"Em đi giữa biển vàng" - Ca khúc các em yêu

24/04/2019

Em đi giữa biển vàng, một trong những ca khúc được yêu thích của cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo có một "sức bền" đáng nể. Hơn bốn mươi năm qua, kể từ ngày phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn nghe đài gần xa mỗi lần nghe ca khúc đáng yêu này vẫn giữ nguyên cảm nhận ban đầu dìu dặt, vui tươi, trong sáng lạ thường:

Em đi giữa biển vàng

Nghe mênh mang trên đồng lúa hát

Hương lúa chín thoang thoảng bay...

Trải đến chân mây là cánh đồng vàng mênh mông như biển! Em đi giữa biển vàng... cảm nhận tinh tế trong trẻo để nghe được sự đủ đầy mênh mang lời lúa hát, lời của hương lúa tinh khôi thoang thoảng bay, thơm đến tận trời! Có niềm vui sướng nào hơn với người bạn nhỏ, người con của miền quê lúa bên những làn sóng của cả một biển lúa vàng, thích không hở bé?

Nào, chúng ta cùng trở về nơi khởi đầu của ca khúc này nhé!

Ca khúc Em đi giữa biển vàng khởi đầu từ bài thơ của tác giả Nguyễn Khoa Đăng - một người con của "quê hương năm tấn" Thái Bình, bài thơ Mùa lúa chín viết năm 1966, in báo Thiếu niên Tiền phong. Năm 1968, Mùa lúa chín được chọn in vào tập thơ Chú ngựa bay (NXB Kim Đồng). Bài thơ được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo chọn  phổ nhạc, ở các dòng thơ 3 âm tiết, ta nhận ra hơi hướng đồng dao (bài hát Đánh chuyền) quen thuộc:

Vây quanh làng

Một biển vàng

 Như tơ kén

Hương lúa chín

Thoang thoảng bay...

(Mùa lúa chín - Nguyễn Khoa Đăng)

Và để trở thành bài hát nổi tiếng, tất nhiên rồi, bài thơ đã lọt vào “mắt xanh” của một nhạc sĩ mà giờ đây tên tuổi ông đã trở nên thân thiết với chúng ta. Xin dành ít dòng để nói về cuộc đời lao động, sáng tạo cần mẫn của ông: nhạc sĩ Bùi Đình Thảo.

Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sinh năm 1931 tại thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; mất năm 1997 tại quê nhà. Với trên bốn mươi năm công tác ở ngành Văn hoá - Thông tin tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà, ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh, trưởng bộ môn Âm nhạc, cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo đã có những đóng góp đáng kể vào nhiệm vụ quản lý hoạt động âm nhạc, công tác giảng dạy cùng các công trình nghiên cứu sưu tầm âm nhạc dân gian ở địa phương:  Hát xẩm, Hát chầu văn, Hát Giặm... Về sáng tác, ông có các tác phẩm viết cho nhạc cụ (khí nhạc), nhạc múa, nhạc sân khấu, một giao hưởng thơ. Ông đã xuất bản các tập ca khúc Đi học, Gọi mây, Mùa thu tới trường, Ca khúc Bùi Đình Thảo... được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, trong các ca khúc viết cho thiếu nhi, nhạc sĩ đã biểu đạt một năng lực sáng tạo dồi dào, có bản sắc, được thiếu nhi cả nước yêu mến. Đó là các ca khúc: Đi học, Sách bút thân yêu ơi, Bàn tay mẹ, Bà thương em, Có Bác Hồ chúng cháu được ngày nay... Và còn Em đi giữa biển vàng trong băng nhạc Tuổi hồng nữa chứ!

Trong một lần trao đổi về ca khúc nổi tiếng Đi học,  phổ thơ Minh Chính - một nhà thơ liệt sĩ chống Mỹ, quê gốc xã Yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định, chúng tôi có nói đến cách “xử lý” ca từ rất sáng tạo của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo. Khi phổ thơ, ông là người  biết chọn ra những khổ thơ hay, chủ động về bố cục, sao cho hình tượng văn học và hình tượng âm nhạc hoà quyện, song hành đạt được hiệu quả nghệ thuật tốt nhất. Ở đây cũng vậy, khi "chuyển"  bài thơ Mùa lúa chín thành ca khúc Em đi giữa biển vàng, nhạc sĩ đã đảo vị trí bốn dòng cuối bài thơ của tác giả Nguyễn Khoa Đăng thành câu hát mở đầu, gợi mở âm hình chủ đạo cho toàn bài. Bài hát dập dìu âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ, âm hưởng của chèo nhuần nhị. Cả bốn lần ông sử dụng phách đảo trong một ca khúc dành cho thiếu nhi đều khiến ta nhận ra nụ cười ý nhị của một người thành thục, không cố ý phô diễn hoặc điệu đà, rằng đây chính là nhịp điệu của cuộc sống đang cất cánh:

Em đi giữa biển vàng

Nghe mênh mang trên đồng lúa hát

Hương lúa chín thoang thoảng bay

Làm lung lay hàng cột điện

Làm xao động cả rặng cây...

Em đi giữa biển vàng

Nghe mênh mang trên đồng lúa hát

Bông lúa trĩu  trong lòng tay

Như đựng đầy mưa gió nắng

Như mang nặng giọt mồ hôi

Của bao người nuôi lúa lớn lúa ơi...

Nhiều lúc tôi thường tự hỏi: điều kỳ diệu nào đây ở các tác phẩm âm nhạc - loại hình nghệ thuật đặc sắc khiến ta được khóc, được cười, được vui sướng đủ đầy, được bâng khuâng khắc khoải, hồi hộp mong chờ? Với ca khúc Em đi giữa biển vàng, mỗi lần nghe các em hát, tôi lại thấy lòng mình đằm thắm, sáng tươi, hân hoan như về với ngày mùa. Cứ nghĩ, phải chăng, cội nguồn bài thơ - ca khúc này được khởi đầu từ một ước vọng bao đời của những người một nắng hai sương làm ra hạt thóc? Nhà thơ,  nhạc sĩ từng biết cảnh đói cơm, rách áo của người trồng lúa vùng châu thổ sông Hồng những năm cơ cực nhất trước ngày Cách mạng thành công. Nhà thơ, nhạc sĩ - tác giả ca khúc lại là những người trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ hào hùng của cả dân tộc... mới có đủ cảm hứng sáng tạo ra lời thơ, điệu hát xúc động lòng người bền lâu đến thế.

Nào hãy nghe tuổi thơ giữa biển lúa vàng bát ngát hát lên với bông lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi/ Của bao người nuôi lúa lớn, lúa ơi...

Cảm ơn nhạc sĩ Bùi Đình Thảo! Cảm ơn các em đã hát thật hay ca khúc này! Tiếng hát tuổi thơ chắp cánh cho thơ bay mãi trên những cánh đồng vàng  nao nức mùi hương lúa chín.

Nghe Em đi giữa biển vàng:

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.