Game show nhạc Việt về đâu?

04/03/2014

Nhìn vào các game show âm nhạc gần đây, có thể các chương trình này đang cố khai thác triệt để hết góc cạnh “độc - lạ” của âm nhạc. Mỗi chương trình theo một hướng với thể loại nhạc khác nhau, khiến người xem tự hỏi: Thị trường âm nhạc Việt đang nằm ở đâu? Và sẽ về đâu?

Nhìn vào danh sách các game show âm nhạc để thấy nhạc Việt “rối” đến mức nào. Một “The voice”, “Vietnam idol” với đủ thể loại ta, tây, tàu; một “Đố ai hát được” là những bản nhạc thị trường thách thức khán giả “đố ai nghe được”, hay đến opera cũng được thành trò chơi trong "Chinh phục đỉnh cao" (ảnh) - nơi mà khán giả chưa tìm thấy được đỉnh cao âm nhạc.

Khi được Việt hóa chương trình, chúng ta dường như không có sự phân định rạch ròi đó. Ai cũng nghe, ai cũng xem (thực ra người xem nhiều hơn người nghe) mà chẳng hiểu về thứ âm nhạc đang nghe. BTC đầu tư nhiều vào hình ảnh: Sân khấu, ca sĩ tham gia, ban giảm khảo... mà quên cái cần thiết nhất là âm nhạc.

Nhiều khán giả chờ một “Chinh phục đỉnh cao” thực hấp dẫn và “sạch”. Nhưng dường như, game show âm nhạc là cứ phải những chiêu trò này nọ: Ca sĩ này bị loại tỏ ra sốc, ca sĩ đá xéo nhau... Thành thử, khán giả lại thất vọng, “Chinh phục đỉnh cao” mà có những chuyện như thế thì đâu còn đỉnh cao nữa?

BTC đều sẵn sàng mua bản quyền, rồi Việt hóa các chương trình ca nhạc nước ngoài mà quên rằng thị trường âm nhạc của họ đang ở một đỉnh cao khác. Việt hóa mà khán giả chưa thấy được chất Việt của âm nhạc. Nếu không nói là đang “phô ra” những ca từ không hay trên sóng truyền hình. Rõ nhất là những bản nhạc thị trường trong "Đố ai hát được"...

Một chương trình khác là “Giai điệu tự hào” (phát sóng vào thứ bảy cuối tháng trên VTV1 và phát lại trên VTV3), được kỳ vọng sẽ có nhiều điều mới mẻ và có khả năng “câu” được khán giả lâu dài. Cơ sở cho điều này là format gốc là chương trình “Tài sản quốc gia” của Đài Truyền hình Nga đã thành công vang dội trong 4 năm liền. Một điểm được cho là hấp dẫn ở chương trình này là không có giới hạn nào trong việc đối thoại giữa 2 thế hệ khán giả.

Thậm chí là các quan điểm, cảm nhận trái chiều với từng ca khúc “nhạc đỏ” đã đi vào lịch sử. Tuy nhiên, mới qua số thứ 2 “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình” phát sóng ngày 22.2 vừa qua đã cho thấy khó giữ được phong độ và khả năng tiến xa bởi hai lẽ: Sự thiếu cuốn hút của người dẫn chương trình và các quan điểm dễ bị... bắt bài, bởi sự lặp lại, thiếu tính đột phá trong một chương trình như “Giai điệu tự hào”.

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...