Đưa tri thức và kỹ năng thực hành sáng tác theo phương thức cổ truyền dân tộc vào đào tạo chuyên ngành sáng tác - một việc cần làm

26/12/2014

“Nhạc mới” Việt Nam là bộ phận được hình thành trên cơ sở tiếp thu các yếu tố, phương tiện, thủ pháp và lối tư duy âm nhạc của phương Tây. Nó mới chính thức chào đời từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Còn sáng tác âm nhạc - với tư cách là một chuyên ngành riêng và là một ngành học nằm trong chương trình đào tạo âm nhạc ở Việt Nam, cũng mới chính thức xuất hiện từ năm 1956 cùng với sự thành lập cơ sở đào tạo âm nhạc chính quy đầu tiên tại Hà Nội: Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay.


Nhạc sĩ Thụy Loan (ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)

Kể từ những cột mốc nói trên, nhạc mới và chuyên ngành đào tạo sáng tác đã đi được một chặng đường dài. Việc nhìn nhận lại chặng đường đã qua để đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm hướng đi cho những chặng đường tiếp theo là cần thiết và có ý nghĩa. Trong bài viết này, xin đóng góp một vài suy nghĩ về tình hình đào tạo sáng tác ở nước ta và gợi ý về hướng đi sắp tới của chuyên ngành này.

1. Thành quả và hiện trạng

Có thể nhận ra ba điều cơ bản sau đây trong quá trình triển khai chuyên ngành đào tạo sáng tác âm nhạc cùng những thành quả của nó trong hơn nửa thế kỷ qua:

1.1. Là chuyên ngành mới xây dựng, từ khi hình thành tới nay, chương trình và giáo trình đào tạo sáng tác - bao gồm cả các môn bổ trợ cũng như chuyên môn sáng tác, đều dựa trên các chương trình, giáo trình của phương Tây.

Học sinh, sinh viên ở các trường chủ yếu chỉ được cung cấp kiến thức và luyện kỹ năng sáng tác theo lối tư duy âm nhạc cùng các thủ pháp sáng tác, các hình thức, thể loại của các dòng nhạc kinh viện phương Tây (cổ điển, lãng mạn, sau này bổ sung thêm thủ pháp của một số dòng nhạc mới ở thế kỷ XX). Từ những thập kỷ cuối thế kỷ XX, nhằm đáp ứng nhu cầu về các thể loại nhạc nhẹ, Trường Cao đẳng - sau chuyển thành Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã bổ sung các kiến thức và kỹ năng sáng tác, phối khí theo các dòng nhạc đại chúng của phương Tây (jazz, pop, rock…) vào chương trình giảng dạy cho sinh viên sáng tác và biểu diễn nhạc nhẹ.

Mặc dầu vậy, với ý thức dân tộc, ngay từ những buổi đầu tiếp thu các phương tiện, thủ pháp, kỹ thuật, các hình thức, thể loại cùng với lối tư duy sáng tác của phương Tây để sáng tạo nên những thể loại ngày nay được gọi là “nhạc mới”, các thế hệ nhạc sĩ đầu tiên đã rất quan tâm tới việc tạo bản sắc dân tộc cho các tác phẩm của mình bằng cách vận dụng các chất liệu âm nhạc và dưa nhạc khí cổ truyền dân tộc vào tác phẩm. Cho tới nay, xu hướng này tiếp tục được duy trì và tiếp nối trong các thế hệ nhạc sĩ cũng như trong ngành đào tạo sáng tác âm nhạc khi nó chình thức hình thành – qua sự dắt dẫn của các giảng viên sáng tác và cả qua sự tự ý thức của các sinh viên hầu hết đều đã ở tuổi trưởng thành.

Vì thế, dẫu cho vẫn là lối tư duy, phương thức và các thủ pháp, hình thức… sáng tác tiếp thu của phương Tây, song việc khai thác, phát triển các chất liệu âm nhạc và nhạc khí cổ truyền dân tộc đã đem đến cho các tác phẩm nhạc mới hơi thở và sắc thái dân tộc.

