Đôi lời về bài chòi Trung bộ Việt Nam

13/12/2017

Thưa các bạn, ngày mùng 7 tháng 12 năm 2017, Bài chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO vinh danh vào danh sách "Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu Đại diện của nhân loại". Đây là niềm vui và sự tự hào của nhân dân cả nước. Tôi xin gửi tới các bạn bài viết này, như một lời giới thiệu về di sản, giúp các bạn chưa có dịp tiếp cân với Bài chòi có được một cái nhìn ban đầu.

Bài chòi là Hội chơi đánh bài phổ biến rộng rãi trong đời sống cư dân 9 tỉnh miền Trung Việt Nam là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa từ rất lâu đời.

Thời gian tổ chức hội chơi phải vào các ngày từ mùng 2 đến mùng 5 tết Nguyên Đán hàng năm. Khi chơi người ta phải dựng từ 9 đến 11 chòi bằng tranh, tre. Mục đích để người tham gia cuộc chơi ngồi vào đó mua thẻ đánh bài. Khi chơi, ai có 3 con bài khớp với tên 3 con bài nọc (bài trùng) do người rút thẻ xướng tên sẽ trở thành người trúng thưởng.

Nếu câu chuyện Bài chòi chỉ dùng lại ở đấy, thì Bài chòi chẳng có giá trị văn hóa nghệ thuật gì cả. Nó cũng giống như tất cả các kiểu đánh bài khác - chơi bài ăn tiền.

Tuy nhiên giá trị văn hóa của Bài chòi, sự hấp dẫn quần chúng của Bài chòi lại nằm ở nghệ thuật trình diễn và tài hô hát của những người xướng tên con bài bằng các điệu hát dân gian sinh ra ngay trong cuộc chơi bài. Những người xướng tên con bài được gọi là các "anh chị hiệu". Các anh chị hiệu là những người nghệ sỹ cộng đồng, được cộng đồng mến mộ. Họ có giọng hát hay, có tài đặt lời ca.

Nội dung lời ca mà họ đặt ra là những câu hát gần gũi, bóng gió với tên con bài để người chơi suy đoán nó là con bài gì. Tuy nhiên những câu hát đó còn phản ánh muôn mặt đời sống xã hội của người dân vùng Bài chòi. Ví dụ như:

Hát tên con bài Bảy thưa:

Ngồi buồn nghĩ chuyện đời nay
Trai tài gái sắc sao tày ngày xưa
Đời nay ăn sớm ngủ trưa
Ngồi lê mách lẻo bỏ thưa việc nhà

Hát tên con bài Bảy hột:

Còn duyên mua thị, bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Còn ba bảy hột để lùi cho em.

Hát tên con bài Bảy liễu:

Em nghe anh tỏ lời này
Em đòi để bỏ chuyện rày sao nên
Tào khang nghĩa ở cho bền
Liễu mai hòa hợp đôi bên thuận hòa.

Cách chơi bài chòi ở các tỉnh tương đối giống nhau, nhưng phong nghệ thuật ở mỗi vùng lại khác nhau. Cái tạo ra phong cách riêng ấy là âm nhạc.

Âm nhạc Bài chòi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là những bài dân ca Bắc Trung bộ như Hát ru con, Hát vè, Hò giã gạo, Hò khoan. Những điệu dân ca này đã tạo ra cách hát, cách trình diễn rất mộc mạc, dung dị của các anh chị Hiệu. Họ hát, họ diễn tương tự với lối hát, lối diễn trong không gian thực hành lao động, là nơi những điệu hát đó được sinh ra.

Âm nhạc Bài chòi ở các tỉnh Quảng Nam, Tp. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có 6 điệu hát dành riêng chỉ để hát Bài chòi. Đó là các điệu Xuân nữ cổ, Xuân nữ mới, Nam Xuân (còn gọi là Cổ bản), Xàng xê lụy, Xàng xê dựng và Hồ Quảng. Đặc trưng của những điệu hát này là hát theo lối kể chuyện. Tùy vào nội dung lời ca, nghệ nhân có thể chọn lựa hát một điệu hoặc nhiều điệu trong câu hát kể chuyện, nhằm tạo ra sự thay đổi tính chất âm nhạc sáng tối khác nhau. Mỗi điệu trong lối hát kể chuyện chỉ có một câu nhạc cấu trúc trên một câu thơ lục bát. Khi hát nhiều câu thơ lục bát cấu trúc câu nhạc không đổi, chỉ có các bậc âm trong giai điệu là thay đổi nhờ vào sự chuyển đổi thanh điệu của ca từ. Các điệu Xuân Nữ được hát trên thang âm Nam, tính chất âm nhạc nhẹ nhàng, mềm mại. Các điệu Cổ Bản và Xàng Xê được hát trên thang âm Bắc, tính chất âm nhạc vui vẻ, khỏe khắn. Riêng điệu Hồ Quảng được hát trên thang âm Bắc nhưng có âm hưởng nhạc Quảng Đông Trung Quốc, tính chất âm nhạc trong sáng, tươi trẻ.

Nhạc cụ đệm cho hát Bài chòi xưa kia chỉ có đàn Nhị, Kèn bóp, Song Loan và trống Chiến, giờ đây đã có thêm đàn Bầu và Ghi ta phím lõm.

Từ lối hô bài chòi trong các hội chơi Bài chòi, dần dà các nghệ sỹ ở hội chơi Bài chòi đã sáng tạo ra lối độc diễn bài chòi. Đây là sản phẩm chỉ có ở Bài chòi Nam Trung bộ (từ Đà Nẵng vào đến Ninh Thuận). Các nghệ nhân Độc diễn Bài chòi Nam Trung bộ không còn hát những câu Hô Thai ngắn gọn như của các anh chị Hiệu trong hội chơi. Họ chuyển sang hát những truyện thơ dân gian như Lâm Sanh-Xuân Nương, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa. Họ vừa hát kể chuyện, vừa đóng tất cả các vai trong câu truyện kể. Nhân vật nào cũng được họ lột tả tính cách một cách chân thật, không khoa trương.

Từ nghệ thuật độc diễn Bài chòi, các nghệ nhân Bài chòi đã đưa "bài chòi độc diễn" lên dên trên sâu khấu sơ khai, có đôi ba nhân vật, gọi là "Bài chòi giàn". Năm 1956 các nghệ sỹ Bài chòi đã chuyển cách diễn bài chòi giàn, thành sân khấu Bài chòi hiện đại với tên gọi "Đoàn Dân ca kịch Liên khu V".

Ngày nay Bài chòi được UNESCO công nhận bởi: Bài chòi là trò chơi dân giã, chơi để vui, chơi để thử vận may, chơi để nghe ca hát. Bài chòi có hàng ngàn câu Hô Thai, hàng vài chục câu truyện kể có nội dung xã hội phong phú và sâu sắc. Bài chòi giữ vai trò quan trọng gắn kết tình cảm cộng đồng trong suốt trường kì lịch sử. Nhờ vậy, cho mãi tới hôm nay, Bài chòi vẫn được công chúng Trung bộ Việt Nam yêu thích và thực hành.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...