khẳng định sự nghiệp âm nhạc của mình qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ với các ca khúc chắc khỏe, tự tin và dân dã trong âm điệu ngũ cung), ở đây cũng có sự chuyển biến bắt đầu từ tiếng hát ai oán của đoàn tù đói rách, của dân nghèo trọn kiếp đọa đầy, nộp tô đóng thuế, đi lính đi phu…, và kết thúc bằng cảnh dân nghèo vùng lên “như cánh buồm căng gió”.
Nếu tuyến thứ nhất chủ yếu dựa trên chất liệu nhạc dân gian Tây Bắc - chuyển từ dịu dàng u buồn tới tươi sáng rộn ràng tiết tấu dân vũ, thì tuyến thứ hai gần với âm điệu dân ca người Kinh, được chuyển biến từ những nét nhạc gợi nhớ bài hát yêu nước thời đầu tân nhạc, tới hành khúc cách mạng mà cao trào là Cùng nhau đi hồng binh. Hai tuyến nhạc ban đầu khác nhau về tính cách tiến dần lại gần nhau, và cuối cùng như hai khối dân với quân hòa chung vào nhau trong tiếng ca “mùa thu tháng tám bóng cờ lên, bên nhau niềm tin chiến thắng”.
Đối lập với hai tuyến nhạc chính diện, tuyến thứ ba hình thành trên âm điệu lai căng, méo mó, đôi khi hài hước. Đó là motif kèn Tây, vũ điệu ma quỷ và những đoạn hát nói của các nhân vật phản diện.
Với nhiều biến âm và quãng nghịch, với lối chồng âm tự do và âm hình tiết tấu chùm ba (triolet), chủ đề vũ điệu ma quỷ xuất hiện lần đầu trong cảnh rượt đuổi Sao (số 11) [thí dụ 8] và còn quay lại đầy hăm dọa trong cảnh đốt nhà, bắt ép Sao đi làm gái xòe (số 14).

Thí dụ 8 (Màn I, số 11, ô nhịp 10):

Nói đến chân dung âm nhạc của phe đối lập không thể bỏ qua motif kèn Tây. Kẻ ngoại xâm “có mặt” không phải qua nhân vật cụ thể bằng xương bằng thịt, mà bằng âm nhạc - một giai điệu đã khắc sâu vào kí ức tuổi thơ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ thập niên 20, khi cha của ông phục vụ trong đội quân nhạc ở Hải Phòng với vai trò “lính kèn Tây” [thí dụ 9].

Thí dụ 9 [Màn I, số 12]:

Rất ấn tượng và sinh động là những đoạn hát nói của các nhân vật phản diện. “Nó là con gái/ Có ma cà rồng…” - đoạn nói đếm khôi hài trên tiết tấu vè bốn chữ của tên tay sai đã kế thừa một cách hiệu quả lối hát nói của Chèo.
“Một vùng ngự trị/ Rừng núi hiểm sâu/ Nhất khoảnh Lai Châu/ Riêng ta hùng cứ…” - bài ca huyênh hoang của tên tri châu bắt nguồn từ lối nói vần quảng cáo ngoa ngôn của những người rao bán thuốc rong trên tàu xe.
Còn đây, mụ Ba - một “me Tây” hiểm độc đang trưng bộ mặt giả nhân giả nghĩa trên nền phụ họa của đám tay chân [thí dụ 10]:

Thí dụ 10 (Màn I, số14 tr8, ô nhịp 49):

Những đoạn hát vần nói vần kiểu dân gian trên một âm hình tiết tấu đã cho thấy không những chất châm biếm hóm hỉnh trong con người tác giả, mà cả tài đặt vè thật nhuyễn, thật duyên ở ông nữa:
…Gái non đem dử/ bọn Nhật phải mê
Ta sẽ liệu bề/ làm nên phú quí
Mang thân đánh đĩ/ cũng năm bảy đường
Đĩ này can trường/ có tàn có tán có hương án thờ vua
Keo này ăn thua/ thì vàng đeo tới rốn.
Tiếc là khúc vè trên của mụ Ba bị lược bỏ trong hai lần trình diễn sau. Theo xu hướng “nhạc nhẹ hóa” vào cuối thập niên 70, phiên bản hai không những giản lược vai trò ngôn ngữ giao hưởng mà còn cắt bớt tình tiết kịch bản và xóa bỏ nhân vật mụ Ba. Còn phiên bản ba trái lại đã đẩy thêm bước nữa trong ngôn ngữ giao hưởng, phối lại và phát triển một số tiết mục một cách bề thế hơn, bên cạnh đó vẫn loại bớt vài chi tiết mà những người dàn dựng cho là rườm ra, để tập trung vào cao trào âm nhạc với những cảnh quần chúng hoành tráng, nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạng giải phóng con người.
Cũng cần nói thêm, Cô Sao trên tổng phổ phiên bản mới nhất trở nên đầy đặn, kịch tích và giàu tính giao hưởng hơn là nhờ vai trò phục dựng và phối khí của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, người con trưởng mà tác giả vẫn luôn tự hào rằng “con hơn cha…”.

***

Cô Sao, rồi đến Người tạc tượng (1970, nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập Đảng và 10 năm thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam) và Nguyễn Trãi (1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi) - tuy mới là con số nhỏ nhưng đủ cho thấy một niềm say mê lớn của nhạc sĩ Đỗ Nhuận dành cho nhạc kịch, đủ chứng tỏ những cố gắng sáng tạo của người đi tiên phong trong việc xây dựng nhạc kịch Việt Nam, cũng như sự nhạy bén của một chiến sĩ văn nghệ đã kịp thời phản ánh hiện thực của hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Cô Sao ghi lại những tháng năm chiến đấu chống Pháp, Người tạc tượng gắn với cuộc đấu tranh chống Mĩ. Ngay sau ngày giải phóng Sài Gòn (năm 1975), Người tạc tượng được trình diễn tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh cùng với các chương trình nhạc giao hưởng, vũ kịch. Sự kiện ấy từng được ví như binh đoàn cuối cùng của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa tiến vào Sài Gòn, kết thúc vẻ vang công cuộc giải phóng miền Nam.
Những sáng tạo trong lĩnh vực nhạc kịch của Đỗ Nhuận đã ghi thêm dấu ấn cho sự phát triển của nền nhạc mới chuyên nghiệp Việt Nam. Đây là nơi khẳng định rõ hơn quan điểm nghệ thuật của ông, như ông từng bộc bạch bằng hình ảnh so sánh nôm na:
“Tôi viết nhạc kịch không phải như công việc làm lại cái đình, cái chùa, hoặc bắt chước một vài đường nét cong của mái đình, mái chùa; càng không phải là việc làm cái nhà thờ... mà là công việc thiết kế một nhà văn hóa kiểu mới, trên miếng đất của làng xóm mới, theo kiểu kiến trúc mới, bằng những vật liệu đất, gạch, ngói, gỗ... của Việt Nam, nhưng có tham khảo kĩ thuật của các nước tiên tiến, như cách làm xi măng cốt sắt, cách tiết kiệm cột, gỗ... Nó là cái nhà mới, hợp với sinh hoạt mới và yêu cầu mới của chúng ta” .

12-1-2013

NTMC

  1Đỗ Nhuận: Từ ca khúc đến nhạc kịch. Dạo đầu: cộng hay không cộng? Văn hóa nghệ thuật, số 6, 1969.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.