1.2. Cùng với việc khai thác, phát triển các chất liệu âm nhạc và nhạc khí cổ truyền dân tộc, đã bắt gặp những lối cấu trúc và thủ pháp sáng tác theo lối cổ truyền cũng như những tìm tòi đổi mới - vượt ra khỏi những khuôn mẫu âm nhạc của phương Tây.

Đó là hiện tượng được quan sát thấy trong một số tác phầm của các nhạc sĩ thuộc những thế hệ có điều kiện tiếp cận và thấm sâu vồn ca nhạc cổ truyền của dân tộc. Được thừa hưởng kinh nghiệm trao truyền từ các giảng viên thuộc những thế hệ nhạc sĩ trước, kết hợp với sự “tự vận động” của bản thân, trong những thế hệ tiếp sau cũng đã có nhiều tác phẩm thành công trong việc thể hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác mới. Nhờ vậy, có thể nói, chúng ta đã đạt được những thành quả đáng mừng trong việc dân tộc hóa những phương tiện, thủ pháp và cả một số lối tư duy âm nhạc tiếp thu của phương Tây - đặc biệt là trong lĩnh vực ca khúc.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là, những thành quả trên đều bắt nguồn từ kinh nghiệm, vốn thực tiễn và tri thức về âm nhạc cổ truyền của từng cá nhân nhạc sĩ và vẫn mang tính tự phát. Việc kế thừa, phát huy những lối cấu trúc và thủ pháp sáng tác theo lối cổ truyền chưa bao giờ được quan tâm để trở thành một chủ trương chính thức trong công tác đào tạo sáng tác ở nước ta. Tất cả những tìm tòi thể nghiệm trong các lĩnh vực trên đều phó mặc cho sự “tự vận động” của từng cá nhân.

Hệ quả tất yếu của tình trạng trên đương nhiên sẽ là: những ai không quan tâm thì trước mắt họ chỉ duy nhất có các khuôn mẫu của phương Tây để học tập và ứng dụng trong sáng tác. Dấu ấn âm nhạc phương Tây, vì thế, vẫn còn bộc lộ khá rõ qua các phương tiện, kỹ thuật, thủ pháp sáng tác và hình thức… tiếp thu của phương Tây - đặc biệt là trong lĩnh vực khí nhạc, và ngay cả trong một bộ phận ca khúc mới - nhất là của các nhạc sĩ trẻ.

(Lẽ dĩ nhiên, lỗi không phải ở các nhạc sĩ trẻ, vì họ là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử dài, trong đó - do tác động của những cuộc xâm lăng toàn diện từ bên ngoài cùng những thay đổi trong mọi lĩnh vực của đất nước, nhiều thế hệ trẻ bị đứt đoạn với văn hóa, âm nhạc cổ truyền dân tộc.

Mặt khác, cũng cần ghi nhận rằng, mặc dầu việc chạy theo và bẳt chước các trào lưu âm nhạc của nước ngoài một cách thiếu sáng tạo đã và vẫn đang tồn tại ở nước ta, song điều đó chỉ xảy ra ở một bộ phận nhất định mà chắc chắn không phải ở tất cả các nhạc sĩ. Điều quan trọng hơn nữa là, ý thức dân tộc cùng khát vọng đổi mới, đưa bản sắc dân tộc vào các thể loại, trào lưu âm nhạc tiếp thu của nước ngoài - đặc biệt là của phương Tây, chưa bao giờ bị tàn lụi ở các thế hệ trẻ. Có thể nhận ra ý thức và khát vọng trên qua những tác phẩm và những chương trình biểu diễn của các nhạc sĩ, nghệ sĩ trưởng thành sau 1975 cũng như các nhạc sĩ, nghệ sĩ ở thập kỷ đầu thế kỷ XXI).

