Độc đáo ban nhạc giao hưởng toàn nữ
Ở Afghanistan có một ban nhạc giao hưởng độc đáo nhất thế giới bởi vì toàn bộ thành viên đều là nữ giới. Afghanistan nổi tiếng là xã hội Hồi giáo cực kỳ khắt khe và vô cùng nguy hiểm cho những phụ nữ trẻ tuổi dám bước chân rời khỏi căn nhà gia đình mà không có đàn ông đi kèm theo.
Người thành lập Ahmad Naser Sarmast – nhà âm nhạc học 54 tuổi, sống và làm việc tại Kabul - cho biết ban nhạc có tên gọi là Zohra – theo tên một nữ thần âm nhạc trong văn học Ba Tư.
Ban nhạc giao hưởng Zohra bắt đầu chuyến lưu diễn châu Âu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) hồi giữa tháng 1-2017 và kết thúc vào cuối tháng này tại thành phố Weimar miền trung nước Đức. Ahmad Naser Sarmast – người may mắn sống sót trong vụ đánh bom khủng bố liều chết tại Kabul năm 2014 - thú thật sứ mạng của ông là nỗ lực phục hồi truyền thống âm nhạc phong phú của Afghanistan bị quên lãng trong suốt nhiều thập niên chiến tranh triền miên. Ban nhạc độc đáo của Sarmast lúc mới được thành lập chỉ có khoảng 4 hay 5 thành viên và nay đã quy tụ 30 người độ tuổi từ 14-20. Theo Sarmast.
Ý tưởng thành lập ban nhạc toàn nữ đến từ một nhóm nữ sinh của Sarmast. Nhiều thành viên ban nhạc Zohra là học trò của Sarmast tại Viện Âm nhạc Quốc gia Afghanistan (ANIM) ở thủ đô Kabul. Theo trang web của ANIM, trẻ con rất muốn trở thành học trò của Sarmast để được thử nghiệm khả năng âm nhạc.
Trong chuyến lưu diễn châu Âu, các thành viên Zohra đều mặc trang phục thêu truyền thống Afghanistan và đội khăn màu sáng hay bao gồm 3 màu xanh, đỏ và đen (màu lá cờ của Afghanistan). Zohra chơi các nhạc cụ truyền thống vùng Nam Á như đàn sitar, rubab và tabla. Negin Khpolwak, một trong 2 nữ nhạc trưởng của Zohra, thú nhận cô cảm thấy rất hồi hộp mỗi khi bước ra sân khấu tràn ngập ánh sáng, song âm nhạc nhanh chóng giúp cô trấn tĩnh lại.
Khpolwak giãi bày bằng tiếng Dari: “Tôi nhìn thấy nụ cười trên gương mặt những cô gái trẻ khi họ chơi đàn và thế là tôi không còn nghĩ đến điều gì khác ngoài âm nhạc. Toàn bộ sự chú ý của tôi chỉ tập trung vào âm nhạc”.
Negin Khpolwak, 19 tuổi, xuất thân từ tỉnh miền đông Kunar bất ổn, thuộc tộc người Pashtun bảo thủ và thống trị ở Afghanistan trong thời gian dài. Do ngôi làng quê hương không có trường học mà gia đình cũng không có tiền để đóng học phí cho nên người cha gửi Khpolwak vào một cô nhi viện ở Kabul và cũng chính tại đây mà cô gái trẻ được tuyển vào ANIM.
Sự pha trộn nhẹ nhàng giữa dân ca Afghanistan và nhạc cổ điển phương Tây cho thấy Sarmast không chỉ chú trọng đến âm nhạc truyền thống nước nhà. Sarmast mong muốn đưa âm nhạc truyền thống vào trường học ở Afghanistan song “điều đó cần có thời gian”. ANIM của Sarmast hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ nước ngoài – trong đó bao gồm Đại sứ quán Mỹ ở Kabul – và các giáo viên phương Tây. Tâm huyết đào tạo một thế hệ nhạc sĩ nữ của Sarmast dễ dẫn đến nguy cơ chọc giận xã hội Afghanistan bảo thủ, song ông không có sự lựa chọn khác.
Sarmast tuyên bố: “Afghanistan nên đi theo con đường của những quốc gia khác. Những cô gái và phụ nữ Afghanistan phải được hưởng tự do. Chúng ta không thể xây dựng được một xã hội dân chủ ở Afghanistan nếu chúng ta chối bỏ một nửa dân số của đất nước”.
Sarmast cũng thẳng thắn đánh giá phụ nữ làm việc tốt hơn đối tác nam giới: “Đối với tôi, chắc chắn Zohra sẽ trở thành ban nhạc quốc gia đầu tiên của Afghanistan bởi vì các nhạc sĩ nữ có kỷ luật nhiều hơn nam giới”.
An ninh cũng là vấn đề đáng lo ngại cho ban nhạc giao hưởng Zohra. Sau lần thoát chết trong vụ đánh bom ở Kabul, Sarmast rất đề cao cảnh giác đối với bất cứ mối đe dọa nào cho thành viên ban nhạc của ông. Dĩ nhiên, Sarmast đặc biệt quan tâm theo dõi thường xuyên mạng xã hội và phương tiện truyền thông Afghanistan để nhận biết sớm mối nguy hiểm.
Sarmast giải thích: “Chúng tôi đang làm việc trong môi trường có hàng triệu người ủng hộ song cũng có không ít kẻ thù – bọn người có tư tưởng thân Taliban”. Negin Khpolwak nhấn mạnh các mối đe dọa vẫn không khiến cho cô rời xa âm nhạc. Và cả Zarifa Adiba cũng vậy.
Adiba, nữ nhạc trưởng chỉ mới 18 tuổi, từ chối tiết lộ tộc người của mình. Adiba chào đời tại tỉnh Ghazni, nơi nằm dưới sự cai trị của Taliban và là một trong nhiều vùng mà ở đó những cô gái trẻ bị ép phải lấy chồng hơn là đến trường. Adiba có nhiều tham vọng: “Tôi yêu âm nhạc từ nhỏ và mẹ tôi là người ủng hộ nhiệt tình. Tôi cũng muốn trở thành ca sĩ nhạc pop”. Adiba khởi đầu với sáo flute trước khi khám phá những nhạc cụ khác.
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn)