Đôi Mắt Người Sơn Tây – nàng là ai?
Bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, được người yêu thơ thuộc nằm lòng. Quang Dũng là nhà thơ thời tiền chiến có nhiều bài thơ hay, trữ tình như: Tây Tiến, Đôi bờ, nhưng Đôi mắt người Sơn Tây là một bài thơ được nhiều người ái mộ. Bài thơ như nói lên cuộc gặp gỡ đượm màu chia ly giữa nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen nhau và chia tay giã biệt – một cuộc tình buồn ngắn ngủi:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Như vậy người con gái nầy chắc hẳn ở Sơn Tây, và đã gặp nhà thơ? Nhưng nàng là ai, tên gì, làm gì, ở đâu? Nhiều giai thoại cho rằng Quang Dũng quen người con gái Pháp (vì có câu “Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”) nhưng Tây Phương cũng là địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày ấy (nay là tỉnh Hà Tây) với ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng (bài thơ Mười hai vị La Hán ở chùa Tây Phương của Huy Cận).
Trong lịch sử thi ca đã có nhiều thiếu nữ làm ngẩn ngơ bao người thưởng ngoạn, luôn cả các văn nhân thi sĩ như chuyện của nàng T.T.Kh tác giả bài Hai sắc hoa Tigôn, hay hình ảnh người con gái trong Tống biệt hành của Thâm Tâm (Em nhỏ thơ ngây đôi mắt biếc/ gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…) đã làm các nhà phê bình tốn bao nhiêu giấy mực. Thời kháng chiến ngoài những bài thơ trữ tình kể trên, Quang Dũng còn có những bài thơ khác cũng hay như bài Những làng đi qua:
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm khói thuốc bạch đầu quân
Quang Dũng là người đa tài, có thời gian nhà thơ sống bằng nghề vẽ tranh, làm nhạc công cho gánh hát… Trong kháng chiến, có lần Quang Dũng tham dự cuộc triển lãm hội họa với bức tranh tựa đề Gốc bàng. Ông còn soạn cả nhạc nữa, bài Ba Vì mờ sương được nhiều người hát trong thời kháng chiến:
Ba Vì mờ cao
Làn sương chiều xa buông
Gió về hương ngát thơm
Đưa hồn về đâu…?
Trở lại chuyện người con gái Sơn Tây, theo nhạc sĩ Phạm Duy (bạn học của Quang Dũng ở trường Thăng Long Hà Nội - Quang Dũng ngồi sau Phạm Duy hai hàng ghế, người to con nhưng rất hiền) kể lại lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trung đoàn Tây Tiến đóng quân ở Hoà Bình. Vừa được nghỉ phép, về thăm gia đình ở Phùng thuộc tỉnh Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người tình cũ tên là Nhật. Người tình nầy, còn có một mỹ danh nữa là Akimi, nàng có hàng cà phê trong vùng cách mạng mà ông thường hay ghé uống. Nàng chính là người đẹp Sơn Tây, nguồn cảm hứng dạt dào cho Quang Dũng viết bài Đôi mắt người Sơn Tây, ông đã tặng nàng bài thơ có câu: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương”.
Akimi Nhật sống cùng mẹ, trong cái quán nước đơn sơ nầy, nhà thơ thường hay lui tới, có lần Quang Dũng sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng và dán lên vách nứa:
Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước kênh đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…
(đây là bài thơ mới phát hiện sau nầy do chính bà Nhật – định cư ở Hoa Kì cung cấp).
Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp, lãng mạn của người con gái, tuy rằng không thấy mặt… Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng, thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi.
Sau nầy, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình. Tới 1954, nàng di cư vào Nam, sống ở Sài Gòn, một thời là kiều nữ của nhà hàng Tự Do, đến 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ…
Bài thơ càng nổi tiếng như cồn ở miền Nam, khi cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc qua cung thứ rất hay (bài hát nầy ai cũng nhớ qua giọng hát truyền cảm của nam danh ca Duy Trác). Có người ngạc nhiên khi thấy ông phổ một lượt tới hai bài thơ trong đó: đoạn đầu ad lib lại lấy Đôi bờ (Thương nhớ ơ hờ... thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài, mắt em... ôi! mắt em xưa có sầu cô quạnh. Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai…) phần sau là phần chính, phổ từ bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây, cách phổ nầy rất hiếm, rất độc đáo trong âm nhạc.
Chính người đẹp Akimi, là nguồn cảm hứng dạt dào cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng và Phạm Đình Chương là người có công đã chấp cánh tiếp cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người…
Hai bài thơ của Quang Dũng:
Đôi bờ
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lơp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự
Bên này em có nhớ bên kia
Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông lạnh bến tề
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
Ðêm đêm sông Ðáy lạnh đôi bờ
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ
Xa quá rồi em người mỗi ngả
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Đôi mắt người Sơn Tây
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
Bao giờ trở lại làng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?