Đồng vọng âm thiêng đại ngàn

21/01/2013

 Tôi đến làng Mơ Hơra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang lần đầu vào hồi đầu th­­­­­áng 6/2004 trong đợt điền dã xây dựng hồ sơ cồng chiêng trình UNESCO. Đây là miền đất được xếp vào loại vùng xâu vùng xa của tỉnh Gia Lai, nơi cư trú tập trung đồng bào Bah Nar với nhiều nhóm khác nhau rải rác khắc các vùng đồi núi điệp trùng.

Chuyến công tác ở Mơ Hra lần đó cũng là điểm cuối cùng trước khi kết thúc 1 tháng lăn lộn trên Trường Sơn- Tây Nguyên. Một chuyến điễn dã kéo dài suốt mùa mưa khắc nghiệt đan xen, trộn lẫn cùng nắng gió dữ dội trên cao nguyên. Dù trước đó đã nghe nói về vẻ đẹp hùng tráng của nghệ thuật cồng chiêng Bah Nar, nhưng tôi cũng không khỏi choáng ngợp khi trực tiếp cảm nhận hệ thống những âm thiêng của núi rừng Trường Sơn. Suốt mấy ngày ăn cùng ở cùng đồng bào trong làng, tận mắt chứng kiến lễ Ăn trâu mừng lúa mớisống động, cảm giác hào sảng thật xốn xang lòng người. Dàn cồng chiêng Bah Nar là một trong những biên chế thuộc vào dạng lớn nhất trên Tây Nguyên, có thể lên tới 16 đơn vị cồng chiêng. Nếu tính cả trống cái, trống nhỡ, trống con, chũm chọe cùng sự hòa nhịp của những chùm lục lạc rộn rã, dàn nhạc sẽ đặt tới con số 22 đơn vị thành viên. Trong dàn thanh âm hùng vĩ ấy, người nghe có thể cảm nhận được sự hòa quyện của hiệu ứng đa âm đồ sộ mà tinh tế, kinh điển mà hoang dã, hùng tráng mà sâu lắng trữ tình. Trong những ngày điễn dã ngắn ngủi đó, cả đoàn tranh thủ tập trung ghi chép, thu thanh, thu hình toàn bộ những gì có thể về văn hóa cồng chiêng cùng những giá trị âm nhạc khác trong không gian thiêng. Thời gian gấp gáp, cũng chả có mấy lúc thư nhàn mà giao lưu chơi bời với đồng bào, khoảng cách giao tiếp vẫn còn e dè lắm. Đến chiều ngày cuối cùng, xong việc, ông chủ tịch xã giục chúng tôi rút quân khẩn trương vì trời bắt đầu có dấu hiệu nổi giông. Nếu không ra kịp, lũ về sẽ ngập tràn 3 con suối trên đường đi, cắt đứt tuyến giao thông duy nhất ra quốc lộ. Trong đoàn, tôi là người xếp đồ đạc cuối cùng với mấy chiếc đàn goong, k’ny, đinh đuk lỉnh kỉnh do các nghệ nhân tộc người trao tặng, vừa xong thì xe nổ máy thúc giục lên đường. Chả kịp chạy ra nắm tay tạm biệt đồng bào, tâm trạng cuống quít, tôi đành hướng ra phía nhà rông, bất giác dang tay hú lên 1 tiếng dài thay cho lời từ biệt, lập tức cả đội cồng chiêng cùng lũ làng đồng thanh hú lên vang vọng đáp trả. Khi xe bắt đầu chuyển bánh, những chàng trai vẫn trong trang phục khăn khố nghi lễ, trước đó còn ngại ngùng đứng xa, giờ bất chợt lại đuổi theo xe tiễn biệt. Tôi thò đầu ra vẫy chào, các em kẻ tóm tay, người tháo vội chiếc vòng tre gắn ngù bông trên đầu chụp vội vào đầu tôi. Cảm xúc chợt chan chứa, nghẹn ngào, không thể nào quên giây phút chia tay lưu luyến đó!

