“Festival Piano Quốc tế 2013”: Nhiều niềm vui và kỳ vọng

13/12/2013

“Festival Piano quốc tế 2013” với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tài danh đến từ Nga, Mỹ, Anh, Singapore… đặc biệt là sự góp mặt của NSND Đặng Thái Sơn, vừa diễn ra cách đây không lâu tại TP.Hồ Chí Minh.

Đây thật sự là cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, học tập kinh nghiệm và phát triển kỹ năng chuyên môn cho các nghệ sĩ, các tài năng trẻ Piano và yêu âm nhạc. Qua sự kiện lần này, chúng ta có quyền kỳ vọng vào các tài năng trẻ Piano ở Việt Nam: sự tự tin, bản lĩnh và rất Việt Nam.


NSND Đặng Thái Sơn (trái) và tài năng trẻ Piano Lưu Hồng Quang cùng biểu diễn
tại “Festival Piano quốc tế 2013”

Tự tin thể hiện tài năng

Bà Văn Thị Minh Hương – Giám đốc Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Festival Piano quốc tế 2013, chia sẻ: “Để tiêu chí của cuộc thi ngày càng được nâng cao thì chúng tôi phải tuyển lựa. Thứ nhất là các nghệ sĩ quốc tế phải có đẳng cấp nhất định, có nhiều thành tựu và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Thứ hai, các bạn trẻ cũng phải là những em đã đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế hoặc là tài năng trẻ trong nước”.

Có chứng kiến các tài năng trẻ dương cầm của Việt Nam biểu diễn tại “Festival Piano quốc tế 2013” mới thấy, họ không hề thua kém về năng lực so với các đồng nghiệp quốc tế cùng trang lứa. Các em chỉ non về kinh nghiệm và còn thiếu những “cọ sát” đẳng cấp.

Vì “Festival Piano quốc tế 2013” không đặt nặng tính chất so tài mà muốn đề cao niềm vui chơi nhạc, nghe nhạc nên các tài năng trẻ của Việt Nam không phải chịu nhiều áp lực trong khi biểu diễn. Trên cùng một sân khấu, trước sự theo dõi của hàng trăm khán giả, các tài năng hạt giống Piano của nước ta đều cho thấy một điểm chung, đó là sự tự tin làm chủ cây đàn để phô diễn tài năng và cho thấy được chiều sâu của nhạc cảm cũng như giai điệu.

Tổng số tài năng trẻ tham gia Festival Piano 2013 là 32 học sinh, sinh viên, trong số này có đến 31 em mang quốc tịch Việt Nam. Các em đang theo học tại các trung tâm âm nhạc lớn nhất cả nước, đó là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh và một số bạn đang học tập, sinh sống tại nước ngoài.

Nhạc công trẻ tuổi người Đức có tên Saraphin Maurice Luzt lại bày tỏ: “Theo dõi các bạn trẻ Việt Nam biểu diễn trong Festival lần này tôi thấy kỹ thuật của các bạn rất tốt. Tôi nghĩ để có được điều đó, chắc chắn các bạn phải tập luyện thường xuyên, chăm chỉ và thật sự khổ luyện. Tôi cũng mang trong mình dòng máu Việt Nam và qua tìm hiểu, người Việt nói chung và nghệ sĩ nói riêng rất chăm chỉ làm việc, rèn luyện…”.

Bạn Nguyễn Ngọc Bảo Minh-sinh viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cũng phấn khích: “Em thấy các bạn trong Festival lần này rất chuyên nghiệp. Dù các bạn ấy đang còn nhỏ tuổi nhưng biểu diễn rất tốt, đánh đàn giỏi, kỹ thuật khá hoàn chỉnh”.

Lựa chọn Việt Nam

Trên thế giới hiện nay mỗi năm có khoảng 600 cuộc thi Piano, nhiều tài năng trẻ của Việt Nam đã từng gặt hái được các giải thưởng trong số 600 giải thưởng này. “Có rất nhiều cuộc thi Piano trên thế giới ở nhiều đẳng cấp khác nhau. Qua Festival này, chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học Piano trong nước, phát hiện được những tài năng, đồng thời mở ra tầm khu vực để tiếp cận từng bước” – bà Hương bày tỏ.

Bà Văn Thị Minh Hương tiếp tục phân tích sâu thêm ở một khía cạnh khác: “Ở trong nước, việc đào tạo của chúng ta vẫn đang làm rất tốt, tuy nhiên ở nước ngoài thì các em lại có cơ hội phát triển tài năng hơn. Chẳng hạn như một sinh viên ở Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh học xong, ra trường thì ở lại trường trở thành giảng viên nên cơ hội biểu diễn, thi thố ở nước ngoài sẽ bị hạn chế. Còn ở nước ngoài, các em có điều kiện và thu nhập tốt hơn. Nói cách khác là đời sống của người nghệ sĩ ở dòng nhạc các em học vẫn tốt hơn trong nước”.

Trên thực tế, các hạt giống Piano nước ta vẫn đang được tiếp tục ươm mầm và hoàn toàn có thể đạt được đẳng cấp như nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới mang 2 quốc tịch Canada và Việt Nam, là Đặng Thái Sơn. Các em cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn môi trường âm nhạc phù hợp cho mình. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng dù tài năng thế nào, đi đến đâu, đẳng cấp ra sao, thì vẫn có một điều quý giá nhất và không thể đánh đổi: các em là người Việt Nam, mang tâm hồn Việt Nam.

Cũng vì lẽ đó, bạn Minh Ngọc đã chia sẻ thẳng thắn: “Nếu để chọn lựa giảng dạy hay hoạt động nghệ thuật lâu dài thì em sẽ chọn Việt Nam, vì em cũng muốn mình là người ươm mầm cho các thế hệ sau này”.

(Nguồn: http://thoibaonganhang.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...