Đôi điều về “nhạc chế” nhìn từ Hà Nội...
Cách đây 6 năm, một sự kiện âm nhạc làm xôn xao dư luận báo chí ở Thủ đô và cả nước, đó là việc Tập đoàn Công nghệ thông tin lớn nhất Việt nam – Công ty FPT ở Hà Nội đã sử dụng bài hát quen thuộc “Đoàn Vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu để soạn lời mới cho đơn vị của mình Báo chí phản đối, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng bất bình. Sau đó Công ty FPT đã đến gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để xin lỗi và hứa bỏ bài “nhạc chế” ấy. Cứ ngỡ sau vụ việc này sẽ không còn tình trạng tương tự. Nhưng ngược lại càng xuất hiện nhiều “nhạc chế” hơn, kể cả trên Đài Truyền hình.
Đó cũng chưa kể đến “nhạc chế” trong cả quảng cáo. Và cứ thế trên thị trường âm nhạc rộ lên những sản phẩm có nội dung vô cùng nhảm nhí, dung tục, càng nghe càng hư tai. Người ta gọi đó là nạn nhạc chế, nhạc xuyên tạc, bởi đặc điểm chung của những “nhạc phẩm” này là chế biến, xuyên tạc phần lời từ nhiều bài hát quen thuộc. Đáng chú ý là trong khi các cơ quan quản lý văn hóa còn lúng túng chưa biết giải quyết ra sao thì nhạc chế ngày càng có nguy cơ bùng phát thành một “bệnh dịch vô văn hóa” lây lan trong giới trẻ.
Tôi đến họp phụ huynh Trường Tiểu học cho cháu nội, hoặc đến trường mẫu giáo để đón cháu ngoại. Trước cổng trường và cả trong sân trường, tôi và các phụ huynh khác đều trố mắt nhìn nhau khi được nghe những lời “nhạc chế” tào lao ấy, nhiều lần chỉ có “cười trừ”, bởi đâu chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng “khoe giọng”.
Đến khuôn viên các trường Đại học, các “quán cóc” xung quanh, tôi đã không thể cười nổi vì được nghe “nhạc chế”, càng ngỡ ngàng hơn khi đến sân chơi của trẻ con mà nghe các cháu thản nhiên nghêu ngao hát nhạc chế. Rõ ràng người lớn không hát, không “đầu têu” thì lấy đâu bọn trẻ thuộc?
Ở Hà Nội, dân “nghiện chế” không lạ gì chợ băng đĩa lậu Đồng Xuân hay chợ Giời. Tốc độ lây lan của thứ nhạc rác rưởi này còn mạnh mẻ hơn khi nó được in sang vào băng, đĩa và được đội quân bán dạo đem cung cấp khắp các hang cùng ngõ hẻm.
Đôi khi chỉ cần tiếng Guitar gỗ đệm bập bùng và giọng hát nhừa nhựa lè nhè của người say là “chế sĩ” có thể hát một cách vô tư, những lời ca có nội dung ủng hộ cờ bạc, ma túy, mại dâm.... Theo các bậc đàn anh về âm nhạc thì không phải đến bây giờ loại nhạc xuyên tạc này mới có ở nước ta, nhưng đúng là chưa lúc nào mức độ phát tán của “nhạc chế” lại trở nên rộng rãi dưới nhiều hình thức như hiện nay. Từ nhạc đỏ, đồng quê, đến pop, rock, rap... tất cả đều có thể “chế” thành một thể loại nhạc xuyên tạc, có những đoạn rap toàn tiếng chửi thề rồi lăng mạ nhau vô lối. Nguy hiểm hơn khi lẫn trong các ca khúc cổ súy cho lối sống buông thả, thác loạn có cả những bài hát xuyên tạc, bôi xấu chế độ. Từ băng,đĩa “nhạc chế” được in sang CD, rồi VCD, đĩa nén MP3, MP4; từ những bản nhạc audio, giờ đây người ta còn sản xuất thành video clip “chế” có phần minh họa hình ảnh là các cô người mẫu mặc bikini uốn éo, đi lại khoe cơ thể. Lại còn có cả loại đĩa "nhạc chế lồng với các đoạn phim “sex” trở thành thứ văn hóa phẩm đồi trụy hết sức tục tĩu. Vậy mà, theo một chủ cửa hiệu băng đĩa ở chợ Giời thì những đĩa “chế bikini” hay “chế sex”đang là hàng nóng, ngày nào cũng có khách hỏi mua và sức tiêu thụ không bao giờ dưới 10 đĩa/ngày.
