Đường chúng ta đi

05/10/2016

Nhiều người yêu nhạc thích những bài hát của nhạc sĩ Huy Du. Chả mấy ai không ngân nga những bài hát của ông, nhiều bài hay lắm, cả hồi chiến tranh lẫn về sau này. Lời bài hát, bây giờ người ta hay gọi sang trọng là ca từ, không chỉ đầy chất thơ, nhạc, mà theo tôi, cả họa nữa. Chính mang sẵn hồn thơ ấy nên khi bắt gặp bài thơ của Xuân Sách, nhạc sĩ thấy ngay trong đó sự đồng điệu tâm hồn.


Bộ đội hành quân ra mặt trận (Ảnh: Tư liệu)

Cứ lẩn thẩn nghĩ rằng những ai đã trải qua thời chống Mỹ thế nào cũng thuộc bài hát này: Đường chúng ta đi của nhạc sĩ Huy Du, lời ca dựa thơ của nhà thơ Xuân Sách. Trong gia tài âm nhạc thời chiến tranh chống Mỹ, có những cặp viết nhạc - soạn lời rất ăn ý, mà cặp Huy Du - Xuân Sách là ví dụ tiêu biểu. Nhạc sĩ Huy Du đã phổ thật hay nhiều bài thơ của Xuân Sách, chẳng hạn Đường chúng ta đi, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Bài ca về đường 9. Nếu không có nhạc Huy Du chắc cũng ít người biết đến thơ của Xuân Sách khi văn hóa đọc có những hạn chế nhất định. Bài thơ Đường chúng ta đi, lời thơ trau chuốt, hình ảnh đẹp đẽ, tình cảm thiêng liêng dào dạt trong thơ đi với âm giai thiết tha trong sáng mà sâu lắng cuồn cuộn của nhạc đã tạo nên một tác phẩm tuyệt vời. Nhạc nâng tầm, mở rộng đời sống cho thơ, còn thơ làm nền tảng cốt lõi giá trị cho nhạc.

Nhiều người yêu nhạc thích những bài hát của nhạc sĩ Huy Du. Chả mấy ai không ngân nga những bài hát của ông, nhiều bài hay lắm, cả hồi chiến tranh lẫn về sau này. Lời bài hát, bây giờ người ta hay gọi sang trọng là ca từ, không chỉ đầy chất thơ, nhạc, mà theo tôi, cả họa nữa. Chính mang sẵn hồn thơ ấy nên khi bắt gặp bài thơ của Xuân Sách, nhạc sĩ thấy ngay trong đó sự đồng điệu tâm hồn. Tình yêu quê hương đất nước, niềm yêu đời, yêu cuộc sống, cái nhìn trong trẻo đẹp đẽ về con người, về nhân dân vĩ đại, những mơ ước về tương lai tốt đẹp..., tất cả được đặt trên cái nền hiện thực hào hùng, gian khổ mà dân tộc đang trải qua: "Việt Nam trên đường chúng ta đi/Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó/Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời/Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước/Mà vui sao ta chẳng nói nên lời/Ta đi qua phố qua làng, ngọn đèn sáng giục lòng ta đó/Lời mẹ nói ấm lòng ngọn gió, đàn em vui ríu rít mái trường/Ta đi đường rợp bóng hàng dương đất bom đào đã lên màu cỏ mới/Những cặp mắt đêm đêm trông đợi/Chiến trường xa dồn dập những chiến công...". Một con đường đã in đậm dấu ấn lịch sử một thời oanh liệt.

Nghe cái tên bài hát, lại nhớ đến bài tùy bút của nhà văn Nguyên Ngọc (lúc ấy lấy bút danh Nguyễn Trung Thành) có tên y hệt thế. Bài ký đó tôi nhớ được học hồi lớp 7 (hệ 10 năm) đọc mà lòng xốn xang. Những năm 60, nếu ký Nguyễn Tuân vẫn còn ẩn khuất chưa tạo lại được ấn tượng mạnh với bạn đọc bởi các quan quyền văn nghệ còn ngại danh xưng Nguyễn Tuân (do lối sống của ông) thì phải nói ký của Nguyên Ngọc đã nhanh chóng thế chỗ, hết sức hấp dẫn, gần như chiếm hàng đầu. Hào hùng lắm, lãng mạn lắm, cứ như lời thủ thỉ mà lại như kèn xung trận giục giã. Bài hát Đường chúng ta đi của Huy Du - Xuân Sách cũng chứa đựng cái tinh thần cốt tủy ấy. Bao người lính đã ra chiến trường với tâm trạng, niềm vui phơi phới từ ký Nguyên Ngọc và nhạc Huy Du.

Bài này nhiều người hát thành công, những tên tuổi gạo cội như NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSƯT Diệu Thúy, Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn… nhưng người hát đầu tiên, và theo tôi thì hay nhất, là chị Kim Oanh NSƯT, thuộc tốp ca nữ đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam. Ca sĩ Kim Oanh cũng chính là người đã lĩnh xướng tuyệt vời bài Quảng Bình quê ta ơi trứ danh của nhạc sĩ Hoàng Vân.

ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI 

Việt Nam trên đường chúng ta đi
Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó
Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời
Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước (ư)
Mà vui sao ta chẳng nói nên lời.

Dặm đường xa ta đi giữa mùa Xuân
Ta đi giữa tình thương của Đảng
Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim
Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài
Đường ta về trong nắng ấm ban mai
Việt Nam, Việt Nam
Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi đẹp những mùa Xuân.

Ta đi qua phố qua làng, ngọn đèn sáng giục lòng ta đó
Lời mẹ nói ấm lòng ngọn gió, đàn em vui ríu rít mái trường.
Ta đi đường rợp bóng hàng dương đất bom đào đã (a) lên màu cỏ mới
Những cặp mắt đêm đêm trông đợi
Chiến trường xa dồn dập những chiến công.

(KẾT)
Miền Nam ơi, miền Nam...
Ơi những dòng sông soi bóng dừa xanh
Những đỉnh núi mây mờ xa tắp
Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc, ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên.
Miền Nam, miền Nam...  Nghe từng tiếng vang vang.

(Nguồn: http://motthegioi.vn)

Tags:

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.