1.3. Điều thứ ba cần ghi nhận là, trong quá trình triển khai chuyên ngành đào tao sáng tác ở Việt Nam, ngay từ khi còn là Trường Âm nhạc Việt Nam, sau đó là Nhạc viện Hà Nội, và tại các cơ sở đào tạo khác, đã có những chủ trương và nỗ lực cụ thể của các Ban Giám hiệu cùng tập thể giáo viên, cộng tác viên nhằm Việt Nam hóa các chương trinh, giáo trình tiếp thu của phương Tây - cả trong đào tạo sáng tác cũng như trong đào tạo các chuyên ngành biểu diễn, lý luận, chỉ huy nói chung.

Đó là việc biên soạn và đưa vào chương trình giảng dạy các môn học mới nhằm cung cấp kiến thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như Hát dân ca, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Âm nhạc dân tộc cổ truyền và Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Phối khí cho dàn nhạc dân tộc, Tính năng nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh đó là việc bổ sung những phần liên quan tới âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong một số giáo trình kiến thức cơ bản tiếp thu của phương Tây như Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nhạc lý cơ bản…

Mặc dầu đã có những nỗ lực như trên, song vẫn tồn tại những điểm bất cập. Đó là: phần lớn các môn giới thiệu hoặc bổ sung kiến thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam chỉ mới ở dạng kiến thức đại cương, với tư cách là những môn bổ trợ và nặng về lý thuyết, không mang tính thực hành, đặc biệt là thực hành sáng tác - trừ môn Hát dân ca, Phối khí cho dàn nhạc dân tộc và Tính năng nhạc cụ dân tộc. Tiếc rằng, những môn mang tính thực hành này lại chưa được duy trì để trở thành những môn học cố định trong chương trình học. Còn trong quá trình lên lớp các môn bổ trợ khác đã nêu ở trên, cũng như học sinh, sinh viên nói chung, học sinh, sinh viên sáng tác chưa bao giờ được thể nghiệm và luyện tập cách vận dụng những kiến thức về âm nhạc cổ truyền trong sáng tác như đối với các kiến thức về hòa âm, phức điệu, phối khí… tiếp thu của phương Tây.

Riêng tại Trường Cao đẳng - sau là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội vào những năm 1996-2008, trong chương trình giảng dạy môn Âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã đưa việc thực hành những bài tập nhỏ ứng dụng một số thủ pháp sáng tác (và cả kỹ thuật biểu diễn) trong âm nhạc cổ truyền cho sinh viên các khóa cao đẳng và khóa liên thông đại học đầu tiên (2007-2009) của Trường . Tiếc rằng, do những lý do khách quan và chủ quan chi phối, nên việc thể nghiệm này chưa được tiếp nối!

Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc những thế hệ trẻ - sau khi ra trường, muốn kế thừa, ứng dụng di sản âm nhạc cổ truyền dân tộc vào tác phẩm đã gặp không ít trở ngại. Tôi đã được nghe những lời thổ lộ của một số nghệ sĩ trẻ đầy tâm huyết với việc đi tìm cái mới cho sự nghiệp âm nhạc của họ bằng cách kế thừa di sản âm nhạc cổ truyền dân tộc, nhưng tự thấy thiếu kiến thức về âm nhạc cổ truyền - vì không được trang bị trong nhà trường. Họ đang lúng túng trong việc nên đi từ đâu và như thế nào - mặc dầu vẫn đang tích cực tìm đường một cách đáng trân trọng và khích lệ.

Tình hình trên đặt ra trước ngành đào tạo sáng tác những vấn đề cần giải quyết, một mặt nhằm đáp ứng những nhu cầu của một bộ phận - tuy chưa nhiều, nhưng lại sẽ là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên diện mạo của nhạc mới Việt Nam trong thế kỷ XXI. Mặt khác, đó cũng là những vấn đề cốt tủy trong phương hướng phát triển của nhạc mới Việt Nam nói chung, đào tạo sáng tác ở Việt Nam nói riêng. Bởi, bản sắc dân tộc luôn là vấn đề hàng đầu cần được đặc biệt quan tâm ở mọi thời đại và lại càng phải được quan tâm khi bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực, trong lúc vốn âm nhạc dân tộc của các thế hệ trẻ lại bị thiếu hụt sau một giai đoạn dài bị đứt đoạn với âm nhạc cổ truyền. Còn sáng tác chính là khâu đầu tiên, cũng là khâu nền tảng của mọi nền âm nhạc độc lập, khi cần phải thể hiện bản sắc riêng của mình trong cộng đồng quốc tế.