 Tôi cũng may mắn được trở lại Mơ Hơra 2 lần vào tháng 1/2006 và tháng 11/2007 trong những dịp bổ xung tư liệu và làm phim về cồng chiêng Tây Nguyên, đó là những chuyến điền dã ngắn ngày. Đến tháng 11/2012, tôi lại được về Mơ Hra một lần nữa cùng đoàn VTV5 trong chương trình làm phim tài liệu nghệ thuật. Bẵng đi 5 năm xa cách, người xưa cảnh cũ với biết bao kỷ niệm chợt ùa về trong từng đoạn đường mòn, từng con suối, những ngôi nhà sàn xiêu vẹo cũ kỹ. Cuộc sống vẫn vậy, dòng đời cứ cuồn cuộn cuốn đi với biết bao khó khăn nhọc nhằn của một vùng miền núi. Nơi đây, cái đói nghèo, nỗi nhọc nhằn lam lũ dường như đóng băng với nương rẫy, ruộng đồng, với cái nắng cái gió khắc nghiệt. Người Bah Nar làng Mơ Hra cũng chả quan tâm mấy đến cái danh hiệu lớn lao được UNESCO phong tặng. Và, có lẽ cũng chả hiểu gì về cái gọi “chương trình hành động bảo vệ di sản” của quốc gia. Già trẻ trai gái lớn bé vẫn bằng lòng với nắng gió, bám trụ với số phận như tổ tiên của họ từ nghìn đời nay. Thi thoảng, tỉnh gọi, nhà nước cần, lũ làng lại nhóm họp ở nhà rông bàn việc, rồi các nghệ nhân lại xúm xít tập hợp, cơm đùm cơm nắm, cho cồng chiêng vào bao tải kéo nhau lên Pleiku để tham gia trình diễn trong những dịp festival này nọ. Xong việc, ai lại trở về việc nấy với làng với rẫy, bám đất kiếm hạt gạo, cây bắp, củ khoai mì mà sinh tồn. Về làng lần này, gặp một cậu bé chừng 10 tuổi, chợt nhận ra đó là nghệ nhân nhí nổi tiếng với vũ điệu múa trống bốc lửa, từng làm rúng động giới truyền thông cả nước ở festival cồng chiêng Pleiku 2009. Gặng hỏi cu cậu đã xem hình của mình hồi đó chưa? Bé lắc đầu cười hiền lành. Cũng may anh em trong đoàn đi có nhiều Ipad, chúng tôi lên mạng tìm lại đúng bức ảnh năm xưa, cậu chàng ngó qua, cười ré xác nhận rồi chạy mất.

Trước khi bấm máy ghi hình, tôi tiến hành kiểm tra bộ cồng chiêng năm xưa. Chợt nhận ra chiếc chêng Chê (chiếc cồng lớn thứ 2) và một vài chiếc ching (chiêng giai điệu) khác trong dàn đã bị sai âm. Thêm nữa, chiếc chêng B’bết Iê (chiếc cồng trong bộ phận hòa âm) cũng bị vỡ từ lâu, nhưng không có cách nào thay thế. Hỏi các nghệ nhân, mới hay việc cồng chiêng sai âm ai cũng biết, nhưng từ lâu rồi làng không có người biết chỉnh âm cồng chiêng, đành chịu vậy! Cũng may, từ nhiều năm nay tôi đã học được kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng, và cũng đã từng thực hành vài lần với nhiều trường hợp khác nhau, trong đó có cả các dàn cồng chiêng tộc người. Không có đồ nghề chuyên dụng, tôi đành mượn tạm những dụng cụ sửa xe có sẵn của cậu lái xe trong đoàn làm phim, cũng dùng được. Sau độ gần một tiếng căn chỉnh, cuối cùng những chiếc cồng chiêng sai âm được trả về đúng cao độ truyền thống, các nghệ nhân và già làng vui lắm! Dù thiếu chiếc cồng hòa âm B’bết Iê, nhưng dàn nhạc vẫn diễn tấu cho chúng tôi ghi hình ổn thỏa. Những âm thanh sống động của núi rừng cùng vũ điệu rực lửa của các nữ vũ công Bah Nar thực sự làm rung chuyển trái tim những chàng trai Hà Nội. Không nín được, cậu kỹ thuật viên của VTV5 bảo tôi rằng: “Em không thể tưởng tượng được khi nghe trực tiếp, cồng chiêng Tây Nguyên lại rạo rực, bốc lửa đến vậy, hay quá anh ơi!”

