Đưa đờn ca tài tử đến với thiếu nhi
Cuộc vận động “Sáng tác lời mới cho 20 bản Tổ và vọng cổ dành cho thiếu nhi” của Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh đã đi vào chặng cuối. Cuộc thi nhận được hơn 300 tác phẩm của các tác giả chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Tuy số lượng tác phẩm khiêm tốn so với các cuộc vận động sáng tác dành cho người lớn nhưng Ban tổ chức xem đây là thắng lợi ngoài dự đoán bởi đời sống của đờn ca tài tử gần như không có chỗ cho các tác phẩm thiếu nhi.
Nói về bài bản đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi, NSƯT Hải Phượng cho rằng: “Đây là mảnh đất hoàn toàn trống trải. Các soạn giả không mấy mặn mà khi tác phẩm dành cho thiếu nhi không có đầu ra. Trong khi đó, chương trình đưa đờn ca tài tử vào nhà trường hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược. Các em nghe theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, nghe cho biết vì không có tác phẩm phù hợp để học”.
Trong lịch sử đờn ca tài tử cũng có một số bản vắn (bài ngắn) dành cho thiếu nhi nhưng nó thuộc loại cổ bản có nhiều từ Hán - Việt. Riêng những bản sáng tác gần đây lại không được phổ biến rộng rãi, chủ yếu để tập cho các em trong sinh hoạt gia đình, một số nhóm đờn.
Thiếu nhi yêu thích nghệ thuật đờn ca tài tử phải ca bài của người lớn
khi tác phẩm cho các em quá khan hiếm.
Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi nhận thấy muốn gìn giữ và phát huy các giá trị của đờn ca tài tử phải có lực lượng kế thừa. Các em có năng khiếu, thích đờn ca tài tử nhưng lại không có bài để ca, phải ca bài của người lớn. Những bài có nội dung về tình yêu quê hương, ca ngợi tiền nhân có vẻ phù hợp với các em nhưng lại rất khó hát. Số lượng các bài như vậy cũng không nhiều so với bài có nội dung than thân trách phận, tình yêu đôi lứa, suy tư cuộc đời… Những nội dung này hoàn toàn không phù hợp với các em. Với những em chưa biết về nghệ thuật này, cuộc vận động góp phần đưa đờn ca tài tử đến gần hơn. Thêm nữa, đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ cam kết cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ sau khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Cuộc vận động bắt đầu từ tháng 2/2015. Các tác giả sáng tác lời mới dành cho thiếu nhi trên cơ sở 20 bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ (gồm ba Nam, sáu Bắc, bảy Lễ, bốn Oán) hoặc điệu vọng cổ. Đến thời điểm này, các tác phẩm dự thi đều đạt chất lượng cao. Nội dung xoay quanh tình thầy trò, hiếu thuận với cha mẹ, tình cảm gia đình, bè bạn, mái trường, phấn đấu chăm ngoan theo lời dạy của Bác Hồ…
So với việc sáng tác lời mới dành cho người lớn, sáng tác cho thiếu nhi không hề đơn giản vì nó có những bó buộc nhất định. NSƯT Hải Phượng cho hay: “Đờn ca tài tử có nhiều bài bản nhỏ, tiết tấu của nó nhanh vui, phù hợp với các em nhỏ, đó không phải là hơi Ai, hơi Oán của người lớn. Nó là điệu Bắc, hơi Bắc rất vui. Nếu những bài vắn như vậy có lời phù hợp thì thiếu nhi rất thích”.
Ông Lê Văn Lộc thừa nhận: “Đúng là nếu sáng tác lời thiếu nhi theo đúng quy luật của 20 bản Tổ thì nhiều khi các em sẽ hát không nổi. Và chắc chắn sáng tác cho thiếu nhi không nên có hơi Oán. Do vậy, chúng tôi khuyến khích sáng tác các lời mới dành cho thiếu nhi từ các bài bản vắn như: Duyên kỳ ngộ, Kim Tiền Bản, Long Hổ Hội, Bình bán vắn, Lưu thủy đoạn, Ngựa ô Bắc, Thu Hồ… để các em dễ hát. Lời phải trong sáng, dễ thuộc, phù hợp tâm lý lứa tuổi”.
Với thành phần Ban giám khảo gồm: soạn giả Ngô Hồng Khanh; nhà nghiên cứu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ TS Mai Mỹ Duyên; nhạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh…, cuộc vận động được đánh giá cao về tính chuyên môn. Điều vui mừng nhất của Ban tổ chức chính là khi cuộc thi được phát động chưa lâu thì tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện cuộc thi tương tự. Để tăng tính lan tỏa sau cuộc thi, Ban tổ chức sẽ chọn ra 50 tác phẩm xuất sắc in thành tuyển tập và chọn 12 bản xuất sắc nhất để thu đĩa và phát hành rộng rãi. Dự kiến, năm 2016, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi trên cơ sở cuộc vận động này.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Lộc, để đưa đờn ca tài tử đến gần với thiếu nhi, giúp các em yêu thích di sản nghệ thuật dân gian độc đáo của cha ông thì không chỉ dừng lại ở một vài cuộc thi, liên hoan mà nó cần cả quá trình lâu dài. Quá trình đó cần sự góp sức của những người yêu đờn ca tài tử, của nhà trường và sự chung tay của xã hội để các em được tiếp cận và rèn luyện bài bản. Có vậy mới có thể hy vọng tìm được một thế hệ tài tử “nhí” kế nhiệm các bậc cha chú.