Vậy, nên làm gì? Xin gợi ý về một hướng đi trong chặng đường tiếp theo.

2. Cần chính thức đưa tri thức và kỹ năng sáng tác theo phương thức cổ truyền vào chương trình đào tạo sáng tác

Như đã trình bày ở trên, nhạc mới Việt Nam đã đạt những thành tựu trong việc thể hiện bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, không nên và không thể tự bằng lòng và dừng lại ở việc chỉ khai thác các chất liệu âm nhạc và nhạc khí cổ truyền. Đó là những phương thức tốt, có hiệu quả, nhưng chưa đủ. Những tìm tòi đổi mới của các nhạc sĩ tiền bối có tác dụng thể hiện sâu hơn bản sắc dân tộc lại mới chỉ mang tính tự phát và cá thể, chưa trở thành chủ trương chính thống trong đào tạo sáng tác ở nước ta.

Trong khi đó, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chúng tôi nhận ra rằng: với bề dày lịch sử và quá trình tích lũy, phát triển, sàng lọc hàng ngàn năm, di sản âm nhạc cổ truyền ông cha để lại không chỉ là một kho tàng đồ sộ, chứa đầy những nguồn nguyên liệu với trữ lượng giai điệu phong phú cùng các nhạc khí có âm sắc và kỹ thuật diễn tấu đa dạng, thậm chí độc đáo, để chúng ta khai thác, phát triển. Hơn thế nữa, bên cạnh những điểm tương đồng với âm nhạc phương Tây, âm nhạc cổ truyền Việt Nam còn có những luật lệ, thủ pháp, hình thức và nguyên tắc cấu trúc riêng mang nét đặc thù - không giống những thủ pháp, hình thức và cấu trúc âm nhạc của phương Tây đã và hiện vẫn đang được trang bị trong chương trình dạy và học sáng tác tại các cơ sở đào tạo âm nhạc trong nước.

Đó là những khía cạnh đáng chú ý và lý thú liên quan tới việc sử dụng điệu thức và các tổ hợp cao độ - những tế bào tạo nên các bài bản, làn điệu dân gian cổ truyền, cũng như lối sử dụng hòa âm, phức điệu, cấu trúc và hình thức, v.v… Có những nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật sáng tác của dòng nhạc kinh viện phương Tây lại đã từng hiện hữu trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam - dẫu cho chúng khoác dưới một vẻ ngoài tưởng như còn nguyên sơ. Có những thủ pháp được xem là “hiện đại” trong âm nhạc chuyên nghiệp phương Tây thế kỷ XX lại vốn là những mô hình tiếp thu từ âm nhạc châu Á và cũng đã tồn tại từ lâu trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. .Dù nhiều khi chỉ mới là những “quặng” nhỏ rất đơn sơ, nhưng đó lại là những nguyên mẫu có thể gợi ý và mở ra những hướng đi mới cho nhà soạn nhạc, góp phần giảm thiểu lối mòn do việc mô phỏng các mô hình, thủ pháp và nguyên tắc sáng tác quá quen thuộc của âm nhạc cổ điển và đương đại phương Tây. Nhờ đó, có thể làm phong phú thêm cho các thủ pháp sáng tác, đồng thời đưa bản sắc dân tộc thấm vào chiều sâu của các tác phẩm, đem lại sắc thái mới cho âm nhạc đương đại Việt Nam.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tạo sự đột phá trong việc đúc kết các thủ pháp sáng tác, các lối cấu trúc và hòa tấu cổ truyền để làm nên bước chuyển có tính căn bản, chuyên sâu hơn vào phương thức tư duy, sáng tạo âm nhạc của ông cha và để phương thức tư duy cùng các thủ pháp sáng tác, các lối cấu trúc… cổ truyền có chỗ đứng chính thức trong chương trình đào tạo bên cạnh các thủ pháp, hình thức… tiếp thu của phương Tây. Có như vậy, âm nhạc mới Việt Nam mới đi vững chắc trên hai chân - tinh hoa dân tộc và tinh hoa thế giới.