Bên cạnh cồng chiêng, đoàn làm phim cũng tiến hành ghi hình quy trình sản xuất, biểu diễn các nhạc cụ tre nứa như Goong, K’ny, Hihơ, Tơ rưng… cùng các nghệ nhân hát dân ca khác. Đáng buồn là trữ lượng di sản còn lại nơi đây khá ít. Cuộc sống ngày càng biến đổi nhanh chóng, sự xâm thực mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa “mới” là điều khó có thể cưỡng lại. Mọi động thái của chương trình hành động bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng vẻ như bất lực. Thanh niên các tộc người ngày một quay lưng lại với vốn liếng cổ nhạc Tây Nguyên. Ở bộ phận nghệ nhân quyết bám trụ giữ nhạc tổ tiên thì đây, những dàn cồng chiêng hư hại, không ai có thể giúp đồng bào chỉnh sửa, thay thế kịp thời. Người hiểu chuyện không hiếm nhưng lực bất tòng tâm, tiền bạc và chính sách vẫn chưa thể với tới những vấn đề cụ thể, những nhu cầu thiết thực cần và đủ trong công cuộc bảo tồn, đành lòng vậy!

Chiều ngày cuối cùng ở Mơ Hra, nghệ nhân Đinh Hmưng, một trong những trụ cột của đội cồng chiêng ngỏ ý với tôi rằng ông có một chiếc chêng Lao (cồng Lào) cỡ lớn. Chiếc cồng có tuổi đời vài chục năm, là sở hữu chung của làng nhưng đã bị mất tiếng từ lâu. Giờ nếu lấy lại được tiếng, nó sẽ được dùng thay thế vào vị trí chủ âm (chêng Glụh) trong dàn cồng chiêng của làng. Thế nhưng công việc cứ cuốn đi đến tận lúc trời tối mịt, cả đoàn thấm mệt phải trở ra huyện nghỉ để hôm sau tiếp tục sang địa bàn mới, tôi đành hẹn Đinh Hmưng dịp khác sẽ quay lại. Đêm đó nghĩ lại, trằn trọc không sao ngủ được, ngẫm đời mình không biết bao giờ mới có cơ hội quay lại nơi này. Sáng ra, sau khi tính toán công việc hợp lý, tôi quyết định sau bữa cơm trưa sẽ tách đoàn, một mình quay trở lại Mơ Hra để thực hiện lời hứa với nghệ nhân cho trọn tình trọn nghĩa. Trước khi đi, không quên mượn búa của cậu lái xe và mua thêm lọ RP7 phòng khi cần tẩy rỉ sét kim loại. Xách ba lô cùng các “đồ nghề” vào làng, bắt gặp cả đội cồng chiêng đang mổ con lợn nhỏ khao làng, thêm dăm bảy lít rượu, cũng vừa với số tiền thu lao vốn không nhiều do đài truyền hình chi trả. Người không tham dự cũng được chia vài ba miếng thịt gói trong lá chuối, số còn lại sẽ được bày biện ở nhà rông vào tiệc rượu buổi tối. Thấy tôi quay lại, các nghệ nhân cả mừng! Đội trưởng cồng chiêng Đinh Jrơn liền tập hợp ngay những người có thể giúp việc. Và, chêng Lao được khiêng ra thềm nhà rông. Với trọng lượng khoảng cỡ 7-8kg, chiếc cồng cổ xưa nặng hơn nhiều so với chiếc chêng Glụh đang dùng trong dàn. Việc đầu tiên, tôi nhờ các trai làng đi tìm lá chuối khô, dùng để đánh sạch các lớp ôxy hóa trên bề mặt cồng sau khi xịt đẫm dầu RP7. Sau đó, mới tiến hành “bắt bệnh/ chữa bệnh” cho chiếc cồng. Cũng dễ tới gần 2 tiếng đồng hồ gò đập căn chỉnh, cuối cùng chêng Lao đã có thể vang vọng thanh âm vốn có, cao độ lấy lại vừa vặn bằng đúng chủ âm của bộ cồng chiêng đang dùng. Không thể tả được niềm hạnh phúc của cả người chỉnh âm lẫn những chủ nhân cồng chiêng. Già làng cùng các nghệ nhân nhất quyết bắt tôi phải vào nhà rông uống chén rượu mừng trước khi chia tay. Về chuyện thay thế chiếc cồng vỡ, ở Hà nội tôi vốn quen một cơ sở sản xuất và buôn bán nhạc cụ dân tộc, trong đó có rất nhiều cồng chiêng nguyên bộ hay đơn chiếc. Với số liệu đo đạc cùng phương tiện kỹ thuật hiện đại, hy vọng việc mua chiêng thay thế chính xác là điều có thể thực hiện. Khi chia tay, dù hứa hẹn sẽ giúp đỡ, nhưng thú thực tôi cũng chưa biết tính cách nào để gửi hàng tới tận tay dân làng. Bởi sự bảo quản bưu phẩm cùng quãng đường miền núi xa xôi hẻo lánh là vấn đề khá phức tạp. 

