Đờn ca tài tử (tóm lược)
Lời mở đầu:
Đờn Ca Tài tử là một loại nhạc thính phòng đặc biệt với phong cách miền Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về xuất xứ của Đờn Ca Tài tử thì nguồn gốc đi từ Ca Huế. Nghệ sĩ Đờn Ca Huế trong phong trào Cần Vương đã rời miền Trung vào Nam. Trong Nam, nhiều nghệ sĩ nổi danh nhờ học nhạc Huế và được coi là “chủ soái” của Đờn Tài tử trong các tỉnh.
Định nghĩa:
Phần đông khi nhắc đến Đờn Tài Tử thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian và của những người nghiệp dư. Thực ra “Tài Tử” có nghĩa là người có tài (dập dìu tài tử giai nhân … Tài tử giai nhân tế ngộ nan). Người đờn Tài Tử không dùng nhạc Tài Tử làm kế sinh nhai. Khi nào thích đờn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đờn chơi. Ai biết đờn cũng có thể đờn ca tham gia được. Dầu vậy mà trình độ nghệ thuật của Đờn Tài Tử không thấp. Muốn trở thành người Đờn Tài Tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu.
Về nhạc khí:
Các nhạc khí dùng trong Đờn Tài Tử đều giống như các nhạc khí dùng trong Ca Huế nhưng trong Nam ít dùng đờn Tỳ Bà. Cây đờn Tam cũng ít người thích học và ngày nay kể như đã thất truyền, chỉ còn nghệ sĩ Nhứt Dũng còn sử dụng được. Và trong Nam từ năm 1927 -1930, có thêm hai cây đờn của phương Tây được dùng để đờn Tài Tử là Mandoline và Violon. Sau một thời gian thể nghiệm thì có thêm hai nhạc khí khác nữa là Guitar Hạ-Uy-Di và Guitar Tây-Ban-Nha. Từ cây đờn của nước ngoài, nhạc công Việt Nam đã biến thành cây Guitar phím lõm nói được trung thực và nhuần nhuyễn nhạc ngữ Việt Nam. Đến ngày nay, trong một nhóm Đờn Tài tử phải có mặt cây đàn Guitar phím lõm.
Các nhạc khí chánh là đờn Kìm (Nguyệt), đờn Tranh (Thập lục), đờn Cò (đờn Nhị), đờn Độc huyền (đờn Bầu), đờn Guitar phím lõm, có thể đờn độc tấu đờn Kìm hay đờn Tranh. Nếu chỉ có hai cây đờn Kìm và đờn Tranh thì gọi là song tấu. Thêm vào cây đờn Cò là Tam tấu. Ngày trước nếu có cả đờn Tam và Tỳ Bà thì cũng gọi là Ngũ Tuyệt như miền Trung, nhưng sau này thì không dùng hai nhạc khí đó nữa mà thay vào bằng đờn Độc huyền và Guitar phím lõm. Trong những năm gần đây, khi có những cuộc thi Đờn Ca Tài Tử thì dàn nhạc gồm có bốn nhạc khí: Kìm, Tranh, Cò và Guitar phím lõm.
Có nhiều nhạc khí khác được dùng như: cây đờn Sến (hai hoặc ba dây), ống Sáo, ống Tiêu và cây đờn Violon (cách cầm đờn, kéo cung, lên dây khác hơn những bản phương Tây).
Ngôn ngữ âm nhạc:
Thang âm cơ bản có 5 âm chánh: hò-xự-xang-xê-cống (sol-la-đo-rê-mi hay do-re-fa-sol-la) và hai âm phụ: xư (si), phan (fa). Nhưng trong âm nhạc Tài tử, thang âm dính liền với điệu thức và mỗi âm không có cao độ tuyệt đối mà chỉ có cao độ tương đối. Mỗi âm còn có thể gọi là “non” khi cao độ thấp hơn âm thường dùng, và gọi là “già” khi cao độ cao hơn âm thường dùng. Quãng cao hơn không phải bằng ¼ âm hay là bán âm, mà độ cao thấp do nghệ thuật quyết định. Do đó cấu trúc âm thanh là “động” mà không “tịnh”, nét nhạc “mở”mà không “đóng”.
Mỗi điệu thức còn có những “hơi” đặc thù, như trong điệu Bắc có 3 hơi : Bắc – Quảng – Nhạc, điệu Nam có 3 hơi: Xuân – Ai – Đảo.
Tiết tấu thường có nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu hoặc ba mươi hai, mà không có loại nhịp ba.
Bài bản trong Ca nhạc Tài tử chia ra làm bốn loại:
- Sáu Bắc: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Tây thi, Cổ bản, Bình bán chấn và Xuân tình chấn (cũng có khi gọi Xuân tình điểu ngữ)
- Ba Nam: Nam xuân, Nam ai và Đảo ngũ cung
- Bốn oán: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Phụng cầu và Giang Nam
- Bảy bài lớn: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.
Có thêm những bài buồn khác như: Văn thiên tường, Trường tương tư (mà có người nghệ nhân cho rằng thuộc về hơi Ai oán).
Và đặc biệt nhứt là bài Vọng Cổ rất được thông dụng trong nhiều tình huống như trong tỏ tình (tình yêu chân thật hay “trêu hoa, ghẹo nguyệt”), than thân trách phận …
Quan điểm thẩm mỹ: Có hai quan điểm rất quan trọng
1. Chân phương - hoa lá, tức là khi học đờn phải học bài bản cơ bản, có “lòng bản” cố định không được thay đổi, nhưng khi biểu diễn phải thêm hoa thêm lá cho nét nhạc thêm duyên.
2. Phát triển nét nhạc tuân theo dịch lý: biến dịch (luôn luôn thay đổi), bất dịch (không được thay đổi), giao dịch (thay đổi khi gặp một đối tượng).
Nơi và cách biểu diễn:
Nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê
Ngày trước nghệ sĩ biểu diễn trong gian phòng nhỏ của một tư gia, trên một chiếc thuyền hay trên một chiếc chiếu trải ngoài sân trong những đêm trăng sáng. Trước khi vào bản thường có những câu Rao. Sau này người ta thường mời Ca Tài tử giúp vui trong những bữa tiệc như đám hỏi, đám cưới hay khao một người thi đậu. Số thính giả đã bắt đầu tăng lên và số người đồng điệu ít đi. Vì vậy trước kia người Đờn Tài Tử thường đờn với cả tâm hồn của mình mà không bao giờ lấy tiền thù lao. Sau này thì người đờn chỉ cốt sao cho đủ bài bản và đáng với số tiền người ta thuê. Như vậy Đờn Tài Tử trước kia là không chuyên nghiệp, bây giờ đã thành bán chuyên nghiệp.
Kết luận:
Đờn Ca Tài Tử là một sinh hoạt nghệ thuật gắn liền với cuộc sống ở miền Nam, không phải chỉ nghệ nhân, nghệ sĩ biết và ưa đờn Tài Tử mà những người lao động, đặc biệt thời đó là những người thợ hớt tóc, những người chèo đò rất thích loại hình nghệ thuật này. Nếu xem xét về mặt nhạc thuật có những điểm rất hay mà trong khuôn khổ bài này không thể giới thiệu trong chi tiết.
Đờn Ca Tài tử là truyền thống nên duy trì và phát triển.
Bình Thạnh, ngày 06-09-2010
GSTS Trần Văn Khê