GangnamStyle - Dấu hiệu mệt mỏi về thẩm mỹ
Trong năm 2012, Video Clip ca nhạc “Gangnam Style” nổi lên như một hiện tượng âm nhạc mang tính toàn cầu. Vào những giờ phút cuối của đêm giao thừa chuẩn bị đón năm mới 2013, trên kênh MTV vẫn không ngừng phát tiết mục trình diễn quen thuộc của chàng Psy trong vũ điệu “Tẩu mã” đã trở nên phổ biến khắp thế giới. Ca sĩ Psy nổi như cồn sau Gangnam Style và là ca sĩ Hàn Quốc duy nhất được mời tham gia buổi biểu diễn ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York chào đón năm mới trong niềm hân hoan của khoảng một triệu người có mặt tại hiện trường.
Có thể nói, sau “dịch cúm Hàn” xảy ra cách đây khoảng 10 năm, lại một lần nữa cho thấy, nhạc Pop Hàn Quốc với Gangnam Style tiếp tục làm mưa gió khiến cho giới trẻ dậy sóng. Phong trào phỏng theo điệu múa Gangnam Style phổ biến từ chốn học đường ra tới ngoài nơi công cộng. Mặc dù hình thành trên cơ sở của nền nhạc Dance quen thuộc, nhưng điều gây ấn tượng góp phần đem đến sự thành công vang dội của Gangnam Style nằm ở vũ điệu. Nhờ vũ điệu mà nó dấy lên làn sóng mô phỏng từ điệu bộ, dáng vẻ cho đến phong cách trình diễn.
Ngành công nghệ giải trí nhiều năm qua với đặc điểm đa chiều, tác động vào các kênh nghe, nhìn, tổng hợp góp phần tạo ra tập quán thưởng thức mới, đa dạng, thông qua kênh truyền hình đa phương tiện... Tính thời thượng, ưa chuộng vẻ đẹp hình thể, cách thức trình diễn tổng hợp, ca sĩ, diễn viên “đẹp đến từng cm”, điệu bộ, cử chỉ khả ái, lịch lãm, gần gũi… giữa môi trường rộng, mở, có khả năng tương tác giữa không gian đa chiều… kết hợp cùng các hiệu ứng ảo tạo cảm quan sinh động đã trở thành mẫu số chung cho hoạt động trình diễn nghệ thuật trên sân khấu nhạc pop. Riêng Psy xuất hiện giữa rừng sao K – Pop bằng bộ dạng chẳng giống ai, dáng vẻ thô kệch, không kém phần dị hợm, thân hình không thuộc loại béo phì thì cũng dư cân, hoàn toàn đi ngược lại cảm quan thẩm mỹ thời thượng - thời đại Thẩm mỹ Babie thống trị. Qua đó, Psy lại càng toát lên vẻ độc đáo của mình, bộc lộ một cách thiết thực bản thể đàn ông “đích thực”.
Nói theo cách của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “xét về bản chất, đàn ông là thô bỉ”. Nhìn dưới mức độ phổ biến, nhận xét này không kém phần có lý. Nhờ bản chất thô bỉ ấy mà đàn ông trở nên đích thực hơn. Thuộc nhóm đàn ông này, trong quá khứ từng bình chọn cho nhân vật Chư Bát Giới trong tiểu thuyết “Tây du ký” của nhà văn Ngô Thừa Ân, Trung Quốc. Còn hai nhân vật đại diện cho Chính nghĩa là Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều bị nghi ngờ là Gay. Cái hay của Psy nằm ở chỗ đủ can đảm chỉ ra sự thực ấy, thể hiện hết mình nét đặc thù của trường phái Hậu hiện đại, coi cuộc đời như tấn trò hề, đùa giỡn, chẳng cần phải chuyển tải thông điệp gì tuyệt đối (về giá trị)! Gang nam Style phản ánh tâm điểm của tầng lớp xã hội trung lưu ngày nay: hợm đời, khinh bạc, cậy lắm tiền, nhiều của, thô bỉ, xa hoa, không kém phần thối nát, dâm dật, thác loạn, mà đỉnh cao là sống tàn phá hết mình! Sửng sốt trong Video Clip nằm ở chính sự dám phơi bày, lộ liễu những thói hư tật xấu của loại người này, thách thức cái đẹp truyền thống, những giá trị Chân, Thiện, Mỹ được coi như chuẩn mực vàng của các loại hình nghệ thuật. Nhiều người không khỏi hả hê trước màn trình diễn độc đáo, sáng tạo đó.
