'Đừng ví em là biển' - khi phái đẹp chọn về mình điều nhỏ nhoi
Nhạc sĩ Trần Thanh Tùng chuyển bài thơ thành một ca khúc da diết về suy tư của người con gái trước tình yêu và cuộc đời.
Đừng ví em là biển được nhạc sĩ phổ từ thơ của thầy giáo Minh Thiện.Tác giả từng chia sẻ ông sáng tác bài thơ dựa trên cuộc chuyện trò vui với các cô giáo trong chuyến tham quan Hạ Long trước đây. Lúc đó, để khen ngợi chuyên môn của các cô, ông viết hai câu thơ: "Cô giáo như biển rộng/ Càng học, càng mênh mông". Một cô giáo trả lời: "Anh đừng ví chúng em như biển, chúng em chỉ là cô giáo trường thôi". Cuộc đối đáp hình thành tứ thơ để tác giả tạo nên tác phẩm với ngôn ngữ giàu hình tượng.
Việc bài thơ phổ biến rộng rãi có đóng góp lớn của nhạc sĩ Trần Thanh Tùng (sinh năm 1955 tại Hải Dương). Nhạc sĩ đã phổ nhạc cho Đừng ví em là biển, biến bài thơ trở thành ca khúc đầy xúc cảm về suy tư của người con gái trước cuộc đời, tình yêu. Giai điệu đưa vào lời thơ tạo nên chất trữ tình, bay bổng.
Đừng ví em là biển đã được nhiều nghệ sĩ thể hiện như NSƯT Minh Phương, Thanh Thanh Hiền, Thành Lê, Tân Nhàn... Năm 2007, nữ ca sĩ Anh Thơ ghi âm bài hát này trong album Một dòng nghiêng soi và được đông đảo công chúng nghe nhạc yêu mến.
Ngày xưa Xuân Quỳnh chỉ gọi mình là "con sóng nhớ bờ" (bài Sóng), người con gái trong Đừng ví em là biển cũng vậy, cô không nhận về mình những danh xưng quá tầm với, quá cao vời.
Ở khổ nhạc đầu tiên, nhân vật cô gái thủ thỉ với người mình yêu:
"Đừng ví em là biển
Sâu thẳm và bao la
Thuyền nan em bé nhỏ
Không xa được bến bờ"
Biển rộng lớn tưởng như vô cùng. Sự sâu thẳm ở bề sâu và bao la ở bề rộng của đại dương khiến người ta cảm thấy bé nhỏ, rợn ngợp. Nên sang đến đoạn tiếp theo, trong lý giải của cô gái dường như mang âm hưởng của sự tinh nghịch, có chút trêu đùa. Nhưng ẩn bên trong là một nhắn gửi ẩn ý về mong muốn được sống đúng như mình vốn vậy của người phụ nữ:
"Đừng ví em là biển
Nước mặn chát chân trời
Giữa mênh mông vẫn khát
Không uống được anh ơi"
Biển tự do, không chịu ràng buộc nên biển mãi không thuộc về riêng ai. Ôm đồm vào mình quá nhiều mối bận tâm của đời, vì thế biển trở nên vô tâm với liên kết của mình và bờ. Biển say sưa với những điều sôi động và dịch chuyển không ngừng trong khi bờ thì vẫn đứng yên. Khoảng cách rồi sẽ xuất hiện, tình cảm cứ thế mà nhạt phai.
"Đừng ví em là biển
Ngàn năm sóng xô hoài
Suốt cuộc đời không gặp
Bến bờ nào tàn phai
Vị mặn dâng cho đời
Buồn vui đầy lại vơi"
Sau tất cả lý lẽ, cô gái e ấp khẳng định:
"Em không là biển khơi
Bến bờ nằm khắp muôn nơi
Mà lòng em chỉ muốn của một mình anh thôi
Đừng ví em là biển
Em chỉ là em thôi".
Cao trào của ca khúc được nhạc sĩ đặt ở khổ nhạc cuối. Sau sự lặp đi lặp lại của câu thơ "Đừng ví em là biển", cô gái đưa ra lời khẳng định vững chắc: "Em chỉ của riêng anh, em chỉ là em thôi". Khúc ngân kết thúc tác phẩm ghi dấu vào lòng người nghe hình ảnh người con gái hồn hậu, thủy chung.
(Nguồn: http://chieulang.com.vn)