Đôi điều về khai thác chất liệu âm nhạc dân gian trong sáng tác ca khúc mới

22/04/2014

Từ những thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam, khai thác sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian đưa vào trong sáng tác ca khúc mới đã được các nhạc sỹ vận dụng thành công, đó là các nhạc sỹ lão thành: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận…Tác phẩm của các cụ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng thuộc nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong nền âm nhạc Việt Nam.


Nhạc sĩ Dương Đức (photo: Nguyễn Thị Minh Châu)

Việc kế thừa và phát triển âm nhạc truyền thống có hai phương thức: một là đặt lời mới cho dân ca (bình cũ, rượi mới), hai là khai thác sử dụng chất liệu dân ca đưa vào trong sáng tác mới (ca khúc hoặc nhạc không lời). Vấn đề đặt lời mới cho dân ca, đây là công việc của tác giả soạn lời tôi xin phép không đề cập tới, xin được phép trao đổi đôi điều về sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống trong sáng tác ca khúc.

Trong những năm qua các nhạc sỹ đã khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống thuộc lĩnh vực dân ca Việt Nam đưa vào trong sáng tác ca khúc và đã có nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ thành công, gây được dấu ấn trong công chúng yêu âm nhạc, có thể nói đây là điều đáng mừng, là thành công lớn cho một hướng đi trong sáng tạo nghệ thuật của Hội nhạc sỹ Việt Nam nói chung và cá nhân các nhạc sỹ nói riêng. Có được thành công ấy là nhờ sự say mê sáng tạo, lòng yêu mến nền âm nhạc truyền thống của các nhạc sỹ, sự chỉ đạo và quan tâm của lãnh đạo Hội nhạc sỹ Việt Nam với một vấn đề mang một ý nghĩa quan trọng mà nhiều năm qua trong nghị quyết đại hội đặt ra đó là âm nhạc truyền thống và đương đại.

Vấn đề tôi muốn trao đổi là tính chắt lọc, sự vừa và đủ (liều lượng) trong việc khai thác, sử dụng chất liệu dân ca. Nhìn lại các ca khúc thành công viết theo âm hưởng âm nhạc truyền thống, các nhạc sỹ đã chọn lọc được những tiết tấu và âm điệu đặc trưng nhất trong các làn điệu truyền thống, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống vừa đủ, thủ pháp kết hợp và phát triển khéo léo giữa âm nhạc truyền thống với hiện đại, âm nhạc và lời ca hài hòa nên các tác phẩm được công chúng đón nhận, có sức phổ biến sâu rộng. Một số tác phẩm phát triển chất liệu âm nhạc truyền thống có thể nói rất hay nhưng dùng thủ pháp phát triển hiện đại quá nên sức phổ biến trong công chúng ít nhiều còn hạn chế, những tác phẩm này chỉ dành cho những ca sỹ chuyên nghiệp hát, thậm chí chỉ một vài ca sỹ chuyên nghiệp hát thành công - tất nhiên chúng ta vẫn cần có những tác phẩm đỉnh cao như vậy song viết ca khúc cho công chúng và để cho công chúng hát thì cũng cần tính đến sự vừa sức, tới tầm trong phát triển âm nhạc và sáng tạo nghệ thuật, quần chúng thường thích những vấn đề bình dân hơn. Nhạc sỹ Phó Đức Phương có nhiều ca khúc sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống rất hay được các nhạc sỹ chuyên nghiệp kính nể, song ca khúc của ông được quần chúng yêu thích nhất, phổ biến rộng rãi trong công chúng, trong các hội diễn và các hoạt động tập thể công chúng lúc nào cũng hát lại là bài: “ Những cô gái quan họ”, “ Về quê”.

Nhìn chung các tác phẩm viết theo phong cách dân gian sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống phần lớn là các ca khúc viết cho người lớn, các ca khúc cho thiếu nhi còn quá ít kể cả về số lượng và chất lượng, điều này các nhạc sỹ đều biết nhưng để viết cho các em thì ít nhạc sỹ quan tâm. Tôi mong muốn có nhiều nhạc sỹ đưa chất liệu dân ca vào ca khúc viết cho các em nhỏ để các em có điều kiện tiếp cận với ca khúc mới mang âm hưởng truyền thống, để công tác giáo dục âm nhạc truyền thống đến với các em dễ dàng hơn. Xin mạo muội đề xuất với Hội nhạc sỹ: nếu có thể thì Hội NSVN nên kết hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi mang âm hưởng truyền thống dân tộc Việt Nam, chắc chắn sẽ được nhiều nhạc sỹ hưởng ứng .

Đất nước ta có nhiều dân tộc anh em nên kho tàng âm nhạc dân gian rất phong phú, các nhạc sỹ thỏa sức khai thác, kế thừa, phát triển trong sáng tạo nghệ thuật, chúc các nhạc sỹ sức khỏe, có nhiều sáng tác mới trong mang âm hưởng truyền thống và hơi thở của thời đại.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...