Festival âm nhạc mới “Á-Âu” 2014: Hội tụ những tài năng âm nhạc thế giới

27/08/2014

“Festival Âm nhạc mới “Á – Âu” lần thứ nhất tại Việt Nam” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 8 đến 12 tháng 10 năm 2014, nhằm giới thiệu những tác phẩm mới sáng tác trong những năm gần đây của các nhạc sĩ tiêu biểu cho các trường phái âm nhạc đương đại trên thế giới. Đây là hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế, là ngày hội âm nhạc, hội tụ những nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp thông qua các tác phẩm mới được giới thiệu tại Festival nhằm tìm hiểu, tiếp thu những giá trị tinh hoa âm nhạc mới.

Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ giới thiệu về nền âm nhạc đương đại của đất nước mình, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển văn hóa giữa Việt Nam và các nước Á – Âu.

Phát động từ tháng 2/2014, đến nay đã có gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công… của 30 quốc gia đăng ký chính thức tham dự Festival: Anh, Áo, Azerbaijani, Ba Lan, Campuchia, Đan Mạch, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tatarstan, Uzbekistan, Liên bang Nga, Lithuanian, Na Uy, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Cộng hòa Estonia, Úc, Philippines, Singapore, Thailand, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Ban tổ chức và các Ban chuyên môn của Festival Âm nhạc Mới “Á – Âu” 2014 đã sẵn sàng cho một Festival Âm nhạc hội tụ những tài năng âm nhạc thế giới tại Việt Nam. Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức Festival, đã có những chia sẻ với Tạp chí Âm nhạc Việt Nam.

- Kính thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, với tư cách là Trưởng ban tổ chức Festival Âm nhạc Mới “Á – Âu” lần đầu tiên tại Việt Nam, nhạc sĩ có thể chia sẻ ý tưởng tổ chức Festival âm nhạc danh tiếng này tại Việt Nam bắt đầu từ đâu?

Ns. Đỗ Hồng Quân: Festival Âm nhạc mới “Á – Âu” lần thứ nhất - 2014 tại Việt Nam, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xướng là việc nối tiếp truyền thống của các kỳ Festival Âm nhạc “Âu - Á”, là một diễn đàn lớn về Âm nhạc chuyên nghiệp các nước châu Á và châu Âu đã được tổ chức định kỳ, luân phiên tại các nước thuộc Cộng hòa Liên Bang Nga và châu Âu từ năm 1993, được giới âm nhạc và công chúng ghi nhận, đánh giá cao, là một trong những Festival Âm nhạc có uy tín trên thế giới.

Sau khi kết thúc Festival lần thứ 11 tại thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga) tháng 4 năm 2013, các nhạc sĩ đại biểu của các nước có đưa ra sáng kiến đề nghị không nên chỉ tổ chức Liên hoan ở châu Âu hai năm một lần, mà nên tổ chức hàng năm, một năm ở một nước châu Âu, còn năm tiếp theo ở một nước châu Á, vì theo truyền thống thì Festival Âm nhạc mới “Âu – Á” từ trước đến nay chỉ tổ chức 2 năm một lần và tại châu Âu.

Các đại biểu đã đề xuất Việt Nam sẽ là nước châu Á đầu tiên tổ chức vào năm chẵn 2014. Sáng kiến này được tất cả các thành viên nhất trí rất cao. Khi biết được nguyện vọng của các nhạc sĩ đó thì bản thân tôi rất vui mừng, vì thấy rằng hai tiếng Việt Nam đối với các nước châu Âu đã trở nên gần gũi quen thuộc và là một địa danh đẹp và thanh bình. Đặc biệt thông qua các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam được trình bày ở hai Festival gần đây nhất, thì các đại biểu đãđánh giá Việt Nam là nước có nền âm nhạc phát triển và nếu tổ chức ở Việt Nam thì họ sẵn sàng tham dự, và họ cũng được biết rằng ở Việt Nam những đơn vị nghệ thuật được sự quan tâm rất lớn của Ch ính phủ, Bộ văn hóa,Thể thao và Du lịch.

Từ khi tiếp thu tinh thần của Festival Âm nhạc “Âu – Á” thì Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có công văn trình lên Ban Tuyên giáo và Ban Bí thư để xin ý kiến và đã được sự ủng hộ rất nhanh của các cấp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam... Chính vì thế để Hội có cơ sở để chuẩn bị cho Festival này.

