Du dương tù và mục đồng Thụy Sĩ

22/04/2020

Tọa lạc giữa dãy Alps, bốn bề là núi, đồng cỏ, tuyết và mây trắng, Thụy Sĩ từ xưa đã có một nền âm nhạc hết sức phóng khoáng, mang âm hưởng rừng núi, vừa réo rắt, du dương vừa vang vọng, bổng trầm qua các thung lũng. Đặc biệt từ cách đây 500 năm, những người du mục ở Alps Thụy Sĩ đã sáng tạo được một nhạc khí rất độc đáo, tựa như những cái sừng bò, tẩu thuốc khổng lồ, và khi cất tiếng thì ngân xa hàng kilômét. Đó là tù và mục đồng alphorn (kèn sừng) với chiều dài thường gấp đôi một người (3,5 mét), và phần miệng loe ra như một cái chuông đại, với tổng trọng lượng lên tới tám kilôgam, nên phải vác mới di chuyển nổi.

Nhiều người sẽ hỏi tại sao tù và mục đồng alphorn lại to lớn thế?- Bởi vì nó được dùng để gọi các đàn bò vốn rất ồn ào, và bằng những âm thanh dai khỏe song êm dịu, giúp chúng bình tâm vượt qua các sườn dốc tới nơi gặm cỏ, và tại chuồng trại thì đứng yên cho gia chủ vắt sữa. Ngoài ra, nó cũng được thổi nhằm thông báo các tin tức vui buồn trong làng và hiệu triệu mọi người đầu quân, tham gia các trận đánh hay diễu hành vào các ngày Lễ trọng. Do tiếng nhạc náo nức - giục giã, già trẻ lớn bé đều đổ tới xem, và cả nam lẫn nữ đều có thể chung vui, cùng thổi tù và.

Tuy nhiên, để làm một cái alphorn khá khó, và chơi nhạc từ nó cũng rất cầu kỳ. Vì nhạc cụ dài, người ta thường phải đẵn một cái cây lớn, loài vân sam núi, ở độ cao 1.500 mét xuống, và tạo hình ống thuôn dần với một đầu uốn cong như sừng trâu để thành một cái tù và. Loài cây này có đặc điểm là rất dai dẻo và có phần gốc bị bẻ cong do sức nặng của tuyết nên rất tiện cho việc làm miệng “kèn”. Đầu tiên, họ sẽ phải cắt đôi thân cây, cũng có khi cắt ba hoặc hơn, sau đó đục rỗng, nạo mỏng đến khi bề dày chỉ còn bốn đến bảy milimét. Kế tiếp, đánh bóng và gắn chúng với nhau bằng sáp, rồi quấn các loại dây: xưa kia là dây vải, dây thừng vỏ phong, các loại vòng sắt, xương thú, lòng ruột gia súc… và hiện nay là liễu dai hoặc song mây. Ngoài gỗ vân sam, một số nơi cũng làm alphorn từ thông, dương, tần bì, anh đào…, cá biệt là carbon, nhựa, kim loại, chất liệu tổng hợp… Quá trình này thường kéo dài khoảng 70 tiếng, nhằm đảo bảo có một nhạc cụ trơn nhẵn - xinh đẹp. Nhằm giúp tù và dễ dàng đứng vững trên đất khi thổi, họ cũng phải làm một cái chân (đế) chắc chắn từ gỗ cho nhạc cụ. Phần cuối cùng được lắp lên đây là đầu thổi, cho phép ngậm vào thổi hơi. Đến giờ mọi thứ đã hoàn tất, song cũng có khi người chủ vẫn tiếp tục trang điểm rất kỳ công cho nó, bằng nhiều thứ hoa lá sơn vẽ, trạm trổ hấp dẫn. Tựu chung, có đến tám loại alphorn ở Thụy Sĩ, dài từ 2,2 mét tới 4,5 mét, và mỗi độ dài sẽ cho một âm thanh và một cao độ khác nhau. Song thường thấy nhất là alphorn dài khoảng 3,47 mét, lúc thổi cho nốt Fa thăng. Các alphorn khác như 2,2 mét, ứng với nốt Đô, 2,7 mét - nốt Si, 3,0 mét - nốt La giáng, 3,6 mét - nốt Fa và 3,9 mét - nốt Mi…