Theo kết quả điều tra xã hội học của nhiều trang mạng, số người thích Gangnam Sttyle đa số tập trung vào giới trẻ (nam giới). Gang nam Style ban đầu phổ biến tại Mỹ, Canada, rồi đi nửa vòng trái đất trở về châu Á. Sau 76 ngày công bố kể từ 15 tháng 7 năm 2012, Gangnam Style đã phá kỷ lục về số lượng truy cập trên mạng You Tube, vượt qua con số 4 triệu lượt, trở thành hiện tượng số 1 của trang Web. Đến ngày 1 tháng 9 năm 2012, Gangnam Style tiếp tục gây kỷ lục gần 9 triệu lần kích hoạt, xếp loại “Most liked Video in You Tube History”. Mặc dù, số lượng chưa phải là tất cả trong nghệ thuật, nhưng lượng đổi chất đổi, và sự thật Gangnam Style đang làm thay đổi thói quen về cái đẹp! Vũ điệu “Tẩu mã” độc sáng của Psy trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nó chứa đựng những sáng kiến kỳ lạ, không kém phần hấp dẫn, đặc biệt ai cũng có thể bắt trước, từ trẻ nhỏ cho tới thanh, thiếu niên. Tính chất đùa giỡn, không nghiêm túc khác với lối sống “Mặt nạ” biểu trưng của giới trung lưu đã từng lớp từng lớp bị lột sạch cho đến khi trần trụi, chỉ còn trơ lại vẻ lố bịch, thô kệch… Điều dị thường, nhưng rất thường ấy có khả năng kích động đám đông, bởi sự thật là hiển nhiên, thô thiển thể hiện dưới bức màn trình diễn, phơi bày bản chất một cách dí dỏm, hợm hĩnh...
Trong xã hội phân tầng dựa trên nền tảng sở hữu, đại chúng nói chung có rất nhiều cái chung về cơ tầng văn hóa. Nếu đặt bối cảnh xã hội này trong hệ quy chiếu của lịch sử, ở những giai đoạn nhất định, do bối cảnh văn hóa tạo nên hay nói cách khác, làm nền tảng cho sự ra đời của những hiện tượng âm nhạc phản triều theo kiểu Gangnam style, hiện tại cũng giống như quá khứ, trên nhiều tầm mức khác nhau, đời sống âm nhạc đều có những bước quanh co, chuyển mình. Gangnam Style đang hiện hữu, nhân bản bằng nhiều dị bản khác nhau. Cái được của nó nằm ngay trong chính cách thức trình diễn, triển khai ý tưởng hình tượng nhân vật trung tâm. Bao năm qua, nhạc Hàn Quốc xâm nhập thị trường nước ta nói chung chủ yếu là nhạc Pop, luôn đi kèm với múa phụ họa. Nếu đánh mất phương tiện múa minh họa, nhạc Pop Hàn Quốc khó bắt rễ, trụ vững trong những quốc gia có nền văn hóa khác biệt! Bởi thế, vào thời buổi toàn cầu hóa, khi thế giới thu hẹp trở thành ngôi làng quốc tế, giải pháp hình ảnh có tác dụng khỏa lấp ngăn cách về mặt ngôn ngữ, cùng không gian văn hóa. Các bóng hồng trong nhạc Pop Hàn Quốc từng làm điên đảo bao fan hâm mộ trước hết bởi ngoại hình hút hồn, mê ly, cách trình diễn điệu đà, dễ gây thiện cảm. Nhạc Pop Hàn Quốc đi giữa nhạc Cổ điển và Đại chúng, vừa lạ, vừa quen, đặc biệt tạo nên sự tương tác giữa người trình diễn và công chúng (đặc biệt là các fan). Nhạc của chúng ta nhiều năm qua cũng theo khuynh hướng ấy. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật tinh anh của Hàn Quốc mặc dù ít xâm nhập Việt Nam, nhưng sự thật đã gây tiếng vang trên thế giới. Nghệ sĩ Hàn Quốc từng gặt hái được nhiều giải thưởng trong những kỳ thi quốc tế âm nhạc trên thế giới, đặc biệt trong mùa hè năm 2011, họ đã bội thu về giải thưởng âm nhạc mang tên Tchaikovsky danh giá[1]. Có điều, những tiêu biểu này chỉ giới hạn trong thiểu số những người có quan tâm. Còn đại bộ phận, ngoài chốn dân gian, thị trường âm nhạc rộng rãi, nhạc Hàn Quốc vẫn hiện diện với những loại hình dễ bắt mắt, dễ nghe và tiếp nhận... Giống như phim Hàn Quốc làm