Đội cồng chiêng với chiếc cồng Lào đã lấy lại tiếng

Trở ra Hà Nội được ít bữa, thật may mắn, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ- một chuyên gia về sử thi Tây Nguyên, hiện là Trưởng Phòng nghiệp vụ Sở VHTT&DL Gia Lai gọi điện nói rằng anh sẽ ra Hà Nội công tác, hẹn sẽ mang cồng về cho Mơ Hra. Ngay khi nhận được tin, tôi lập tức liên lạc với cơ sở bán cồng chiêng. Cũng phải mất cả buổi chiều cùng anh chủ cửa hàng đo đạc kích thước, lựa chọn căn chỉnh tần số âm thanh mới lựa được 2 chiếc cồng, một chiếc thay thế, một chiếc bổ sung phù hợp với dàn cồng chiêng Mơ Hra. Yêu cầu đặt ra là những chiếc cồng mới phải vừa đúng với tần số cao độ tương thích, lại vừa có đường kính thích hợp sao cho các cồng thành viên to nhỏ có thể lồng xếp vào nhau vừa vặn theo thứ tự để tiện cho nghệ nhân mang vác di chuyển. Tiện thể, tôi cũng ra hàng sắt, thuê thợ hàn thửa một chiếc búa chỉnh chiêng theo đúng kiểu mẫu phổ biến trên Tây Nguyên để những mong thời gian tới, bà con sẽ có thể học để tự chỉnh âm chiêng cồng. Xong xuôi đâu đấy, tôi gọi điện báo tin cho Đinh Lân- trưởng thôn Mơ Hra để chuẩn bị lên Pleiku nhận hàng.

Buổi sáng hôm Tuệ về Gia Lai, ước chừng thời gian máy bay hạ cánh, tôi điện thoại về Mơ Hra, Đinh Lân nói đã chờ sẵn từ sáng sớm, sẽ đèo già làng Đinh Jrơn chạy xe máy lên Pleiku nhận hàng ngay. Đúng 2g chiều, Tuệ gọi điện báo tin các nghệ nhân đã có mặt ở Sở và rất xúc động khi nhận quà từ Hà Nội. Sau khi chia vui, tôi cũng không quên dặn anh đừng để mọi người uống rượu mừng quá chén, vì biết họ còn phải trở về trên quãng đường dài đến cỡ 100km từ Pleiku về Mơ Hra… Thấp thỏm chờ đợi, quãng hơn 6g tối, Đinh Lân gọi điện nói anh và già làng đã về đến Mơ Hra an toàn, tôi thở phào nhẹ nhõm! Ngay chiều tối hôm đó, Nguyễn Quang Tuệ đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook bức ảnh chụp anh với già làng Đinh Jrơn cùng món quà yêu thương. Nhìn gương mặt hốc hác đường xa của bok Đinh Jrơn, thật không khỏi dâng trào cảm xúc!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ và nghệ nhân Đinh Jrơn với món quà từ Hà Nội

Cũng đêm khuya hôm đó, thông qua trang mạng Facebook, một bạn phóng viên báo nọ nhắn tin cho tôi đặt bài phỏng vấn gấp. Đại ý hỏi “Anh có thể vui lòng chia sẻ việc làm của mình không? Xuất phát từ ý tưởng nào mà anh làm điều này? Anh đúc mới chiêng tặng đồng bào hay đi tìm mua ở những cửa hàng bán đồ xưa, đồ cổ? Ngoài làng Mơ Hra, anh còn dự định tặng những làng nào khác? Anh có định huy động mọi người quyên góp tiền để mua chiêng (và những nhạc cụ dân tộc khác) để tặng đồng bào không?” Rất trân trọng bạn phóng viên, nhưng thú thực không biết trả lời thế nào, công việc bộn bề mỏi mệt, khó nói! Tôi không phải nhà quản lý, không có quyền hoạch định chính sách văn hóa hay kế hoạch bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi chỉ làm phận sự người trò nhỏ, trả lại những tri thức, những âm thiêng của đại ngàn Trường Sơn về với các bậc thầy nghệ nhân Tây Nguyên- những người đã dạy tôi đánh cồng chiêng năm xưa, đã trao cả một kho tàng kiến thức quý giá mà tôi đã đúc kết trong công trình nghiên cứu của mình!

(Nguồn: siphubacha.multiply.com)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...