- Fetival được tổ chức tại Việt Nam lần này có gì khác với các Festival “Âu – Á” trước? Nhạc sĩ có những nhận xét gì về những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam với nhạc sĩ quốc tế tham dự Festival lần này?

Ns. Đỗ Hồng Quân: Đây là lần đầu tiên một loại hình âm nhạc đương đại của các nhạc sĩ hàng đầu các quốc gia châu Âu và châu Á sẽ được trình diễn tại Việt Nam, cho chúng ta những thông tin rất quí về các xu hướng viết nhạc hiện nay trên thế giới. Đây là dịp để bạn bè thấy được Việt Nam có đủ khả năng để thể hiện các tác phẩm của các nhạc sĩ thế giới ở mức độ kỹ thuật cao như nghệ sĩ Violin Bùi Công Duy, Dàn nhạc như tứ tấu Hoa Sen, Dàn nhạc thính phòng Sông Hồng, Hợp xướng Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam và đặc biệt là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna, đảm nhận hầu như các tác phẩm mới lần đầu tiên được vang lên ở Việt Nam.

Đây cũng là dịp để giới thiệu với các bạn quốc tế về nền âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam, một nền âm nhạc đã và đang vươn tới một trình độ chuyên nghiệp từ những bản hợp xướng, đến các Oratorio, các bản Concerto, cho các nhạc cụ và các bản giao hưởng, với các phong cách khác nhau và sự góp mặt của các nhạc sĩ sáng tác hàng đầu của Việt Nam như: nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhạc sĩ Hoàng Cương... thế hệ trẻ hơn như nhạc sĩ Trọng Đài, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân... các ca sĩ Opera, các nhà chỉ huy ở hải ngoại như: Khắc Uyên, Vũ Nhật Tân, Lê Phi Phi…, các nghệ sĩ: Phượng Như, Linh chi (Violon), Nguyệt Thu (Viola)…

Với tư cách là nước chủ nhà đăng cai, Ban tổ chức Festival gửi lời mời đã được các tổ chức âm nhạc, các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn các nước nhiệt tình tham dự. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như: Rashid Kalimullin (Tatarstan), Alexsander Tchaikovsky (Liên bang Nga), Geir Johnson (Na Uy), Isao Matsushita (Nhật Bản), Marc Batter (Pháp), Andrián Pertout (Úc), ca sĩ biểu diễn Margarita Roco (Philippines), nghệ sĩ biểu diễn piano Aidas Puodziukas (Lithuanian), nghệ sĩ biểu diễn guitar solo Joseph Perez Mirandilla (Philippines)...

Festival cũng giới thiệu với các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế làm quen với nền âm nhạc dân tộc của Việt Nam như: Dân ca Quan họ, nghệ thuật hát Chèo, nghệ thuật múa rối nước, đồng thời họ cũng được thăm các di tích phong cảnh đẹp của Hà Nội và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Festival là Hội tụ những nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm mới đại diện cho các trường phái âm nhạc châu Âu và châu Á. Tổ chức được Festival lần này là một bước tiến, đây sẽ là mở đầu cho những liên hoan quốc tế và liên hoan khu vực sau này, nhằm góp phần phong phú cho đời sống âm nhạc và hướng tới trao đổi những tác phẩm âm nhạc mà ít khi chúng ta có điều kiện để tiếp cận. Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

- Xin cám ơn nhạc sĩ và chúc cho Festival thành công rực rỡ!

 

CÁC NHẠC SĨ VÀ TÁC PHẨM THAM DỰ

GIAO HƯỞNG:

+ Rashid Kalimullin (Tatarstan) với tác phẩm Ouverture "Ho Chi Minh".

+ Alexsander Tchaikovsky (Liên bang Nga) "Tamerlan's camp" from opera "The legend of the city of Yelets, the virgin Mary and Tamerlan".

+ Geir Johnson (Na Uy) “Silent Spring” cho Dàn nhạc dây.

+Isao Matsushita (Nhật Bản) "A time for prayer" cho 2 Violist and Dàn nhạc.

+ Nguyễn Thiện Đạo (VN) “Điểm hẹn” (trích phần 1 và 4)

+ Marc Batter (Pháp) “Rain Water”

+Trọng Đài (VN) “Những ô cửa” (trích)

+ Nguyễn Văn Nam (VN) Giao hưởng số 9 "Cửu Long dậy sóng" chương 1.

+ Đỗ Hồng Quân (VN) “Dialogue” cho Đàn Bầu solo and Dàn nhạc.

+ Faradjev Sardar (Azerbaijani) “Koroglu” ðfsanðsi.