Sự nguy hại ở chỗ, đa phần “khán thính giả” của thứ nhạc vô bổ và dung tục này lại là giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Họ không chỉ cổ súy cho “nhạc chế” bằng việc tích cực mua băng đĩa mà giờ đây họ còn có một hình thức hữu hiệu hơn để chạy theo “cơn sốt” nhạc chế: Đó là mạng internet. Bởi vì nó có đặc điểm là lưu giữ vô số bản nhạc xuyên tạc và lại được bổ sung hàng ngày về... mức độ bậy bạ. Thế nên lượng người truy cập để nghe “chế” là rất lớn. Mới nhìn lướt qua vài trang web tôi đã thấy có những bài chế “đắt khách” nhất với hơn 300.000 lượt người nghe, và hàng chục ngàn “thính giả”. Có thể thấy, loại “nhạc chế” trên internet đang lan tỏa rất nhanh, mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ. Với những nội dung bệnh hoạn, lệnh lạc, ca từ thô bỉ thì đúng là “nhạc chế” không còn dừng lại ở chỗ nghe cho vui nữa - Như lời một vài bạn trẻ đã nói với tôi. Bởi lẽ nghe qua một lần vỗ tay cười, nhưng nghe nhiều lần rồi tán thưởng thì sẽ trở nên lố bịch. Tình trạng thiếu chặt chẽ trong kiểm soát mạng đã góp phần cho “nhạc chế” có điều kiện “bành trướng” đất sống, ai muốn upload bao nhiêu, download thế nào cũng được.
Là công dân của Thủ đô, tôi rất tự hào với những việc đã làm được trong lĩnh vực âm nhạc thời gian qua. Tệ nạn “nhạc chế” này là một khách quan mà ta phải hứng chịu. Tôi đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng các Sở, các Hội có liên quan nên ngồi lại bàn cách hạn chế “bệnh dịch” này (nếu chưa thể ngăn chặn đươc), góp phần làm cho môi trường văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô ngày càng lành mạnh, xứng đáng với truyền thống văn minh lịch sự của người Tràng An.
Thiết nghĩ, bên cạnh các cơ quan quản lý Văn hóa, An ninh cần phải xiết chặt hoạt động thanh, kiểm tra của các trang web, diễn đàn âm nhạc trên internet và cửa hàng kinh doanh băng đĩa, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, uốn nắn thẩm mỹ âm nhạc của học sinh, con em mình, để có thể loại trừ ra khỏi đời sống “bệnh dịch vô văn hóa” mang tên “nhạc chế” sớm ngày nào tốt ngày ấy.Tôi có cảm giác ta đang loay hoay về cái “nạn” này.
Bước đầu để góp phần “ôn hòa” và tạo hướng đi cho những người thích “Chế”. Theo tôi các “Chế sĩ” không lấy các ca khúc quen thuộc có tên tác giả, nó đụng chạm xúc phạm đến nhạc sĩ, mà cho phép và khuyến khích soạn lời theo các làn điệu dân ca các miền quen thuộc. Một điệu dân ca có thể viết 10 lời khác nhau, miễn là hay, kể cả phê phán thói hư tật xấu. Nghĩa là cần chọn lọc về ngôn từ, không thô thiển, không dung tục bôi bác. Điều này từ xưa tới nay ta vẫn làm.
Cũng có thể Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp với các Sở chuyên ngành tổ chức cuộc thi “Viết lời cho các làn điệu Dân ca” thu hút được các “Chế sĩ” đi theo hướng lành mạnh hơn. Sân chơi ấy sẽ chuyển hướng về những nội dung có ích. Biết đâu sẽ xuất hiện nhiều tác giả trẻ có thế mạnh về việc đặt lời cho dòng nhạc này.
Tôi cho rằng chúng ta phải có quyết tâm giải quyết dứt điểm từng bước, ngay từ bây giờ. Thời gian sẽ làm chồng chất thêm những khó khăn và bất hợp lý. Bởi lẽ, cái được bắt đầu một cách kiên quyết từ hôm nay mới có thể là hiệu quả của mai sau.
Trong nhiều niềm vui của âm nhạc Hà Nội, tôi xin “lấy” ra một chút lo lắng, rất mong các nhạc sĩ đàn anh, quý vị và các bạn gần xa cùng trao đổi cùng chia sẻ. Mong rằng sắp tới chúng ta sẽ có “điểm cộng” nhiều hơn “điểm trừ”, “mỉm cười” nhiều hơn “lo âu”.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 33 - Số Xuân)