thỏa mãn thị giác đối với nhiều bà nội trợ - nhờ hình ảnh đẹp, tiết tấu phim chậm, khai thác chiều sâu tâm lý thường nghiệm, nhạc hay (thường loại nhạc chọn, chứ không sáng tác riêng cho từng phim), diễn viên đẹp, các cuộc tình tay ba, éo le, vô duyên giữa những cặp tình nhân và kết cục bằng những căn bệnh hiểm nghèo… Hậu cảnh phim thường dàn dựng công phu ở nước ngoài, nhà cửa, các bữa tiệc tại gia, tất cả đều đẹp, sang trọng, thỏa mãn một cách tột bậc nhu cầu tận hưởng, tiện nghi. Song, đó chỉ là những hình ảnh trên phim, hoàn toàn xa vời với một hiện thực trần trụi, không kém phần bất chính. Đó là khoảng trống cho những gì được trình bày ở dạng Gangnam Style. Cuộc sống với ý nghĩa thực tại, trần trụi, không phô diễn, phơi bày toàn ngọc bích. Gangnam Style đi theo khuynh hướng tả thực, phản ánh bộ mặt thật của giới trung lưu trọc phú. Nhân vật của nó ưa những thú vui đa đoan trần thế, đời thường không kém phần tục tĩu. Video ca nhạc giống như một thước phim hài, loại âm nhạc không chỉ nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu thính giác, mà chủ yếu hướng mục đích tiêu khiển bằng hình ảnh, khiến cho người xem không khỏi bấm bụng, cười ngất...
Trong quá khứ, ở vào thời điểm loại hình Chính kịch (Bi kịch Cổ đại Hy Lạp, Opera Seria của Ý chẳng hạn…) đi đến sự phát triển quá lạm, kịch bản lặp lại, tình tiết cứng nhắc, triển khai thiếu tính sáng tạo, khuôn sáo, đi vào lề lối, công thức… đã tạo cơ hội cho sự ra đời của Hài kịch (Opera Comic). Sự mệt mỏi về mặt thẩm mỹ thường bắt rễ nơi những hiện tượng ê trề, no nê bởi thị giác nhàm chán. Mệt mỏi thẩm mỹ xảy ra bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử và đời sống âm nhạc. Nói về cách thức máy móc của Kịch cổ đại Hy Lạp chẳng hạn, nó đã tuân thủ theo một phạm trù “Deus ex Machina” (Máy móc), làm mất đi thuộc tính, phẩm chất sống động vốn có của mọi loại hình nghệ thuật là sáng tạo không ngừng. Nói theo cách của nhà văn Haruki Murakami, tác giả tiểu thuyết “Rừng Nauy” về Euripides, một trong ba tác giả lỗi lạc của bi kịch Hy Lạp (cùng với Aeschylus, Sophocles), Bi kịch quanh đi quẩn lại thủ pháp đưa nhân vật vào các mâu thuẫn, “rối tinh sự việc lên và khiến các nhân vật bị mắc kẹt trong hoàn cảnh… , rồi một vị thần xuất hiện vào cuối vở kịch và tất cả đâu vào đấy”. Cách thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột luôn bằng kết cục có hậu, viên mãn, tốt đẹp. Mở đầu, giữa các phân đoạn đi kèm với những lời tráng ca, hùng hồn, ca ngợi sứ mệnh cao cả của các vị thần. Kịch Opera Seria thời kỳ cuối Phục hưng cũng từng đề cao giá trị tinh thần tuyệt đối, mỹ đức ngàn đời của con người mà nói theo cách của đời sống hôm nay, đó là biện pháp viết ước mơ lên trên hiện thực. Tất nhiên, Bi kịch, Chính kịch đã làm tròn sứ mệnh của mình, nhưng không tự rút lui khỏi vũ đài lịch sử để góp phần tạo tựu cho sự ra đời của loại hình ca kịch giải trí, thậm chí có thể bị coi như dạng thứ thấp của đời sống bình dân là Hài kịch. Hài kịch mặc dù có nhiều cấp độ khác nhau, từ loại nhân vật mang tính cách điển hình cho đến hài tình huống, hài ngôn ngữ, thấp hơn nữa chỉ thuần túy là thứ hài “sinh lý” đang tràn lan cuộc sống quanh ta. Hài tồn tại xuất phát từ nhu cầu cần thiết, song hài dỏm, hài sinh lý cũng đang đi đến chỗ quá lạm sẽ tiếp tục rơi vào “vết xe đổ” của lịch sử trước sự đào thải khắc nghiệt của cuộc sống.