Do không có lỗ bấm, van (khóa) - như kèn, tiêu sáo, giúp thay đổi các nốt, nên thổi alphorn cần phải huy động rất nhiều kỹ năng - hiểu biết mà chủ yếu là sự luyến láy ở miệng và sự tiết chế cột hơi từ phổi, vòm họng cũng như dòng khí đang luân chuyển trong ống. Để thổi tù và, người chơi phải rung môi, bặm môi rất điêu luyện. Bằng việc rung môi, luồng hơi được thổi vào có sự rung động theo các bước sóng mà phát ra những tiếng kêu khác biệt, ví dụ như rung môi nhẹ và chậm sẽ tạo ra tiếng yếu trầm, trong khi rung môi mạnh và nhanh cho tiếng lớn hơn. Thổi hơi mà không rung môi sẽ cho những tiếng ù ù, không rõ cao độ. Do vậy, người chơi luôn phải tự tạo nên tiếng nhạc bằng cách luyến láy khi thổi, và nhờ các hiểu biết nốt nhạc bằng âm thanh, mà thổi sao để lúc có nốt cao nốt thấp. Khi thổi, các âm thanh và độ cao sẽ đến từ vị trí của môi đang ngậm vào đầu thổi, sự căng cơ (chu môi) và vị trí của lưỡi trong miệng (như đang nằm ngang, uốn lên hay uốn xuống), và mỗi độ xê dịch, rung chuyển ở đây đều ảnh hưởng đến kết quả âm thanh. Đơn cử chỉ cần mím môi, thổi nhẹ một cái sẽ tạo ra một nốt nhạc như thể tiếng con vật gọi bạn tình, thổi mạnh hơn là tiếng gió - tre nứa vi vu. Và nếu ngứa ngáy mà nháy mép vài lần sẽ cho một giai điệu tương tự như bài Twinkle Little Star. Thế nhưng, dù kiểu gì, alphorn cũng phát ra trong khoảng 12 tông nhạc; âm thanh cũng rất ngọt ngào - dìu dặt, nhất là khi được vọng qua núi đồi, ao hồ. Càng nghe xa càng hay, càng ở chỗ rộng, tiếng kêu càng hùng tráng - lan tỏa, vì thế mọi người luôn thổi nó trên núi, chúc xuống các thung lũng. Họ làm vậy vì kích cỡ của tù và quá khổ, tiếng to lớn và vì ở trên cao, nơi rộng thoáng mới phát huy được sức mạnh, ưu điểm của nhạc cụ, đồng thời thoải mái trình bày tùy ý, ngẫu hứng các cung bậc cảm xúc. Thành thử, alphorn là một nhạc cụ của sự độc lập- tự do, rất hợp với những ai thích một mình và vẻ cô tịch, tĩnh lặng của thiên nhiên, rừng núi.

Chơi alphorn khá khó, cần phải rèn luyện bền bỉ. Thứ nhất là tập giữ hơi vì thổi một cây kèn đã mệt, song thổi tù và còn mệt hơn. Người chơi rất dễ hụt hơi giữa chừng khi còn chưa cất lên được một tiếng nào, vì cái tù và mục đồng thường dài tới 3,5 mét, chưa kể đến những cái siêu khủng, cao bằng cả tòa nhà và người ta có thể đứng trên nó. Thứ hai là tập thổi bằng các cơ miệng. Các cơ môi phải rèn luyện sao cho thật linh hoạt, bám sát đầu thổi. Thế nhưng, tuyệt đối không được ép môi lên đó, vì nếu tỳ vào đầu thổi chặt quá hay nâng lưỡi lên cao quá, sẽ làm giảm dòng khí vào tù và hoặc tạo nên những nốt cao, vang chói. Cũng tránh thổi phồng má, gật gù, lúc lắc mà luôn giữ ở một tư thế nhẹ nhàng, thoải mái - đứng thẳng, nhìn thẳng, tập trung vào hơi thở, thậm chí nhắm mắt, thả hồn như đang thiền định. Mọi cử động chỉ được phép ở môi, lưỡi, hàm dưới, cơ quanh miệng cùng cơ hoành...  Có thể nói gần như tất cả việc thổi alphorn đều phụ thuộc vào cách người thổi. Nếu thổi đúng cách, âm thanh sẽ rất lớn và vang xa mười kilômét. Mặc dù vậy, cả trai lẫn gái vùng núi Thụy Sĩ đều thổi rất giỏi alphorn. Ngoài thổi để phục vụ đồng áng, giải trí, cầu nguyện, họ cũng tổ chức thi thổi alphorn, và từ biểu diễn solo cũng thành lập các ban nhạc hòa tấu, tạo nên một không khí rất rộn rang - sôi nổi. Ban đầu, alphorn chỉ phổ biến ở một số vùng ven hai sườn đông tây dãy Alps, song dần dần đã phát triển khắp nơi và trở thành một nhạc cụ dân gian nổi tiếng cả nước.