Để thực hiện viễn tưởng nói trên, tri thức và kỹ năng sáng tác theo phương thức cổ truyền dân tộc cần được đưa vào đào tạo sáng tác theo hai kênh. Kênh thứ nhất là các môn bổ trợ, trước hết là môn Âm nhạc cổ truyền Việt Nam với nội dung và phương thức dạy - học mang tính thực hành cao, Tính năng nhạc khí cổ truyền và Phối khí cho dàn nhạc dân tộc, kể cả Phối khí cho các dàn nhạc phối hợp (bao gồm nhạc cụ dân tộc và các loại nhạc cụ khác thông dụng trên thế giới). Kênh thứ hai không thể thiếu, là việc bổ sung nội dung thực hành ứng dụng các nguyên tắc và kỹ năng sáng tác theo phương thức cổ truyền ngay trong chương trình dạy và học chuyên môn sáng tác âm nhạc.

Đương nhiên, kèm với những công việc trên còn cần những điều chỉnh và cải cách liên quan tới thời lượng và phương pháp dạy - học các môn bổ trợ khác để những môn học mang tính thực hành ứng dụng âm nhạc cổ truyền Việt Nam có chỗ đứng xứng với tầm và tác dụng của nó trong khung chương trình đã được giới hạn về thời lượng đào tạo. Đó là chưa kể những đổi mới cần có trong chương trình đào tạo các ngành biểu diễn liên đới để tạo nguồn nhân lực cho việc thể hiện các tác phẩm chứa đựng những yếu tố cổ truyền dân tộc.

Bởi vậy, thực sự cần tới một cuộc cải cách trong chương trình đào tạo và nhất là, cần có sự quyết tâm đổi mới và sự nỗ lực của tập thể lực lượng tham gia đào tạo sáng tác cũng như đào tạo âm nhạc nói chung. Đặc biệt, cần có sự chuyển biến và quyết tâm - trước hết là của các nhà quản lý âm nhạc nói chung, quản lý chuyên ngành đào tạo sáng tác âm nhạc nói riêng, để hướng đi này có thể trở thành một chủ trương chính thức mang tính pháp lý và được đưa vào thực tiễn giảng dạy sáng tác cũng như giảng dạy các chuyên ngành âm nhạc khác tại các cơ sở đào tạo - từ trung cấp, cao đẳng, đại học cho tới các học viện âm nhạc trong nước.

Trước mắt là một con đường đầy gian truân và khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, tôi vẫn hằng hy vọng và mong chờ bước chuyển biến mang tính đột phá này, để nhạc mới Việt Nam khỏi bị lạc hậu và luôn đi sau các nước phương Tây một trăm năm theo kiểu “cũ người - mới ta”. Nên chăng bổ sung những kinh nghiệm sáng tạo của cổ nhân để tạo thêm một chu trình ngược lại: “cũ ta - mới người”? Nên chăng thay vì chỉ đi trên một lộ trình như trước đây - dân tộc hóa các yếu tố, phương tiện và thủ pháp âm nhạc tiếp thu của phương Tây, sẽ rạch thêm một con đường mới - phát triển trên chính nền tảng của âm nhạc cổ truyền dân tộc kết hợp với việc hấp thu thêm các tinh hoa nước ngoài để làm phong phú cho nền âm nhạc nước nhà, và phải chăng đó là một việc rất cần làm - đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay?

Hà Nội, tháng 10-2014

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...