Xét ở nhiều loại hình nghệ thật, tính bấp bênh là một trong những yếu tố mang dáng dấp của thời đại này. Một mặt, xuất phát từ chỗ hỗn dung, đa tạp nhiều chủng loại mang đặc thù của Chủ nghĩa Hậu hiện đại, cộng hưởng với “tính hai mặt” của công nghệ, các dạng thức văn hóa “thượng vàng hạ cám” đều có khả năng cộng tồn trong thời đại mà lý tưởng đã hết thời, còn giá trị mới chưa được thiết lập, trên nền tảng chông chênh ấy, mọi thứ đều có khuynh hướng mai một nhanh chóng, có những giá trị chưa kịp thử thách qua thời gian đã đi tới lung lay hoặc biến mất. Nhường lại cho đời sống là những hiện tượng văn hóa dung hợp, không thiếu cả thói ngụy tạo trong nhận thức (chân), giả dối về đạo đức (thiện) và kém cỏi về nghệ thuật (mỹ)… Trong bối cảnh đó, Gangnam style đã lấp vào khoảng trống tinh thần vốn đã hư vô, tan hoang, mất định hướng từ nhiều giá trị thời thượng, đồng thời gãi đúng chỗ ngứa, thỏa mãn nhu cầu về thứ gia vị đang thiếu thốn (chỉ đơn giản vì nó thực) trong đời sống.
Nhạc Pop Hàn Quốc sau một thời gian dài phát triển, gây được thành công, tiếng vang bởi đạt đến tính trình thức về mặt tổng quan. Nó góp phần tạo dựng hình ảnh của mình trên sân khấu nhạc Pop châu Á, đặc biệt tạo ra nhóm thính giả hoàn toàn bị thu hút, thôi thúc bởi khuynh hướng lệ thuộc vào cách thức tiếp xúc, thưởng thức nghệ thuật. Sức ỳ của thói quen tiếp tục một mặt tạo ra sự thành công của hiện tượng mà nó phải dựa vào (đã quen), một mặt tạo ra sự mệt mỏi về mặt thẩm mỹ, vì nhàm chán… Đối với những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tạo chính là khuôn vàng thước ngọc, trong khi đối với công chúng thưởng thức nói chung, thói quen đóng vai trò chi phối. Thói quen chỉ thay đổi khi đối diện với sự mệt mỏi (về mặt thẩm mỹ). Món ăn tinh thần cũng giống như vật chất, ăn mãi một món cho dù sơn hào hải vị cũng thấy ngán, thay vào đó lắm khi chỉ là món “mắm tôm” dân gian đôi khi khiến người ta hả hê, thỏa mãn…! Sự ra đời của Gangnam style đánh dấu thời điểm mà thị giác nghe nhìn của công chúng nói chung đã có những sự sa sút, mệt mỏi về mặt thẩm mỹ nghệ thuật. Không phải cái đẹp nào cũng đi đến vĩnh hằng, nếu người ta không biết tự giới hạn số lượng. Cuộc truy tìm cái đẹp cũng giống như trò chơi ú tim Bịt mắt bắt dê ở trẻ. Mỗi lần chơi đều bảo lưu thuộc tính nguyên sơ về cái đẹp, hồn nhiên, thánh thiện, phi định vị và liên tục biến đổi… Sự thay đổi của Gangnam Style phần nào chỉ ra tâm thái, não trạng của đại chúng nói chung, đồng thời hứa hẹn sự đổi mới của đời sống âm nhạc nói riêng, mặc dù chưa thoát khỏi khung định chế của trào lưu Hậu hiện đại, song hiện tượng âm nhạc này đặt trong bối cảnh của đời sống đương đại chứa đựng những dấu hiệu cho thấy một tiến trình đổi mới đang sắp sửa!
[1] Tại cuộc thi Tchaikovsky XIV diễn ra từ ngày 15 tới 30 tháng 6 năm 2011, nghệ sĩ các Hàn Quốc đã đoạt được giải Nhì Piano cho Son Yeol – Eum, 25 tuổi, học tại Hochschule fur Musik, Thearer und Medien Hanover, Đức); giải Ba của Cho Seang – Jin, 17 tuổi, học tại Trường Trung học Nghệ thuật; Giải ba: Violin: Lee Je – Hye, 25 tuổi, học tại Kronberg Academy, Đức); Giải nhất: Thanh nhạc cho giọng nam và giọng nữ của Park Iong – Min, 24 tuổi, học tại Academia Teatro Alla Scala, Italy và Seo Sun Yuong, 27 tuổi học tại Schumann Hochschule, Dusseldorf, Đức…