Có lẽ nhạc cụ lúc đó được làm rộng rãi để buôn bán, trao đổi. Sau khoảng 130 năm gắn bó với nông nghiệp, đến năm 1653 nó đã được dùng trong thời chiến để hiệu triệu người dân ra trận, đồng thời từ núi cũng lan xuống các vùng đồng bằng, thành thị khi nông dân vào đông nhàn, đem những cái tù và tới các thành phố để biểu diễn kiếm tiền, thi đấu dành giải thưởng. Từ thế kỷ 18 - 19, người ta còn viết nhạc cho alphorn, để nó không chỉ là những khúc nhạc ngẫu hứng nữa, mà là những bài bản lớn về đồng quê để ai nấy học tập và cùng chơi. Một trong các nhạc sĩ đầu tiên viết giao hưởng cho alphorn là Leopold Mozart với Symphony Pastorella, rồi Johannes Brahms với Symphony 1 (C-moll)… Thế nhưng, vì cồng kềnh, cộng với việc chăn nuôi và sản xuất sữa được thay thế bằng nhiều phương pháp hiện đại, nên nhạc cụ này đã từng bị lãng quên hoặc chỉ được chơi trong những phút tiêu dao, thư thái hay lễ hội truyền thống. Không thể để mất di sản vô giá này, vào các năm 1820, thị trưởng thành phố Bern Niklaus von Mulinen đã đưa các loại alphorn cho các nhạc sĩ nổi tiếng tại các thành phố chơi và biểu diễn ở gần như tất cả các sự kiện lớn nhỏ, nhờ thế alphorn vẫn sống còn và nhanh chóng trở thành biểu tượng của Thụy Sĩ đầu thế kỷ 20. Đến nay, vì vẻ độc đáo, tự tôn cũng như lãng mạn, êm ái của nhạc cụ, ngoài nông dân du mục ở miền núi, ngày càng có nhiều người, gồm cả khách quốc tế đến với nó, và hiện tại có tới 1.800 nghệ sĩ thổi alphorn chuyên nghiệp ở Thụy Sĩ. Họ thường biểu diễn tại các lễ hội dân gian, vừa mặc trang phục truyền thống vừa thổi alphorn cuốn hút. Đặc biệt vào tháng bảy hàng năm, ngày Quốc khánh Thụy Sĩ cùng các dịp lễ Tết, tại thị trấn Nendaz và nhiều khu vực quanh thung lũng sông Rhone luôn có hàng nghìn người yêu thích alphorn từ khắp nơi tụ tập, vác tù và lên núi biểu diễn. Cả thung lũng ngập tràn trong muôn sắc áo, sắc hoa rực rỡ, nhưng ở đâu cũng thấy những cái tù và cao kều di động hoặc nằm phơi nắng, đợi thổi từng dãy dọc đường cho đến tận đỉnh núi. Ngoài thổi alphorn phục vụ du khách, luôn có nhiều cuộc thi làm, thổi tù và giật giải. Để đảm bảo chấm điểm công tâm, ban giám khảo sẽ ngồi khuất sâu trong một căn lều kín mít, cho không ai thấy mặt thí sinh dự thi, vì người nào cũng thổi hay tuyệt.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...