+ Rustam Abdullayev (Uzbekistan) "Love Song".

+ Andrián Pertout (Úc) "L'assatlt stir la raison”.

+ Doãn Nho (Việt Nam) Oratorio “Chiếu dời Đô” Hợp xướng và Dàn nhạc (trích).

- Ca Lê Thuần (VN) Opera "Người giữ cồn" (trích) solist và Dàn nhạc giao hưởng

- Đặng Hữu Phúc (VN) “Đất nước”.

- Đỗ Nhuận (VN) Opera “Cô Sao” Aria "Cô Sao" và Duo “Sao - Hà” (trích).

- Đức Trịnh (VN) Romance "Miền xa thẳm" Solist and Dàn nhạc.

THÍNH PHÒNG:

- Artyk Toxanbayev (Kazakhstan) Trio Violon - Violoncello - Piano "Steppe sketches".

- Lân Tuất (VN) “Adagio for String Orchestra”

- Agustín Castilla –Ávila (Tây Ban Nha) “Tres Momentos Microtonales" - Guitar Solo.

- Davide Anzaghi (Italy) “Elogio Della Luna”.

- Erman Ozdemir (Thổ Nhĩ Kỳ) “Music for Baroque Orchestra”.

- Vũ Nhật Tân (VN) Ngũ tấu "Sông Hồng" cho tứ tấu dây và Piano.

- Hoàng Cương (VN) “Concerto” cho Violon va Oboe cùng Dàn nhạc thính phòng.

- Patiparn Jaikampan (Thái Lan) “Nibbàna” cho sáo và tứ tấu đàn dây.

- Arvo Part (Cộng hòa Estonia) Hòa tấu kèn Trumpet.

- Sally Beamisch (Anh) “Under the Wing of the Rock” cho solo viola và đàn dây.

- Wojciech Kilar (Ba Lan) “Orawa” cho 15 solo đàn dây.

- Muratbek Begaliyev (Kyrgyzstan) “Nostalgia Passacaglia”.

- Vytautas Germanavicius (Lithuanian) "Pacific Bell" Piano Solo.

- Ho Chee Kong (Singapore) “Shades of oil lamps”.

HỢP XƯỚNG, ĐỘC TẤU VÀ DÀN NHẠC THÍNH PHÒNG:

- Morten Poulsen (Đan Mạch) Hợp xướng “A Clear Midnight”.

- Maria Christine Muyco (Philipine) “Talibun-ag” (Giải phóng).

- Ramon P. Santos (Philipines) “DW'GEY”

- Ahmet Yurur (Thổ Nhĩ Kỳ) "Margit's Aria da Capo" Opera Aria

- Lào: Hát dân ca.

- Cambodia: Hát dân ca.

CHƯƠNG TRÌNH NHẠC ĐƯƠNG ĐẠI ĐẶC BIỆT:

- Arsid Ketjuntra (Thái Lan) “Collage”.

- Chad Cannon (Mỹ) “Wild Grass on the Riverbank” and “Five Munutes for a Century Ago”.

- Sayo Kosugi (Nhật Bản) “Lilac Nova”.

- Sun-Youg Park (Hàn Quốc) “The way”.

- Xiaogang Ye (Trung Quốc) “Namura Cuo”.

Nội dung hoạt động của Festival gồm 5 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc với nhiều tác phẩm ở tất cả các thể loại.

- Lễ khai mạc và chương trình hòa nhạc Giao hưởng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 19 giờ 30 đêm 8/10.

- 2 Chương trình hòa nhạc Thính phòng các tác phẩm Việt Nam và quốc tế, tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, 20 giờ đêm 9 và 10/10.

- Chương trình Nhạc trẻ Việt Nam và Quốc tế, Chương trình hòa nhạc các nhóm nhạc dân gian các dân tộc, tại Nhà hát Việt - Nhật, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, 20 giờ đêm 11/10.

- Lễ bế mạc và chương trình hòa nhạc Gala Concert, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với nghi thức trao Cup cho các tác phẩm xuất sắc tham dự Festival, trích đoạn Opera, Hợp xướng và những tiết mục quốc tế chọn lọc, biểu diễn các tác phẩm mới do Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 19 giờ 30 đêm 12/10.

Cuộc Hội thảo với chủ đề “Âm nhạc mới Á – Âu thập niên đầu thế kỷ XXI”. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ có chương trình tham quan Thủ đô Hà Nội và Kỳ quan thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long dành cho khách quốc tế.

 (Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 35)

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...